Thí sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2018 do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo này là giảm điểm ưu tiên khu vực tuyển sinh, điểm sàn riêng cho ngành đào tạo giáo viên và thay đổi cách làm tròn điểm. Ưu tiên khu vực cao nhất 0,75 điểm Cụ thể, theo dự thảo, khung điểm ưu tiên theo khu vực giảm một nửa so với trước đây. Quy định hiện hành áp dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm. Còn năm 2018, dự kiến mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,25 điểm. Như vậy, có thể hiểu điểm ưu tiên khu vực cao nhất sẽ là 0,75 điểm, chứ không còn 1,5 điểm như các năm trước. Còn mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp vẫn như cũ là 1 điểm. Một trong những lý do khiến điểm ưu tiên được điều chỉnh là vì năm 2017 tỉ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên. Một số ngành có điểm chuẩn cao thì tỉ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp, tỉ lệ thí sinh phải có điểm ưu tiên mới trúng tuyển cao. Điều này dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở nên thiếu công bằng. Điểm sàn riêng cho ngành sư phạm Không còn điểm sàn chung, các ngành đào tạo đại học năm 2018 được tự xác định chỉ tiêu và mức điểm chuẩn. Riêng các ngành đào tạo sư phạm, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng điểm sàn riêng cho nhóm ngành này. Đặc biệt, nếu xét tuyển bằng học bạ, bậc đại học sẽ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Còn trình độ cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm đều xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên. Trong khi đó, các năm trước ngưỡng đầu vào đại học ngành này khi xét học bạ chỉ cần điểm trung bình từng môn trong tổ hợp, hoặc điểm trung bình chung các môn xét tuyển đạt từ mức 6,0 trở lên. Nếu xét tuyển bằng ba môn văn hóa thì cũng chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên. Ngành đào tạo sử dụng một hoặc hai môn văn hóa kết hợp thi năng khiếu thì điểm trung bình chung các môn văn hóa từ 6,5 trở lên, điểm môn năng khiếu do trường quy định... Thay đổi cách làm tròn điểm Năm 2017, Bộ GD-ĐT quy định điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi và được làm tròn đến 0,25 cộng với điểm ưu tiên. Còn năm 2018, bộ dự kiến điều chỉnh để điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi theo tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên và được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Như vậy, với quy định làm tròn đến 0,25 như trước, nếu thí sinh đạt từ mức điểm 14,88 đến 15,12 đều được làm tròn thành 15 điểm. Nhưng với việc thay đổi làm tròn đến hai chữ số thập phân theo dự thảo, nếu thí sinh đạt đến 14,99 điểm thì vẫn giữ nguyên mà không được làm tròn thành 15 điểm. Nếu đạt từ 14,991 đến 14,994 sẽ được làm tròn thành 14,99 điểm. Chỉ từ 14,995 đến 14,999 mới được cộng tròn thành 15 điểm. NGỌC HÀ Theo tuoitre.vn