Thực hiện công bằng xã hội để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước - Ảnh: dangcongsan.vn Trong thế giới ngày nay, cái gọi là “chủ nghĩa tự do mới”; “toàn cầu hóa” và “chủ nghĩa tư bản tài chính hóa quốc tế”, theo sự cổ súy của quan điểm phương Tây, luôn được cho rằng đây mới là cơ sở để đem lại cho nhân loại một sự công bằng thật sự (!?) Theo đó, những người tuyên truyền cho những quan điểm này luôn tìm mọi cách để chứng minh, rằng công bằng thật sự chỉ có trong CNTB, còn cái gọi là công bằng trong CNXH thì thực chất không có gì khác ngoài sự “bình quân chủ nghĩa”, sự “cào bằng” và cũng theo họ đây chính là những kiểu dạng của sự “bất công” xã hội, rằng điều này chính là trở lực của sự phát triển của xã hội và đây chính là “đường đến nô lệ”. Song, bản thân sự phát triển không êm thuận của CNTB trong những thập niên đầu thế kỷ XXI chính là những đòn giáng chí mạng vào cái gọi là công bằng xã hội đích thực trong lòng của những nước tư bản phát triển. “Kinh tế suy thoái đã làm phơi bày sự thật của những bất công xã hội trong các xã hội tư bản chủ nghĩa: Đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc”(1). Như vậy, “toàn cầu hóa” và “chủ nghĩa tự do mới” hóa ra là “con dao hai lưỡi” đang xiết chặt vào chính yết hầu của xã hội tư bản. 1. Các nhà kinh điển mácxít vạch rõ thực chất của cái gọi là công bằng xã hội trong chủ nghĩa tư bản Kể từ khi chế độ phong kiến được bảo hộ bằng các đạo luật hà khắc thời trung cổ từ thế kỷ XV dần bước vào thời kỳ tan rã, đồng thời cũng là khi nền kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc khép kín ngày càng phải nhường chỗ cho một nền sản xuất hàng hóa phát triển hơn với mức độ trao đổi hàng hóa rộng rãi hơn và ở trình độ cao hơn. Tiếp đến, nền sản xuất TBCN từng bước khẳng định được địa vị thống trị của mình trong nền sản xuất xã hội thì những quan điểm về sự phân phối và trao đổi dựa trên nguyên tắc trao đổi ngang giá của nền sản xuất hàng hóa đã được coi là một thước đo thật sự của công bằng xã hội, là một thứ vũ khí của giai cấp tư sản để bảo vệ cho lợi ích riêng của giai cấp mình, đồng thời chính là ngọn cờ để giai cấp tư sản hiệu triệu lực lượng đông đảo người lao động chống lại sự bất công và bất bình đẳng của trật tự xã hội phong kiến, được xây dựng trên cơ sở thống trị của nền sản xuất mang tính lệ thuộc và cống nạp. Khi quan hệ trao đổi ngang giá trong nền sản xuất hàng hóa tư bản đã trở thành động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển lực lượng sản xuất và trở thành thống trị, thì đồng thời giai cấp tư sản đã coi nguyên tắc trao đổi ngang giá chính là thước đo của công bằng xã hội. Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn phát triển của CNTB, những người chủ sở hữu trên những mảnh đất nhỏ bé của mình, những người mà trước đó họ được giai cấp tư sản giải phóng khỏi kiếp nông nô thời phong kiến, thì giờ đây chính CNTB lại cuốn hút họ vào cơn lốc cạnh tranh và đẩy hàng loạt trong số họ vào tình trạng phá sản. Vì thế, để sống được buộc họ phải đổ xô về các thành thị để kiếm công ăn, việc làm như những người vô sản. Các nhà kinh điển mácxít chỉ rõ, có tình hình này là do: “Cái “tự do sở hữu” được thoát khỏi xiềng xích phong kiến, ngày nay đã được thực hiện trong thực tế, thì đối với người tiểu tư sản và tiểu nông, chẳng qua chỉ là tự do bán cái sở hữu nhỏ của họ - cái sở hữu bị đè bẹp bởi sự cạnh tranh mãnh liệt của đại tư bản và đại chiếm hữu ruộng đất lớn - cho chính những bọn chủ đầu sỏ ấy; do đó, đối với người tiểu tư sản và tiểu nông, “tự do sở hữu” đã biến thành tự do mất sở hữu. Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp trên cơ sở tư bản chủ nghĩa đã làm cho sự nghèo khổ và khốn cùng của quần chúng lao động trở thành điều kiện sống còn của xã hội”(2). Như vậy, trong nền sản xuất đại công nghiệp, nguyên tắc trao đổi tự do và phân phối đúng với giá trị của sức lao động sản xuất ra hàng hóa đã không còn mang ý nghĩa là vũ khí đấu tranh chống lại trật tự phong kiến trước đây. Đây không còn là nguyên tắc để thực hiện sự công bằng trước hết đối những người sản xuất nhỏ, thậm chí nguyên tắc trao đổi tự do giữa những người sản xuất nhỏ mà nguyên tắc này đã bị đè bẹp bởi sự cạnh tranh mãnh liệt của đại tư bản và đại sở hữu ruộng đất. Bởi vậy, “Số phận của chế độ xã hội lý tính cũng không đẹp đẽ gì hơn. Sự đối lập giữa những người giàu và những người nghèo đáng lẽ được giải quyết trong đời sống hạnh phúc phổ biến thì lại trở thành sâu sắc hơn”(3). Trong điều kiện của nền sản xuất TBCN, giai cấp tư sản đã tỏ rõ sự hoàn toàn bất lực trước vấn đề xã hội quan trọng là xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng thật sự giữa người với người. Trong chế độ xã hội đó, về mặt kinh tế, mọi quan hệ được coi là công bằng khi chúng được thực hiện dựa trên nguyên tắc trao đổi ngang giá, trong lĩnh vực chính trị và các quan hệ xã hội khác thì mọi người được tuyên bố là bình đẳng trước pháp luật, nhưng thật ra đó chỉ là một hệ thống pháp luật bảo vệ cho lợi ích của giai cấp thống trị đương thời mà thôi. Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác: “Sự quy định giá trị hàng hóa bằng lao động và sự trao đổi tự do sản phẩm lao động giữa những người sở hữu hàng hóa bình quyền được thực hiện trên cơ sở sự đo lường giá trị theo cách như vậy là những nền tảng thực tế, như Mác đã chứng minh, trên đó xây dựng toàn bộ hệ tư tưởng về chính trị, luật pháp và triết học của giai cấp tư sản hiện đại”(4). Các nhà kinh điển mácxít đã chỉ rõ bản chất của chế độ phân phối được cho là công bằng theo nguyên tắc trao đổi ngang giá, chỉ là vị thế có lợi đối với riêng giai cấp tư sản và là vị thế bất lợi với giai cấp công nhân trong cuộc trao đổi “ngang giá” giữa sức lao động mà người công nhân bỏ ra và tiền công mà nhà tư bản trả cho họ. Sự bất công là ở chỗ “Công nhân bỏ ra nhiều, nhà tư bản chi ra ít”(5). Về điều này, Ph.Ăngghen đã viết một cách châm biếm: “Đó là một loại công bằng hết sức đặc biệt”(6). Các nhà kinh điển mácxít khẳng định, trong nền sản xuất hàng hóa TBCN, nguyên tắc trao đổi ngang giá được thực hiện đối với mọi hàng hóa nói chung, trong đó có cả hàng hóa sức lao động. Hàng hóa sức lao động ấy trong CNTB đã thuộc sở hữu của chính người lao động, cho nên người lao động đã được tự do định đoạt đối với lao động của chính mình, nghĩa là người lao động ở đây đã thật sự được giải phóng khỏi sự lệ thuộc vào ruộng đất của chủ đất, không phải lao động cống nạp như thời kỳ phong kiến. Nhờ đó, người công nhân trong CNTB được tham gia một cách tự do, bình đẳng vào quan hệ mua bán sức lao động với nhà tư bản, được toàn quyền quyết định bán hay không bán sức lao động của mình cho nhà tư bản trên cơ sở “thuận mua vừa bán” theo đúng quy luật của thị trường. Từ góc độ này mà xét thì quan hệ phân phối sản phẩm giữa nhà tư bản và người công nhân dựa trên sự đóng góp công sức của cả nhà tư bản và người công nhân vào việc làm ra sản phẩm là hoàn toàn công bằng: người công nhân đã được nhận hoàn toàn đầy đủ tiền công của mình theo đúng giá cả đã được thoả thuận giữa anh ta với nhà tư bản, còn nhà tư bản đương nhiên được nhận toàn bộ phần còn lại của sản phẩm do đóng góp của anh ta về vốn (dưới dạng tư liệu sản xuất và tiền công trả cho công nhân) vào việc tạo ra sản phẩm. Do đó, nhìn bề ngoài thì quan hệ phân phối, hơn nữa, đây lại là quan hệ phân phối thống trị trong CNTB, là hoàn toàn công bằng và việc giai cấp tư sản coi nguyên tắc trao đổi ngang giá chính là thước đo của công bằng xã hội không phải là không có lý. