Bệnh “vô cảm” không phải là căn bệnh trong y học, nó là căn bệnh xã hội, được biểu hiện dưới dạng trơ lì về cảm xúc, dửng dưng, thờ ơ với mọi sự việc, hiện tượng của đời sống xã hội xung quanh. Hiện nay, có thể nhận thấy trong xã hội, bên cạnh những người tốt, những câu chuyện về “người tử tế”, những câu chuyện ấm áp lòng người như những hiệp sĩ đường phố, về người đi xây cầu từ thiện, những tấm gương quên mình cứu người giữa dòng nước lũ, về tấm lòng của các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong cơn hoạn nạn… đã góp phần xây dựng lối sống hướng thiện, một xã hội, cộng đồng tốt đẹp, nhân văn…; thì tình trạng thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đang dần trở thành một căn bệnh nguy hiểm, có xu hướng lây lan trong xã hội. Theo Đại văn hào Nga Maksim Gorky: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương". Con người ta có thể vô cảm trước áp lực phẫn nộ của dư luận, nhưng lương tâm thì không thể không day dứt trước nỗi đau của người khác. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những căn bệnh, yếu kém của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tác hại của nó đối với đảng cầm quyền; đặt ra nhiệm vụ sửa đổi lối làm việc để chỉnh đốn lại Đảng, làm cho Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn”, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng với vai trò tiền phong và gắn bó mật thiết với nhân dân. Người nhấn mạnh: “Thái độ thứ ba, ai mặc kệ ai, cố nhiên cũng không đúng. Tuy vậy, trong Đảng còn có nhiều người giữ thái độ đó, nhất là khi cấp dưới đối với cấp trên. Thái độ đó thường sinh ra thói “không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”. Nó gây nên sự uất ức và không đoàn kết trong Đảng. Nó để cho bọn vu vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng. Nó để cho khuyết điểm ngày càng chồng chất và phát triển ra”[1]. Trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng cũng đã xác định: “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”[2]là một biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống. Trải qua 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử; kinh tế ngày càng khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Song, những tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự du nhập lối sống thực dụng “coi trọng đồng tiền, xem thường đạo lý”, không phù hợp với truyền thống văn hóa và đạo lý dân tộc đã khiến một bộ phận trong xã hội ngày càng trở nên vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước những nỗi đau của người khác và trở thành căn bệnh làm mờ nhạt những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Mặc dù trên nhiều diễn đàn, các phương tiện thông tin truyền thông đã cảnh báo và đưa nhiều minh chứng về sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm gây bức xúc trong xã hội. Chẳng hạn như, hình ảnh người đàn ông ôm đôi chân bị thương nặng sau vụ tai nạn, ngồi khóc ngất giữa đường, thế nhưng một số người chứng kiến vụ tai nạn có biểu hiện "vô cảm" khi chỉ khoanh tay đứng nhìn mà không nhanh chóng có động thái cứu giúp người bị nạn[3](xảy ra ở Yên Định - Thanh Hoá); hoặc, hình ảnh cô gái gặp nạn nằm bất động trên vỉa hè nhưng hàng chục người đi qua, thậm chí dừng lại mà không ai giúp đỡ, hệ quả là cô gái trẻ đã tử vong sau đó. Bức xúc về sự vô cảm của những người có mặt, nhưng càng phẫn nộ hơn đối với sự lạnh lùng đáng sợ của người tài xế đã bỏ mặc nạn nhân trong khi anh ta là người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn thương tâm này[4](xảy ra ở quận Tân Phú - Thành phố Hồ Chí Minh)… Thờ ơ, vô cảm đã cho thấy một bộ phận không còn cảm xúc, dửng dưng trước các sự việc, tai nạn… xảy ra xung quanh mình; thờ ơ với nỗi đau khổ, mất mát của người khác, chỉ biết quan tâm đến lợi ích cá nhân. Chính sự thờ ơ, vô cảm ấy mà có những biểu hiện thấy tốt không ủng hộ, thấy xấu không lên án, ngại va chạm, tạo điều kiện, tiếp tay cho cái xấu, cái ác nảy nở. Bệnh “vô cảm” sẽ thực sự nguy hiểm khi nó “luồn chui” vào chính trị để hình thành sự “vô cảm về chính trị”. Đó là việc cán bộ, đảng viên không quan tâm đến chính trị, lười học nghị quyết của Đảng, xem nhẹ lịch sử, có lối sống thực dụng, không có hình tượng lý tưởng để phấn đấu, thờ ơ với thời cuộc và các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước hay của đơn vị, địa phương mà chỉ chăm lo thu vén cá nhân; ngại va chạm, giữ tâm thế trung dung với tư tưởng “dĩ hòa vi quý”; không tích cực tham gia đấu tranh với những vi phạm, biểu hiện xấu ở xung quanh để xây dựng đơn vị, địa phương đoàn kết, vững mạnh, phát triển. Trong các bệnh “vô cảm” thì bệnh “vô cảm về chính trị” là nguy hiểm nhất bởi cán bộ, đảng viên là cầu nối quan trọng giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; là người truyền đạt và tổ chức cho nhân dân thực thi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời nắm bắt và phản hồi thông tin từ nhân dân để Đảng và Nhà nước có căn cứ hoạch định, điều chỉnh, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ thực tế một số sự việc, vụ án xảy ra gần đây, nhiều văn bản của Đảng đã đề cập đến tình trạng im lặng, khoanh tay đứng nhìn cái tốt và cái xấu trong cơ quan, đơn vị của mình đấu tranh lẫn nhau, thái độ “Tọa sơn quan hổ đấu” đang được một số đảng viên xem như là lựa chọn "khôn ngoan"; thực chất, đó là thái độ của những người mắc “bệnh vô cảm”, thậm chí là biểu hiện cơ hội chính trị. Chúng ta không bao giờ được quên rằng, vào đầu những năm thập niên chín mươi của thể kỷ XX, vì mắc bệnh “vô cảm về chính trị” thái độ thụ động và im lặng của gần 20 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô trước những biến động dữ dội của Đảng, của đất nước Liên Xô là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của liên bang và sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô. Để khắc phục bệnh “vô cảm về chính trị” đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân cần phải có những biện pháp nhằm đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền làm thức dậy tình thương yêu con người, đồng loại, sự hy sinh và trách nhiệm đối với xã hội trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; đồng thời, phát huy vai trò của các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội và cá nhân trong đấu tranh, ngăn ngừa căn bệnh thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm; khuyến khích các hoạt động nhân ái, bao dung, nghĩa hiệp, chống lại cái xấu, vun đắp và xây dựng những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. [1]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 5, tr.305. [2]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, tr.31. [3]http://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/lieu-thuoc-nao-cho-can-benh-vo-cam-535636.html. [4]http://dangcongsan.vn/noi-hay-dung/vo-cam-that-dang-so-526867.html. Phan Thanh (Theo thinhvuongvietnam.com)