Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu tại Đại hội. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những thành tích của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời chỉ ra những định hướng lớn để tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trước những yêu cầu mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trải qua 94 năm hình thành và phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, Công đoàn Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Tổ chức công đoàn được củng cố, phát triển, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở tăng nhanh, đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công đoàn mở rộng hoạt động sang khu vực kinh tế ngoài nhà nước; phối hợp ngày càng hiệu quả với các cấp chính quyền, các tổ chức và người sử dụng lao động, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tiếp tục được đổi mới, đa dạng hóa, hướng về cơ sở. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng rãi, thu hút, khơi dậy động lực của đoàn viên, người lao động, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Giai đoạn đầu của nhiệm kỳ 2018-2023, hoạt động của các cấp Công đoàn đã triển khai có nhiều thuận lợi trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, cùng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột vũ trang xảy ra ở nhiều nơi, sự suy giảm kinh tế thương mại và lạm phát toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động và hoạt động của Công đoàn. Vào cuối nhiệm kỳ, tình trạng thiếu việc làm của người lao động diễn ra trên diện rộng, số người lao động phải rời các doanh nghiệp về quê hoặc chuyển sang khu vực phi chính thức tăng nhanh. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, quyết liệt, duy trì việc làm, bảo đảm thu nhập, giảm thiểu khó khăn cho người lao động. Từ đó, tạo cơ sở chính trị vững chắc để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đại hội đại biểu toàn quốc Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII đã tập trung làm rõ các nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy tổ chức Công đoàn Việt Nam, phong trào công nhân lao động có bước phát triển mới, góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đối với đất nước và dân tộc. Các nội dung được thảo luận tại Đại hội hướng tới mục tiêu: Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động. Thành công của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VIII đã tiếp tục khẳng định Công đoàn là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; có vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng kỳ này mang đến cho bạn đọc hai bài viết hữu ích. Bài thứ nhất: “Kiên quyết giữ vững nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo đảm nguồn sức mạnh vô địch, vô tận của Đảng” của PGS,TS. Trần Thị Hương. Gắn bó mật thiết với nhân dân là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng, là cội nguồn sức mạnh nội sinh của Đảng, bảo đảm vai trò cầm quyền duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời là một trong năm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Nhận thức được tầm quan trọng của nguyên tắc, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, bóp méo bản chất của nguyên tắc, thổi phồng, nói xấu, moi móc, hạ bệ Đảng, nhằm chia rẽ Đảng với nhân dân; lôi kéo, kích động, tách nhân dân ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho nhân dân xa Đảng, mất niềm tin, thậm chí đối lập với Đảng. Cần nhận diện các thủ đoạn sai trái của các thế lực thù địch về nguyên tắc Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, từ đó có các biện pháp đấu tranh phản bác, kiên quyết giữ vững nguyên tắc, bảo đảm nguồn sức mạnh vô địch, vô tận của Đảng. Bài thứ hai: “Vai trò của sách văn học đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch” của TS. Trần Thị Hồng Hoa. Ngày nay, ở Việt Nam, sách văn học chiếm thị phần khá lớn trên thị trường, là dòng sách tiếp cận được đông đảo độc giả, nhưng cũng là dòng sách có thể có các vấn đề nhạy cảm về chính trị, đạo đức, tôn giáo, thẩm mỹ… được cài cắm khéo léo dưới lớp vỏ ngôn từ. Việc biên tập, hoàn thiện các bản thảo sách văn học có ý nghĩa lớn trong việc truyền bá và định hướng công tác văn hóa - tư tưởng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn các quan điểm sai trái thù địch. Tiếp đến là chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc nhiều bài viết có giá trị khoa học sâu sắc, ý nghĩa. Bài viết “Nhận thức và vận dụng quy luật và các mối quan hệ lớn sâu gần 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội” của PGS,TS. Vũ Văn Hà. Nhận thức, vận dụng các quy luật và giải quyết các mối quan hệ trong thực tiễn phát triển là một quá trình, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện và cũng vì vậy kết quả trong vận dụng các quy luật, giải quyết các mối quan hệ cũng có những bước thành công và hạn chế gắn liền với nhận thức và các điều kiện lịch