Chính trị học so sánh nghiên cứu và so sánh những vấn đề chính trị xoay quanh thời gian và không gian - lịch đại và đương đại. Theo lịch đại, đơn vị so sánh là hệ thống chính trị của một quốc gia trong các giai đoạn khác nhau hoặc các chế độ chính trị từng tồn tại trong lịch sử. Theo đương đại, đơn vị so sánh là các quốc gia, khu vực trên thế giới; nội dung so sánh là các vấn đề, nội dung cụ thể như tư tưởng chính trị, thể chế chính trị, văn hóa chính trị, quan hệ chính trị... Sách có trong thư viện Trong cuốn sách này, tác giả lựa chọn các chế độ chính trị trong lịch sử làm đơn vị so sánh lịch đại và các khu vực trên thế giới làm đơn vị so sánh đương đại. Cho đến nay, lịch sử loài người đã trải qua bốn chế độ chính trị: chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Bốn chế độ chính trị đó gắn với bốn hình thái kinh tế - xã hội, với các giai cấp thống trị đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến trong từng thời kỳ. Trong bối cảnh thế giới biến đổi nhanh chóng, xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ, đồng thời xu thế khu vực hóa cũng gia tăng. Khu vực quốc tế là một không gian, bao gồm một vùng lãnh thổ nhất định của các quốc gia liền kề nhau hoặc của các quốc gia có điểm chung về địa lý tự nhiên hay các đặc điểm quản lý hành chính, lãnh thổ, văn hóa. Chính trị học so sánh nghiên cứu đặc điểm chính trị của các khu vực trên thế giới, chủ yếu dựa trên yếu tố địa – chính trị, địa – kinh tế, địa – văn hóa nhằm tăng cường nhận thức của con người về tính đa dạng của nền chính trị, thúc đẩy hội nhập quốc tế, bảo vệ hòa bình, chủ quyền quốc gia và thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc. Trên cơ sở phân tích đặc điểm và xu hướng phát triển của các chế độ chính trị- xã hội, đời sống chính trị các khu vực, môn học làm rõ sự vận động chính trị đang diễn ra trên thế giới, đánh giá về bản chất và những ảnh hưởng chi phối của các hệ tư tưởng chính trị, các mô hình chính trị gắn với từng thời đại, từng giai đoạn phát triển của lịch sử, từ đó có cái nhìn hệ thống, khách quan về nền chính trị thế giới. Từ cách tiếp cận trên, tác giả tiến hành nghiên cứu nhằm đạt được những mục tiêu sau: - Thứ nhất, mô tả, phân tích đúng đắn các mô hình, chế độ chính trị trong lịch sử, đặc điểm chính trị các khu vực trên thế giới. Cung cấp những kiến thức tương đối toàn diện và đáng tin cậy về các quốc gia và các khu vực trên thế giới trên các mặt địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Hệ thống hóa những kiến thức về các khu vực và các nước, nhất là các nước láng giềng cùng khu vực nhằm tạo cơ sở khoa học cho việc phát triển chính sách đối ngoại và hợp tác nhiều mặt với các nước và khu vực đó. - Thứ hai, so sánh để tìm những điểm tương đồng và khác biệt về chính trị giữa các thời đại lịch sử và giữa các khu vực trong giai đoạn hiện nay. So sánh để tìm ra những quy luật chung và những nét đặc thù của các mô hình chính trị các nước và các khu vực - Thứ ba, đánh giá về những ưu điểm và hạn chế của các chế độ chính trị, thể chế chính trị, từ đó đề xuất khả năng vận dụng các ưu điểm vào xây dựng, hoàn thiện thể chế chính trị nước mình. - Thứ tư, tìm ra đặc điểm riêng, những nét đặc thù của các chế độ chính trị, chỉ ra được sự biến đổi, kế thừa và phát triển qua các thời kỳ lịch sử; nhận thức rõ bản sắc chính trị của từng khu vực trên thế giới và mối quan hệ của nó với các khu vực khác. - Thứ năm, đánh giá một cách khoa học quy luật phát triển và vị thế quốc tế của các quốc gia hay khu vực được nghiên cứu, trong đó cơ bản nhất là xác định được cơ sở về mọi mặt của các quốc gia điển hình, trung tâm. Cuốn sách bao gồm 10 chương: Chương 1: Nhập môn Chính trị học so sánh 1. Khái niệm, lịch sử và nội dung nghiên cứu Chính trị học so sánh trên thế giới. 2. Một số cách tiếp cận Chính trị học so sánh 3. Đối tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu môn học Phần I: So sánh chính trị theo lịch đại- các chế độ chính trị trong lịch sử Chương 2: Chế độ chính trị chiếm hữu nô lệ 1. Khái quát về chế độ chính trị chiếm hữu nô lệ 2. Nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Đông 3. Nhà nước chiếm hữu nô lệ phương Tây Chương 3: Chế độ chính trị phong kiến 1. Khái quát về chế độ chính trị phong kiến 2. Nhà nước phong kiến phương Đông 3. Nhà nước phong kiến phương Tây Chương 4: Chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa 1. Khái quát về chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa 2. Đặc điểm và những điều chỉnh của chính trị tư bản hiện đại 3. Giá trị, hạn chế và xu thế vận động của chính trị tư bản chủ nghĩa Chương 5: Chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa 1. Khái quát về chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa 2. Đặc điểm và những vấn đề chính trị nổi bật của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa 3. Giá trị, hạn chế và xu thế vận động của chính trị xã hội chủ nghĩa Phần II: So sánh chính trị theo đương đại- các khu vực trên thế giới Chương 6: Chính trị các khu vực châu Á 1. Chính trị khu vực Đông Bắc Á 2. Chính trị khu vực Đông Nam Á 3. Chính trị khu vực Nam Á 4. Chính trị khu vực Trung Á 5. Chính trị khu vực Tây Á Chương 7: Chính trị các khu vực châu Âu 1. Chính trị khu vực Tây Âu 2. Chính trị khu vực Đông Âu Chương 8: Chính trị các khu vực châu Phi 1. Chính trị khu vực Bắc Phi 2. Chính trị khu vực Nam Phi Chương 9: Chính trị các khu vực châu Mỹ 1. Chính trị khu vực Bắc Mỹ 2. Chính trị khu vực Mỹ Latinh Chương 10: Chính trị châu Đại Dương Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. (Bạn đọc có thể tìm đọc cuốn sách tại Thư viện Học viện Báo chí và Tuyên truyền).