Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ trí thức trẻ Việt Nam tại Pháp (tháng 3-2018) _Ảnh: qdnd.vn QUAN NIỆM VỀ TRÍ THỨC, ĐẶC ĐIỂM NHẬN DIỆN TRÍ THỨC Thuật ngữ “trí thức” được sử dụng rộng rãi trên thế giới, có nguồn gốc từ tiếng Latinh: Intelligentia = sự thông minh, sự hiểu biết. Bàn về khái niệm trí thức, chủ nghĩa Mác-Lênin, các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế đã đưa ra những cách hiểu, định nghĩa khác nhau về trí thức. Ở Việt Nam hiện cũng có nhiều ý kiến khác nhau khi quan niệm về trí thức. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi: Ai là trí thức? đa số đều thống nhất cho rằng, trí thức có những đặc điểm tạo nên sự khác biệt với các nhóm xã hội khác trong xã hội vì ở họ hội tụ những đặc điểm có tính chất chuyên biệt riêng có như: trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu; là người có phẩm chất đạo đức tốt, có lương tâm; lao động phức tạp, sáng tạo. Trong đó, giá trị quan trọng nhất trong lao động của trí thức là những sản phẩm trí tuệ mà họ làm ra. Kế thừa, chắt lọc giá trị của các quan niệm khác nhau, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xác định: Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Theo chúng tôi, quan niệm này cơ bản vẫn phù hợp trong điều kiện hiện nay. Để nhận diện về trí thức, các nhà nghiên cứu thường nhấn mạnh điều kiện cần, điều kiện đủ và các đặc điểm cơ bản. Điều kiện cần và đủ để trở thành trí thức: 1) Điều kiện cần: người có trình độ học vấn cao hơn mặt bằng xã hội trong lĩnh vực nhất định (có văn bằng, chứng chỉ, học hàm, học vị được cấp bởi cơ sở đào tạo hay qua tự học, tự nghiên cứu mà có học vấn cao, sâu và được tôn vinh – tiến sĩ danh dự, giáo sư danh dự; hiện nay phổ biến có thể tính từ trình độ đại học trở lên). Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định “một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức…”(1); 2) Điều kiện đủ: lao động trí óc phức tạp, sáng tạo mang tính chuyên nghiệp để tạo ra sản phẩm tinh thần là chủ yếu (tác phẩm văn học, nghệ thuật, công trình nghiên cứu khoa học, sáng chế công nghệ, quyết định quản lý, lãnh đạo, đề án, kiến nghị…) có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “để trở thành một người trí thức hoàn toàn thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế” (2). Do đó, không phải tất cả những người có trình độ đại học trở lên đều là trí thức, mà chỉ những người tham gia lao động sáng tạo tinh thần mang tính chuyên nghiệp với những sản phẩm có ích cho phát triển kinh tế xã hội. Trí thức có nhiều đặc điểm, trong đó có những đặc điểm cơ bản sau: Thứ nhất, trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn chuyên môn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, hơn hẳn so với mặt bằng dân trí. Như trên đã nói, trình độ hiểu biết, học vấn của trí thức có thể do được đào tạo, tự đào tạo, được cấp bằng, chứng chỉ, học hàm, học vị hoặc danh hiệu được tôn vinh qua những cống hiến, đóng góp đối với xã hội. Tất nhiên, cũng cần lưu ý rằng, không phải tất cả trí thức đều có trình độ chuyên môn cao trong tất cả mọi lĩnh vực, mà thông thường, mỗi người trí thức có am hiểu sâu trong một hoặc một số lĩnh vực nhất định. Thứ hai, phương thức lao động của trí thức có một số tính chất đặc thù như: lao động trí óc, phức tạp, sáng tạo, có dấu ấn cá nhân (có thể có thiên kiến, sai lầm), đòi hỏi trình độ lý trí cao, tình cảm lớn, không gian mở, thời gian linh hoạt. Lao động trí óc của trí thức là lao động hao phí nhiều năng lượng thần kinh trung ương bởi đó là quá trình phân tích, xử lý thông tin phức tạp, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa, hình tượng hóa, điển hình hóa… để tạo ra sản phẩm tinh thần (phi vật chất) là chủ yếu (sản xuất, phổ biến, truyền bá, ứng dụng tri thức). Lao động của trí thức về cơ bản đòi hỏi có