sử cụ thể. Bài viết này tập trung phân tích quá trình nhận thức và vận dụng quy luật và các mối quan hệ lớn sau gần 50 năm thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Bài viết “Một số giải pháp cơ bản nhằm xây dựng và phát triển văn hóa từ chức ở Việt Nam hiện nay” của PGS,TS. Nguyễn Xuân Phong. Văn hóa từ chức ở Việt Nam còn kém phát triển, điều này là sự tập hợp của nhiều nguyên nhân. Trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội và xu thế toàn cầu hóa hiện nay thì đòi hỏi phải xây dựng một nền chính trị tiến bộ, nhân văn là tất yếu. Trong đó sự phát triển của văn hóa chính trị, văn hóa từ chức có ý nghĩa quan trọng. Bài viết tập trung đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa từ chức ở Việt Nam hiện nay. Bài viết “Kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở Việt Nam - quy định và hướng hoàn thiện” của TS. Trần Thị Bình và ThS. Hoàng Thị Lan Anh. Kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại hành chính là nội dung cần thiết để duy trì và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đối với trật tự hành chính và trật tự quản lý nhà nước. Bài viết đi sâu phân tích khái niệm, đặc điểm của kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính, các quy định về kiểm soát quyền lực, thực trạng hoạt động kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại tố cáo hành chính, đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại tố cáo hành chính. Ngoài ra, trong bài viết này còn có các bài viết của các tác giả khác như, bài viết “Những tác động của chính sách xã hội đến đời sống của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay” của ThS. Phạm Văn Đông; bài viết “Vai trò của xã hội học trong quản lý và bảo vệ môi trường ở Việt Nam” của PGS,TS. Lê Thị Thanh Hà và TS. Nguyễn Thị Lan; bài viết “Vấn đề quyền tác giả ảnh báo chí ở Việt Nam hiện nay” của TS. Vũ Huyền Nga; bài viết “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam hiện nay” của TS. Hà Văn Hậu. Kế tiếp là chuyên mục Thực tiễn - Kinh nghiệm mang đến cho bạn đọc nhiều bài viết có ý nghĩa giá trị thực tiễn. Bài viết “Thành tựu lý luận của tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới” của TS. Nguyễn Thị Thu Hường. Đến Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc, tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội (CNXH) đặc sắc Trung Quốc thời đại mới với “mười điều làm rõ”, “mười bốn kiên trì”, “hiện đại hóa mô hình Trung Quốc”… đã phát triển thành một hệ thống lý luận, là thành tựu mới của Trung Quốc trong quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác. Bài viết làm rõ điều kiện lịch sử ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển, ý nghĩa cốt lõi và nội dung cốt lõi của tư tưởng này, đồng thời nêu ra một số giá trị tham khảo đối với Việt Nam. Bài viết “Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản: thành tựu và triển vọng” của TS. Phạm Lê Dạ Hương. Từ khi nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm đối tác chiến lược sâu rộng năm 2014, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng được củng cố và phát triển toàn diện hơn. Các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật… đều được đôi bên chú trọng hợp tác, ngày một đi vào thực chất. Bài viết sẽ điểm lại những thành tựu của quan hệ Việt Nam - Nhật Bản từ năm 2014 đến nay, trên cơ sở đó đưa ra một số đánh giá về triển vọng mối quan hệ này trong thời gian tới. Bài viết “Heydar Aliyev: Sứ mệnh lịch sử trong việc xây dựng tình hữu nghị của Azerbaijan và Việt Nam” của TS. Trần Hoa Lê. Ngày 10/5/2023, Đại sứ quán Azerbaijan đã tổ chức chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Lãnh tụ dân tộc Azerbaijan Heydar Aliyev (10/5/1923-10/5/2023), một trong số các sự kiện đó phải nói đến Hội nghị với tiêu đề: “Heydar Aliyev: Sứ mệnh lịch sử trong việc xây dựng tình hữu nghị giữa Azerbaijan và Việt Nam”. Bài viết trình bày vài nét khái quát về cố Tổng thống Heydar Aliyev. Vai trò của ông trong xây dựng mối quan hệ hữu nghị Azerbaijan và Việt Nam và triển vọng phát triển mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Azerbaijan. Trong chuyên mục này còn có những bài viết khác như, bài viết “Kinh nghiệm quản lý dự án hợp tác quốc tế của KOICA, Hàn Quốc” của TS. Lê Thu Hà; bài viết “Quyền cạnh tranh đảng phái ở Châu Phi hiện nay - từ pháp lý đến thực tiễn” của TS. Phạm Thị Hoa; bài viết “Thực hiện Nghị định 60/2021/NĐ-CP về tự chủ tài chính: những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý, sử dụng tài chính tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền” của TS. Trương Thị Hằng; bài viết “Kinh nghiệm của Đảng bộ tỉnh An Giang trong lãnh đạo thực hiện công tác giảm nghèo đối với vùng đồng bào dân tộc” của TS. Hồ Ngọc Trường. Các chuyên mục khác như Chuông làng báo; Sự kiện - Bình luận tiếp tục mang đến cho bạn đọc những bài viết giá trị. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!