Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, đấu tranh tư tưởng là cuộc đấu tranh giữa hệ tư tưởng vô sản và hệ tư tưởng tư sản cùng các tàn dư tư tưởng lạc hậu. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt, diễn ra trên phạm vi quốc tế. Ở nước ta, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, không có bom rơi, đạn nổ, chết người, nhưng là một cuộc “chiến tranh” giữa thời bình, diễn ra âm thầm, quyết liệt, có tác động mạnh mẽ đến niềm tin của nhân dân và đe dọa sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. So sánh lực lượng giữa ta và địch trong cuộc đấu tranh này, chúng ta có nhiều điểm mạnh hơn nhưng cũng có những điểm yếu hơn. Xét ở một mặt, một khía cạnh, một bộ phận nào đó, ta có thể yếu hơn nhưng về tổng thể chúng ta phải mạnh hơn đối phương thì mới có thể giành chiến thắng. Do vậy, muốn thắng lợi trong cuộc chiến tranh này, đòi hỏi chúng ta phải tạo nên một sức mạnh tổng hợp vượt trội hơn kẻ thù, đó là một vấn đề có tính nguyên tắc. Vậy sức mạnh tổng hợp là gì? Nó có khác gì sức mạnh đoàn kết? Đây là vấn đề rất quan trọng mà mỗi chủ thể tham gia đấu tranh tư tưởng cần nhận thức một cách tường minh và sâu sắc trước khi bước vào cuộc chiến đấu. Tham gia vào cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có nhiều yếu tố, nhiều lĩnh vực, nhiều lực lượng, phương tiện, cả vật chất và tinh thần, cả bên trong và bên ngoài… Sức mạnh tổng hợp là hợp lực của các thành tố tham gia vào cuộc chiến tranh đó. Nó không chỉ là sự cộng lại đơn thuần mà là sự hòa quyện và nhân lên gấp bội sức mạnh của các yếu tố thành phần. Đoàn kết là sức mạnh của con người, là sự hội tụ, cộng hưởng của các yếu tố cùng loại, sức mạnh của “bó đũa”. Sức mạnh tổng hợp là sức mạnh của các thành tố khác nhau được hòa quyện vào nhau thành một “hợp chất” mới. Nếu đoàn kết là cộng hưởng, thì tổng hợp là hóa thân. Đoàn kết là sự tập hợp từng cá nhân con người vào tổ chức thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Sức mạnh tổng hợp là bố trí, sắp xếp cả yếu tố con người và các yếu tố vật chất, tinh thần khác một cách khoa học, tinh tế để biến mỗi yếu tố thành một tế bào trong một cơ thể thống nhất. Đoàn kết có thể bị chia rẽ nhưng sức mạnh tổng hợp là sức mạnh của từng thành tố đã được “nung chảy”, hòa quyện vào nhau biến thành một hợp chất thống nhất, không thể chia tách được nên bền vững và mạnh mẽ hơn nhiều lần. Tạo ra sức mạnh đoàn kết đã khó, tạo ra sức mạnh tổng hợp còn khó hơn nhiều, nó đòi hỏi tài năng, trí tuệ và cả đức độ của người chỉ huy cuộc đấu tranh. Sức mạnh tổng hợp được hình thành từ sức mạnh của từng yếu tố thành phần. Vậy, trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, chúng ta đang sở hữu sức mạnh của những thành tố nào? Không trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ không có được niềm tin vào chiến thắng. Thứ nhất, trong đấu tranh tư tưởng, sức mạnh chủ đạo tất yếu phải là sức mạnh của tư tưởng tiến bộ hơn. Sức mạnh lớn nhất của chúng ta đang có chính là niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu của đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng là để bảo vệ lý tưởng mà Mác, Ăngghen, Lênin và Hồ Chí Minh đã vạch ra. Mặc dù từ trước tới nay, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, bôi nhọ nhưng vẫn không làm lu mờ được giá trị nhân văn cao đẹp của lý tưởng cộng sản. Mác, Ăngghen vốn xuất thân không phải từ tầng lớp nghèo khổ nhưng các ông lại xây dựng nên một học thuyết để giải phóng những người lao động ở dưới đáy xã hội. Ai có thể phủ nhận tính nhân văn, nhân đạo cao cả của lý tưởng hướng tới xây dựng một xã hội mà ở đó mọi tài nguyên, nguồn lực đều là của chung, không có áp bức, bất công, mọi người đều được tự do, bình đẳng, ấm no, hạnh phúc. Lý tưởng đó không phải do Mác, Ăngghen tự nghĩ ra mà đã từng xuất hiện trong lịch sử loài người và được Mác, Ăngghen kế thừa, hoàn thiện, khoa học hóa mà thôi. Dù người ta có thể phê phán, không đồng tình với phương pháp cách mạng