Sau bài báo PR miễn phí của tờ báo danh tiếng The Wall Street Journal, Pinterest đã thực sự bùng nổ thành một hiện tượng. Sự phát triển "phi mã" của Pinterest liệu có khiến nó trở thành kẻ đe dọa ngôi vị độc tôn của Facebook trong tương lai? Thành lập tháng 3 năm 2010, California. Nguyên lý hoạt động: Người dùng có thể trích xuất trực tiếp hình ảnh, các nguồn media trên website bất kì để "đính" lên board Pinterest của mình. Người dùng có thể follow những board Pinterest của bạn bè mình để xem những hình ảnh họ thu thập được. Trong 10,4 triệu tài khoản đăng kí, có khoảng 90% liên kết với account Facebook, và 2 triệu tài khoản dùng Pinterest hằng ngày. 80% người dùng là phụ nữ trong khoảng 25-45. Là mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong lịch sử, và là website có lượt view cao thứ 23 tại Mỹ. Pinterest là gì? Nguyên lý hoạt động của Pinterest không có gì phức tạp: bạn duyệt một web bất kì, bạn thấy một hình ảnh đẹp, bạn trích xuất nó và đính (pin) nó trên bảng (board) của mình. Sau đó, bạn lại tiếp tục duyệt web như bình thường. Quy trình "pin it" này vô cùng đơn giản, chỉ tốn vài giây và gần không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm duyệt web của bạn. Chính vì thế, bạn càng ra sức "pin", "board" của bạn ngày càng nhiều hình ảnh đẹp mĩ miều được thu thập từ khắp mọi nơi trên internet, và bạn ngày càng trở nên active trên Pinterest. Nhất là khi có ai đó "follow" bạn, comment khen ngợi về gu thẩm mỹ, thời trang của bạn, và hóa ra họ cũng có đồng quan điểm về sở thích như bạn, và bạn follow lại họ. Đó chính là mục đích chính của Pinterest: kết nối mọi người thông qua sở thích tương đồng. Lý do khiến Pinterest thành công vượt bậc Khi bạn share link trên Facebook hay Tweeter, người khác cũng có thể like và retweet. Còn nếu chỉ đơn thuần là bookmark, bạn có thể lưu trực tiếp địa chỉ website vào trình duyệt, hoặc các dịch vụ khác như Clipboard. Vậy tại sao Pinterest lại thành công đến thế? 1. Đối với người duyệt web, bookmarking là tối quan trọng. Còn đối với thành viên trong mạng xã hội, sự chia sẻ là tối quan trọng. Pinterest kết hợp khéo léo hai điều này và trở thành một quy trình duy nhất: bạn bookmark một trang web qua một hình ảnh đại diện, đồng thời chia sẻ nó trên trang cá nhân. Điều này khác hẳn trên Facebook, khi việc bạn share link đồng nghĩa với việc link đó sẽ "gây sóng gió" một thời gian rồi biến mất hút trên wall của bạn. "Hàng" trên Pinterest thì còn mãi và lúc nào bạn cũng có thể lôi ra ngắm nghía, và mời người khác ngắm nghía, bình luận cùng mình. Người khác cũng có thể nhân bản "hàng" của bạn và lôi nó về cái kho của mình làm của riêng, thông qua động tác repin. Tất cả những điều trên tạo nên tên gọi cho Pinterest: Mạng xã hội kết nối người dùng bằng sở thích. 2. Về mặt hình thức và kỹ thuật, thiết kế thông minh và tối giản của Pinterest khiến những gì xuất hiện trên màn hình thật rõ ràng và dễ dàng để duyệt qua: Tất cả được quy về hình ảnh còn chữ thì xuất hiện rất ít, rất nhỏ. Và điều này đã đánh mạnh vào thị giác và tâm lý người dùng. Việc "pin" ảnh về board của mình cũng vô cùng đơn giản và gần như tức thời. Bạn không cần phải upload, hoặc reblog để tạo ra một dây thông tin rối rắm như Tumblr, chờ load avatar hoặc copy và paste một cách "nông dân" như share link Facebook. Không tạo nên, nhưng Pinterest đang dẫn đầu xu hướng Facebook đã đánh gục hàng loạt mạng xã hội như Myspace, Hi5, Friendster và trở thành độc tôn trong hệ thống mạng xã hội dựa trên các kết nối cá nhân. Nhưng bên cạnh Facebook, Twitter, Tumblr và Pinterest dù chưa lớn mạnh bằng, vẫn đang song hành cùng phát triển. Đặc điểm chung của Twitter, Tumblr và Pinterest gồm có: chú trọng chia sẻ hình ảnh; hình thức trang được thiết kế tối giản, hạn chế các giao tiếp tương tác giữa người dùng (Tumblr và Twitter đều không có comment); thông tin cá nhân của người dùng không quan trọng và có thể ẩn tuyệt đối (trái ngược với Facebook). Những mạng xã hội này KHÔNG cố gắng mô phỏng các mối quan hệ xã hội ngoài đời thực như Facebook (và những kẻ thua cuộc Myspace, Friendster), mà chỉ trích xuất những suy nghĩ, sở thích, gu cá nhân để làm cơ sở cho các tương tác online. Một cái tên, một gương mặt, một hoàn cảnh gia đình, giáo dục, công việc của user không còn quan trọng nữa. Cái quan trọng thực sự là sở thích, là gu thẩm mỹ, là lối tư duy và suy nghĩ của từng thành viên. Tất cả các yếu tố trên cho thấy điều gì? Trong một thời đại mà ai cũng lo sợ về việc thông tin cá nhân bị người khác biết quá nhiều, mặt khác vẫn muốn quan điểm và cái gu của mình được số đông công nhận, thì những giải pháp mà Pinterest, hay những mạng xã hội dựa trên sở thích này đưa ra vẹn cả đôi đường. Việc số người dùng tăng mạnh ở Twitter, Tumblr và Pinterst càng khẳng định rõ điều này, và không còn nghi ngờ gì nữa, chính Pinterest, tuy không phải là người tạo ra, nhưng chính là kẻ dẫn đầu của xu hướng mạng xã hội dựa trên sở thích. Thực hiện: Phúc Kính | Bích Chi