- Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; - Kính thưa đồng chí Tô Huy Rứa, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; - Kính thưa đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; - Kính thưa đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; - Kính thưa đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; - Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; - Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương; - Kính thưa quí vị đại biểu, các vị khách quý; - Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền; - Thưa các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức cùng toàn thể học viên, sinh viên thân mến. Hôm nay, được sự nhất trí của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đảng ủy - Hội đồng Trường - Ban Giám đốc và các tổ chức đoàn thể của Học viện Báo chí và Tuyên truyền long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Trong ngày lễ trọng thể này, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên và sinh viên của Nhà trường rất vui mừng và vinh dự được đón Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Tô Huy Rứa, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các đồng chỉ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các cơ quan, tô chức ở Trung ương và địa phương; các trường chính trị tỉnh, thành phố, các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện; các trường đại học và viện nghiên cứu; các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế; các đồng chí nguyên lãnh đạo và các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Nhà trường; các cơ quan thông tấn báo chí đã tới dự buổi lễ trọng thể này. Xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí và kính chúc các đồng chí luôn dồi dào sức khỏe, có nhiều thành công mới, cùng với Đảng, Nhà nước lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Chúc buổi Lễ của chúng ta thành công tốt đẹp! Kính thưa quí vị đại biểu, các vị khách quý! Thưa các thầy giáo, cô giáo cùng các em sinh viên, học viên thân mến! Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trải qua một chặng đường lịch sử vẻ vang tròn 60 năm xây dựng và phát triển, tiền thân là trường Tuyên giáo Trung ương được Ban Bí thư thành lập ngày 16/01/1962 với nhiệm vụ được giao là bồi dưỡng ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ báo chí, xuất bản, giáo dục lý luận Mác-Lênin, bồi dưỡng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng. Năm 1969 trường đổi tên thành Trường Tuyên huấn Trung ương và bước vào giai đoạn mới bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo bậc đại học cho cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, xuất bản. Từ năm 1969 đến 1975, Học viện đào tạo được hàng nghìn cán bộ cho các trường Đảng, các trường đại học và ban tuyên huấn các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận của Đảng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, nhà trường mở rộng quy mô đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, xuất bản. Năm 1983, Bộ Chính trị quyết định hợp nhất Trường Tuyên huấn Trung ương và Trường Nguyễn Ái Quốc V thành Trường Tuyên huấn Trung ương I, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách công tác tư tưởng, báo chí, giảng viên lý luận có trình độ đại học, đồng thời hỗ trợ trường Tuyên huấn phía Nam. Năm 1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã quyết định đổi tên trường thành Trường Đại học Tuyên giáo. Từ đây, Học viện vừa là trường Đảng, vừa là trường đại học, thực hiện quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với những điều kiện phát triển mới, Học viện mở ra nhiều loại hình, nhiều cấp học. Nhà trường mở hàng chục lớp bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo phục vụ công tác tuyên truyền cho công cuộc đổi mới, trong đó có lớp bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo toàn quốc được đích thân đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về huấn thị. Năm 1993 theo quyết định của Bộ Chính trị, trường Đại học Tuyên giáo đổi tên thành Phân viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đến năm 2005, trường đổi tên thành Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Trường được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hóa, công tác Đảng và chính quyền nhà nước, cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí, biên tập viên xuất bản và một số ngành khoa học xã hội - nhân văn khác; đồng thời là