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ thì sự thật lại không phải hoàn toàn như thế. Trước hết, cần nhận xét rằng trong nền sản xuất hàng hóa, bản thân nguyên tắc trao đổi ngang giá mang tính công bằng và về phương diện này nó là động lực của sự phát triển kinh tế. Nhưng trên thực tế, trong nền kinh tế thị trường TBCN, nguyên tắc trao đổi ngang giá này đã không được thực hiện đúng như lý thuyết. Thực vậy, trong nền kinh tế thị trường đó, giá cả trên thị trường không phải khi nào cũng phù hợp với giá trị vì nó được hình thành dưới tác động của nhiều yếu tố. C.Mác nhận xét: “Giá trị hàng hóa được quy định bởi lao động cần thiết để sản xuất ra hàng hóa đó. Nhưng tuy vậy, người ta thấy rằng trong thế giới tội lỗi của chúng ta hàng hóa được bán ra lúc cao, lúc thấp hơn giá trị của nó, vả lại không chỉ do những dao động bắt nguồn từ cạnh tranh”(7). Riêng đối với trường hợp mua - bán sức lao động thì còn phải tính đến những sự thật sau đây: Thứ nhất, trong quan hệ mua - bán sức lao động giữa nhà tư bản và người công nhân, nhà tư bản ở thế mạnh vì anh ta sở hữu toàn bộ tư liệu sản xuất, còn người công nhân ở thế yếu vì chỉ sở hữu sức lao động của bản thân mình. Cái đói buộc người công nhân phải bán sức lao động thấp hơn giá trị của nó. Vì thế, việc người công nhân chỉ nhận được phần tiền công ngang bằng với giá cả được đem bán trên thị trường thật ra là sự trao đổi không ngang giá chứ không phải là ngang giá. Mặc khác, trong nền sản xuất TBCN, hàng hóa sức lao động còn phải chịu sự chi phối trực tiếp của quy luật cạnh tranh trên thị trường. Đứng trước sự cạnh tranh, nếu như không muốn bị tiêu diệt, nhà tư bản cá biệt đã buộc phải không ngừng cải tiến máy móc nhằm tăng năng suất lao động. Nhưng máy móc được cải tiến sẽ làm cho một số lao động của con người trở thành thừa. Việc tăng cường cải tiến và tăng thêm việc sử dụng máy móc đã tạo ra một số công nhân làm thuê vượt quá nhu cầu thuê mướn trung bình của nhà tư sản. “Đạo quân ấy - là hòn đá buộc chân giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh sống còn giữa họ và tư bản: là yếu tố điều tiết giữ tiền công ở mức thấp phù hợp với yêu cầu của tư bản. Như vậy là máy móc, theo lời của Mác, trở thành công cụ mạnh mẽ nhất của nhà tư bản để chống lại giai cấp công nhân; là công cụ lao động luôn luôn cướp mất tư liệu sinh sống trong tay người lao động, và chính sản phẩm của công nhân lại trở thành công cụ nô dịch bản thân họ”(8). Do vị thế bất lợi trước sự chi phối bởi quy luật cạnh tranh đối với hàng hóa sức lao động, cho nên người lao động luôn luôn đứng trước mối đe dọa bị mất việc làm, tức là bị mất nguồn sống của mình và gia đình mình. Người công nhân, theo Ph.