Dân tộc Việt Nam nghèo nhưng có tinh thần hiếu học. Tổ tiên chúng ta thuở trước đã có nhận thức rất đúng đắn rằng: Ngọc bất trác bất thành khí; Nhân bất học bất tri lí (Nghĩa là: Ngọc không mài không sáng, Người không học thì không biết thế nào là lí lẽ phải, trái, đúng, sai). Vì thế muốn nên người thì phải học hành chữ nghĩa và đạo lí thánh hiền. Nhiều nhà nghèo không đủ cơm ăn, áo mặc vẫn cố gắng cho con đi học. Những gương sáng về tinh thần hiếu học nhừ Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn, Nguyễn Khuyến… mãi mãi lưu truyền hậu thế. Việt Nam ta đã chọn ngày 20-11 hằng năm làm ngày nhà giáo Việt Nam, ngày này cũng là dịp để học sinh bày tỏ tình cảm, tấm lòng của mình cho thầy cô. “Tôn sư trọng đạo” là một truyền thống đạo đức vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta, nó còn thể hiện ở việc những người được thế hệ trước truyền nghề dù có đi đến bất kỳ nơi đâu thì trong sâu thẳm tâm thức của họ đề có sự biết ơn, ghi lòng tạc dạ công lao của các bậc tiền bối – những người sáng lập ra nghề và truyền lại cho họ. Truyền thống quý báu trên cần được quan tâm đặc biệt và để đạt được điều đó thì mỗi người cần chăm chỉ học tập, tu dưỡng đạo đức, luôn sống trọn nghĩa đúng như câu: “Nhất tự vi sư bán tự vi sư”. Ý thức về tầm quan trọng của người thầy, nhân dân ta quan niệm: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” - một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy; có thờ thầy mới được làm thầy. Ngược lại, người thầy cũng phải ý thức phẩm chất sư phạm của mình, là tấm gương sáng cho học trò nhìn vào đó noi theo. Bởi vì bản thân một chữ “thầy” từ thuở xa xưa đã hàm sẵn cái sắc thái tôn xưng, trọng vọng. Thầy giáo, cô giáo là người định hướng, dẫn dắt thế hệ trẻ từng bước nắm bắt chân lý thời đại. Nếu không có sự chỉ dạy của thầy giáo, cô giáo thì mọi sách vở dù hay đến đâu nếu không có thầy giáo, cô giáo hướng dẫn thì không phát huy hết tác dụng đối với thế hệ trẻ. Khi xã hội phát triển, khoa học công nghệ đạt được những thành tựu to lớn, khi thế giới bước vào thời đại công nghệ 4.0 thì người thầy phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để bắt kịp với thời đại, đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thực trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”. Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng số này giới thiệu đến bạn đọc 3 bài viết. Bài thứ nhất “Chân lý của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn sáng mãi” của PGS,TS. Phạm Minh Sơn. Cách đây 106 năm tại nước Nga, dưới sự lãnh đạo thiên tài của lãnh tụ V.I.Lênin và Đảng Bolshevik, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại và đến nay chân lý của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn sáng mãi. Bài thứ hai “Không thể phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga và vai trò lãnh đạo thiên tài của lãnh tụ V.I.Lênin và Đảng Bolshevik với sự ra đời của Nhà nước Xô-viết” của TS. Phan Sỹ Thanh. Cách đây 106 năm về trước vào ngày 7/11/1917, một sự kiện làm rung chuyển toàn nhân loại - Cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) Tháng Mười Nga vĩ đại, dưới sự lãnh đạo thiên tài của lãnh tụ V.I.Lê-nin và Đảng Bolshevik, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập nên nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, mở ra thời đại mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động đã không ngừng đẩy mạnh công kích, phủ nhận bằng các luận điệu sai trái, phản động và xuyên tạc nhằm hạ bệ vai trò lãnh tụ V.I.Lênin đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, xóa bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong thế giới đương đại. Bài thứ ba “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin trong giảng dạy các môn lý luận chính trị - cơ sở quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của tác giả TS. Vũ Thị Hồng Nhung. Chủ nghĩa Mác - Lênin là lý luận cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và của cách mạng Việt Nam. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin trong giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước hết phải nắm vững mối quan hệ giữa kiên định và phát triển, kiên quyết đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch; hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chứng minh tính khoa học và cách mạng của nền tảng tư tưởng ấy. Đồng thời, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin trong giảng dạy lý luận chính trị phải gắn liền với vận dụng, phát triển sáng tạo trong thực tiễn. Tiếp đến là chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi, mang đến cho bạn đọc nhiều bài viết giá trị. Bài viết “Hoạt động tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc giai đoạn từ năm 1911 đến năm 1930: ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại” của TS. Lê Đức Hoàng. Hoạt động tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc trước khi thành lập Đảng diễn ra trên cả ba bộ phận cấu thành công tác tư tưởng (lý luận, tuyên truyền, cổ động), tập trung truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về nước, hướng tới xác lập hệ tư tưởng vô sản ở Việt Nam, định hình đường lối cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những hoạt động đó có giá trị to lớn đối với phong trào cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ, đặt nền móng cho công tác tư tưởng của Đảng, gợi mở nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn công tác tuyên giáo giai đoạn hiện nay. Bài viết: “Phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” của TS. Võ Thị Hoa. Trong bài viết “Phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, tác giả đã tập trung phân tích những nội dung cơ bản nhất trong tác phẩm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc: sức mạnh của đại đoàn kết với thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước; vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ, phương châm hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nhận thức và hành động về việc khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đổi mới đất nước. Bài viết: “Một số vấn đề về bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trên Internet” của PGS,TS. Lương Khắc Hiếu. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trên Internet là xu thế khách quan trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng xã hội học tập hiện nay. Nó có vai trò to lớn trong việc đa dạng hóa hình thức giáo dục lý luận chính trị, tăng cường khả năng chuyển tải nhanh, linh hoạt một khối lượng tri thức lý luận chính trị lớn đến đối tượng, giúp tiết kiệm kinh phí, thời gian, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, cũng trong chuyên mục này còn có những bài viết khác như: Bài viết “Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của TS. Trần Thị Ngọc Minh; bài viết “Tính đảng của nền báo chí cách mạng Việt Nam là tất yếu và không thể phủ nhận” của ThS. Phạm Văn Bằng ; bài viết “Truyền hình Việt Nam thay đổi để phát triển trong kỷ nguyên số” của TS. Đinh Thị Xuân Hòa; bài viết “Truyền hình đa nền tảng – vai trò, nguyên tắc và yếu tố tác động” của ThS. Nguyễn Dương Chân; bài viết “Một số giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay” của TS. Nguyễn Thị Thúy Mai; bài viết “Một số vấn đề lý luận về quy trình sản xuất quảng cáo truyền hình” của TS. Vũ Tuấn Hà và ThS. Nguyễn Thu Hà. Tiếp đến là chuyên mục Thực tiễn - Kinh nghiệm với những bài viết giàu giá trị khoa học và thực tiễn. Bài viết “Hoạt động đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền” của GS,TSKH. Đặng Ứng Vận và PGS,TS. Phan Thị Thanh Hội. Sau phần mở đầu trình bày rất khái quát về chủ trương và thực tiễn triển khai công tác đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học Việt Nam, bài báo trình bày những kết quả trải nghiệm đánh giá ngoài tại một cơ sở giáo dục đại học - Học viện Báo chí Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bài báo đã giới thiệu khái quát về Học viện, những thành tựu nổi bật của Nhà trường trong công tác đảm bảo chất lượng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Những khuyến nghị chung đối với Học viện trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng trong thời gian tới cũng được đề cập đến trước phần kết luận. Bài viết “Tăng cường sức hấp dẫn của dòng “sách đỏ” đối với độc giả trẻ - một góc nhìn từ thực tiễn” của TS. Phạm Thị Thùy Linh. Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Trong bối cảnh các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động diễn biến hoà bình như hiện nay, việc giáo dục chính trị tư tưởng, lịch sử truyền thống, văn hoá, nhân cách, lý tưởng sống cho học sinh, sinh viên, người trẻ năng động, có khả năng thích ứng nhanh chóng với khoa học công nghệ và thông tin trên nền tảng số là một yêu cầu cấp thiết. Lan toả văn hoá, đặc biệt là tăng cường sức hấp dẫn của dòng sách lý luận chính trị đối với độc giả trẻ là một trong những hướng đi được các đơn vị xuất bản quan tâm. Cũng trong chuyên mục này còn có những bài viết khác như: Bài viết “Những quy định của pháp luật về quyền riêng tư trong hoạt động báo chí” của TS. Nguyễn Thùy Vân Anh; bài viết “Quan hệ công chúng xanh: Xây dựng hình ảnh tích cực và bền vững cho thương hiệu” của ThS. Tào Thanh Huyền; bài viết “Ngụy tạo trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: hiện tượng, nguyên nhân và giải pháp” của ThS. Lê Thị Thùy Linh. Các chuyên mục khác như: Chuông làng báo; Sự kiện - Bình luận tiếp tục mang lại cho bạn đọc những bài viết giá trị. Xin trân trọng giới thiệu!