ý chí, đam mê, hoài nghi, nung nấu, trăn trở, cảm hứng tìm tòi sáng tạo nên diễn ra trong không gian mở, thời gian linh hoạt, chứ không phải chỉ diễn ra trong thời gian lao động hành chính đơn thuần. Thứ ba, sản phẩm lao động sáng tạo trực tiếp của trí thức chủ yếu là sản phẩm tinh thần (công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ, bài giảng, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, quyết định quản lý…) khó đo, đếm giá trị. Để các sản phẩm tinh thần này đem lại hữu dụng trực tiếp cho xã hội phải thông qua nhiều khâu trung gian; tất nhiên cần thời gian và có độ trễ nhất định; khi nó thâm nhập vào xã hội và được xã hội sử dụng thì sản phẩm tinh thần sẽ trở thành lực lượng vật chất to lớn. Do đó, lao động phức tạp của trí thức là bội số của lao động giản đơn. Tất nhiên, trong điều kiện khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế tri thức thì sản phẩm lao động sáng tạo trực tiếp của trí thức không chỉ là sản phẩm tinh thần mà vẫn có thể là sản phẩm vật chất. Thứ tư, về tâm lý, lối sống và nhu cầu của trí thức: trí thức cần môi trường, điều kiện bảo đảm tự do, dân chủ cho sáng tạo, cống hiến, song họ cũng rất cần những nhu cầu vật chất, tinh thần đời thường bảo đảm cho đời sống cá nhân, gia đình… Do đặc điểm lao động trí óc, sáng tạo đòi hỏi lý trí cao, tình cảm lớn nên trí thức có thể đam mê, hy sinh quên mình, bất chấp khó khăn, nguy hiểm nhưng cũng nhạy cảm (nhìn thấy được, nghe được, phản ánh được, nắm bắt được, dự báo được… những điều mà người bình thường không thấy, chưa thấy, chưa nghe, chưa biết được: đặc điểm, hiện tượng, tính chất, quy luật, xu hướng vận động, phát triển của các sự vật hiện tượng trong tự nhiên, xã hội, tư duy…), dễ tự kiêu, tự phụ, tự ái, dễ tổn thương, hoài nghi, “đãng trí khoa học”, lập dị, thiên lệch, bất mãn. Thứ năm, ngày nay trí thức hoạt động trong nhiều cơ quan, tổ chức và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, phương diện khác nhau của đời sống xã hội. Tuy lao động phức tạp của trí thức có tính độc lập, sáng tạo trong không gian mở, thời gian linh hoạt, có dấu ấn cá nhân song theo xu hướng chung vẫn là tính tổ chức và xã hội hóa ngày càng cao. Do đó, trí thức và sản phẩm sáng tạo của họ muốn phát huy giá trị đối với xã hội thì phải gắn bó với tổ chức và phục vụ một thể chế kinh tế - xã hội nhất định. Với ý nghĩa đó, trí thức là những người sống có nhân cách (“nhân cách trí thức”), trung thực, có trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; yêu Tổ quốc, dân tộc, gắn bó với nhân dân, góp phần cùng nhân dân xây dựng xã hội tiến bộ. Dự thảo đề án Chiến lược phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 nhận diện, đánh giá, phát triển đội ngũ trí thức ở Việt Nam hiện nay theo các nhóm cơ bản sau: Thứ nhất, trí thức là cán bộ, công chức. Thứ hai, trí thức trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ. Thứ ba, trí thức trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Thứ tư, trí thức trong lực lượng vũ trang. Thứ năm, trí thức trong khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân. Thứ sáu, trí thức hoạt động trong các hội. Thứ bảy, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài. Thứ tám, trí thức trẻ. Cách phân loại này cơ bản phù hợp với thực tiễn hiện nay của nước ta. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần bổ sung thêm nhóm thứ chín: nữ trí thức, nhóm thứ mười: trí thức dân tộc thiểu số. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương trao tặng Bằng khen cho các văn nghệ sỹ, nhà khoa học, trí thức tiêu biểu năm 2020. