Công tác tư tưởng của Đảng nhằm bảo vệ, phát triển sáng tạo, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối chính sách của Đảng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng đông đảo nhằm đem lại cho họ sự giác ngộ về thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, biến nó thành niềm tin, lý tưởng, lẽ sống, thành nguyên tắc đạo đức, tình cảm cách mạng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong từng thời kỳ, đi tới thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cho đến nay việc nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng đã tăng cường sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Đảng ta đã kiên quyết, kiên trì thực hiện việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng được coi trọng; công tác xây dựng Đảng về chính trị được đặc biệt quan tâm. Đảng ta luôn vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định những nguyên tắc trong đường lối đổi mới và trong công tác xây dựng Đảng. Công tác tư tưởng trong những năm qua đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho hệ tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc, những tinh hoa văn hoá thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Việc triển khai các nhiệm vụ của công tác tuyên truyền, định hướng chính trị tư tưởng đã quán triệt quan điểm chỉ đạo về kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới; kiên quyết phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi khắc phục các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chính công tác tư tưởng đã có những đóng góp quan trọng vào việc khẳng định bản lĩnh chính trị, bản chất cách mạng và khoa học, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng ta, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Công tác tư tưởng cũng góp phần làm cho lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp không ngừng được nâng cao; khẳng định Đảng ta xứng đáng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản. Những yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản đối với công tác tư tưởng của Đảng trong tình hình mới là nhằm tiếp tục củng cố khối đoàn kết, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Làm tốt công tác tư tưởng sẽ góp phần quan trọng vào việc không ngừng củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; nâng cao uy tín và vị thế của đất nước; góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Một yêu cầu quan trọng nữa đối với công tác tư tưởng của Đảng hiện nay là phải tiếp tục góp phần bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đóng góp tích cực vào việc không ngừng chăm lo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng môi trường văn hóa, xã hội an toàn, lành mạnh; xây dựng con người mới Việt Nam có khát vọng mạnh mẽ, hướng tới tương lai thịnh vượng, vững bền, xứng đáng với truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc. Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong số này với 3 bài viết. Bài thứ nhất: “Sứ mệnh của đội ngũ cán bộ tuyên giáo trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của PGS,TS. Mai Đức Ngọc. Từ khi ra đời cho đến nay công tác tuyên giáo luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong các hoạt động của Đảng, mang trong mình sứ mệnh xây dựng và bảo vệ Đảng. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo đều có những đóng góp tương xứng góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong đó có thách thức từ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước. Tình thế đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ tuyên giáo nước ta cần phải nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn,nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. Bài thứ hai: “Nhận thức đúng về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh để phê phán, phản bác quan điểm xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh” của TS. Lê Đình Năm. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang và những cống hiến vĩ đại của Hồ Chí Minh không những là tấm gương sáng người về tư tưởng, đạo đức, lối sống, trí tuệ, tài năng, nhân cách mà còn là tấm gương về phương pháp cách mạng và phong cách. Nhận thức đúng về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh và nhận diện được những quan điểm chống phá, xuyên tạc về Hồ Chí Minh, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp trong nghiên cứu và giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề cấp thiết trong việc bảo vệ di sản Hồ Chí Minh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bài thứ ba: “Phải chăng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay là “định hướng theo con đường tư bản chủ nghĩa”” của PGS, TS. Trương Ngọc Nam. