Việc nhận diện và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, qua đó khẳng định giá trị chân lý của tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng _ Ảnh: tayninh.gov.vn1. Mở đầuTư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống quan điểm sâu sắc và toàn diện về cách mạng Việt Nam, là sự vận dụng sảng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, có giá trị cách mạng và khoa học sâu sắc, là cơ sở vững chắc để Đảng Cộng sản Việt Nam hoạch định đường lối cách mạng đúng đắn, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, lãnh đạo nhân dân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn âm mưu xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta, thủ tiêu sự lãnh đạo của Đảng ta. Trong âm mưu chiến lược này, xuyên tạc, phủ nhận giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, trước hết là tư tưởng của Người về những vấn đề cơ bản nhất của cách mạng nước ta, luôn được các thế lực thù địch xem là trọng tâm, là mũi đột phá. Tuy nhiên, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với tư tưởng Hồ Chí Minh là hoàn toàn xảo trá, không có cơ sở lý luận và thực tiễn.2. Nhận diện, phản bác luận điệu không thừa nhận có tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt NamHiện nay, trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là trên các mạng xã hội, xuất hiện hàng loạt luận điểm cho rằng, không có tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam. Những người đưa ra luận điểm này cho rằng, Hồ Chí Minh chỉ là người tiếp thu máy móc chủ nghĩa Mác - Lênin, áp đặt chủ nghĩa Mác - Lênin cho Việt Nam, không có sự phát triển sáng tạo, tức là không có tư tưởng Hồ Chí Minh riêng cho cách mạng Việt Nam; việc Đảng Cộng sản Việt Nam xác định tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ mang tính chủ quan. Một số ý kiến lại cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất chỉ là sự tập hợp tư tưởng của các học giả, các nhà tư tưởng tiền bối phương Đông như Khổng Tử, Lão Tử, hoặc của các nhà tư tưởng tiến bộ phương Tây như Vônte (Voltaire), G. G. Rútxô (J. J. Rousseau), M. Môngtéxkiơ (Montésquieu)…, không có giá trị khoa học và do vậy không thể là cơ sở, nền tảng cho đường lối của một đảng chính trị hoặc tư tưởng chủ đạo của một dân tộc. Thậm chí, một số ý kiến khác cho rằng, các bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh không mang tính lý luận, chỉ là những bài cổ động, tuyên truyền, với ngôn ngữ dân dã, đời thường. Những luận điệu, lập luận nêu trên là sự xuyên tạc trắng trợn tư tưởng Hồ Chí Minh, mang nặng tính chủ quan, phiến diện hòng thực hiện mục đích bôi nhọ, thực chất là phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận cống hiến lý luận vĩ đại của Người.Những người đã nghiên cứu đầy đủ, khách quan đều không khó nhận thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin từ thực tiễn Việt Nam và các nước phương Đông. Bằng tư duy độc lập, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn dân tộc và thời đại, Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo, hình thành hệ thống lý luận về các vấn đề cơ bản của cách mạng vô sản như: cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản; cách mạng được tiến hành bằng sức mạnh của toàn thể nhân dân, với nòng cốt là liên minh công nông, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Người đã giải quyết hết sức sáng tạo mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc; giữa độc lập dân tộc và CNXH; giữa giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, qua đó bổ sung, phát triển, hình thành tư tưởng chỉ đạo cách mạng giải phóng dân tộc, đấu tranh giành chính quyền và đi lên CNXH của Việt Nam, đồng thời làm phong phú thêm lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa, cách mạng XHCN ở các quốc gia kinh tế lạc hậu trong thời đại mới.Từ khi ra đời, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành tư tưởng của Đảng, là tư tưởng dẫn dắt sự nghiệp cách mạng Việt Nam đi tới thắng lợi. Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tính khoa học, cách mạng, nhân văn, phản ánh đúng đắn quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam và thế giới. Các quan điểm lý luận của Người đứng vững trên nền tảng thế giới quan mácxít, thể hiện sâu sắc khát vọng của nhân dân lao động Việt Nam nói riêng và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới nói chung. Chính vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tính đảng và tính khoa học, tính toàn diện và tính hệ thống; sự thống nhất giữa đường lối, chiến lược và sách lược, giữa kinh tế với chính trị, văn hóa và xã hội; giữa cách mạng trong nước và cách mạng thế giới; giữa độc lập dân tộc và CNXH, giữa dân tộc và thời đại; v.v..Việc Hồ Chí Minh sử dụng ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu trong các bài viết, bài nói của mình không làm giảm tầm cao, chiều sâu tư tưởng lý luận của Người. Tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trong lối diễn đạt vừa mang tính hàm súc, thâm thúy phương Đông, vừa ngắn gọn, sắc bén của lối văn chính luận phương Tây. Bên cạnh đó, trong nhiều bài viết, bài nói của mình, Người dùng hình thức diễn đạt giản dị, dân dã, đôi khi bằng hình thức tuyên truyền, cổ động, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Đây chính là nét độc đáo, thuyết phục trong phong cách tư duy, phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh, đem lại hiệu quả cao, phù hợp với quảng đại quần chúng nhân dân. Các bài mang tính chất tuyên truyền, cổ động, nhưng luôn hàm chứa giá trị lý luận, tính tư tưởng sâu sắc, được những người có trình độ cao tâm đắc, nhưng những người có trình độ hạn chế vẫn có thể hiểu được và quan trọng hơn là tiếp nhận đúng tư tưởng của Người để biến thành động cơ, ý chí và hành động vì sự thành công của sự nghiệp cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân.Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, coi việc tiếp thu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh là điều kiện bảo đảm cách mạng đi tới thành công. Ngay trong thời kỳ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Đại hội II của Đảng đã khẳng định: “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch; sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng ta mạnh và cách mạng mau đi đến thắng lợi hoàn toàn”(1). Đại hội VII của Đảng đã khẳng định: “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(2). Các kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc tiếp theo của Đảng cũng luôn khẳng định giá trị vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra quan điểm chỉ đạo: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”(3). Đây chính là bài học kinh nghiệm, là phương châm tổng quát được rút ra từ thực tiễn đổi mới, khẳng định những giá trị trường tồn, bất diệt của tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với sự phát triển vững mạnh của dân tộc Việt Nam.Trên thế giới, những nhà tư tưởng, lãnh tụ, học giả chân chính ở các nước cũng rất trân trọng, đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, khi các dân tộc tiến bộ trên thế giới phải đương đầu với chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh đã luôn tỏa sáng, là ngọn cờ cổ vũ hàng triệu, chục triệu người dân các nước thuộc địa đứng lên đấu tranh. Nữ nhà báo người Pháp Mađơlen Ripphô đã viết: “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là tư tưởng của Đảng Lao động Việt Nam tiếp tục tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống lại máy bay B.52, cũng chính là tư tưởng hàng nghìn anh hùng vô danh đã hy sinh vì tất cả, vì tự do của đất nước mình và cũng vì tự do của mọi đất nước, mọi dân tộc trên thế giới”(4). Macta Rôgiat - nữ nhà báo Cuba - đã viết: “Bác Hồ đã mất, nhưng trước khi từ trần, tư tưởng của Người chẳng những đã trở thành bất diệt, mà còn trở thành sinh động nhờ tấm gương cụ thể về cuộc đời Người. Tư tưởng đó sẽ nảy nở ở bất kỳ những nơi nào cần có một cuộc đấu tranh giống như cuộc đấu tranh đang tiến hành ở Việt Nam”(5).Năm 1987, tại phiên họp lần thứ 24, Đại hội đồng UNESCO đã tôn vinh Hồ Chí Minh danh hiệu: Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam (Hero de la libération nationale et éminent homme de culture du Vietnam). Nghị quyết của UNESCO khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(6). Nhiều học giả ca ngợi tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị vĩnh hằng, là sự khái quát chân lý, khát vọng của dân tộc và của thời đại, là ánh sáng soi đường cho các dân tộc đi tới kỷ nguyên hòa bình, tự do và hạnh phúc.3. Nhận diện, phản bác luận điệu phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt NamHiện