Sign In

Lượt người đang truy cập: 1

Lượt truy cập trong ngày:1

Lượt truy cập tháng này:223,006

Tổng số lượt đã truy cập: 427,708

Thông tin khoa học “Định hướng chiến lược và đề xuất cho chuyển đổi AI công nghiệp của Việt Nam”

09:03 21/03/2025

Chọn cỡ chữ A a  

Chiều ngày 14/3/2025, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức chương trình thông tin khoa học về chủ đề “Định hướng chiến lược và đề xuất cho chuyển đổi AI công nghiệp của Việt Nam” do GS,TS Young-Sup Joo, Giáo sư xuất sắc Đại học Quốc gia Seoul, Chủ tịch Hiệp hội Đổi mới Kỹ thuật số Hàn Quốc, Chủ tịch Uỷ ban Nghiên cứu liên ngành, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học & Công nghệ Quốc gia, nguyên Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ & khởi nghiệp Hàn Quốc báo cáo. PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dự và chủ trì.

PGS,TS Dương Trung Ý phát biểu khai mạc

Cùng dự có GS,TS Jonathan London, Cố vấn kinh tế cấp cao của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); các đồng chí lãnh đạo Viện Kinh tế chính trị học, Viện Kinh tế - Xã hội và Môi trường, Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Quản lý khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Báo cáo về chủ đề “Định hướng chiến lược và đề xuất cho chuyển đổi AI công nghiệp của Việt Nam”, GS,TS Young-Sup Joo khẳng định vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo và cơ hội của Việt Nam trong kỷ nguyên chuyển đổi lớn hiện nay với 3 chuyển đổi lớn, gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, và chuyển đổi nền văn minh nhằm số hoá và mang lại sự bền vững về môi trường, xã hội và con người.

GS,TS Young-Sup báo cáo về chủ đề “Định hướng chiến lược và đề xuất cho chuyển đổi AI công nghiệp của Việt Nam”

Theo GS,TS Young-Sup Joo, để đảm bảo tính bền vững của con người, cần thay đổi mô hình của đổi mới công nghệ. Cụ thể với trường hợp của Hàn Quốc, định hướng chiến lược của ngành công nghiệp Hàn Quốc đã thay đổi từ “chiến lược người theo sau nhanh” sang “chiến lược người tiên phong”, từ lấy hiệu quả, năng suất, định hướng công nghệ/ sản phẩm làm ưu tiên sang lấy hiệu quả, hướng đổi mới và định hướng mục đích/ sứ mệnh phục vụ con người làm trọng tâm chính.

Với Việt Nam, GS,TS Young-Sup Joo cho rằng, đổi mới công nghiệp & doanh nghiệp của Việt Nam cần phải dựa trên những mô hình mới, đó là đảm bảo tính bền vững của con người, đảm bảo an ninh của con người. Trong đó, định hướng chiến lược là chuyển đổi trí tuệ nhân tạo, tức là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ con người, cạnh tranh về năng lực và kiến thức chuyên môn trong sản phẩm, dịch vụ nơi trí tuệ nhân tạo được áp dụng. Cụ thể có hai định hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo, gồm thứ nhất là đổi mới sản phẩm và dịch vụ; thứ hai là đổi mới năng suất/ khả năng cạnh trạnh sản xuất, vận hành; hoặc trí tuệ nhân tạo lai là sự kết hợp giữa hai định hướng trên, tập trung vào trí tuệ nhân tạo đám mây và trí tuệ nhân tạo trên các thiết bị như điện thoại, ô tô, máy bay, robot…

Quang cảnh chương trình

GS,TS Young-Sup Joo nhấn mạnh, ba thành phần chính của chuyển đổi số là kết nối, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Trong đó, chuyển đổi trí tuệ nhân tạo là cốt lõi của chuyển đổi số; xây dựng hệ sinh thái dữ liệu là điều kiện tiên quyết của chuyển đổi số. Việc đổi mới các mô hình kinh doanh, hệ thống sản xuất đòi hỏi phải có chuyển đổi số và chuyển đổi trí tuệ nhân tạo.