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI VIỆC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC VIỆT NAM HIỆN NAY Hiện nay, trí thức ngày càng tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực đời sống xã hội nên việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức chịu sự tác động, ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau, cả khách quan và chủ quan, cả trong nước và quốc tế. Có nhiều cách nhận diện, xác định các nhân tố ảnh hưởng. Tác giả Nguyễn Viết Thông – Lê Thị Sự xác định có 3 nhân tố cơ bản, đó là: 1) Quá trình đào tạo đội ngũ trí thức; 2) Quá trình sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; 3) Hệ thống quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trong việc tạo điều kiện phát huy tính độc lập, sáng tạo và khả năng phản biện xã hội của đội ngũ trí thức (3). Tác giả Vũ Văn Hà – Vũ Thị Phương Dung xác định có 5 yếu tố: 1) Môi trường làm việc, cống hiến của đội ngũ trí thức; 2) Tác động của cơ chế kinh tế thị trường; 3) Hệ thống thể chế, chính sách, quy định đãi ngộ, đánh giá và tôn vinh đội ngũ trí thức; 4) Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; 5) Trình độ, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ trí thức (4). Theo tác giả Biền Quốc Thắng: 1) Truyền thống văn hóa, tâm lý, phong tục, tập quán của dân tộc; 2) Đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước; 3) Giáo dục và đào tạo; 4) Môi trường và điều kiện hoạt động; 5) Số lượng, chất lượng, cơ cấu của đội ngũ trí thức(5)… Kế thừa các cách nhận diện, xác định này, chúng tôi nhấn mạnh 3 nhóm yếu tố tác động, ảnh hưởng tới việc xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ở Việt Nam hiện nay. Một là, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử của dân tộc. Trí thức là sản phẩm của xã hội phát triển ở trình độ nhất định, khi có sự phân công lao động và sự phát triển trưởng thành của tư duy, nhận thức lý tính của xã hội. Trí thức ra đời, phát triển, hoạt động trong một môi trường xã hội nhất định nên họ chịu sự tác động, ảnh hưởng sâu sắc của các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử của dân tộc. Văn hóa Việt Nam mấy nghìn năm lịch sử đã hun đúc, khẳng định hệ giá trị chung của dân tộc là chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết, khoan dung, nhân ái, tự lực, tự cường, trung nghĩa, hiếu học, coi trọng hiền tài… Đây là nền tảng văn hóa có ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy, nhận thức và trách nhiệm xã hội của trí thức. Văn hóa, lịch sử dân tộc đặt yêu cầu, nuôi dưỡng, tôn vinh nhân tài, trí thức; và theo đó, lớp lớp các thế hệ nhân tài, trí thức cũng ra sức học hành, nghiên cứu, nâng cao trí tuệ, trau dồi đạo đức, hiến kế, nhập thân, nhập cuộc, xả thân, cống hiến vì Tổ quốc và nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc cũng có điểm, có mặt kìm hãm, cản trở sự phát triển của trí thức nước nhà. Ví dụ: ông cha ta đã phải dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để nghiên cứu, tìm kiếm kế sách ứng phó, đương đầu với các thế lực ngoại xâm hùng mạnh luôn nhòm ngó, tìm cách xâm lược, đồng hóa dân tộc ta. Vì vậy, cùng với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng”, ông cha ta rất coi trọng tinh thần “thân dân”, “hòa hiếu”, “lấy nhân nghĩa thắng hung tàn; lấy chí nhân thay cường bạo”… Dĩ nhiên, lịch sử mấy nghìn năm chống thiên tai, địch họa cũng sẽ không tránh khỏi mất mát, hủy hoại những di sản văn hóa quý báu và không ít nhân tài dang dở sự nghiệp bút nghiên. Hay điều kiện kinh tế nông nghiệp, thủ công, sản xuất nhỏ, tự cung, tự cấp dựa nhiều vào kinh nghiệm, ưa ổn định, bình yên nên cũng không khuyến khích đột phá, tìm tòi lý tính, học thuật. Truyền thống học để làm quan, xem làm quan như là kết quả, minh chứng cho sự thành đạt, vẻ vang của sự học hành, nghiên cứu (và một người làm quan cả họ được nhờ…), chưa có truyền thống khoa học tự nhiên, công nghệ; trọng tình hơn lý, xem trọng đồng thuận, hài hòa, đồng đều, xem nhẹ cạnh tranh, tranh luận, phản biện… cũng ảnh hưởng sâu sắc đến trí thức ngày nay. Hơn