Ăngghen, “chỉ dựa vào tiền công để sống” nên họ đã “buộc phải nhận việc làm với những địa điểm, thời gian và điều kiện nào mà anh ta có thể có được”(9). Tình thế đó khiến người công nhân không còn được tự do lựa chọn thật sự trong quan hệ trao đổi được coi là tự nguyện - một đặc trưng của nguyên tắc công bằng trong nền sản xuất hàng hóa và càng lâm vào cảnh buộc phải bán sức lao động của mình dưới giá trị. Thứ hai, trong quan hệ mua bán sức lao động giữa người bán (người công nhân) và người mua (nhà tư bản) thì người bán nhận được giá trị của món hàng của mình tương ứng với một số tiền công theo giá cả của thị trường. Còn người mua lại nhận được giá trị sử dụng của món hàng ấy và sử dụng nó để biến những tư liệu sản xuất vốn thuộc về phần mình thành một sản phẩm mới, bao gồm cả tư bản ứng trước và cả phần giá trị thặng dư. Do đó, đối với người mua sức lao động (nhà tư bản), “số giá trị đã ứng ra làm tiền công không phải chỉ giản đơn tái hiện trong sản phẩm, mà lại còn được tăng thêm một khoản giá trị thặng dư nữa, thì điều đó diễn ra không phải là do người bán đã bị lừa bịp - vì người này đã nhận được giá trị của hàng hóa của anh ta rồi - mà chỉ là do người mua đã tiêu dùng hàng hóa đó”(10). Đây là một trao đổi hoàn toàn phù hợp với các quy luật kinh tế của nền sản xuất hàng hóa và với quyền sở hữu do các quy luật ấy đẻ ra nhưng lại dẫn đến kết quả là: “1. sản phẩm thuộc về nhà tư bản, chứ không phải thuộc về công nhân; 2. giá trị của sản phẩm ấy, ngoài giá trị của tư bản ứng ra, còn bao gồm một giá trị thặng dư mà người công nhân đã tốn lao động để tạo ra, còn nhà tư bản thì chẳng phải tốn gì cả, và tuy vậy giá trị thặng dư ấy lại là vật sở hữu hợp pháp của nhà tư bản; 3. người công nhân vẫn duy trì được sức lao động của mình và lại có thể đem bán nữa nếu tìm được người mua”(11). Như vậy, không giống với những hàng hóa khác, hàng hóa sức lao động sau khi được sử dụng còn tạo được giá trị mới lớn hơn giá trị ban đầu khi được đem bán trên thị trường tương ứng với số tiền công nhất định. Vì thế, việc người lao động chỉ nhận được phần tiền công ngang bằng với giá cả lúc được đem bán trên thị trường chứ không phải ngang bằng với giá trị gia tăng sau chu trình sản xuất chứng tỏ rằng, mặc dù quan hệ mua - bán ở đây được coi là quan hệ trao đổi ngang giá, công bằng, nhưng về thực chất đó không phải là sự trao đổi ngang giá, công bằng. Nói cách khác, dưới vẻ ngoài công bằng, nguyên tắc trao đổi ngang giá đã che giấu sự không công bằng thật sự trong nguyên tắc phân phối chủ đạo của CNTB. Thứ ba, sự không công bằng trong quan hệ phân phối TBCN còn thể hiện ở chỗ CNTB thực hiện phân phối sản phẩm sau chu trình sản xuất chủ yếu theo mức độ đầu tư tư bản vào sản xuất kinh doanh, chứ không phải theo lao động, trong khi đó xét về thực chất thì chỉ có lao động của con người mới tạo ra giá trị thặng dư, mới làm gia tăng giá trị của tư bản ban đầu sau chu trình sản xuất. Chính vì sản phẩm của lao động được phân phối theo nguyên tắc “thuận mua vừa bán đó” nên “người nào không có sở hữu nào khác ngoài sức lao động của mình ra... đều nhất định sẽ phải làm nô lệ cho những kẻ khác nắm trong tay những điều kiện vật chất của lao động. Người đó chỉ có thể lao động và do đó chỉ có thể sinh sống, khi được những kẻ này cho phép”(12). Hậu quả của phương thức phân phối tư bản chủ nghĩa như vậy, như điều mà C.Mác cũng đã chỉ ra, “Lao động càng phát triển lên thành lao động xã hội và do đó trở thành nguồn của của cải và của văn hóa thì sự nghèo khổ và cảnh sống vất vưởng lại càng phát triển ở phía người lao động, còn của cải và văn hóa lại ngày càng phát triển ở phía kẻ không lao động”(13). Điều đó hiển nhiên cho thấy, nguyên tắc phân phối chủ đạo của CNTB về thực chất không có gì khác, vẫn là một nguyên tắc phân phối hoàn toàn bất công, chỉ có điều sự bất công đó được che giấu một cách rất tinh vi bởi một vẻ ngoài được cho là rất công bằng qua nguyên tắc trao đổi ngang giá. Song dù sao, so với quan hệ phân phối mang tính cống nạp và lệ thuộc của người lao động đối với lãnh chúa trong phương thức sản xuất phong