Ngày 12.9.2019, Học viện Báo chí và Tuyên truyền long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2019 – 2020. Phát biểu tại Lễ Khai giảng năm học, PGS, TS Trương Ngọc Nam – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã báo cáo những thành tựu nổi bật mà Nhà trường đạt được trong năm học 2018 – 2019; đồng thời, nhấn mạnh sáu nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm học này. Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông trân trọng giới thiệu bài phát biểu của PGS,TS Trương Ngọc Nam tới quý độc giả. Thay vì đến chuyên mục Nghiên cứu, trao đổi như những số thường, với số Tạp chí đặc biệt này là chuyên mục Kỷ niệm 25 Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông ra số đầu tiên. Mở đầu cho chuyên mục này là bài viết của PGS,TS Mai Đức Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông: Vươn tới một tầm vóc mới, vị thế mới. Nếu nói về tiền đề ra đời của Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông hiện nay, có lẽ phải lấy mốc ngày 26.8.1993. Đây là ngày Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) ký Công văn số 2554/BC, cho phép Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) ra tờ thông tin có tên: “Báo chí và Tuyên truyền”. Tờ thông tin đảm trách nhiệm vụ “Thông tin lý luận và nghiệp vụ, thông báo và trao đổi thông tin về các lĩnh vực thuộc các chuyên ngành đào tạo của Học viện, công bố tóm tắt những kết quả nghiên cứu về các lĩnh vực trên, góp phần cung cấp và truyền bá những nội dung tuyên truyền giáo dục của Đảng và Nhà nước, trao đổi nội dung và kinh nghiệm nghiệp vụ trong ngành”. Thời điểm mới ra đời, tờ thông tin là ấn phẩm khoa học nội bộ, được xuất bản mỗi quý một số. Đến tháng 9.1994, ấn phẩm này được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp giấy phép đổi tên thành tờ Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền, với định kỳ 2 tháng/số, dung lượng 48 trang, phát hành 1.200 bản/kỳ. Cuối năm 1994, số đầu tiên của Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền ra mắt bạn đọc. Chính bởi lẽ này, tháng 9.1994 được xem là “tháng sinh”, là “mốc dấu” quan trọng nhất cho sự ra đời của Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông ngày nay. Đến năm 2007, Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền được đổi tên thành Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông. Từ năm 2007 đến tháng 9.2016, Tạp chí xuất bản 1 tháng/1 kỳ, dung lượng 84 trang cả bìa, với số lượng phát hành 1.000 bản/kỳ. Từ tháng 10.2016, Tạp chí được nâng lên 100 trang, kể cả trang bìa, số lượng phát hành vẫn giữ nguyên. Sau 25 năm hoạt động, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông đã trở thành địa chỉ học thuật tin cậy và uy tín, xây dựng được bản sắc và thương hiệu riêng. Hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông phát hành toàn quốc, được nhiều độc giả yêu mến, thu hút được số lượng đông đảo các cộng tác viên là những chính khách, những nhà hoạt động chính trị, nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia viết bài, thẩm định và phản biện. Với tư cách là cơ quan ngôn luận của Học viện Báo chí và Truyên truyền, Tạp chí trở thành diễn đàn trao đổi sản phẩm nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền và của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia ở các ngành lý luận chính trị, báo chí truyền thông và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác trong cả nước. Tạp chí đã tổ chức khai thác và phản ánh thành công những kết quả nghiên cứu lý luận về chủ nghĩ Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lý luận chuyên ngành báo chí, xuất bản, tuyên truyền,… của cán bộ, giảng viên, các tác giả trong và ngoài Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trong hệ thống tạp chí khoa học liên ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch của cả nước, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông được xác lập ở vị trí cao nhất về thương hiệu, uy tín. Tháng 7.2019, Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước đã chính thức nâng điểm các bài viết thuộc lĩnh vực báo chí truyền thông lên tối đa 0,75 điểm - mức điểm cao nhất trong hệ thống các tạp chí thuộc lĩnh vực truyền thông liên ngành. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với những người làm công tác lãnh đạo, quản lý Tạp chí nói riêng, của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, các tác giả - cộng tác viên của Tạp chí nói chung. Có thể tự hào khẳng định, 25 năm qua, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ khoa học được Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền giao cho. Tạp chí đã phát hành 159 số với 159.000 bản, đăng tải trên 4.000 bài báo khoa học, trong đó, nhiều bài có chất lượng cao, được Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước cho điểm tối đa khi xét phong hàm giáo sư, phó giáo sư lĩnh vực báo chí truyền thông. Có thể khẳng định, hiện nay, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông là một yêu cầu cấp thiết, trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và trong bối cảnh hoạt động nghiên cứu khoa học đang được coi trọng, không chỉ ở phạm vi quốc tế, mà còn ở cả trong nước và ở Học viện. Đổi mới, nâng cao chất lượng Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông cũng chính là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội hóa nghiên cứu khoa học của Học viện. 25 năm qua. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tạp chí, Ban Biên tập xin chân thành cảm ơn Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện mọi mặt để Tạp chí phát triển. Ban Biên tập cũng trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các tác giả - cộng tác viên, của độc giả Tạp chí trong suốt 25 năm qua. Thời gian tới, Ban Biên tập sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng nâng cao chất lượng ấn phẩm in, nỗ lực xuất bản ấn phẩm ngoại ăn, ấn phẩm chuyên đề, xuất bản Tạp chí điện tử để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của quý độc giả. Với bề dày 25 năm xây dựng, trưởng thành, chắc chắn rằng trong tương lai không xa, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông sẽ vươn đến một tầm vóc mới, một vị thế mới của một tạp chí khoa học đạt chuẩn khu vực và tự tin vươn mình ra thế giới. Cũng trong chuyên mục Kỷ niệm 25 năm Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông ra số đầu tiên, PGS, TS Phạm Huy Kỳ, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông đã có bài viết: Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông – địa chỉ tin cậy để các nhà khoa học xã hội hóa sản phẩm nghiên cứu. Trong đó, tác giả nhấn mạnh: Trước xu thế đất nước đang đổi mới và hội nhập sâu rộng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang có những bước phát triển mạnh mẽ mang tính đột phá về chương trình, nội dung, phương pháp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông cần xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm để tiếp tục đổi mới hướng tới sự đa dạng, hiện đại về hình thức; phong phú, chất lượng về nội dung, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của độc giả, trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị và kinh nghiệm của 25 năm xây dựng, phát triển. Đồng thời, cần thẳng thắn, khách quan nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, khiếm khuyết để nhanh chóng khắc phục, hoàn thiện. Có như vậy, Tạp chí sẽ tiếp tục khẳng định giá trị và uy tín trong hệ thống các tạp chí khoa học của cả nước và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Học viện. Với tuổi 25 tràn đầy sức trẻ, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông đang không ngừng phát triển, đóng góp quan trọng trong hoạt động thông tin khoa học, xã hội hóa các kết quả nghiên cứu của không chỉ cán bộ, giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mà còn là một địa chỉ đáng tin cậy cho các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý ở Trung ương, địa phương và học viên, nghiên cứu sinh của các cơ sở đào tạo khác để có thể xã hội hóa các kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về các lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hóa và báo chí truyền thông, một số lĩnh vực thuộc khoa học xã hội - nhân văn. Với sự hội tụ niềm tin của các nhân tố bên trong và bên ngoài như trên, chắc chắn sẽ tạo nên thế và lực cho Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới trong tương lai. Góp mặt trong chuyên mục này là tác giả PGS,TS Hà Huy Phượng với bài viết: Một số giải pháp, khuyến nghị góp phần phát triển Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông. Tác giả cho thấy: Những thành tích đạt được của Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông trong 25 năm qua là đáng tự hào. Tuy nhiên, ở chặng đường phát triển tiếp theo, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa - quốc tế hóa, bùng nổ truyền thông, sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, đặt ra cho Ban Biên tập Tạp chí nhiều bài toán khó, cần có lời giải phù hợp. Tác giả đề xuất một số giải pháp và khuyến nghị góp phần phát triển Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông trong thời gian tới. Cụ thể: Về tổ chức nội dung của Tạp chí: Nội dung của Tạp chí