Báo chí cách mạng Việt Nam là một nền báo chí kiểu mới, do Đảng Cộng sản tổ chức, lãnh đạo; lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng chính trị, tư tưởng. Đó là nền báo chí của nhân dân vì lợi ích cao cả của nhân dân. Lý tưởng, mục tiêu, tôn chỉ cao nhất của báo chí cách mạng Việt Nam là góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân; xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, tôn chỉ mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện lập trường chính trị kiên định, tính chiến đấu cao, luôn đi tiên phong trong mọi phong trào. Báo chí là công việc đòi hỏi người làm báo phải có tư duy nhạy bén, có sự nhạy cảm và bản lĩnh chính trị vững vàng; có năng lực phân tích, đánh giá đúng và trúng những vấn đề đang diễn ra và dự báo xu hướng vận động trong đời sống xã hội; người làm báo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, sứ mệnh nghề nghiệp, có khả năng thích ứng với thời cuộc, nắm bắt và làm chủ công nghệ hiện đại, hội nhập với báo chí, truyền thông quốc tế; đồng thời giữ bản sắc và kiên định phẩm chất của người làm báo cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6 năm nay, hơn bao giờ hết khát vọng phát triển đất nước đang được khơi dậy mạnh mẽ trong đội ngũ những người làm báo với bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có ý thức đạo đức nghề nghiệp, ý thức phục vụ Đảng, phục vụ đất nước và nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân và danh dự của cá nhân nhà báo trên từng trang viết để đồng hành cùng đất nước và dân tộc trong giai đoạn lịch sử vẻ vang mới. Tiếp đến là chuyên mục Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống với bài viết: “Vận dụng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý báo chí Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” của PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng. Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giới thiệu đến bạn đọc một bài viết: “Góp thêm căn cứ phản bác luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế ở Việt Nam” của TS Lê Đức Hoàng và ThS Lưu Thị Thu Phương. Trong các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, có luận điệu phủ nhận tư tưởng của Người về kinh tế nhiều thành phần. Thực tế, Hồ Chí Minh có nhiều bài viết, bài nói chuyện bàn về những nội dung liên quan đến phát triển kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam và hợp tác kinh tế quốc tế. Đó là tư tưởng về xây dựng, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, có nhiều hình thức sở hữu, kinh tế quốc doanh luôn đóng vai trò chủ đạo và có vai trò của nhà nước đối với các thành phần kinh tế khác; gợi ý cho chúng ta nhiều luận điểm về hội nhập kinh tế quốc tế. Bài viết là những luận chứng góp thêm một số tư liệu vào việc phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là phủ nhận tư tưởng của Người về kinh tế. Chuyên mục Nghiên cứu – Trao đổi mang đến cho bạn đọc những bài viết giá trị. Bài viết: “Ý nghĩa lịch sử và thời đại hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh” của PGS,TS Nguyễn Thị Trường Giang. Ngày 05.6.1911, sự kiện Hồ Chí Minh với tên gọi Văn Ba rời bến Nhà Rồng xuống tàu Đô đốc Latouche - Tréville lên đường sang Pháp đã trở thành một dấu mốc và bước ngoặt quan trọng với cách mạng và dân tộc Việt Nam. Tròn 110 năm từ đó đến nay, con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Người mở ra đã đưa dân tộc ta từ đói khổ, lầm than, trở thành nước Việt Nam độc lập - tự do - hạnh phúc; một quốc gia có chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh. Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của sự kiện vẫn còn nguyên giá trị, trở thành động lực mạnh mẽ cho Đảng ta tiếp nối ngọn cờ vinh quang “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” mà Người trao lại. Bài viết: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” của ThS Tô Thị Oanh. Dân chủ là giá trị chính trị - xã hội mà nhân loại luôn hướng đến. Ở Việt Nam, dân chủ xã hội chủ nghĩa (XHCN) vừa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa động lực của sự phát triển đất nước. Trải qua các thời kỳ phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhất quán quan điểm chiến lược này. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII có phát triển, bổ sung một số luận điểm mới trong phát huy dân chủ XHCN, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước. Bài viết: “Đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực lý luận chính trị ở Việt Nam hiện nay” của TS Phan Thị Thanh Hải. Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học lý luận chính trị (LLCT) bao gồm những công trình nghiên cứu nhằm làm rõ bản chất, tính quy luật của các mối quan hệ chính trị và sự kiện và quá trình chính trị - xã hội, hướng đến phục vụ các nhiệm vụ chính trị của giai cấp mà nó phản ánh lợi ích. Nghiên cứu cơ bản trong LLCT ở nước ta là nhiệm vụ chính trị - khoa học của Đảng, là điều kiện đảm bảo thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng. Bài viết trình bày chức năng, đặc điểm và vai trò của nghiên cứu cơ bản, phân tích yêu cầu khách quan phát triển nghiên cứu cơ bản lĩnh vực LLCT và những giải pháp nhằm đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực LLCT ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, cũng trong chuyên mục này còn có những bài viết khác như: Bài viết “Báo chí cách mạng với việc xây dựng giá trị chân – thiện – mỹ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư” của PGS,TS Nguyễn Thị Tuyết Thu và PGS,TS Nguyễn Thanh Tú; bài viết “Năng lực của người lãnh đạo, quản lý báo chí – truyền thông” của PGS,TS Đinh Thị Thu Hằng; bài viết “Nghiên cứu vấn đề nữ quyền qua góc nhìn báo chí – truyền thông” của PGS, TS Nguyễn Thành Lợi và ThS Nguyễn Thị Hằng; bài viết: “Bốn áp lực và sáu giải pháp phát triển truyền hình ở Việt Nam trong thời đại số” của TS Đinh Thị Xuân Hòa. Chuyên mục Thực tiễn – Kinh nghiệm tiếp tục mang lại cho bạn đọc nhiều bài viết bổ ích. Bài viết “Luận bàn về hiện tượng “cha truyền con nối”, “cả nhà làm quan” với công tác cán bộ hiện nay của TS Trần Văn Thạch. “Cha truyền con nối”, “cả nhà làm quan” là một hiện tượng mang tính hai mặt: vừa khẳng định tính kế thừa chức năng về truyền thống của các gia đình; vừa ẩn chứa những hiểm họa trong công tác cán bộ khi quyền lực xã hội bị thao túng bởi lợi ích cục bộ của gia đình, dòng họ. Từ việc tích hợp các kinh nghiệm đã qua trong lịch sử dân tộc, bài viết đề xuất một số giải pháp góp phần khắc chế sự lạm dụng quyền lực xã hội vì “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ hiện nay. Bài viết: “Xây dựng và phát triển thương hiệu đào tạo báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền” của PGS,TS Hà Huy Phượng. Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trường Đảng, đồng thời là một trường đại học xây dựng trở thành trường trọng điểm quốc gia. Học viện là một cơ sở giáo dục có thương hiệu trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là cơ sở đầu tiên ở Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí chuyên nghiệp, chuyên sâu ở các bậc, hệ khác nhau. Thương hiệu đào tạo báo chí tại Học viện đã được khẳng định và cần tiếp tục được giữ vững, phát huy và phát triển trong bối cảnh bùng nổ truyền thông, thời đại số. Bài viết: “Vấn đề hoạt động kinh tế trong cơ quan báo chí phát triển theo hướng đa phương tiện ở nước ta” của PGS,TS Phạm Thị Thanh Tịnh. Hiện nay, báo mạng điện tử đã dần chiếm ưu thế hơn hẳn so với các loại hình báo chí truyền thống về tốc độ sản xuất tin bài và ứng dụng các tính năng đa phương tiện. Trước sự cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình và nhu cầu đa dạng của công chúng, các cơ quan báo chí có xu hướng chuyển dần sang mô hình hội tụ tích hợp sản xuất nhiều loại hình báo chí trên các nền tảng khác nhau. Việc thay đổi về mô hình hoạt động và cơ cấu tổ chức đã đặt ra cho các nhà lãnh đạo và quản lý báo chí nhiều câu hỏi cần phải đáp, trong đó có vấn đề về kinh tế báo chí. Cũng trong chuyên mục này còn có các bài viết khác như: bài viết “Tác động của hội nhập quốc tế đến phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam” của PGS,TS Bùi Thị Kim Hậu và TS Lý Thị Minh Hằng; bài viết “Vai trò của năng lực truyền thông đối với việc hình thành thế hệ công chúng thông minh” của ThS Nguyễn Thị Vân Trang; bài viết “Một số vấn đề cần lưu ý trong biên dịch báo chí” của TS Nguyễn Thị Việt Nga; bài viết “Tăng tính tương tác khi kể chuyện trong hoạt động truyền thông thương hiệu” của ThS Lê Thị Thùy Linh; bài viết “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng qua Internet của người tiêu dùng thế hệ Z tại Thành phố Hà Nội hiện nay” của TS Nguyễn Thị Minh Hiền và Nguyễn Thị Thúy Hoa. Chuyên mục Thông tin – Tư liệu giới thiệu đến bạn đọc một bài viết của TS Trần Thị Hồng Hoa: “Chuyện đời, chuyện nghề của nhà báo qua hồi ký”. Các chuyên mục khác như Chuông làng báo; Sự kiện – Bình luận tiếp tục mang đến bạn đọc những bài viết giá trị. Xin trân trọng giới thiệu!