Đảng Cộng sản Việt nam ra đời kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân trọn vẹn nhất cho sự kết hợp đó, là tiêu biểu sáng ngời cho sự kết hợp giai cấp và dân tộc, dân tộc và quốc tế, độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội. Kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 3/2/1930 cho đến nay, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những kỳ tích vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập à ngay từ khi ra đời, Đảng đã có Cương lĩnh chính trị xác định đúng đắn con đường cách mạng là giải phóng dân tộc theo phương hướng cách mạng vô sản, chính là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời đã nắm được ngọn cờ lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam; giải quyết được tình trạng khủng hoảng về đường lối cách mạng, về giai cấp lãnh đạo cách mạng diễn ra đầu thế kỷ XX, mở ra con đường và phương hướng phát triển mới cho đất nước Việt Nam. Chính đường lối này là cơ sở đảm bảo cho sự tập hợp lực lượng và sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc cùng chung tư tưởng và hành động để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại giành những thắng lợi to lớn sau này. Kỷ niệm 94 năm, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào mừng Xuân Giáp Thìn – 2024 là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, của đất nước và toàn thể nhân dân ta, trên con đường phát triển của thời kỳ mới; đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, co sý nghĩa sâu sắc và thiết thực. Là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy niềm tự hào chính đáng về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Cách mạng Việt Nam vĩ đại; Đảng ta luôn vì dân, vì nước, vì sự phát triển phồn vinh của Tổ quốc và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Việt Nam ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tiếp đến là chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giới thiệu đến bạn đọc hai bài viết. Bài thứ nhất “Đổi mới nội dung, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” của GS, TS. Lê Văn Lợi. Cho đến nay, Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (ngày 22/10/2018) về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã được ban hành hơn 5 năm. Đây là một Nghị quyết tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội và có những dấu ấn nổi bật. Tuy nhiên, trong những năm tiếp theo, tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp; đất nước có nhiều sự kiện chính trị trọng đại; các thế lực thù địch tiếp tục có những thủ đoạn, phương thức thức chống phá mới ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Điều đó đòi hỏi cần phải có những đổi mới cả về nội dung và hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Bài thứ hai “Phê phán quan điểm cho rằng: cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái trong Đảng và Nhà nước là “cuộc đấu đá nội bộ”” của ThS. Vũ Thị Hường. Gần đây, lợi dụng một số vụ việc tham nhũng và tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một số cán bộ, đảng viên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đã lên tiếng quy chụp, coi đó là hiện tượng phổ biến, là bản chất của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước ta. Họ cho rằng thực chất cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái chỉ là một cuộc đấu đá nội bộ “thanh trừng phe phái”. Vì vậy việc nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay. Chuyên mục Nghiên cứu – Trao đổi kỳ này giới thiệu đến bạn đọc nhiều bài viết bổ ích. Bài viết “Nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về thực hành đạo đức cách mạng theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam” của PGS,TS. Bùi Thị Kim Hậu. Đạo đức cách mạng là tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu của những người cộng sản, của một đảng cách mạng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta xác định “phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”. Đến nay, nghị quyết đại hội XIII của Đảng tiếp tục được toàn đảng, toàn dân và toàn quân tổ chức triển khai và thực hiện từ trung ương đến cơ sở trong đó có nội dung về thực hành đạo đức cách mạng. Bài viết tập trung làm rõ việc nâng cao nhận thức về thực hành đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo tinh thần đại hội XIII của Đảng. Đây là vấn đề liên quan đến sự “trong sạch và vững mạnh” của Đảng, đến thắng lợi của sự nghiệp “xây dựng chủ nghĩa xã hội” ở nước ta hiện nay. Bài viết “Giải quyết hài hòa các mối quan hệ - nguyên tắc căn bản trong triết lý phát triển Hồ Chí Minh” của TS. Lê Thị Thúy Bình. Trong một xã hội bao giờ cũng tồn tại nhiều mối quan hệ đan xen và sự phát triển bền vững của xã hội phụ thuộc lớn vào việc giải quyết hài hòa các mối quan hệ ấy. Trên hành trình tìm đường, nhận đường và dẫn đường cho cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh nhận thấy có bốn mối quan hệ lớn cần phải giải quyết để hướng tới mục tiêu phát triển, đó là quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và giai cấp, dân tộc và quốc tế, con người và tự nhiên. Sự gắn bó hài hòa giữa các mặt, các yếu tố này và việc giải quyết một cách thấu đáo các mối quan hệ trên tinh thần biện chứng duy vật, theo Hồ Chí Minh, chính là chìa khóa quan trọng của sự phát triển xã hội. Bài viết “Tập hợp, đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc” của TS. Đặng Thanh Phương. Giai cấp công nhân là lực lượng cơ bản, nòng cốt trong khối liên minh công – nông- trí thức, là động lực, nội lực của khối đại đoàn kết dân tộc. Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh - nhân tố quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc, đồng thời góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Bài viết đề cập đến thực trạng tập hợp, đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam và đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm tập hợp, đoàn kết, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay. Trong chuyên mục còn có những bài viết khác như: bài viết “Chủ trương của Đảng về tôn giáo đồng hành cùng dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh” của PGS,TS Doãn Thị Chín và TS. Trần Thị Thúy Ngọc; bài viết “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội – sự lựa chọn tất yếu, khách quan của cách mạng Việt Nam” của TS. Vũ Ngọc Lương; bài viết “Năng lực của nhà báo cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh” của PGS, TS. Đinh Thị Thu Hằng; bài viết “Sản phẩm số và tòa soạn báo chí số” của PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng; bài viết “Kể chuyện bằng hình ảnh – từ góc nhìn phương pháp sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí” của ThS. Phạm Thị Mai Liên; bài viết “Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, marketing xuất bản phẩm” của TS. Trần Chí Đạt. Kế tiếp là chuyên mục Thực tiễn – Kinh nghiệm giới thiệu đến bạn đọc những bài viết giàu giá trị thực tiễn. Bài viết “Quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc về nhận thức và giải quyết mâu thuẫn nhằm xây dựng xã hội ổn định và hài hòa trong chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” của PGS, TS. Nguyễn Minh Hoàn. Đánh giá mười năm bước vào thời đại mới xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, Báo cáo chính trị của Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc một lần nữa tiếp tục nhấn mạnh tinh thần trong việc nhận thức và giải quyết mâu thuẫn nhằm đảm bảo sự ổn định xã hội của Trung Quốc. Có thể thấy, ổn định xã hội có ý nghĩa quyết định tới vận mệnh đất nước, lợi ích của nhân dân, đảm bảo một môi trường đoàn kết phấn đấu cho xây dựng toàn diện một cường quốc hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa (XHCN). Trên tinh thần đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn nhấn mạnh việc kiên định không dao động đi theo đường lối quản trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, đẩy mạnh vững chắc cùng nhau giàu có, bảo vệ và thúc đẩy công bằng và chính nghĩa xã hội, sáng tạo cơ chế có tính hệ thống để phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả những mâu thuẫn cũng như những nguy cơ xã hội, bảo đảm cho xã hội vừa tràn đầy sức sống, vừa có một trật tự hài hoà. Bài viết “Một số vấn đề trong hoạt động xuất bản sách dịch tại Việt Nam hiện nay” của TS. Vũ Thị Ngọc Thùy. Xuất bản sách dịch (XBSD) ở nước ta trong những năm qua đã có nhiều bước tiến dài, tuy nhiên vẫn còn tồn tại những vấn đề cần được nhìn nhận như tổ chức bản thảo sách dịch vẫn có sự mất cân đối giữa cơ cấu thể loại sách dịch, ngôn ngữ dịch và tỷ lệ giữa sách dịch xuôi và sách dịch ngược. Trong công tác cộng tác viên thì vấn đề nhuận bút cho dịch giả là rào cản cho hoạt động tạo nguyên liệu bản thảo đầu vào cho XBSD. Về chất lượng dịch, vẫn tồn tại những sách dịch chưa đạt chất lượng. Hiện tượng sách dịch không có bản quyền, sách lậu, sách giả tồn tại trong nhiều năm và chưa có dấu hiệu cải thiện. Ngoài ra, trong chuyên mục còn có những bài viết khác như: bài viết “Nhận diện triết lý giáo dục của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong thời đại số” của TS. Nguyễn Vân Hạnh; bài viết “Những bài học thực tiễn từ những chuyến kiến tập của sinh viên khoa Quan hệ quốc tế tại nước ngoài” của PGS, TS. Nguyễn Ngọc Oanh; bài viết “Chân dung người tiêu dùng trong môi trường truyền thông trực tuyến” của ThS. Nguyễn Thị Thùy Linh. Các chuyên mục khác như Chuông làng báo; Sự kiện – Bình luận tiếp tục mang đến cho bạn đọc những bài viết giá trị, bổ ích. Xin trân trọng giới thiệu!