MỤC LỤC TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ VÀ TRUYỀN THÔNG SỐ THÁNG 8 NĂM 2019 Xem thêm: Số tháng 8 Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông trong chuyên mục đầu tiên Nghiên cứu – Trao đổi là bài viết “Các yếu tố tác động đến vai trò của báo chí trong lĩnh vực tư tưởng – văn hóa” của tác giả Đinh Thị Thu Hằng. Có thể nói, sự phát triển toàn cầu hóa kinh tế quốc tế đã lan tỏa sang các lĩnh vực khác của đời sống, khiến cho sự liên hệ, phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trên thế giới ngày càng chặt chẽ, mang lại không tí những thuận lợi và thách thức đối với mỗi quốc gia. Về mặt tích cực, toàn cầu hóa mang đến cho các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng cơ hội, điều kiện để phát triển về công nghệ thông tin, các phương tiện viễn thông, phát triển thương mại, tạo điều kiện cho việc giao lưu văn hóa và truyền bá tư tưởng rộng rãi. Mặt khác, cũng chính lĩnh vực tư tưởng – văn hóa là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ nhất từ tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập. Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, báo chí nước ta ngày càng trở nên quan trọng trong vai trò người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng – văn hóa. Tuy nhiên, mức độ quan trọng của báo chí cũng tỉ lệ thuận với những thách thức, khó khăn mà báo chí đối diện khi thực hiện vai trò của mình. Tiếp theo là bài viết “Toàn cầu hóa và những vấn đề đặt ra trong xây dựng hệ giá trị tinh thần dân tộc Việt Nam hiện nay” của tác giả Phan Thanh Hải. Bài viết cho thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hệ giá trị tinh thần dân tộc Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong sự xáo trộn giữa cũ và mới, nội sinh và ngoại nhập, chung và riêng, phổ biến và đặc thù, vốn có và cần có,… Đo đó, bên cạnh cơ hội, toàn cầu hóa còn đặt ra những thách thức đối với việc lựa chọn, xây dựng hệ giá trị tinh thần dân tộc Việt Nam. Tác giả bài viết bước đầu đề cập đến phương hướng giải quyết những thách thức trong việc xây dựng hệ giá trị tinh thần dân tộc Việt Nam, đó là: định vị hệ giá trị Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; nghiên cứu dự báo những biến động của các hiện tượng tinh thần xã hội trước tác động của toàn cầu hóa; chủ động và tích cực xác lập hệ giá trị trên cơ sở kế thừa, hiện đại hóa bảng giá trị truyền thống, tích hợp giá trị của thời đại, phù hợp với định hướng phát triển đất nước; hiện thực hóa thang giá trị tinh thần một cách hiệu quả trong đời sống xã hội. Bài viết “Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân cách người đảng viên Cộng sản” của tác giả Lê Trung Kiên một lần nữa khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết: Đảng là cơ thể chính trị xã hội sống, đảng viên là những tế bào cấu tạo nên Đảng, Đảng mạnh là do từng chi bộ, từng đảng viên mạnh. Đảng là một tập hợp của rất nhiều cá nhân đảng viên, danh hiệu đảng viên đó không một phút nào tách rời cá nhân cụ thể. Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên tốt. Do vậy, việc tăng cường giáo dục, rèn luyện nhân cách và nâng cao chất lượng đảng viên là điều kiện tiên quyết, có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng và phát triển của Đảng. Cũng trong chuyên mục này, tác giả Hoàng Thị Ngọc Minh với bài viết: “Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường tự nhiên – sự vượt trước về tư duy và hành động” đã cho chúng ta thấy: Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, quan điểm của Người về bảo vệ môi trường tự nhiên là một trong những quan điểm không chỉ có những đóng góp về mặt lý luận mà còn để lại những giá trị thực tiễn sâu sắc và có sức sống mạnh mẽ. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, việc bảo vệ môi trường sinh thái, cứu lấy tự nhiên và cuộc sống của con người là vấn đề mang tính cấp bách và mang tính toàn cầu. Ngoài ra, trong chuyên mục còn có những bài viết giá trị, đáng để bạn đọc tham khảo, nghiên cứu, như: Bài viết “Vấn đề lợi ích nhóm ở Việt Nam hiện nay” – tác giả Cao Thị Dung; bài viết “Công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay” – tác giả Doãn Thị Chín; bài viết “Tiếp cận chiến lược trong truyền thông chính sách công ở Việt Nam – một số vấn đề lý luận và thực tiễn” – tác giả Nguyễn Thị Thu, Lưu Thúy Hồng; bài viết “Báo chí tham gia chống tham nhũng trong buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã” – tác giả Nguyễn Thị Trường Giang, Trần Lệ Thùy. Chuyên mục Thực tiễn – Kinh nghiệm giới thiệu với bạn đọc bài viết của tác giả Lê Văn Hội: “Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động nhằm thực hiện tốt công tác tư tưởng của Đảng ở cấp cơ sở hiện nay”. Tình hình trong nước và quốc tế đã và đang có nhiều biến đổi phức tạp, đa chiều, khó lường. Do đó, việc thực hiện tuyên truyền, vận động nhằm thực hiện tốt công tác tư tưởng lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra những yêu cầu hết sức mới mẻ, đòi hỏi mỗi cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên phải đổi mới nhận thức, đánh giá đúng thực trạng để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, phù hợp đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở cấp cơ sở là yêu cầu cấp thiết và là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận của Đảng góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển nhanh, mạnh và bền vững hiện nay. Tiếp đến là bài viết “Đảng lãnh đạo phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay” của tác giả Hoàng Thị Chinh. Bài viết khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam đã ý thức sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của tư tưởng chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như của toàn xã hội đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, trong quá trình đất nước đổi mới, bám sát thực tiễn mỗi giai đoạn, Đảng đã thường xuyên, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh; đề ra các chủ trương, giải pháp phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị nhằm ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cũng trong chuyên mục này, tác giả Dương Thị Thu Hương có bài viết “Lựa chọn và công bố bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín”. Bài viết cho thấy, nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các trường đại học, trong đó đội ngũ nòng cốt chính là giảng viên và nghiên cứu viên. Một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên nói riêng và của một trường đại học nói chung trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay là số công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế có uy tín. Bài viết tập trung chia sẻ một số thông tin, kinh nghiệm chuẩn bị cho quá trình công bố quốc tế, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khoa học xã hội và dành cho những giảng viên, nghiên cứu viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Ngoài ra, tác giả cũng hướng đến thảo luận một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn và tăng cường số lượng các công bố quốc tế có chất lượng trong thời gian tới. Ngoài ra, trong chuyên mục này còn có các bài viết của các tác giả khác như: Bài viết “Khai thức một số phương tiện truyền thông xã hội trong dạy và học tiếng Anh” – tác giả Đỗ Thị Thu Trang; bài viết “Một số trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền” – tác giả Đặng Mỹ Hạnh; bài viết “Cải thiện sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Đề xuất từ thực tế” – tác giả Chi Thị Bích Liên; bài viết “Biến đổi đời sống chính trị - xã hội của người H’mông theo đạo Tin Lành ở miền núi phía Bắc” – tác giả Cao Nguyên. Chuyên mục Thông tin – Tư liệu kỳ này giới thiệu với bạn đọc bài viết: “Diễn ngôn về sự thật trong các tác phẩm hồi kỳ ở Việt Nam sau năm 1975” của tác giả Trần Thị Hồng Hoa. Hiện nay, có ba cách hiểu chính về diễn ngôn nhưng tác giả bài viết nghiêng nhiều hơn về lý thuyết của M.Foucault. Foucault đã đưa ra khái niệm “trường tri thức” như khung tư tưởng, nhận thức chung của cộng đồng trong một thời kỳ nhất định. Mỗi thời đại tồn tại một “trường tri thức” khác nhau và chính “trường tri thức” này sẽ quyết định cách thức tư duy, cách thức sử dụng ngôn ngữ của con người, quyết định các hệ hình giá trị và sự vận hành của các diễn ngôn. Vận dụng các lý thuyết của Foucault, bài viết phân tích hồi ký ở Việt Nam sau năm 1975 dưới sự chi phối của “trường tri thức” – hệ hình tư tưởng xã hội, từ đó giải quyết những vấn đề liên quan đến sự hình thành và liên hệ của các mã ngôn ngữ - mã thể loại đặc thù. Các chuyên mục: Nhân vật – Di sản; Chuông làng báo; Sự kiện – Bình luận; Ảnh của bạn; Giới thiệu sách; Thế giới trong lòng bàn tay; Hội thảo khoa học; Đề tài khoa học tiếp tục mang đến cho bạn đọc những bài viết giá trị. Xin trân trọng giới thiệu!