nữa, vì nhiều lý do, việc nước ta không tận dụng được triệt để các thành quả của cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0 và 3.0 cũng như việc đến nay (2022) chưa hoàn thành nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là thử thách to lớn, phức tạp đối với toàn Đảng, toàn dân và đối với đội ngũ trí thức nước nhà khi nhân loại đang tiến nhanh vào kinh tế tri thức và cách mạng công nghiệp 4.0. Hai là, yêu cầu phát triển đất nước và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách, pháp luật đối với trí thức. Hoạt động sáng tạo của trí thức suy cho cùng đều xuất phát từ thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, trước hết là thực tiễn sản xuất vật chất và thực tiễn chính trị xã hội. Quá trình vận hành đời sống kinh tế - xã hội luôn nảy sinh các vấn đề mâu thuẫn, bất cập, luôn đòi hỏi phải điều chỉnh, phê phán, cải tiến, cải tạo các lĩnh vực đời sống xã hội theo hướng tiến bộ, văn minh. Trong mỗi giai đoạn lịch sử thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội của nhân loại và của mỗi quốc gia, dân tộc lại đặt ra những yêu cầu gai góc, phức tạp, cấp thiết cần nhận thức, giải thích, phản ánh và xử lý, giải quyết. Theo đó, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và nghệ thuật phải xuất phát và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội theo những mô hình nhất định. Với yêu cầu thiết lập trật tự xã hội phong kiến theo nguyên tắc “trung quân ái quốc”…, lớp lớp trí thức Nho học đã ra đời, phát triển và dấn thân, phục vụ. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc với phương châm “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính” vừa đặt ra yêu cầu vừa tạo ra điều kiện, môi trường để hoạt động sáng tạo của đội ngũ trí thức (trên tất cả các lĩnh vực quân sự, kinh tế, văn hóa, đối ngoại…) luôn xuất phát và bám sát thực tiễn kháng chiến, kiến quốc của dân tộc và vì mục tiêu kháng chiến thắng lợi và kiến quốc thành công. Thời kỳ đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” vừa tạo ra những động lực vừa tạo ra những thách thức, áp lực, vừa “đặt hàng” vừa cung cấp dữ liệu, tạo ra những điều kiện cần thiết để trí thức hoạt động sáng tạo với chất lượng ngày càng cao. Với ý nghĩa như vậy, công cuộc đổi mới, sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay với “mô hình tăng trưởng theo chiều sâu” vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh” là không gian rộng mở, “một chân trời sáng tạo rộng lớn, một thời cơ phát triển rất tốt đẹp”(6) đối với đội ngũ trí thức nước nhà. Lịch sử cho thấy, trí thức không phải là một giai cấp, trí thức là một tầng lớp xã hội (đội ngũ). Trí thức không đại biểu cho phương thức sản xuất vật chất – trí thức chủ yếu sản xuất tinh thần. Trí thức chỉ phát huy vai trò to lớn của mình khi đem trí tuệ, tài năng của mình đi phục vụ một giai cấp, một thể chế chính trị - xã hội nhất định. Do đó, số lượng, chất lượng trí thức lệ thuộc nhiều vào mức độ, chất lượng sử dụng trí thức của xã hội, trước hết là của đảng cầm quyền và nhà nước đương thời. Thể chế, chính sách, pháp luật do con người, kể cả do trí thức tham gia xác lập nhưng khi nó vận hành trong đời sống thì nó được “khách quan hóa” và nó tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến số lượng và chất lượng trí thức. Theo đó, thể chế, chính sách, pháp luật, nhất là chính sách, pháp luật đối với trí thức phù hợp, đồng bộ thì sẽ khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo, cống hiến của trí thức; ngược lại, chính sách, pháp luật không phù hợp sẽ gây khó khăn, thậm chí kìm hãm, cản trở sự sáng tạo, cống hiến, đóng góp của trí thức đối với xã hội. Trong thời kỳ đổi mới, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước ta, trong đó có chính sách đối với trí thức đã được bổ sung, hoàn thiện và thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ trí thức nước nhà cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, hiện nay, việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức nước ta theo yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước đang đối mặt với một số điểm nghẽn, trong đó có điểm nghẽn về thể chế, chính sách, pháp luật. Ba là, các yếu tố thời đại và môi trường, điều kiện làm việc của trí thức. Cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những thay đổi lớn lao, đa diện chưa từng có đối với nhân loại. Điều này làm cho kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số…; làm cho toàn cầu hóa càng trở nên mạnh mẽ, sâu sắc, phổ biến, và điều này sẽ tiếp tục đặt các quốc gia dân tộc, trong đó có đội ngũ trí thức của mình đứng trước những thời cơ và thách thức đan xen(7). Đây là điều kiện, môi trường để trí thức mỗi nước, trong đó có trí thức Việt Nam mở mang giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ, tăng cường hợp tác, phát triển, lan tỏa, sánh vai cùng trí thức các nước trong khu vực và thế giới. Đồng thời, trong khi gia tăng hợp tác thì mức độ cạnh tranh, trong đó trọng tâm là cạnh tranh về nhân lực, trí tuệ, nhất là nhân lực chất lượng cao cũng sẽ ngày khốc liệt và có tính quyết định. Do vậy, đây cũng là thách thức, áp lực lớn đối với trí thức ở các nước nghèo, kém phát triển, hay nước đang phát triển như Việt Nam. Trong kinh tế thị trường, giá trị của sức lao động được thị trường đánh giá, khẳng định, chấp nhận trên cơ sở hao phí sức lao động trong quá lao động sản xuất. Đây là động lực đối với người lao động, trong đó có đội ngũ trí thức(8). Giá trị lao động phức tạp của trí thức bằng bội số của lao động giản đơn. Kinh tế thị trường là môi trường, điều kiện thuận lợi để lượng hóa giá trị lao động sáng tạo của trí thức. Trên cơ sở đó, xã hội trả công xứng đáng đối với những đóng góp, sáng tạo của đội ngũ trí thức. Theo đó, kinh tế thị trường vừa đòi hỏi, vừa kích thích, thúc đẩy người lao động nói chung và đội ngũ trí thức nói riêng không ngừng vươn lên lao động tích cực, sáng tạo, hiệu quả. Kinh tế thị trường vừa thúc đẩy cạnh tranh, sàng lọc vừa thúc đẩy tăng cường hợp tác trong lao động sáng tạo, kể cả lao động của đội ngũ trí thức. Tất nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường cũng có thể tác động tiêu cực đến hoạt động của trí thức. Thực tế cho thấy, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, không ít trí thức đã vi phạm đạo đức nhà giáo, đạo đức thầy thuốc, đạo đức người làm báo đã “bẻ cong ngòi bút”, vi phạm liêm chính học thuật, kể cả vi phạm pháp luật nghiêm trọng, suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phản bội lại sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân. Cùng với các yếu tố thời đại, môi trường, điều kiện làm việc của trí thức có ảnh hưởng quyết định trực tiếp đến chất lượng trí thức. Môi trường, điều kiện làm việc của trí thức có phạm vi rộng lớn và bao gồm nhiều yếu tố. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh các khía cạnh như: cơ sở vật chất, kỹ thuật (trụ sở, cơ quan, phòng làm việc, phòng hội thảo, giảng đường, thư viện, các phương tiện máy móc, thiết bị nghe nhìn, trình chiếu để giảng dạy, phổ biến tri thức, để nghiên cứu, thí nghiệm, ứng dụng…); chất lượng giáo dục và đào tạo (nội dung, phương pháp, chất lượng dạy học, đào tạo, nhất là chất lượng giáo dục đại học và sau đại học); cơ chế, phương thức tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức trong đó trí thức hoạt động (bao cấp, đặt hàng hay tự chủ; độc lập hay liên kết đào tạo – nghiên cứu - ứng dụng…); không khí làm việc, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ lãnh đạo, quản lý, năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo trí thức, môi trường văn hóa, môi trường học thuật…(bảo đảm tự