Hội thảo được tổ chức trực tuyến nhằm bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch Tham gia hội thảo có thành viên dự án đến từ các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam và các đối tác châu Âu. Các cơ sở Việt Nam gồm: Đại học Hà Nội; Đại học Bưu chính Viễn thông Hà Nội; Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Đại học Thái Nguyên; Đại học Nội vụ; Cao đẳng Du lịch Hà Nội; Đại học Hạ Long và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tại hội thảo cũng có sự tham dự của 2 thành viên mới gồm Đại học Tây Bắc và Đại học Phú Xuân. Các đối tác đến từ châu Âu bao gồm: Hiệp hội các trường đại học AlmaLaurea (Italia), Đại học Barcelona và Cơ quan đánh giá và kiểm định chất lượng quốc gia ANECA (Tây Ban Nha). Các thành viên trong ban quản lý dự án Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia hội thảo Về phía Học viện Báo chí và Tuyên truyền có các thành viên trong ban quản lý dự án gồm Ban Hợp tác quốc tế, Ban Quản lý đào tạo, Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và Khoa Xã hội học. Các thành viên tham gia tập huấn gồm điều phối viên dự án, cán bộ nghiên cứu, cán bộ hành chính và cán bộ công nghệ thông tin. Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Dorel Manitiu, điều phối viên Dự án của Hiệp hội các trường đại học AlmaLaura cảm ơn các đối tác Việt Nam tích cực triển khai các hoạt động của dự án bảo đảm tiến độ. Ông cho rằng, đây là nỗ lực và cam kết rất lớn của các trường thành viên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. TS. Dorel Manitui, Điều phối viên dự án, Hiệp hội các trường Đại học AlmaLaurea trao đổi ý kiến trong hội thảo Trong khuôn khổ hội thảo, các thành viên đã thảo luận và thống nhất nội dung bảng hỏi và kế hoạch khảo sát sinh viên tốt nghiệp. Bảng hỏi cần phù hợp với mục tiêu của dự án đồng thời đáp ứng được yêu cầu khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài nội dung chung, bảng hỏi sẽ có câu hỏi dành riêng cho từng đối tượng và từng trường. Phiên thảo luận về bảng hỏi do ThS. Ngô Phương Dung, Đại học Hà Nội điều hành. Các thành viên đã thảo luận, thống nhất tiến độ triển khai bảng hỏi trong thời gian tới. Các đối tác dự án đến từ châu Âu cũng có phiên trình bày và giới thiệu nội dung gói công việc số 4 "Nâng cao năng lực đội ngũ và hỗ trợ cải cách các chính sách". Ông Pablo Onate, đại diện Cơ quan đánh giá và kiểm định chất lượng quốc gia ANECA; bà Silvia Galeazzi, đại diện Đại học Barcelona (Tây Ban Nha) và bà Claudia Girotti, đại diện Hiệp hội các trường đại học AlmaLaurea (Italia) đã trình bày kinh nghiệm sử dụng dữ liệu khảo sát sinh viên tốt nghiệp để hỗ trợ cải cách quản trị và chất lượng giáo dục đại học, cơ chế và cách tiếp cận đảm bảo chất lượng và quản trị của chính phủ đối với các trường đại học ở Việt Nam. TS. Dorel Manitiu, Điều phối viên dự án MOTIVE và TS. Vũ Thanh Vân, Điều phối viên dự án tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trình bày về phương thức truyền thông cho dự án và việc xây dựng sổ tay dự án. Sổ tay dự án nhằm chia sẻ những kinh nghiệm hay của các thành viên trong công tác quản lý dự án, kêu gọi doanh nghiệp và sinh viên đăng ký thông tin trên hệ thống, khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp… Các thành viên thống nhất phân công một cán bộ tham gia biên soạn cuốn sổ tay và dự kiến sẽ hoàn thành cuốn sổ tay trong tháng 11/2021. TS. Vũ Thanh Vân, điều phối viên dự án của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trình bày về công tác truyền thông dự án Tại phiên thảo luận với gần 20 đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, các thành viên đã trao đổi khả năng kết nối giữa doanh nghiệp và sinh viên. lợi thế của nền tảng http://motive.edu.vn của dự án là thông tin sinh viên được chính các trường đại học xác minh nên thông tin có độ chính xác cao. Tuy nhiên, nền tảng và cách thức trình bày CV của sinh viên trên hệ thống còn nhiều hạn chế như giao diện chưa hấp dẫn, nội dung chưa được sắp xếp hợp lý… Trong khuôn khổ hội thảo, dự án phát động cuộc thi viết bài dành cho sinh viên các trường đại học của dự án MOTIVE với chủ đề "Sinh viên tốt nghiệp và thị trường lao động". Sinh viên hệ đại học và cao học có thể gửi bài viết dự thi về các chủ đề: Hệ thống giáo dục, xã hội và kinh tế Việt Nam; Chất lượng hệ thống giáo dục đại học; Nhân lực giáo dục đại học; Cấu trúc thị trường lao động, những thuận lợi và thách thức; Giáo dục đại học trong tình hình dịch Covid-19… Hạn nộp bài là ngày 31/11/2021. Sinh viên có bài viết xuất sắc sẽ được dự án đài thọ chi phí tham dự và trình bày tại hội thảo tổng kết dự án ở Bologna (Italia) dự kiến vào giữa năm 2022. Đại diện các doanh nghiệp phát biểu trao đổi về cách thức tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp và sinh viên Hội thảo “Cách thức sử dụng dữ liệu khảo sát sinh viên tốt nghiệp để hỗ trợ cải cách quản trị và đảm bảo chất lượng tại trường đại học” đã diễn ra thành công và đạt được những nội dung đề ra. Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện bảng hỏi và tiến hành khảo sát sinh viên tốt nghiệp. Dự án cũng sẽ tập trung phát triển mạng lưới các doanh nghiệp, đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp trên nền tảng http://motive.edu.vn nhằm tạo cơ hội việc làm phù hợp cho sinh viên. Dự án MOTIVE nhằm nghiên cứu thực trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam từ đó đưa ra khuyến nghị để đổi mới chính sách, nâng cao chất lượng đào tạo đại học tại Việt Nam và thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Dự án đồng thời hướng tới tăng cường sự kết nối giữa sinh viên và doanh nghiệp nhằm nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Dự án do chương trình Erasmus+ của Liên minh châu Âu tài trợ.