cần thể hiện rõ chức năng, nhiệm vụ thông tin; Nội dung của Tạp chí đảm bảo yêu cầu nghiên cứu học thuật trong giáo dục đào tạo; Nội dung của Tạp chí cần phải đáp ứng nhu cầu của công chúng. Về đổi mới, cải tiến hình thức Tạp chí: Quy chuẩn hình thức bài báo khoa học đăng trên Tạp chí; Tổ chức các chuyên mục trên Tạp chí khoa học, hợp lý, ổn định và phong cách; Quy chuẩn sử dụng ngôn ngữ trên Tạp chí; Quy chuẩn về thiết kế, trình bày, in ấn. Vấn đề xuất bản Tạp chí điện tử, vấn đề chuẩn hóa quốc tế và xuất bản Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông bằng tiếng Anh cũng được tác giả đề cập một cách chi tiết. Cũng trong bài viết, tác giả đưa ra một số kiến nghị với mong muốn Tạp chí thực sự trở thành diễn đàn học thuật uy tín trong lĩnh vực lý luận chính trị và truyền thông. Tiếp theo là bà bài viết Vai trò của công tác thiết kế, trình bày trong việc đảm bảo chất lượng Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông của tác giả ThS Trần Thị Kim Dung. Qua bài viết, tác giả khẳng định: Nội dung và hình thức là hai yếu tố cấu thành nên chất lượng xuất bản của tạp chí. Trong đó, nội dung bao hàm tất cả những yếu tố về thông tin bài viết mà tác giả cung cấp cho người đọc bằng chữ viết, hình ảnh, bảng biểu, v.v.. còn hình thức là cách trình bày, bố trí phần chữ, tranh ảnh, chú thích, bảng biểu, v.v.. sao cho độc giả tiếp cận nội dung ở góc độ dễ đọc, dễ nhìn và dễ hiểu nhất. Nếu nói nội dung là nguyên nhân để tạo nên hình thức thì trong mối quan hệ đó, hình thức đóng vai trò là yếu tố hỗ trợ, cấu thành, thể hiện nội dung, làm nổi bật ý đồ nội dung thông qua hình thức. Trong tòa soạn, “người thiết kế trình bày là người làm nên một nửa tờ báo (tờ báo hoàn thiện bao gồm hai yếu tố nội dung và hình thức), người thiết kế trình bày chịu trách nhiệm về hình thức”. Công tác thiết kế và trình bày có vai trò rất lớn đối với việc đảm bảo chất lượng nội dung tạp chí. Thiết kế trình bày đúng, khoa học và nghệ thuật không những thể hiện được mục đích thông tin tuyên truyền của tờ báo mà còn giúp độc giả tiếp nhận thông tin một cách thuận tiện, chính xác, góp phần đưa độc giả đến với tạp chí, tăng lượng phát hành tạp chí. Kết thúc chuyên mục Mấy kỷ niệm nhỏ từ Báo chí và Tuyên truyền đến Lý luận chính trị và Truyền thông là bài viết của ThS Nguyễn Văn Tông, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông. Bài viết đã cho thấy sự gắn bó của tác giả với Tạp chí. Những câu chuyện, những kỷ niệm, những chuyện “bếp núc” của tạp chí được tác giả tái hiện sinh động, lôi cuốn người đọc. Câu chuyện về tạp chí cũng là chuyện đời, chuyện nghề, chuyện một tạp chí trưởng thành cho đến ngày hôm nay. Đặc biệt, cùng với Tạp chí, Khoa Chính trị học cũng kỷ niệm 25 năm thành lập. Vì vậy, chuyên mục tiếp theo của Tạp chí kỳ này là Kỷ niệm 25 năm thành lập Khoa Chính trị học. Mở đầu cho chuyên mục là bài viết Khoa Chính trị học 25 năm xây dựng và phát triển của PGS,TS Nguyễn Xuân Phong (Trưởng Khoa Chính trị học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Bài viết được chia thành 5 mục nhỏ: 1.Quá trình hình thành và phát triển; 2.Cơ cấu tổ chức và nhân lực; 3.Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học; 4.Thành tích của Khoa được ghi nhận; 5.Nguyên nhân thành công và bài học kinh nghiệm. Qua đó, cho chúng ta thấy rằng: Với sự nỗ lực phấn đấu trong suốt 25 năm qua, Khoa Chính trị học đã đạt được nhiều thành tích, những thành tích đó đã được sự ghi nhận của lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo Học viện Báo chí và tuyên truyền bằng những phần thưởng cao quý. Những thành tích đó là nguồn cổ vũ, động viên để cho tập thể Khoa tiếp thêm những động lực mới khi bước vào giai đoạn tiếp theo. Trong giai đoạn tới, hàng loạt những thách thức về đào tạo, hoàn thiện giáo trình, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo,… đòi hỏi Khoa phải nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn nữa thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ cao cả đó. Cũng trong chuyên mục này, tiếp theo là bài viết Phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ khoa học ở Khoa Chính trị học của TS. Phạm Thị Hoa (Phó Khoa Chính trị học). Bài viết khái quát về tính đặc thù và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học đối với cán bộ, giảng viên Khoa Chính trị học; Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở Khoa Chính trị học; Và một số kinh nghiệm phát huy dân chủ trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của Khoa Chính trị học. Tiếp đến là những chuyên mục quen thuộc, làm nên thương hiệu của tạp chí. Mở đầu cho chuyên mục Nghiên cứu, trao đổi là bài viết Sương Nguyệt Anh: đứng giữa trời xanh tiết chẳng rời của GS,TS Tạ Ngọc Tấn. Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Thị Khuê, con gái nhờ thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Cuộc sống của bà sớm phải trải qua nhiều gian truân, vất vả. Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con, nhưng người con gái duy nhất của bà lại mất để lại cháu ngoại bơ vơ, đau khổ hơn, về cuối đời bà lại mắc bệnh mù lòa giống cha. Những tưởng gió bụi cuộc đời sẽ cuốn trôi người góa phụ vào chốn tối tăm cùng cực của cuộc sống. Nhưng trái lại, Nguyễn Thị Khuê luôn phấn đấu nỗ lực hết mình để tồn tại, để sống thực sự có ích cho gia đình và xã hội. Lý tưởng sống tốt đẹp đó đã truyền “lửa” vào các tác phẩm báo chí, văn, thơ của bà, khiến tên tuổi của Sương Nguyệt Anh đã đi vào lịch sử dân tộc với tư cách là một nữ sỹ tài hoa, một nữ chủ bút đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam. Kế tiếp là bài viết Về đối tượng nghiên cứu của Báo chí học của PGS,TS Nguyễn Văn Dững. Ở nước ta hiện nay có hơn 10 cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông đại chúng. Trong đó, Học viện Báo chí và Truyên truyền, Viện đào tạo báo chí và truyền thông của trường Đại học KHXH&NV là nơi đào tạo cả 3 hệ: cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ. Mỗi năm, các cơ sở này cho ra trường với số lượng hơn 1000 sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh. Cùng với quy trình đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực báo chí như, sách tham khảo, chuyên khảo, giáo trình, v.v.. cũng được triển khai và xuất bản hàng năm. Mặc dù có không ít công trình nghiên cứu về lĩnh vực báo chí truyền thông, song lại chưa có một công trình nghiên cứu nào bàn riêng về đối tượng nghiên cứu của báo chí học. Từ thực tiễn trên, tác giả bài viết đã khái quát trình bày một số vấn đề về báo chí, khái niệm về báo chí học và truyền thông đại chúng, đồng thời đưa ra những kiến nghị khoa học với mong muốn tìm được sự thống nhất tương đối về mặt nghiên cứu lý thuyết từ các cơ sở đào tạo chuyên ngành. PGS,TS Nguyễn Đức Luận với bài viết Một số vấn đề lý luận về thể chế kinh tế. Qua bài viết có thể khẳng định rằng, cải cách và đối mới thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế, là gốc dễ tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, đạt được sự thịnh vượng chung. Với tính chất đặc biệt quan trọng của thể chế kinh tế, trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu vấn đề này và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, tìm hiểu công trình của các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng nhận thấy vẫn còn có sự khác biệt nhất định trong việc nhận thức về thể chế kinh tế. Trong bài viết này, tác giả đã đưa ra khái niệm và nội dung thể chế kinh tế trên cơ sở phân tích, khái quát nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Tiếp theo là bài viết Giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của TS Vũ Thị Thu Quyên. Tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH của Hồ Chí Minh bắt nguồn và phát triển từ việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tư tưởng này không những là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc ta mà còn là đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng thế giới. Là một nhà mácxít sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước, đã thức tỉnh nhân dân ta vùng dậy đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, làm cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vạch ra đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Những quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH đang là những chỉ dẫn quan trọng đối với Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp đổi mới hiện nay để đi tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Cũng trong chuyên mục này là các bài viết: Đa dạng tổ chức, hệ phái Tin lành ở Việt Nam – Những vấn đề đặt ra hiện nay của tác giả Bùi Lệ Quyên; Giáo dục ý thức khởi nghiệp cho thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay của tác giả Lê Thị Ninh Thuận. Chuyên mục Thực tiễn – Kinh nghiệm số tháng 9 kỳ này mở đầu là bài viết: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân hiện nay của tác giả ThS Nguyễn Thị Việt Hà. Bài viết khẳng định, trong hệ thống chính trị Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là lực lượng lãnh đạo, vừa là thành viên trong hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội bằng cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng. Đối với hoạt động