do tư tưởng, ngôn luận, dân chủ trong sáng tạo, tiếp cận thông tin, bày tỏ quan điểm, chính kiến học thuật, bảo đảm công bằng…; ở mức độ nhất định, chất lượng người sử dụng, lãnh đạo, quản lý trí thức quy định chất lượng của trí thức); chính sách đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh trí thức (tiền lương, thu nhập, giải thưởng, danh hiệu…)… Xét theo những yếu tố đó, rõ ràng, trong thời kỳ đổi mới, chúng ta đã có những bước tiến nhất định. Nhờ vậy, đội ngũ trí thức nước ta đã có bước phát triển nhất định cả về số lượng, chất lượng; qua đó, góp phần quan trọng làm nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch trong hơn 35 năm đổi mới, làm cho tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước không ngừng nâng lên. Tuy nhiên, công cuộc đổi mới, phát triển đất nước đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi mới lớn hơn, cao hơn, phức tạp hơn đối với đội ngũ trí thức. Theo đó, muốn cải thiện chất lượng, số lượng trí thức ở nước ta hiện nay không thể không quan tâm đến điều kiện, môi trường hoạt động, làm việc của trí thức. Dẫu biết rằng, trong thực tế có không ít sản phẩm khoa học, công nghệ, sản phẩm giáo dục, đào tạo, tác phẩm văn học, nghệ thuật… của các trí thức, nhân tài trên thế giới và ở Việt Nam được sáng tạo trong điều kiện nhiều thiếu thốn về vật chất và môi trường xã hội khắc nghiệt, khó khăn, thậm chí trong tình cảnh tù đày, nghèo đói. Song, đó không phải là điều có tính phổ biến, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bởi vậy, không thể cải thiện chất lượng, số lượng trí thức nếu không thực sự quan tâm đầu tư, xây dựng, đổi mới, cải thiện một cách căn bản điều kiện, môi trường làm việc, sáng tạo, cống hiến của trí thức, trong đó có cả môi trường, điều kiện vật chất, kỹ thuật, máy móc, công nghệ, cơ chế quản lý, đánh giá, sử dụng, tiền lương, thu nhập, đời sống và môi trường, điều kiện về văn hóa, tinh thần, sự tin cậy, tôn trọng. Như vậy, đến nay, tuy có nhiều quan niệm khác nhau về trí thức, song quan niệm được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X cơ bản vẫn phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên để nhận diện trí thức cần xác định rõ các đặc điểm, tiêu chí cần và đủ. Theo đó, trí thức có nhiều đặc điểm để xác định, nhận diện, trong đó có 5 đặc điểm cơ bản. Tùy tiêu chí mà có thể phân loại các nhóm trí thức khác nhau. Việc xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức lệ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, cả bên trong và bên ngoài… Đây là cơ sở nhận thức quan trọng cần thiết để đánh giá, phân tích đúng đắn, sâu sắc, thỏa đáng thực trạng, nguyên nhân, vấn đề đặt ra cũng như đề xuất các định hướng, giải pháp phù hợp cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới. (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 275. (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 275. (3) Nguyễn Viết Thông – Lê Thị Sự: Trí thức và vai trò của trí thức trong quá trình phát triển của Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr 71-76. (4) Vũ Văn Hà – Vũ Thị Phương Dung: Vai trò và các yếu tố ảnh hưởng tới việc phát huy vai trò đội ngũ trí thức hiện nay, tại trang: https://tuyengiao.vn/, cập nhật ngày 8-9-2022. (5) Biền Quốc Thắng: Vai trò đội ngũ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, Tr 56-61. (6) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2022, tr 279. (7) Xem thêm Nguyễn Trọng Chuẩn: Trí thức Việt Nam với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số, tại trang: https://www.tapchicongsan.org.vn/, cập nhật 18-3-2021. (8) Xem thêm Vũ Văn Hà – Vũ Thị Phương Dung: Vai trò và các yếu tố ảnh hưởng tới việc phát huy vai trò đội ngũ trí thức hiện nay, tại trang: https://tuyengiao.vn/, cập nhật ngày 8-9-2022. PGS, TS. Lê Văn Lợi (Theo tuyengiao.vn)