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo trong hơn 35 năm qua đã và đang thu được những thành tựu rất to lớn, được dư luận thế giới đánh giá cao, nhân dân ta càng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, một số phần tử cơ hội, biến chất, cùng với các thế lực thù địch từ bên ngoài cố tình xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận những thành quả của công cuộc đổi mới và đường lối đúng đắn của Đảng, trong đó có vấn đề phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Bài viết cung cấp những luận cứ khoa học xác đáng, góp phần phản bác những quan điểm sai trái, tiếp tục làm sáng tỏ, khẳng định dứt khoát đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử. Chuyên mục Nghiên cứu – Trao đổi kỳ này giới thiệu đến bạn đọc nhiều bài viết giàu giá trị khoa học. Bài viết: “Trung thành với lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người theo những giá trị mang tính nhân loại phổ quát” của TS. Nguyễn Đức Hạnh. Một trong số những luận điểm chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta mà các thế lực thù địch, phản động vẫn thường rêu rao là: chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, chủ nghĩa xã hội đã thất bại, tư tưởng Hồ Chí Minh vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là sai lầm… Từ giá trị lý luận và thực tiễn phong phú, bài viết phản bác lại những luận điểm chống phá của các thế lực thù địch, phản động để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là trung thành với lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người theo những giá trị mang tính nhân loại phổ quát. Bài viết: “Kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh – cội nguồn mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” của TS. Đỗ Minh Tuấn. Bài viết phân tích làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với con đường cách mạng Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp tiếp tục kiên định, phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đưa cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên. Cũng trong chuyên mục này còn có những bài viết khác như: Bài viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người kiến tạo phong trào thi đua yêu nước” của TS. Lê Thị Thảo; bài viết “Giáo dục thẩm mỹ ở Việt Nam hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh” của TS. Lê Thị Hương; bài viết “Một số vấn đề về phong cách lãnh đạo của cán bộ cấp chiến lược ở nước ta hiện nay” của TS. Dương Thị Thục Anh; bài viết “Bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí 2016 - để báo chí “gỡ khó” và phát triển” của PGS,TS. Bùi Chí Trung. Tiếp đến là chuyên mục Thực tiễn – kinh nghiệm giới thiệu đến độc giả những bài viết giá trị như: Bài viết: “Công tác giáo dục lịch sử Đảng trong các trường cao đẳng, đại học hiện nay” của TS. Vũ Ngọc Lương. Công tác giáo dục lịch sử Đảng đến với sinh viên các trường cao đẳng, đại học đang phải đối diện với nhiều thách thức. Do đó, trong những năm qua, giảng viên các trường cao đẳng, đại học đã sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy và các hình thức sinh hoạt đa dạng để nâng cao chất lượng công tác giáo dục lịch sử Đảng. Từ đó, sự biết và hiểu về Đảng với sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay của sinh viên được nâng lên rõ rệt. Bài viết “Sức truyền cảm trong văn phong của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” của ThS. Nguyễn Văn Hải. Học tập phong cách nói và viết giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khéo léo đưa những vấn đề chính trị thành những lời thiết thực, sinh động thông qua vận dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ, lời ăn tiếng nói hằng ngày của dân, qua đó góp phần khai thông tư tưởng, củng cố niềm tin, bồi đắp tình cảm tích cực và nâng cao nhận thức chính trị cho người dân, biến niềm tin của người dân thành những hành động cách mạng ích nước lợi dân. Trong chuyên mục này còn có những bài viết khác như: Bài viết “Tạo động lực làm việc cho nhân lực hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay” của TS. Vũ Thị Thu Quyên; bài viết ““Giữ chân” khán giả truyền hình trong thời đại số” của TS. Đinh Thị Xuân Hoà; bài viết “Tìm hiểu thêm các quan niệm về thương hiệu dưới góc độ của tổ chức và khách hàng” của PGS,TS. Đinh Thị Thuý Hằng; bài viết: “Đổi mới phương thức giáo dục văn hoá chính trị cho sinh viên các trường đại học ở Việt Nam hiện nay” của ThS. Phan Hoàng Quỳnh; bài viết “Một số vấn đề về kỹ năng thuyết trình dành cho lãnh đạo” của PGS,TS. Trần Thị Hương; Các chuyên mục khác như Chuông làng báo; Sự kiện – Bình luận tiếp tục mang lại cho bạn đọc những bài viết giá trị. Xin trân trọng giới thiệu!