của các ông, nhưng mục tiêu lý tưởng đó luôn là khát vọng cháy bỏng, là mơ ước ngàn đời của những người lao động trên toàn thế giới. Đấu tranh bảo vệ một lý tưởng cao đẹp bản thân nó đã là một nghĩa cử cao đẹp, mang sức mạnh của chính nghĩa nên luôn có sự lan tỏa mạnh mẽ và sự ủng hộ của những người cách mạng chân chính trên thế giới. Mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu có thể sụp đổ nhưng ngọn đuốc lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Mác, Ăngghen, Lênin đã thắp lên sẽ không bao giờ tàn lụi. Khi đã có sức mạnh của niềm tin thì “dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”. Thứ hai, cùng với sức mạnh từ hệ tư tưởng tiên tiến từ lý tưởng xã hội chủ nghĩa, chúng ta có sức mạnh từ truyền thống văn hóa của dân tộc đã được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần lạc quan, dũng cảm không chỉ phát huy tác dụng trên mặt trận quân sự mà càng có giá trị hơn trên mặt trận tư tưởng, tinh thần. Nhờ có sức mạnh đó mà dân tộc ta dù trải qua cả ngàn năm đô hộ của nước ngoài nhưng vẫn không bị đồng hóa, vẫn giữ được cách nghĩ, cách cảm riêng của người Việt Nam. Vị trí địa chính trị thuận lợi giúp Việt Nam có cơ hội được giao lưu, tiếp biến với rất nhiều nền văn hóa, nhiều hệ tư tưởng, có thứ là tự nguyện, có thứ là ép buộc nhưng người Việt Nam vẫn tỉnh táo lựa chọn những giá trị tư tưởng nhân văn, tiến bộ để đi theo. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, tuy nhận được sự giúp đỡ về vũ khí, phương tiện chiến tranh, chúng ta cũng chịu nhiều sức ép, can thiệp của các nước lớn, nhưng thay vì “đánh nhanh thắng nhanh” chúng ta chọn “đánh chắc tiến chắc”, thay vì “kiên trì chờ đợi” chúng ta vẫn tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Độc lập về tư tưởng là sức mạnh nội sinh, là quốc bảo mà cha ông truyền lại cho chúng ta trong cuộc đấu tranh tư tưởng hiện nay. Trong chiến tranh, kinh nghiệm trận mạc cũng là một thứ sức mạnh tiềm tàng. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm huy động sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc vào công cuộc bảo vệ bờ cõi. Từ biết lợi dụng sức mạnh của địa hình, địa vật như: Bạch Đằng, Chi Lăng, Rạch Gầm Xoài Mút đến huy động sức mạnh của lòng dân như Hội nghị Diên Hồng; gả công chúa cho các tù trưởng dân tộc thiểu số và vua chúa nước láng giềng tạo ra sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế để xây dựng củng cố tiềm lực của đất nước. Sức mạnh tâm linh, tinh thần cũng được huy động vào cuộc chiến tranh như bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sỹ của Trần Quốc Tuấn, Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi… Kinh nghiệm của dân tộc đã được phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong hai cuộc kháng chiến, Đảng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Tin vào Đảng, nhân dân ta đã vùng lên với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, con ong, cái kiến cũng thành chiến sỹ. Tham gia chiến đấu không chỉ có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân, du kích mà có cả lực lượng thứ ba, tình báo, biệt động ngay trong lòng địch, có sự tham gia của cả văn nghệ sỹ, trí thức và sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Sức mạnh của vũ khí được hình thành từ gậy gộc, giáo mác, súng trường cho đến máy bay, tên lửa. Sức mạnh thế trận được hình thành từ ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược, cả đánh và đàm... Những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” không thuộc về một cá nhân, tổ chức nào mà là chiến công chung của toàn dân tộc. Kinh nghiệm cách mạng thế giới cũng cho chúng ta những bài học xương máu. Khi niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã mục ruỗng thì Đảng, Nhà nước đã mất đi điểm tựa lòng dân. Trong khi đó, sức mạnh của truyền thông, báo chí lại được trao vào tay những kẻ xét lại; sức mạnh của quân đội, an ninh bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Một khi chế độ chính trị không