kiến, thì nguyên tắc phân phối chủ đạo trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vẫn là một nguyên tắc phân phối công bằng hơn, bởi vì dù sao, nó đã giải phóng người lao động khỏi sự trói buộc vào ruộng đất, làm cho người lao động không còn phải lao động cống nạp cho địa chủ qua các loại địa tô và đặc biệt là người lao động được hoàn toàn tự do trong quan hệ mua - bán sức lao động như bất cứ một hàng hóa nào khác theo nguyên tắc ngang giá trên thị trường. Thêm nữa, trong nguyên tắc phân phối ấy, việc phân phối theo tỷ trọng lao động đã được thực hiện ở mức độ nhất định theo chế độ tiền công theo giá cả của thị trường sức lao động. Những điều ấy chứng tỏ nguyên tắc phân phối chủ đạo của CNTB vẫn là nguyên tắc phân phối bất công và nó chỉ có thể được khắc phục ở một hình thái kinh tế - xã hội cao hơn - hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. 2. Quán triệt quan điểm mácxít về công bằng xã hội để củng cố niềm tin và hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước” Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác về công bằng xã hội và vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay sẽ trang bị chúng ta một niềm tin về mặt lý luận, rằng trong lịch sử có nhiều quan niệm khác nhau về công bằng xã hội được bàn đến dưới nhiều dạng khác nhau và nhiều góc độ khác nhau. Song, chỉ đến chủ nghĩa Mác, quan niệm về công bằng xã hội mới thật sự có ý nghĩa đối với việc giải phóng con người thoát khỏi chế độ xã hội áp bức và bất công. Như vậy, việc tìm hiểu quan niệm của chủ nghĩa Mác về công bằng xã hội, chỉ ra thực chất của công bằng xã hội trong CNTB, là cơ sở qua đó có sự tham chiếu để thấy được giá trị đích thực của công bằng xã hội trong CNXH là cấp thiết hiện nay. Như các nhà kinh điển mácxít đã chỉ ra, để xây dựng được một xã hội công bằng thực sự trong CNXH trước hết phải xóa bỏ được sự bất bình đẳng về những điều kiện ban đầu, nghĩa là mọi người đều được hoàn toàn bình đẳng trong quan hệ sở hữu đối với tư liệu sản xuất; sản phẩm được làm ra nhiều hay ít, với chất lượng cao hay thấp đều tùy thuộc vào số lượng và chất lượng của lao động; trong nguyên tắc phân phối không có một sự phân biệt giai cấp nào cả, vì bất cứ người nào cũng chỉ là một người lao động như người khác(14). Do đó, giờ đây phân phối theo lao động trong CNXH đã thật sự là nguyên tắc phân phối công bằng. Bởi vậy, sẽ là sai lầm nếu cho rằng chỉ khi kinh tế phát triển mới thực hiện được công bằng. Công bằng thật sự phải được thực hiện ngay từ việc bảo đảm địa vị bình đẳng giữa những con người trong một xã hội dù ở điều kiện nào. Điều quan trọng để bảo đảm công bằng xã hội trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam hiện nay không phải chỉ xét trong phạm vi thực hiện xoay quanh quan hệ phân phối. Nói rộng ra, với mục tiêu xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam, đưa Việt Nam sớm trở thành một nước XHCN “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, luôn đòi hỏi Việt Nam phải sáng suốt trong việc nhận định về bối cảnh thế giới ở mỗi chặng đường cách mạng. Ngày nay, mặc dù trong bối cảnh thế giới mà CNTB đang chiếm ưu thế của nó, song “Sự thật cho thấy, bản thân thị trường tự do của chủ nghĩa tư bản không thể giúp giải quyết được những khó khăn, và trong nhiều trường hợp còn gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho các nước nghèo; làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa lao động và tư bản toàn cầu. Sự thật đó cũng làm phá sản những lý thuyết kinh tế hay mô hình phát triển vốn xưa nay được coi là thời thượng, được