nay, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, cho rằng, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh giải phóng dân tộc, không có tư tưởng Hồ Chí Mimh về CNXH ở Việt Nam. Họ thường rêu rao rằng, Hồ Chí Minh là nhà lý luận dân tộc, đứng trên quan điểm của chủ nghĩa dân tộc, do vậy mục đích của Hồ Chí Minh chỉ là giành độc lập dân tộc, chứ không phải hướng tới lý tưởng XHCN; lý tưởng XHCN là lý tưởng giai cấp, nên nó không thể tương dung với lý tưởng dân tộc. Cách thức, luận điệu chung của họ là đánh tráo khái niệm, siêu hình hóa, tách rời, cô lập các nội dung, luận điểm của Hồ Chí Minh, từ đó phủ nhận bản chất, tính lôgic, tính thống nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là quan điểm thâm độc, nhằm tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, hướng mọi người tới chỗ hiểu Hồ Chí Minh chỉ là người dân tộc chủ nghĩa, không phải là người cộng sản chân chính.Được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh các phong trào yêu nước của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX diễn ra dưới ngọn cờ phong kiến và tư sản đều thất bại, mặc dù rất khâm phục tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất của cha anh, nhưng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã không tán thành quan điểm, đường lối cứu nước của các tiền bối và quyết tâm ra đi tìm con đường cứu nước mới. Trong hành trình tìm đường cứu nước, tháng 7-1920, Người đã tiếp xúc với bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin cũng là thời khắc Người đến với lý luận về cách mạng vô sản - lý luận về sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, đến với lý tưởng XHCN, nhằm thiết lập một chế độ xã hội XHCN mà ở đó con người được làm chủ, công bằng, tự do.Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH trên nền tảng tinh thần yêu nước và khát vọng dân tộc, từ những giá trị văn hóa phương Đông. Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã khẳng định, cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản; tiến lên CNXH là bước phát triển tất yếu, là quy luật vận động của cách mạng Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, giành được chính quyền. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng (năm 1930), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là: “Làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(7). Đây là phương hướng chiến lược cơ bản chỉ đạo cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, trở thành chủ thuyết chính trị, triết lý phát triển của Hồ Chí Minh: gắn độc lập dân tộc với CNXH, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng xã hội và giải phóng con người, gắn độc lập của dân tộc với hạnh phúc và tự do của nhân dân.Tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH là một hệ thống hoàn chỉnh về mô hình xã hội XHCN Việt Nam và con đường đi tới mục tiêu đó. Hồ Chí Minh quan niệm, CNXH là một chế độ xã hội do nhân dân làm chủ, dựa trên nền tảng kinh tế phát triển, gắn với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật; không còn chế độ người bóc lột người; có sự phát triển cao về văn hóa, đạo đức; v.v.. CNXH ở Việt Nam là một xã hội thống nhất giữa lợi ích của Tổ quốc với lợi ích của nhân dân, dân giàu và nước mạnh, là “Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(8), là đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân không ngừng được nâng cao, là xã hội con người được giải phóng, được phát triển đầy đủ, toàn diện. Như vậy, quan niệm của Hồ Chí Minh về CNXH mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc, phản ánh quy luật phát triển của cách mạng, đại biểu cho mơ ước, khát vọng của muôn triệu người dân Việt Nam.Là nhà lý luận mácxít - lêninnít, Hồ Chí Minh đứng vững trên nền tảng hệ tư tưởng của giai cấp công nhân - giai cấp tiến bộ có sứ mệnh lãnh đạo cách mạng XHCN, xác định nhiệm vụ đầu tiên của cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, nhưng Người không coi độc lập dân tộc là mục tiêu cuối cùng của cách mạng, mà cuộc cách mạng tiếp theo là cách mạng XHCN nhằm xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam phải mang tính định hướng XHCN mới giành được thắng lợi hoàn toàn và triệt để. Người khẳng định: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(9).Như vậy, gắn độc lập dân tộc với CNXH là đường lối chiến lược nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, là chân lý phổ quát của mọi dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh cho độc lập, hòa bình, tự do và hạnh phúc. Mọi quan điểm phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH đều là không nhận thức đầy đủ, đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh.4. Nhận diện, phản bác luận điệu phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và phát triển đất nướcMột trong những trọng tâm trong âm mưu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh của các thế lực thù địch là phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới và phát triển đất nước. Một số luận điệu rêu rao rằng, Hồ Chí Minh là người vận dụng máy móc, giáo điều lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, do vậy không thể có quan điểm, tư duy về đổi mới, phát triển. Một số khác lại cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với xây dựng đất nước trong thời kỳ chiến tranh; gắn với xã hội nông nghiệp lạc hậu, với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, theo mô hình của Liên Xô và Trung Quốc, nên không có tư tưởng đổi mới và phát triển; rằng, công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay chỉ là do Đảng ta tự đặt ra cho phù hợp với bối cảnh mới, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh mang dáng vẻ hiện đại, “hợp thời cuộc” và cuối cùng là đi tới khẳng định, Đảng ta vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc đổi mới là sai lầm, sẽ đi đến ngõ cụt, thất bại như cải tổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu trong những thập niên 90 thế kỷ XX.Thực tế lịch sử cho thấy, toàn bộ tư tưởng, cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh là quá trình đổi mới sáng tạo không ngừng. Một trong những phẩm chất cá nhân nổi bật của Người là phương pháp và phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, óc phê phán tinh tường, sâu sắc. Người tiếp thu những giá trị văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa phương Đông, phương Tây trên tinh thần có chọn lọc, đổi mới và sáng tạo. Người kế thừa và đổi mới học thuyết Khổng Tử về nhân trị, đức trị để quản lý xã hội; tư tưởng vị tha, từ bi bác ái, đề cao quyền bình đẳng con người của Phật giáo để hướng tới xây dựng con người mới đoàn kết, nhân nghĩa, hòa bình. Người tiếp thu tư tưởng cách tân, đổi mới của các nhà tư tưởng tiến bộ phương Tây về tự do, dân chủ, bác ái… Đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người khẳng định đó là học thuyết “chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất”(10), nhưng cũng cần được bổ sung, phát triển sáng tạo, đúng với tinh thần và sức sống của học thuyết này.Đối với Hồ Chí Minh, đổi mới và phát triển là tuân thủ đúng quan điểm lịch sử - cụ thể trong nhận thức và hành động, không sa vào kinh viện, giáo điều. Sáng tạo không phải là sự phủ định sạch trơn cái cũ, cái truyền thống, mà là sự từ bỏ những cái cũ đã lỗi thời, cản trở sự phát triển, đồng thời trân trọng và phát huy những giá trị truyền thống tích cực. Người cho rằng: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý… Cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm… Cái gì mới mà hay thì ta phải làm”(11). Người chỉ dẫn: “Khi tình thế đổi mới, ta đủ gan góc, đủ tinh thần phụ trách để quyết định phương hướng chính trị mới, thay đổi cách thức công tác và đấu tranh, dám bỏ những khẩu hiệu và những nghị quyết đã cũ, không hợp thời, đưa những nghị quyết và khẩu hiệu mới thay vào”(12). Sáng tạo, phát triển thực chất là vượt lên lối tư duy bảo thủ, dập khuôn để tìm tòi, nhận thức cái mới, khẳng định cái mới, từ đó đề ra chiến lược, sách lược, phương pháp cách mạng mới có hiệu quả hơn.Với tư duy đổi mới, Hồ Chí Minh đã vượt lên khỏi hạn chế của các nhà yêu nước tiền bối. Người nhận xét chủ trương cứu nước của Hoàng Hoa Thám “còn mang nặng cốt cách phong kiến”, chủ trương cầu viện Nhật Bản của Phan Bội Châu “chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, chủ trương cải cách của Phan Châu Trinh “chẳng khác gì cầu xin giặc Pháp rủ lòng thương”… Phương pháp và phong cách tư duy sáng tạo của Hồ Chí Minh đã giúp Người vượt lên những tư tưởng truyền thống để giải đáp đúng đắn, kịp thời những vấn đề do thực tiễn mới đặt ra.Trong những năm 20 thế kỷ XX, nhiều nhà cách mạng phương Tây chỉ coi những dân tộc thuộc địa là những dân tộc lạc hậu, cuộc cách mạng ở những nuớc lạc hậu chỉ có thể tiến hành với việc giải phóng giai cấp công nhân ở chính quốc. Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh đã dũng cảm khẳng định và đấu tranh cho quan điểm: cách mạng thuộc địa có quan hệ khăng khít với cách mạng chính quốc và hoàn toàn mang tính chủ động, sáng tạo, có thể nổ ra và giành được thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc. Đây là luận điểm cực kỳ sáng tạo, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, một cống hiến quan trọng của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận Mác - Lênin, đã được phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên toàn thế giới ghi nhận và chứng minh là hoàn toàn đúng đắn.Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, khi nêu những vấn đề cơ bản về đường lối của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc và CNXH. Đường lối, chủ trương cách mạng sáng tạo đó của Hồ Chí Minh đã vượt lên khỏi khuynh hướng “tả” khuynh, nhấn mạnh đấu tranh giai cấp của Quốc tế cộng sản, là kim chỉ nam đưa sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đi tới thắng lợi vẻ vang.Hồ Chí Minh khẳng định: sự nghiệp xây dựng xã hội mới “là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(13). Đổi mới là cách mạng để xây dựng một nền chính trị dân chủ với Đảng Cộng sản vững mạnh lãnh đạo, một Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; một nền kinh tế đa dạng, năng động, giải phóng tối đa năng lực sản xuất; một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đổi mới là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, là đạo đức, là văn hóa, bởi đó chính là sự nghiệp do con người và vì con người.Tư tưởng đổi mới của Hồ Chí Minh đã soi sáng sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân ta trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Tư tưởng ấy lại tiếp tục cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay. Tổng kết 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quan trọng, trong đó có bài học về đổi mới và phát triển trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là bài học đổi mới vì lợi ích của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đổi mới là kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; đổi mới là không ngừng tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, không ngừng sáng tạo, phù hợp với xu thế của thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH, thời đại phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.5. Kết luậnTất cả các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề tổng quát của cách mạng Việt Nam đều không xuất phát từ chính hệ thống tư tưởng của Người, chỉ là sự lấp liếm, xảo trá với dụng ý xấu xa. Nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc tư tưởng của Người sẽ thấy rõ, Hồ Chí Minh đã đề ra lý luận hoàn bị cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của dân tộc Việt Nam; những vấn đề lý luận cơ bản về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; những tư tưởng định hướng về đổi mới và phát triển đất nước. Tư tưởng và sự nghiệp cách mạng cao cả của Người sống mãi với công cuộc cách mạng của Đảng và nhân dân ta.Đề cao cảnh giác, nhận diện rõ, kiên quyết đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch để bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong công cuộc đổi mới hiện nay và mai sau, tất cả vì mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, giàu mạnh, hùng cường như Người hằng mơ ước.________Ngày nhận bài: 5-10-2024; Ngày bình duyệt: 7-10-2024; Ngày duyệt đăng: 10 -10-2024.(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.9.(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Sđd, 2007, tr.147.(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.109.(4), (5) Một giờ với đồng chí Hồ Chí Minh, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1975, tr.54, 34.(6) Song Thành: Hồ Chí Minh, nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.13.(7), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Sđd, tr.2, 289.(8), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.289, 112-113.(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.563.(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.294.(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.617.