Trong năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám đốc, các cơ quan chức năng cùng sự phối hợp cộng tác của các thầy, cô giáo, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Học viện, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông đã thực hiện giấy phép xuất bản mới số 213/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 13.4.2021. Theo đó, Tạp chí được phép xuất bản Tạp chí in tiếng Việt thường kỳ 12 số/năm; Tạp chí in tiếng Việt số Chuyên đề 02 số/năm; Tạp chí in tiếng Anh 02 số/năm và Tạp chí điện tử tiếng Việt và tiếng Anh, góp phần phục vụ đắc lực cho việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng của Học viện. Chào đón năm 2022, trong không khí sôi nổi hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tự hào, tự tin tiếp nối truyền thống đoàn kết, phát huy thế mạnh của đội ngũ cán bộ trường Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để vươn tới những tầm vóc mới, giá trị mới. Kính chúc các đồng chí, các bạn và gia đình một năm mới An khang thịnh vượng! Mở đầu là bài xã luận “Năm 2022 phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2021” truyền tải niềm tin và khát vọng trong một năm mới với nhiều thành công mới. Tiếp đó là bài viết: “Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và còn đường đi lên CNXH ở Việt Nam” - một tác phẩm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn” của GS,TS Tạ Ngọc Tấn. Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tác phẩm có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Đây là công trình tổng kết việc vận dụng sáng tạo và phát triển những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và bối cảnh thế giới từ sau những năm 80 thế kỷ XX. Kế tiếp là bài: “Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Những kết quả đạt được trong năm 2021 và định hướng phát triển trong năm 2022” của PGS, TS Phạm Minh Sơn. Năm 2021 khép lại với nhiều sự kiện quan trọng đối với đất nước và đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tạo thêm niềm tin và hứng khởi cho toàn thể nhân dân và cán bộ, viên chức, người lao động Học viện. Đây cũng là năm đầu tiên Học viện thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lần thứ III, đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện Báo chí và Tuyên truyền lần thứ XI. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm, chung sức đồng lòng để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các hoạt động của Học viện cơ bản chuyển sang hình thức trực tuyến với không ít những khó khăn, thách thức. Năm 2021 cũng ghi nhận nhiều sự thay đổi trong tổ chức bộ máy và nhân sự của Học viện, nhất là sự ra đi bất ngờ, đột ngột của người đứng đầu Nhà trường. Mặc dù vậy, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám đốc, cùng sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã vượt qua những khó khăn, thách thức và hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022 và những năm tiếp theo đối với Học viện là rất lớn, yêu cầu đặt ra đối với tất cả các mặt công tác ngày càng cao, nhưng đó là trách nhiệm, là vinh dự của Học viện Báo chí và Tuyên truyền mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ to lớn đó, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên và sinh viên Nhà trường cần giữ vững và tăng cường khối đoàn kết thống nhất, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Nhà trường, tiến hành đổi mới một cách mạnh mẽ, sáng tạo và có hiệu quả. Với tinh thần, khí thế và truyền thống 60 năm vẻ vang, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ngày càng phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Tiếp theo là chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giới thiệu đến bạn đọc bài viết: “Định hướng, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên môi trường mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay” của PGS, TS Mai Đức Ngọc. Với ưu thế tốc độ lan truyền thông tin nhanh, diện thông tin rộng, Internet, mạng xã hội dần trở thành nhu cầu trong đời sống của con người, tạo ra nhiều lợi ích đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, do có tính mở, với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, nhiều khi bị xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo, vì vậy không gian mạng mang đến không ít thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây cũng là công cụ mà các thế lực thù địch, phản động gia tăng các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì thế, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là một yêu cầu cấp thiết giai đoạn hiện nay. Bài viết đề xuất một số định hướng, giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới. Chuyên mục Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống mang đến cho bạn đọc nhiều bài viết giá trị. Bài viết: “Quan điểm định hướng của Đảng về đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của GS,TS Trần Văn Phòng. Bài viết phân tích, làm rõ 6 quan điểm định hướng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ: Gắn đẩy mạnh đổi mới sáng tạo với tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ; vì mục tiêu phát triển sản xuất để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững; phù hợp thực tiễn Việt Nam; phù hợp với xu thế phát triển khoa học, công nghệ hiện đại; trên cơ sở đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển khoa học, công nghệ; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, cùng với phát huy vai trò tích cực của đội ngũ trí thức và doanh nhân. Bài viết: “Một số điểm mới về xây dựng Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và một số giải pháp thực hiện” của tác giả PGS,TS Lê Văn Lợi. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua những văn kiện quan trọng, trong đó vấn đề xây dựng Đảng được đề cập xứng tầm của “nhiệm vụ then chốt”, đồng thời có nhiều điểm mới nổi bật. Để góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc triển khai thực hiện chủ trương của Đại hội XIII của Đảng về công tác xây dựng Đảng, bài viết phân tích những điểm mới về xây dựng Đảng đặt trong Văn kiện Đại hội và đề xuất một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Bài viết: “Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong mọi chiến lược phát triển đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng” của PGS,TS Nguyễn Ngọc Hà. Nhờ tập hợp, tổ chức được đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; được nhân dân hết lòng tin tưởng, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ Đảng, để thực hiện lý tưởng của Đảng mà Đảng đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giành lại và bảo vệ, củng cố vững chắc nền độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, kiến tạo nền dân chủ nhân dân. Điểm mới, rất quan trọng của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chính là tiếp tục nhất quán quan điểm “dân làm gốc”, giữ vai trò nền tảng, đồng thời nhân dân ở “vị trí trung tâm”, lan tỏa và hội tụ, tác động nhiều chiều đến mọi lĩnh vực, lực lượng, tổ chức khác; tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn, cụ thể hoá quan điểm “dân là chủ” với một số quyền mới, đồng thời xác định “vai trò chủ thể” của nhân dân, mà thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thực ra chỉ là một điều kiện quan trọng để nhân dân giữ vững và phát huy vai trò chủ thể trong sự nghiệp cách mạng. Bài viết: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong giai đoạn mới” của PGS,TS Trương Ngọc Nam. Năm 2021 khởi đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đất nước đã gặp phải những khó khăn, thử thách hết sức to lớn, nhưng sự kết thúc của năm cũ, bước sang năm 2022 với những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, cho ta một niềm tin và kỳ vọng về đất nước ta sẽ đạt những mục tiêu mà Đảng đã đề ra. Trong mọi hoàn cảnh, ở mọi giai đoạn cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi cả những mục tiêu, nhiệm vụ trước mắt và tầm nhìn lâu dài, đòi hỏi Đảng phải đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn, đổi mới nội dung, phương thức, để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Tiếp đến là chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi giới thiệu đến bạn đọc những bài viết hữu ích như: Bài viết: “Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng bất tận về cách mạng và văn hóa của nhân loại” của PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ. Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới. Ở Người, có sự hội tụ, kết hợp và phát huy đến mức cao nhất, hoàn mỹ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc và thời đại, phương Đông và phương Tây, cổ và kim, trí dũng và nhân văn, vĩ đại và giản dị, khiêm nhường. Người là nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người cũng là nguồn cảm hứng chưa bao giờ ngừng nghỉ của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nghệ sĩ ở nhiều loại hình báo chí và nghệ thuật khác nhau. Bài viết: “Thế trận lòng dân trong văn hóa giữ nước” của GS,TS Mạch Quang Thắng. Cách mạng phải tự bảo vệ. Giá trị văn hoá Việt Nam trong dòng chảy truyền thống hiện nay có căn nguyên từ đời nối đời của sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Giá trị đó được hiển hiện vững chắc nhất là lòng dân đối với sự phát triển tiến bộ của đất nước. Nước độc lập, hùng cường, dân tự do, ấm no, hạnh phúc tạo ra thế trận vững chắc cho đất nước phát triển. Thế trận lòng dân, do đó là một giá trị cực kỳ quý báu của văn hoá giữ nước, cần được giữ gìn và phát huy trong giai đoạn hiện nay Bài viết: “Đổi mới tư duy về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam” của PGS,TS Hoàng Phúc Lâm. Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra đường lối mở cửa kinh tế, chuyển nền kinh tế sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, Đảng ta đã từng bước mở rộng, hoàn thiện nhận thức về nhu cầu hội nhập quốc tế một cách chủ động, tích cực, toàn diện, sâu rộng phù hợp với điều kiện của đất nước và yêu cầu thực tiễn đặt ra, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Bài viết này tập trung làm rõ sự đổi mới tư duy chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam trên 02 phương diện: (1) Đổi mới tư duy đối ngoại và (2) Đổi mới tư duy hội nhập quốc tế. Bài viết: “Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quy luật vận động của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân” của TS Nguyễn Đức Hạnh. Đặc điểm lịch sử nổi bật của thời đại cách mạng dân chủ nhân dân đó là sự lớn mạnh của phong trào quần chúng nhân dân trong mọi cuộc vận động xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp vô sản. Bản thân sự ra đời và phát triển của nền văn hoá văn nghệ mới ở Việt Nam trong giai đoạn cuộc cách mạng dân chủ nhân dân gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Việc xác lập vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng nền văn hoá văn nghệ mới, gắn với những cuộc đấu tranh cách mạng có chiều hướng tiến bộ lịch sử đã tạo điều kiện cho nền văn nghệ nhân dân phát triển hợp quy luật. Bài viết: “Báo chí - truyền thông trong thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay” của PGS,TS Nguyễn Xuân Phong. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, mục tiêu này được cụ thể thành các nhiệm vụ khác nhau. Để tuyên truyền thực hiện được có hiệu quả các nhiệm vụ lịch sử quan trọng đó thì vai trò của báo chí - truyền thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đó chính là những nội dung mà bài viết này muốn đề cập đến. Bài viết: “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực báo chí - truyền thông” của PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang. Nhu cầu báo chí - truyền thông (BC-TT) nói chung và sản xuất nội dung BC-TT nói riêng đang và sẽ bùng nổ trong kỷ nguyên số. Các tổ chức công và tư đều cần phải tương tác và gắn kết với nhiều nhóm khách hàng và đối tác khác nhau trên các nền tảng số, mạng xã hội. Hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp đang rất “khát” nhân sự làm về truyền thông và nội dung, nhu cầu này được dự báo sẽ gia tăng mạnh trong những năm tới. Điều này đặt ra nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức cho các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực BC-TT. Chuyển đổi số trong đào tạo BC-TT không chỉ dừng lại ở việc số hóa (digitization) và ứng dụng công nghệ (digitalization) mà đang buộc các cơ sở đào tạo phải tư duy lại toàn bộ phương thức hoạt động của mình cũng như các sản phẩm đào tạo cung cấp cho thị trường, cho xã hội nói chung. Bài viết: “Đào tạo báo chí trong bối cảnh mới” của PGS,TS Đinh Thị Thu Hằng. Khoa học công nghệ phát triển đã tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, thay đổi thói quen, điều kiện tiếp nhận thông tin của công chúng và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của báo chí. Sự thay đổi của báo chí trong môi trường số đã đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề đào tạo nhà báo tại các cơ sở đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Yêu cầu đặt ra đối với các cơ sở đào tạo báo chí là không chỉ tạo nguồn nhân lực báo chí thích ứng với yêu cầu mới mà còn đặt nền tảng để nguồn nhân lực thích ứng trong thời gian dài hơn do bối cảnh công nghệ thay đổi và phát triển rất nhanh. Kế tiếp là chuyên mục Thực tiễn - Kinh nghiệm số này mang đến cho bạn đọc nhiều bài viết giàu giá trị thực tiễn như: Bài viết: “Xứng đáng là cơ sở duy nhất đào tạo và nghiên cứu về khoa học công tác tư tưởng” của TS Lương Ngọc Vĩnh. Khoa Tuyên truyền là một trong những khoa ra đời sớm nhất của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện). Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, Khoa đã trở thành cơ sở duy nhất trên cả nước đào tạo cán bộ và nghiên cứu về khoa học công tác tư tưởng. Những thành tựu của Khoa Tuyên truyền đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng như chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo của cả nước. Phát huy truyền thống vẻ vang, tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Tuyên truyền đang tích cực đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học về công tác tư tưởng, văn hóa và truyền thông chính sách góp phần cùng cả nước khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bài viết: “Truyền thông và niềm tin xã hội trong giai đoạn hiện nay” của PGS,TS Phạm Hương Trà. Niềm tin xã hội có vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong thời đại bùng nổ truyền thông như hiện nay. Cá nhân chúng ta không thể thấy hạnh phúc với cuộc sống nếu nhìn xung quanh ai, thông tin nào cũng thấy không đáng tin cậy. Bài viết phân tích về vai trò của niềm tin xã hội, của truyền thông trong định hướng về nhận thức, thái độ, hành vi đối với các cá nhân, nhóm xã hội. Từ đó, đưa ra một số phân tích ảnh hưởng của truyền thông đến niềm tin xã hội của các nhóm xã hội. Bài viết: “Xây dựng mô hình Câu lạc bộ Truyền thông Trẻ của sinh viên góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền” của PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng. Phát huy lợi thế là cơ sở đào tạo báo chí truyền thông lớn nhất trong cả nước, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã xây dựng, thử nghiệm, thực thi và phát triển mô hình Câu lạc bộ (CLB) Truyền thông Trẻ - mô hình truyền thông đồng đẳng với đội ngũ sinh viên có năng lực sản xuất sản phẩm số bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Mô hình thể hiện một phương thức truyền thông mới trên Internet, phù hợp nhu cầu, thị hiếu của giới trẻ trong nhận thức, hành vi về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Đặc biệt, trong số này, chuyên mục Đảng - Mùa Xuân - Nhân dân - Tổ quốc đưa bạn đọc đến với những trang thơ xuân, những bài viết giàu cảm xúc về con người, về mùa Xuân, quê hương, đất nước,… như: bài viết “Những lần nhìn lại mình để lớn lên” của tác giả Phạm Quang Long, bài viết “Mùa Xuân - ý Đảng - lòng dân” của tác giả Trần Thị Kim Dung, bài viết “Khi nhà lãnh đạo cũng là nghệ sỹ” của tác giả Nguyễn Thị Tuyết Thu, bài viết “Những ngày giáp Tết” của tác giả Trương Thị Thu Quyên, bài viết “Năm Nhâm Dần tản mạn về Chúa sơn lâm, suy ngẫm về văn hóa Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thị Hồng, bài viết “Hình tượng Hổ trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam” của tác giả Tạ Đức Tuấn, bài viết “Khát vọng mãnh liệt” của tác giả Nguyễn Quốc Trí. Các chuyên mục khác như: Chuông làng báo, Sự kiện - Bình luận tiếp tục mang lại cho bạn đọc những bài viết sâu sắc. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!