không ít các chính khách tư sản ca ngợi, được các chuyên gia của họ coi là tối ưu, hợp lý”(15). Đó là điều đòi hỏi chúng ta phải tỉnh táo trước mọi quan điểm của các thế lực thù địch đang tìm mọi cách đánh lạc hướng, để chúng ta xa rời quan điểm của chủ nghĩa Mác. Trong đó, có quan điểm về công bằng xã hội. Khi đánh giá về bối cảnh quốc tế, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã nhận định một cách chính xác rằng: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc”(16). Đứng trước bối cảnh thế giới đó, Đảng ta cũng đã kịp thời đưa ra quan điểm mang tính chỉ đạo: “Tích cực tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu... góp phần xây dựng trật tự chính trị, kinh tế quốc tế dân chủ, công bằng”(17); “chống lại những áp đặt phi lý của các cường quốc kinh tế, các công ty xuyên quốc gia”(18). Bối cảnh quốc tế đó và hiện nay, đang tác động sâu sắc tới bất cứ một quốc gia nào và Việt Nam không nằm ngoại lệ. Đến nay, “Các cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt là, năm 2008 - 2009, chúng ta đã chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế bắt đầu từ nước Mỹ, nhanh chóng lan rộng ra các trung tâm tư bản chủ nghĩa khác và tác động đến hầu hết các nước trên thế giới”(19). Cũng từ khủng hoảng tài chính, đã lan sang khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội và trật tự thế giới. Đi sâu phân tích cuộc khủng hoảng kinh tế theo quan điểm của chủ nghĩa Mác luôn cho thấy về một CNTB mà đến nay vẫn tiếp tục làm trầm trọng về sự bất bình đẳng tới mức cực đoan của nó về sự chiếm hữu của cải, về sự mục ruỗng ăn bám của tư bản tài chính ngày càng được số hóa, với lạm phát không thể khống chế của nó dẫn tới thâm hụt tài chính, khủng hoảng sinh thái về chi phí môi trường, gây xói mòn lợi nhuận, sự thao túng chính trị dân chủ của tư bản độc quyền, sự can thiệp quân sự của các nước phát triển với các nước đang phát triển v.v.. Đó là toàn bộ hiện trạng đang khiến CNTB một lần nữa rơi vào một cuộc khủng hoảng chế độ và khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng. Trong điều kiện như vậy, thì cái gọi là công bằng xã hội trong CNTB mới thật sự là điều ảo tưởng, huống hồ lại muốn lấy đó làm tiêu chí áp đặt cho giá trị phát triển chung của nhân loại. Trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam, công bằng không chỉ là một thành tố trong mục tiêu chung để xây dựng một nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mà công bằng xã hội mà chúng ta đang thực hiện cũng chính là sự hiện thực hóa “khát vọng phát triển đất nước”(20). Nói cách khác, khát vọng phát triển đất nước đang được hiện thực hóa ở thực hiện công bằng xã hội chính là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế và giữ vững ổn định chính trị, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ vững chắc những thành quả của sự nghiệp xây dựng CNXH _________________ (1), (15), (19) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.19, 20, 19. (2), (3), (5), (6), (8), (9), (12), (13), (14) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.280, 280, 366, 366, 317, 367, 27, 29, 35. (4), (7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Sđd, tr.274, 273. (10), (11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Sđd, tr.825, 825-826. (16) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.68. (17), (18) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.121, 158. (20) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.206. PGS, TS NGUYỄN MINH HOÀN Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Theo lyluanchinhtri.vn)