Đúc kết từ các nghiên cứu và kinh nghiệm của Hàn Quốc, GS,TS Young-Sup Joo tin rằng Việt Nam cần xây dựng chiến lược công nghiệp quốc gia với mô hình mới là đảm bảo sự bền vững môi trường, xã hội và con người bằng chuyển đổi số, chuyển đổi trí tuệ nhân tạo; đồng thời xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo chủ quyền của Việt Nam, sử dụng chiến lược trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi trí tuệ nhân tạo với trọng tâm là chuyển đổi trí tuệ nhân tạo công nghiệp, tập trung vào trí tuệ nhân tạo vật lý và trí tuệ nhân tạo chủ động theo chiều dọc dành riêng cho ngành, tối đa hoá các hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm

---

GS,TS Young-Sup Joo tốt nghiệp cử nhân ngành kỹ thuật cơ khí, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc; thạc sĩ ngành kỹ thuật sản xuất Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc, Hàn Quốc; tiến sĩ ngành kỹ thuật công nghiệp Đại học Bang Pennsylvania, Hoa Kỳ.

Hiện ông là Giáo sư danh dự Đại học Quốc gia Seoul; Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu liên ngành, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học & Công nghệ Quốc gia (NST); Chủ tịch Hiệp hội Đổi mới Kỹ thuật số Hàn Quốc (KODINA/KICON); Thành viên Ủy ban Chuyển đổi số Công nghiệp, Chính phủ Hàn Quốc; Thành viên Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hàn Quốc (NAEK). Trước đây, ông từng là Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ & khởi nghiệp; Thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế Quốc gia; Giáo sư danh dự Trường Cao học Kỹ thuật & Công nghệ, Đại học Hàn Quốc; Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Công nghiệp-Đại học & Giáo sư thỉnh giảng Khoa Kỹ thuật, Đại học Quốc gia Seoul; Giám đốc điều hành ngành Công nghiệp Cốt lõi, Văn phòng Hoạch định R&D Chiến lược, Bộ Kinh tế Tri thức (nay là Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng); Thành viên Ủy ban Đặc biệt về Động lực Tăng trưởng Tương lai Quốc gia, Hội đồng Khoa học & Công nghệ Quốc gia - Chủ tịch & CEO, Hyundai Autonet (Tập đoàn Hyundai Motor); Chủ tịch & CEO Bontec (Tập đoàn Hyundai Motor); Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương GE Thermometrics (Tập đoàn GE) và Chủ tịch & CEO GE Thermometrics Korea & GE Thermometrics Technologies - Giám đốc điều hành Daewoo Electronics (Tập đoàn Daewoo)./.

Nguồn: Hcma.vn

Ý kiến

Sức mạnh của đoàn kết

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công” - Câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ giữa thế kỷ XX đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự. Sức mạnh của tinh thần đoàn kết không chỉ là bài học được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống ngàn đời của nhân loại, mà còn là cội nguồn làm nên những thành tựu vĩ đại của xã hội loài người. Điều này đặc biệt đúng trong lịch sử cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua. Trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đã và đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị; sáp nhập các đơn vị hành chính, “sắp xếp lại giang sơn”, tổ chức không gian phát triển bền vững cho đất nước, tinh thần đoàn kết càng phải được phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh lãnh đạo của Đảng, chúng ta kiên quyết giữ vững và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là “mạch nguồn”, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, bảo đảm mọi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước được thực hiện triệt để, nhất quán, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất mọi nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Xác định nội dung, giá trị lịch sử, ý nghĩa lý luận của Sổ vàng Trường Nguyễn Ái Quốc”

Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Xác định nội dung, giá trị lịch sử, ý nghĩa lý luận của Sổ vàng Trường Nguyễn Ái Quốc”

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống vẻ vang của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949-2025), kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, dự Lễ khai giảng khóa 2 của Trường Đảng và ghi vào trang đầu cuốn Sổ vàng của Nhà trường những ý kiến chỉ đạo mang ý nghĩa hết sức sâu sắc, ngày 26-6-2025, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Xác định nội dung, giá trị lịch sử, ý nghĩa lý luận của Sổ vàng Trường Nguyễn Ái Quốc”.

Bảo vệ an ninh tư tưởng trong bối cảnh hiện nay

Bảo vệ an ninh tư tưởng ở Việt Nam trở thành nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu biến động mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, xã hội và công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số và các hình thức “chiến tranh mềm”, các thế lực thù địch triệt để khai thác các vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, dân tộc… để xuyên tạc, kích động, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Thực tiễn quốc tế cho thấy, buông lỏng mặt trận tư tưởng dễ dẫn đến bất ổn xã hội và khủng hoảng thể chế. Do đó, bảo vệ an ninh tư tưởng cần được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển quốc gia, nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội và định hướng phát triển đất nước.