Từ nhiều năm nay, đều đặn mỗi số “Tạp chí lý luận chính trị - truyền thông” (Tạp chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trước năm 2004 lấy tên là “Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền” đều có một bài viết nho nhỏ trong mục “Chuông làng báo” thu hút sự quan tâm của người đọc. Những bài viết luận bàn, trao đổi ý kiến về những vấn đề thời sự, sự kiện chính trị - xã hội, nghiệp vụ báo chí của khu vực và thế giới. Giọng điệu trong các bài viết vừa giản dị, rõ ràng nhưng cũng không kém phần sâu sắc, lắng đọng, vừa rành mạch, chân thành nhưng cũng pha một chút chất hài, chất hóm hỉnh, chất châm biếm nhẹ nhàng. Ký tên dưới các bài viết đó là Nam Sơn Ký Giả. Cuốn bản thảo mang đến cho tôi một bất ngờ thú vị. Thì ra, Nam Sơn Ký Giả là một nhà khoa học được nhiều người trong giới biết tiếng, một nhà báo trải qua các công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, và cũng đang là cán bộ có trọng trách không nhỏ. Tôi rất muốn công khai người thật, tên thật của Nam Sơn Ký Giả, nhưng tiếc là tác giả chưa muốn. Cần phải nói ngay rằng, tuy “Chuông làng báo” chỉ đề cập các vấn đề báo chí nhưng thực ra đề tài của nó khá phong phú. “Chuông làng báo” có những bài viết thể hiện sự đồng tình, ủng hộ, khen ngợi những nhà báo tài năng, trung thực, dũng cảm, say mê nghề nghiệp, cống hiến hết mình cho cái nghề, vì cái nghiệp của người làm báo. Qua đó người viết muốn nêu lên những gương tốt, gửi gắm nhận thức, quan niệm về nghề nghiệp, cũng gợi lên những suy ngẫm, trăn trở về nghề làm báo vinh quang mà quá đỗi nhọc nhằn, và đôi khi vượt ra ngoài khuôn khổ báo chí để nói về những vấn đề của cuộc sống, của xã hội. “Chuông làng báo” từng có những bài viết phê phán những hành vi, cách ứng xử không đúng đắn, những sai lầm không đáng có của người làm báo. Phê bình thẳng thắn đấy nhưng vẫn nhận ra sự độ lượng, bao dung, thậm chí sự chia sẻ đồng cảm của tác giả với các đồng nghiệp. “Chuông làng báo” có những bài viết đề cập những sự kiện thời sự nóng hổi, những vấn đề xã hội đang được nhiều người quan tâm, thông qua sự kiện, vấn đề đó mà chia sẻ tâm tư, thể hiện thái độ, đưa ra những bình luận, nhận định về nghề làm báo, về cách ứng xử chung. “Chuông làng báo” có những bài viết phân tích, đánh giá, nhấn mạnh vào một giá trị tốt đẹp, một đức tính cần tu dưỡng, một kỹ thuật nghề nghiệp cần rèn luyện, một kinh nghiệm công tác cần được suy ngẫm, rút ra bài học phương pháp cho mỗi nhà báo. Đằng sau những chuyện, những việc, những suy nghĩ rất cụ thể, tác giả luôn gửi gắm tình cảm nghề nghiệp, những mong muốn tốt đẹp cho các đồng nghiệp và cho nền báo chí nước nhà. Cái tứ, cái cớ để tác giả viết nên các bài viết là rất sinh động, phong phú. Có khi là một sự kiện trong xã hội hay trong làng báo (Huyền thoại… lừa; Tước quân tịch; Phần nổi, phần chìm; Tin mạng mất mặt; “Lượm ơi, thôi rồi!” v.v…), nhưng có khi lại là một vấn đề chỉ có tính chất nghiệp vụ, đạo lý báo chí (Tiếp trang nhiều quá; Học làm báo; Chào buổi sáng, chào quảng cáo; Món “tết xào” v.v…). Có thể đó là những tích cổ, chuyện xưa mà trong đó đã hàm chứa những triết lý nhân sinh, những luận đề đạo lý có ý nghĩa bền lâu đối với con người, xã hội. (Yêu nên tốt, ghét nên xấu; Không có lỗi nào lớn bằng ham lợi; Tăng Sâm giết người; Chọn nhà dạy con; Thằng người của Pla-tông v.v…). Cũng có lúc chỉ là một sự việc, chi tiết rất nhỏ, thậm chí thoảng qua mà ít ai quan tâm đã trở thành đề tài cho “Chuông làng báo” lên tiếng (Bình loạn bóng đá; Trông gà hóa quốc; Ngoa ngôn; Văn hóa lời; Thịt chim sẻ; Chuyện thật 100%; Ngưu tầm ngưu v.v…). Có cảm giác như tác giả tinh tường quan sát, lựa chọn cho mình những chi tiết, sự việc đắt, hợp lý, đủ để gửi gắm vào đó những tình cảm, quan niệm, sự hiểu biết và cả những trải nghiệm nghề nghiệp sâu sắc của mình. Cho dù xuất phát từ cái tứ hay duyên cớ gì thì điểm hội tụ của tất cả các bài viết trong “Chuông làng báo” đều trở về nghề báo. Điều này cũng dễ hiểu vì tác giả là một người nghiên cứu, giảng dạy lâu năm, có tiếng về báo chí, cũng là người đi nhiều, biết nhiều và từng trải thực tế nghề làm báo từ nhiệm vụ phóng viên cho đến cương vị lãnh đạo cao nhất của một tòa soạn. Nam Sơn Ký Giả có cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu những lôgíc rất chặt chẽ. Từng câu chữ đến cách tổ chức các bài viết đều theo những tầng nấc, lớp lang, thật mạch lạc và mực thước. Có lẽ thể loại tiểu phẩm đòi hỏi bài viết phải ngắn gọn nên tác giả thật kiệm lời. Tuy vậy, đôi khi đứng trước một vấn đề tâm huyết, tác giả cũng tự cho phép mình dừng lại suy ngẫm, để trải lòng mình thật da diết, sâu lắng. Đọc “Chuông làng báo” không thể không ấn tượng về ngôn ngữ của tác giả. Có thể gặp ở các bài viết một lớp từ, thành ngữ thật nôm na, dân dã, thậm chí rất đặc thù của một vùng quê Bắc Bộ. Trong các bài viết, tác giả sử dụng những thành ngữ, tục ngữ thật đắt, đúng chỗ và giàu sức thể hiện. Đặc biệt, nhiều bài viết được kết thúc bằng câu thơ hơi dài, hơi tếu một chút nhưng lại hàm chứa một thông điệp rất nghiêm túc, một thái độ nghiêm khắc, quyết liệt, thậm chí một bài học sâu sắc về đạo lý, phương pháp làm nghề báo, về cách hành xử trong xã hội. Chất châm biếm và vần điệu của thơ hầu như làm cho cảm nhận về những gì nêu ra trong bài viết trở nên nhẹ nhàng hơn, người đọc tiếp nhận cũng dễ dàng hơn, lắng đọng hơn. 108 tiểu phẩm - 108 tình huống, sự kiện, vấn đề liên quan đến báo chí trong nước và thế giới, cũng là 108 tiếng chuông được Nam Sơn Ký Giả gióng lên với tấm lòng chân thành, thái độ yêu ghét rõ ràng và những mong muốn tốt đẹp. Hy vọng là những tiếng chuông đó sẽ có ích với mỗi chúng ta.