Năm 2019 là một năm đặc biệt đối với Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông: Kỷ niệm 25 năm ngày ra số đầu tiên và đây cũng là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự phấn đấu vươn lên trở thành tạp chí có uy tín trong lĩnh vực lý luận chính trị, báo chí truyền thông, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nhân dịp này, Ban Biên tập xin trân trọng cảm ơn Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện; cảm ơn sự đồng hành của các tác giả, độc giả trong suốt 25 năm qua để Tạp chí có được những thành công như ngày hôm nay. Với sức Xuân ngập tràn, lòng người vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước trong năm 2019. Đặc biệt, những kết quả đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm qua đã củng cố, bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Niềm tin lớn lao đó đang cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vững tin vào những thắng lợi mới của năm 2020 - năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc Khánh 2.9, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh,… Điều này càng thôi thúc Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tiếp tục phấn đấu vươn lên một tầm vóc mới, vị thế mới. Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông số tháng 1 năm 2020 - số mở đầu cho một năm mới với nhiều sự kiện, giới thiệu đến bạn đọc những bài viết giá trị. Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong số này có hai bài viết: Mở đầu là bài “Chủ nghĩa Mác – Lênin về quyền lực chính trị và ý nghĩa đối với thực tiễn đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay” của tác giả Lưu Văn An: Chủ nghĩa Mác - Lênin coi quyền lực chính trị là mối quan hệ tất yếu, khách quan đối với đời sống xã hội có giai cấp. Các quan hệ quyền lực chính trị mang tính phổ quát trong mọi chế độ chính trị. Vấn đề quyền lực chính trị là mục tiêu trọng tâm, trực tiếp mà giai cấp nào, nhóm xã hội nào cũng muốn giành lấy và chi phối. Giành được quyền lực chính trị là nắm được công cụ cơ bản, trọng yếu để giải quyết quan hệ lợi ích với các giai cấp khác theo hướng có lợi cho giai cấp mình. Trong chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân là giai cấp cầm quyền, vừa lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ lợi ích của nhân dân và lợi ích dân tộc, vừa phải đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia. Hiện nay, các thế lực thù địch ra sức tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản, phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, công kích quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Vì vậy, cần phải nghiên cứu và vận dụng lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhất là về quyền lực chính trị, vào cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Tiếp đó là bài: “Đấu tranh, bảo vệ bản chất cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh” của tác giả Doãn Thị Chín. Bài viết tập trung phê phán một số quan điểm nhằm đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, thực chất là nhằm phủ định chủ nghĩa Mác - Lênin, tiến tới phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Trên cơ sở vạch trần những thủ đoạn để cổ súy cho luận điểm này, tác giả bài viết đã khẳng định bản chất cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời đề xuất giải pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch. Kế tiếp là chuyên mục Nghiên cứu - trao đổi. Mở đầu cho chuyên mục này là bài viết: “Mấy vấn đề về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” của tác giả Tạ Ngọc Tấn. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”. Song, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) là một vấn đề mới, chưa có tiền lệ ở nước ta. Mặt khác, cùng là nhà nước pháp quyền nhưng lại có mô hình tổ chức, cơ chế vận hành rất phong phú, gắn liền với những đặc điểm lịch sử, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới. Chính vì thế, việc nhận thức đầy đủ về nội dung, tính chất, yêu cầu là điều kiện trước tiên quyết định đảm bảo thành công trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN mang những đặc trưng và phù hợp với yêu cầu của Việt Nam. Để góp phần làm rõ thêm điều kiện ấy, trong bài viết này, tác giả trao đổi một số vấn đề về đặc điểm của nhà nước pháp quyền, nhận thức và quan điểm của Đảng ta về nhà nước pháp quyền XHCN và những vấn đề đang đặt ra hiện nay về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam. Tiếp đó là bài viết: “Học thuyết Mác - Lênin về tính quốc tế của Đảng Cộng sản và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam” của hai tác giả Lương Khắc Hiếu, Bùi Thị Kim Hậu. Tính quốc tế của Đảng Cộng sản bắt nguồn sâu xa từ bản chất sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản (GCVS). Nhận thức sớm về điều đó, C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã nêu ra một hệ thống luận điểm quan trọng về tính quốc tế của Đảng Cộng sản và tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, sáng lập ra các tổ chức quốc tế của giai cấp vô sản. Đảng Cộng sản Việt Nam - do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, ngay từ khi ra đời đã nắm bắt được thực chất tính quốc tế của Đảng Cộng sản, đề ra đường lối, chính sách nhằm giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ về lợi ích của giai cấp, dân tộc, nhân loại, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tham gia tích cực vào phong trào cách mạng thế giới và hội nhập quốc tế sâu rộng. Kế tiếp là bài viết: “Chuẩn mực đạo đức cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Mai Đức Ngọc. Bài viết cho thấy, Báo chí là một lĩnh vực có khả năng tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, ảnh hưởng đến tư tưởng, tinh thần và đạo đức quần chúng. Chính vì vậy, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí phải đi đầu, nêu gương trong việc tu dưỡng đạo đức bản thân, xứng đáng là người chiến sỹ trên mặt trện văn hóa tư tưởng. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, đã có những biểu hiện của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút của một bộ phận đảng viên làm công tác báo chí. Từ thực tiễn đó, tác giả bài viết đi sâu phân tích nguyên nhân của sự suy thoái, biến chất nhằm cung cấp thêm cho độc giả những góc nhìn, những biểu hiện mới về sự lệch chuẩn, suy thoái về đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí. Đồng thời, dựa trên những quy định về nghề báo, người viết cũng nêu ra những quy chuẩn đạo đức cơ bản đối với cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí nhằm góp phần hạn chế những biểu hiện tiêu cực và phát huy tính hiệu quả của nền báo chí cách mạng trong tình hình mới. Cũng trong chuyên mục này có bài viết: “Nhận thức thêm về sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh” của tác giả Mạch Quang Thắng. Bài viết khẳng định: Hồ Chí Minh được Đảng Cộng sản Việt Nam tôn vinh là “Anh hùng dân tộc vĩ đại”, được UNESCO tôn vinh là “Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất”, được những người Việt Nam yêu nước cùng thế hệ và những thế hệ sau mình coi là “Bác Hồ” thân thương. Hồ Chí Minh hiện thân cho giá trị giàu lòng bác ái, một con người lấy độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam làm hướng đích; lấy sự nghiệp giải phóng con người Việt Nam và quốc tế làm mục tiêu. Hồ Chí Minh, với cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của mình, sống mãi với bước tiến chung của nhân loại. Ngoài ra, trong chuyên mục này còn có các bài viết: Bài viết “Về chính sách thu hút và đào tạo nhân tài Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển Đất nước” của hai tác giả Dương Xuân Ngọc và Dương Thục Anh; bài viết “Bảo đảm an ninh văn hóa trong lĩnh vực tư tưởng và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Thu Nghĩa; bài viết “Mấy ghi nhận về báo chí quốc ngữ và tiến trình hiện đại hóa nền văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX” của tác giả Nguyễn Đức Hạnh; bài viết “Nhận diện và xử lý tin giả trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay - từ góc nhìn quản lý báo chí truyền thông” của tác giả Đỗ Thị Thu Hằng; bài viết “Vai trò của phát thanh trong xã hội đương đại” của tác giả Đinh Thị Thu Hằng. Chuyên mục Thực tiễn - Kinh nghiệm kỳ này giới thiệu đến bạn đọc bài viết: “Quản lý lễ hội dân gian trong bối cảnh hiện nay” của tác giả Nguyễn Thị Hồng. Lễ hội dân gian ở Việt Nam là sinh hoạt văn hóa có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội dân gian là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần, giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui. Bảo tồn và phát huy giá trị tiêu biểu của lễ hội dân gian trong bối cảnh hiện nay là vấn đề cấp thiết cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc. Tiếp theo là bài viết: “Mô hình tổ chức chính quyền địa phương của Cộng hòa Pháp và những gợi mở cho Việt Nam” của tác giả Nguyễn Xuân Phong. Pháp là một quốc gia phát triển và đã có bề dày về kinh tế, văn hóa, chính trị. Thể chế chính trị cộng hòa lưỡng tính của Pháp được thiết lập để điều hành đời sống chính trị - xã hội ở đây. Thể chế này đã mang lại những thành công lớn cho một quốc gia Tây Âu. Trong các giai đoạn lịch sử, trước những đòi hỏi của đời sống chính trị trong nước và quốc tế mà hệ thống chính trị cộng hòa Pháp có những thay đổi để thích ứng. Có thể nói nền hành chính Pháp mang những nét “bảo thủ” song lại có sự điều chỉnh theo hướng thích ứng với thời cuộc. Trong bài viết, tác giả giới thiệu mô hình tổ chức chính quyền địa phương của Pháp và đề xuất những gợi mở cho Việt Nam trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị. Trong chuyên mục này còn có các bài viết: Bài viết “Tác động của quảng cáo đối với một số vấn đề xã hội” của tác giả Lê Thị Thùy Linh; bài viết “Xây dựng các mô hình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trực tuyến ở Việt Nam trong thời gian tới” của tác giả Trần Hải Minh. Còn chuyên mục Thông tin - Tư liệu kỳ này giới thiệu đến bạn đọc hai bài viết: Bài viết “Thành tựu trong hoạt động ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế ở Việt Nam thời kỳ đổi mới” của hai tác giả Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Minh Đức; bài viết “Thà chịu tội với nhất thời quyết không mắc tội với vạn thế” của tác giả Triệu Triệu. Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông kỳ này có chuyên mục Mùa xuân - Ngày Tết - Chuyện nghề, mang đến cho bạn đọc những bài viết như: Bài viết “Báo chí, truyền thông nâng cao dân trí và theo kịp dân trí” của tác giả Lê Doãn Hợp; bài viết “Để xứng đáng trong lòng bạn đọc” của tác giả Đỗ Chí nghĩa; bài viết “Vẻ đẹp làng quê Việt qua một số bài thơ xuân”; bài viết “Những câu hỏi “tại sao” liên quan đến ngày Tết” của tác giả Phạm Lãi; bài viết “Một số giá trị văn hóa tín ngưỡng trong lễ Tết cổ truyền ở Việt Nam” của tác giả Kim Dung; bài viết “Khói Tết” của tác giả Thu Quyên. Chuyên mục Chuông làng báo, với bài viết: “Dậy sóng” của tác giả Nam Sơn ký giả. Cuối cùng là chuyên mục Sự kiện - Bính luận, giới thiệu đến bạn đọc bài viết: “Từ câu chuyện Việt Nam đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” của tác giả Quốc Tuấn. Xin trận trọng giới thiệu cùng bạn đọc!