còn dựa trên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc thì sụp đổ là điều khó tránh khỏi. Thứ ba, trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chúng ta còn có sức mạnh từ sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Mặc dù, cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp đã lùi xa nhưng những điều tốt đẹp và sự cống hiến của nó trong việc huy động sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc là điều không thể phủ nhận. Trong cuộc đấu tranh phòng, chống đại dịch Covid-19 hiện nay, cơ chế một đảng cầm quyền đã phát huy tác dụng trong việc sớm đưa ra quyết sách “hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân”. Chỉ khi Nhà nước nắm trong tay các nguồn lực kinh tế lớn mới có thể kịp thời điều máy bay ra nước ngoài cứu hộ dân, mới quyết định chi các khoản ngân sách hỗ trợ lớn cho nhân dân, doanh nghiệp mà không phải bàn cãi nhiều, quyết định giãn cách, cách ly toàn xã hội một cách dễ dàng. Trong khi các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc thành quả chống dịch Covid-19 của Việt Nam thì truyền thông thế giới đã thừa nhận Việt Nam là một điểm sáng và chỉ số niềm tin vào Chính phủ đạt tỷ lệ cao nhất nhì thế giới. Thứ tư, chúng ta có sức mạnh từ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và sức mạnh của công nghệ tiên tiến. Trong sự nghiệp đổi mới, với chính sách ngoại giao cây tre chúng ta vẫn duy trì được mối quan hệ hữu nghị với các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè truyền thống, với các nước lớn, các nước láng giềng. Bên cạnh đó, chúng ta còn mở rộng mối quan hệ với nhiều nước trên thế giới theo phương châm “thêm bạn bớt thù”. Không chỉ là bạn bè, đối tác chiến lược mà Việt Nam còn được bầu vào cương vị lãnh đạo một số tổ chức quốc tế. Mặc dù nền kinh tế còn nhỏ bé nhưng chúng ta đã kịp “bắt trend” của thời đại như: quan tâm đến môi trường, hòa bình, dịch bệnh, bình đẳng giới… và đưa ra nhiều sáng kiến được quốc tế ghi nhận. Sức mạnh dân tộc hòa quyện với sức mạnh thời đại đã giúp chúng ta không đơn độc trong bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, khai thác được nguồn vaccine trong phòng, chống dịch, đấu tranh với các cáo buộc, xuyên tạc của kẻ thù. Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế là một nguồn sức mạnh tinh thần rất lớn trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. Việt Nam chưa là một quốc gia mạnh về khoa học, công nghệ nhưng chúng ta đã biết tận dụng sức mạnh của nó trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, Việt Nam là một nước có số người sử dụng mạng xã hội cao trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta cũng đã có hàng trăm mạng xã hội nội địa, lĩnh vực truyền hình, phát thanh, báo chí được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển theo kịp trình độ phát triển của thế giới. Nếu chúng ta biết tận dụng những ưu thế của mạng Internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh thì đây sẽ là một vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh tư tưởng. Có thể kể ra đây nhiều hơn nữa, nhưng với một số thành tố cơ bản như vậy cũng đủ thấy chúng ta đang sở hữu trong tay nhiều sức mạnh tiềm tàng. Vấn đề là chúng có trở thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh tư tưởng hay không. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, trong cuộc chiến này, chúng ta cũng có nhiều điểm yếu. Nếu như niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa là sức mạnh quan trọng nhất thì hiện nay lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần giải đáp. Trong khi, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa chưa được khẳng định một cách rõ rệt thì những hạn chế, khuyết điểm của sự nghiệp đổi mới, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã và đang làm sụt giảm niềm tin của nhân dân. Đó chính là điểm huyệt để các thế lực thù địch khai thác, thổi phồng, bóp méo làm lấn át đi sức mạnh vốn có của chế độ ta. Là một nước còn nghèo chúng ta chưa có điều kiện để đầu tư cho lực lượng, phương tiện đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chưa làm chủ được công nghệ, quản lý mạng xã hội còn chưa theo kịp sự phát triển của tình hình. Trong khi đó, các thế lực thù địch có nhiều thành phần, lực lượng cấu kết với nhau trên bình diện quốc tế, lại thêm các phần tử thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nước làm nội ứng... Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chúng ta đã bước đầu huy động được sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhờ đó, chính trị ổn định, kinh tế, xã hội đều phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên về mọi mặt. “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1). Điều đó cho thấy, các sức mạnh tiềm tàng của dân tộc đã được phát huy, tạo thành sức mạnh tổng hợp góp phần làm nên chiến thắng trên mặt trận tư tưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, việc phát huy sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn những hạn chế nhất định. Những yếu kém về kinh tế, xã hội làm cho tính thuyết phục, tính chiến đấu của các luận cứ, luận chứng đấu tranh tư tưởng chưa cao. Thông tin chính thống chưa trở thành dòng chủ lưu. Việc phối hợp giữa tuyên truyền, giáo dục với an ninh, công nghệ chưa tốt dẫn đến chưa ngăn chặn có hiệu quả các thông tin xấu, độc. Sự phối hợp giữa công tác tư tưởng, công tác tổ chức và công tác kiểm tra còn hạn chế nên còn nhiều “con sâu làm rầu nồi canh”. Việc xử lý các mâu thuẫn trong nội bộ chưa tốt là nguyên nhân của các “điểm nóng” để các thế lực thù địch lợi dụng hòng kích động làm rối loạn về mặt tư tưởng. Thêm vào đó, do cuộc chiến tranh tư tưởng là lâu dài, quyết liệt, địch có nhiều ưu thế vượt trội về tiền bạc, công nghệ, thậm chí cả những thành công về bảo vệ môi trường sinh thái, an sinh xã hội của xã hội tư bản hiện đại, văn minh cũng gây cho chúng ta những khó khăn nhất định. Nhận thức điểm mạnh, điểm yếu của chúng ta không phải để bi quan, nhụt chí mà điều đó buộc chúng ta phải biết khơi dậy, phát huy sức mạnh tiềm tàng sẵn có ấy thành một khối bền chặt, làm cho nó thăng hoa, chuyển hóa thành một sức mạnh vượt trội để chiến thắng kẻ thù trên mặt trận tư tưởng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát huy sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ mới. Từ kết quả nghiên cứu về bản chất, yếu tố cấu thành, những ưu điểm và hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, chúng ta cần tiến hành đồng bộ các biện pháp sau đây: Một là, sức mạnh cơ bản của chúng ta là niềm tin vào mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Do đó, muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng thì trước hết phải làm cho lý tưởng đó ngày càng hoàn thiện, đẹp đẽ và tỏa sáng hơn để niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng trở thành nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh. Trong thời gian tới, toàn Đảng phải tập trung nghiên cứu, bổ sung phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và tổng kết những bài học từ sự nghiệp đổi mới để hoàn thiện đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý, là cơ sở của niềm tin cho nên phải từng bước hiện thực hóa những ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trên thực tiễn. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được đổi mới một cách toàn diện sao cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng đến với người dân một cách sinh động, ấn tượng và cụ thể nhất, làm cho tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ coi mục tiêu chấn hưng dân tộc, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc là châm ngôn, lẽ sống của mình. Hai là, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trở thành sức mạnh trụ cột trong sức mạnh tổng hợp. Đoàn kết bản thân nó đã là sức mạnh, là một dạng của sức mạnh tổng hợp, nhưng sức mạnh tổng hợp rộng hơn, nhiều thành tố hơn, ở trình độ và chất lượng cao hơn. Đại đoàn kết là nền tảng, là