của hội đồng nhân dân (HĐND), Đảng lãnh đạo thông qua đảng đoàn HĐND, thông qua các hoạt động giám sát của HĐND nhằm bảo đảm thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng tạo cơ chế, điều kiện để phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của HĐND trong thực hiện mục tiêu đổi mới; không bao biện, làm thay nhiệm vụ của HĐND. Bài viết làm rõ vai trò, thực tiễn lãnh đạo của Đảng đối với HĐND; từ đó đưa ra các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với HĐND hiện nay. PGS,TS Bùi Thị Kim Hậu với bài viết: Vận dụng Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương khóa XII về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN” trong giảng dạy chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học đã cho thấy: Thực tiễn đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là cơ sở để kiểm nghiệm, để tiếp tục phát triển học thuyết Mác - Lênin nói chung và chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng. Do đó, trong giảng dạy chủ nghĩa xã hội khoa học, việc vận dụng các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong các văn kiện đại hội, trong các văn kiện của hội nghị trung ương nói chung và Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII nói riêng về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng thêm tính thuyết phục và nâng cao chất lượng giảng dạy trong quá trình đào tạo chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học. Bài viết tiếp theo có tựa đề Nâng cao hiệu quả và tính thực tiễn trong giảng dạy lý luận chính trị cho sinh viên của tác giả Lê Thúy Hường, Hoàng Thị Thu Hiền. Bài viết chỉ rõ, tại các trường đại học, cao đẳng, cùng với việc học tập kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, việc học tập các môn lý luận chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với sinh viên. Tuy nhiên, thực tế giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị thời gian vừa qua đã và đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế nhất định khiến người học không hứng thú học tập, coi nhẹ vai trò, tầm quan trọng của môn học. Cần thiết phải nhìn nhận rõ thực trạng giảng dạy và học tập các môn học này để từ đó có những giải pháp mang tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả và tính thực tiễn trong học tập các môn lý luận chính trị cho sinh viên. Tiếp đến là bài Quản lý các chương trình xã hội hóa trên kênh VTV2, Đài truyền hình Việt Nam: Thực trạng và giải pháp của tác giả Nguyễn Dương Chân. Huy động được mọi nguồn lực của xã hội và giải quyết “bài toán” tự chủ tài chính, đây là lợi ích kép từ việc sản xuất các chương trình xã hội hoá trên truyền hình, nhất là khi, cuộc cách mạng 4.0 đang bùng nổ với tốc độ chóng mặt. Xu thế tất yếu này, đã bắt đầu bao phủ trên diện rộng và kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam (ĐTHVN) cũng không phải là một ngoại lệ. Không ai có thể phủ nhận lợi ích kinh tế từ xu thế ấy, nhưng đó liệu có phải là tất cả? Còn có những băn khoăn gì cần được giải đáp hay không? Kết thúc chuyên mục này là hai bài viết: Truyền thông về hôn nhân có yếu tố nước ngoài trên báo chí – một số tiêu chí cần quan tâm của tác giả Bùi Thị Minh Hải; Thực trạng tiếp cận thư viện nhà trường của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền của hai tác giả Tô Hoàng Linh, Nguyễn Phương Thảo Ly. Chuyên mục Thông tin – Tư liệu kỳ này giới thiệu cùng bạn đọc bài viết: Thực trạng tiếp cận thư viện nhà trường của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền của hai tác giả Phạm Hương Trà, Nguyễn Phương Thảo Ly. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ trong hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XII của Đảng. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này, một trong những biện pháp đã và đang được nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả là trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, nhất thể hóa chức danh cán bộ, đặc biệt ở cấp cơ sở. Thời gian qua, Tuyên Quang đã tập trung thực hiện chủ trương trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, nhất thể hóa chức danh cán bộ ở cơ sở và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cho thấy đây là giải pháp khả thi mang tính đột phá trong thực hiện mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Trung ương sáu khóa XII. Các chuyên mục khác tiếp tục mang đến bạn đọc với nhiều bài viết chất lượng: Nhân vật – Di sản; Chuông làng báo; Sự kiện - Bình luận; Ảnh của bạn; Giới thiệu sách; Thế giới trong lòng bàn tay; Hội thảo khoa học; Đề tài khoa học. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.