nguyên liệu cơ bản để tạo thành sức mạnh tổng hợp. Đoàn kết về mục tiêu, ý chí là yếu tố quan trọng nhất như đã đề cập ở phần trên. Đoàn kết về tổ chức phải thực hiện: “Phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”(2) là tấm gương để cấp ủy các cấp học tập, làm theo. Đoàn kết trong xã hội phải bắt đầu từ việc phân phối công bằng về lợi ích, về nguồn lực, cơ hội phát triển cho các giai tầng, dân tộc, các tôn giáo, vùng miền. Thường xuyên cảnh giác, đấu tranh, vạch trần các thủ đoạn kích động, xúi giục nhằm chia rẽ mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang với nhân dân. Ba là, để có sức mạnh tổng hợp thì phải có ngọn cờ quy tụ các nguồn sức mạnh thành phần như “trăm sông đổ về một biển”. Trong kháng chiến, mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc để xây dựng đất nước mạnh giàu như Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa không chỉ là khát vọng cháy bỏng của mỗi người Việt Nam mà còn là hạt nhân quy tụ sức mạnh của cả dân tộc và sức mạnh thời đại. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu cụ thể đến 2045, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao(3). Vì vậy, chúng ta phải tuyên truyền mạnh mẽ, biến mục tiêu nói trên thành ngọn cờ thu hút mọi nguồn lực cả trong nước và nước ngoài. Xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc phải trở thành mục tiêu của mọi địa phương, cơ quan đơn vị, của mọi cuộc vận động, phong trào thi đua và từng cá nhân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu phát triển đất nước cần được mô phỏng, đồ họa thành biểu tượng, hình ảnh, âm thanh sống động để gây ấn tượng mạnh mẽ với mọi tầng lớp nhân dân. Khi mục tiêu đó trở thành biểu tượng, thành khát vọng và lý tưởng sống của mỗi người thì sẽ có sức hấp dẫn, quy tụ các sức mạnh khác và khi đó, người ta sẽ dễ dàng bỏ qua những khác biệt, những lợi ích vị kỷ cá nhân để cống hiến vì mục tiêu chung của cả dân tộc. Sức mạnh của mục tiêu, lý tưởng cao đẹp còn là những luận cứ, luận chứng đanh thép và mạnh mẽ để đấu tranh với kẻ thù trên mặt trận tư tưởng. Bốn là, có người cho rằng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là công việc của các chuyên gia, các nhà khoa học, báo cáo viên... Đó là một quan niệm phiến diện, bởi đây thực sự là cuộc chiến tranh nhân dân trên mặt trận tư tưởng. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta có nhiều lĩnh vực, nhiều lực lượng, phương tiện, bên trong, bên ngoài, vật chất, tinh thần, công nghệ. Muốn tạo ra sức mạnh tổng hợp thì trước hết phải hun đúc, mài sắc sức mạnh của từng thành tố làm cho nó mạnh thêm, sắc bén hơn trước khi góp vào sức mạnh chung. Trước hết, phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên tự mình trở thành một chiến sĩ xung kích và xây dựng mỗi địa phương thành một pháo đài trên lĩnh vực tư tưởng. Như vậy, các quan điểm sái trái, thù địch mới không có chỗ để tồn tại, lan truyền gây tác hại xấu đến tư tưởng xã hội. Tiếp đến, chăm lo xây dựng lực lượng chuyên trách trên mặt trận tư tưởng ngày càng chuyên nghiệp, tinh nhuệ và hiện đại, đi đầu trong cuộc đấu tranh. Mỗi một cơ quan, đơn vị, địa phương bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình phải coi đấu tranh là một nhiệm vụ thường trực, thường xuyên. Mỗi một công việc đều phải gắn liền với đấu tranh, phải đối chiếu kết quả của nó làm gia tăng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới hay không, có đóng góp gì trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và ở địa phương, địa bàn hoạt động của mình nói riêng. Năm là, sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chỉ được hình thành khi có một chỉ huy tài ba. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là “tác chiến hiệp đồng binh chủng” cho nên rất cần một người chỉ huy thống nhất, quản lý điều hành. Thử hình dung khi xuất hiện một quan điểm sai trái, thù địch nếu mạnh ai nấy làm, “ông nói gà, bà nói vịt”, chờ đợi, giẫm đạp, chồng chéo lên nhau, thậm chí còn chê bai, trách cứ lẫn nhau thì hiệu quả sẽ ra sao. Để các sức mạnh thành tố trở thành sức mạnh tổng hợp thì rất cần một nhà cầm quân biết rõ ưu thế, hạn chế của từng thành tố, trên cơ sở đó bố trí, sắp xếp yếu tố nào đứng cạnh yếu tố nào, liều lượng thế nào hợp lý, tại sao sử dụng yếu tố này mà chưa sử dụng lực lượng kia, phải bố trí, sắp xếp tạo thành thiên la, địa võng để tiêu diệt địch. Vì vậy, rất cần một cơ quan chuyên trách có đủ quyền lực và năng lực để chỉ huy điều hành thống nhất. Cơ quan này phải có quyền phát ngôn, dễ dàng huy động các phương tiện truyền thông chính thống, lên kế hoạch, hiệp đồng tác chiến, sử dụng nguồn lực trên trong phạm vi cả nước. Mô hình ban chỉ đạo như hiện nay nếu không được trao đủ quyền lực, năng lực và nguồn lực thì sẽ khó phát huy vai trò của người chỉ huy trong cuộc chiến rất cần sự quyết đoán và hết sức mau lẹ này. Sáu là, sức mạnh nào suy đến cùng cũng chỉ được phát huy thông qua khối óc và bàn tay của con người. Cho nên, phát huy sức mạnh tổng hợp không chỉ là quan điểm, nhận thức mà phải có kỹ năng và được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện mới có thể biến thành sức mạnh hiện thực. Trên thực tế, có lúc, có nơi, khi huy động các lực lượng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thì ngay trong nội bộ có người thiếu tin tưởng, tôn trọng, thậm chí chê bai bài viết, sản phẩm của người khác. Vì vậy, người tham gia không chỉ phải đấu tranh với địch mà còn phải đối phó với ngay đồng chí, đồng đội của mình. Điều này gây hậu quả tai hại đến sức mạnh tổng hợp, vì vậy, phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng làm việc nhóm, hợp tác trong đấu tranh tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây cũng là những kỹ năng quan trọng của người lao động trong thế kỷ XXI. Đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng cũng là một cuộc chiến mang tính đồng đội rất cao. Tham gia cuộc chiến này, mỗi người phải làm tốt nhiệm vụ của mình nhưng cũng phải tôn trọng, tạo điều kiện cho đồng đội tỏa sáng. Trong khi các chuyên gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm đấu tranh ở tầm hệ tư tưởng, thì người bình thường, người trẻ chỉ cần ủng hộ, lan tỏa các bài viết đó, hoặc phản ánh những hiện thực tốt đẹp của chế độ theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, ai không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”(4). Đấu tranh không chỉ là viết bài phản bác trực diện mà còn là việc ca ngợi, biểu dương các thành tựu, gương người tốt, việc tốt. Ấn một nút like, sharre, comment, post một dòng status, một hình ảnh, một bài thơ, một bài hát, điệu nhảy…có nội dung tích cực lên mạng xã hội cũng đã góp thêm sức mạnh cho cuộc đấu tranh tư tưởng. Các thao tác, kỹ năng “tác chiến hiệp đồng binh chủng” trên mặt trận tư tưởng phải được trang bị và rèn luyện thường xuyên và nên xây dựng thành kế hoạch, quy trình, tổ chức diễn tập trên thực tế, thường xuyên rút kinh nghiệm và đánh giá hiệu quả để ngày càng hoàn thiện. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc chiến tranh trong thời bình, tuy âm thầm lặng lẽ nhưng rất gay go, quyết liệt. Quy luật mạnh được, yếu thua của chiến tranh đòi hỏi chúng ta phải huy động cho được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, phải biến nó thành cuộc chiến tranh nhân dân trên mặt trận tư tưởng. Khi sức mạnh tư tưởng, tinh thần kết hợp với sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của nền kinh tế và sức mạnh của thời đại thì chúng ta chắc chắn sẽ tiếp tục viết nên những chiến công mới trong cuộc đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng./. ____________________________ (1), (3) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.I, Nxb. CTQG Sự thật, tr.25, 112. (2) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, T.II, Nxb. CTQG Sự thật, tr.229. (4) Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, T.4, Nxb. CTQG, Hà Nội, tr.480. TS. Lương Ngọc Vĩnh (Theo lyluanchinhtrivatruyenthong.vn)