cơ sở nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phục vụ cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực tư tưởng, báo chí và truyền thông. Kính thưa các quí vị đại biểu, các vị khách quý! Thưa toàn thể các đồng chí! Nhìn lại chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, dù chức năng, nhiệm vụ có thay đổi, dù phải trải qua những thời kỳ hết sức khó khăn, nhưng những lúc khó khăn nhất thì tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo của toàn thể, cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Nhà trường lại được phát huy, tạo ra những đột phá để đưa nhà trường vượt qua và đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào. Đến nay Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín trong hệ thống các trường Đảng, đồng thời là một trường đại học trọng điểm trong hệ thống giáo dục quốc dân. - Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng: Học viện đã không ngừng phát triển các chương trình đào tạo, các loại hình đào tạo và quy mô đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới của Đảng. Từ chỗ chỉ có 4 chuyên ngành khi mới thành lập, đến nay Học viện đã đào tạo 41 chương trình đại học, 20 chương trình đào tạo thạc sĩ, 07 chương trình đào tạo tiến sĩ. Trong đó có 1 chương trình quốc tế và 5 chương trình đào tạo chất lượng cao. Học viện cũng là 1 trong 5 trường trong cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình “Đơn vị học tập”. Năm 2018 Học viện được kiểm định cơ sở đào tạo. Năm 2021 đã kiểm định thành công 4 chương trình đào tạo và hiện nay đang tiếp tục tiến hành kiểm định 7 chương trình để phấn đấu sẽ kiểm định, đánh giá ngoài tất cả các chương trình đào tạo. Điều này giúp cho Nhà trường nâng cao chất lượng và tự chủ hơn nữa trong công tác đào tạo, đồng thời tạo dựng được thương hiệu của Học viện trong nước và quốc tế. Trong 60 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước hơn 70 nghìn cán bộ cho Đảng và Nhà nước. Nhiều người trong số đó đã trở thành các nhà khoa học đầu đàn, các nhà giáo có uy tín, các nhà báo, biên tập viên có tên tuổi. Không ít người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. - Trong công tác nghiên cứu khoa học: Trong 60 năm qua, Học viện đã triển khai nghiên cứu hơn 4000 đề tài các cấp, tổ chức gần 1650 hội thảo, hội nghị, tọa đàm và thông tin khoa học các cấp. Ngoài ra, Học viện còn phối hợp với nhiều cơ quan, bộ ngành và địa phương, tổ chức nhiều hội thảo khoa học để bàn thảo những vấn đề cấp thiết từ thực tiễn và từ yêu cầu nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện. Các nhà khoa học của Học viện đã công bố hơn 7.580 bài báo khoa học trên các tạp chí và sách chuyên khảo có giá trị cao cả về lý luận lẫn thực tiễn, được phổ biến và vận dụng rộng rãi trong xã hội.... - Công tác hợp tác quốc tế: đã được nhà trường quan tâm từ rất sớm. Từ khi mới thành lập cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, Học viện phát triển quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Hàng chục cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô và các trường đại học lớn ở Liên Xô và Đông Âu, sau này trở thành lực lượng nòng cốt phát triển mạnh mẽ Nhà trường. Hiện nay hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện phát triển nhanh chóng không chỉ về chiều rộng mà cả chiều sâu, hợp tác với hàng chục trường đại học, viện nghiên cứu của các nước ASEAN, các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ, Châu Đại dương. Nhà trường còn gửi một số lượng đáng kể cán bộ trẻ đi đào tạo bậc thạc sỹ, tiến sỹ, hàng trăm cán bộ được cử đi nghiên cứu, trao đổi học thuật tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài. Đồng thời, nhiều nhà khoa học có tên tuổi của các trường đại học lớn trên thế giới đã tới Học viện giảng dạy. - Trong công tác tổ chức cán bộ: Trong quá trình phát triển, dù nhiều lần tách nhập, nhưng bộ máy tổ chức cũng như hệ thống qui chế, qui định về tổ chức và hoạt động của Nhà trường thường xuyên được củng cố và hoàn thiện, đội ngũ cán bộ. được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị. Từ 172 cán bộ, trong đó 43 cán bộ giảng dạy khi mới thành lập, đến nay Học viện đã có một đội ngũ cán bộ, giảng viên đông đảo, hùng hậu và một bộ máy tổ chức chặt chẽ gồm: Hội đồng trường, Ban Giám đốc; 11 ban, phòng, đơn vị chức năng; 19 khoa, viện, tạp chí, trung tâm. Tổng số cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Học viện là gần 400 người, trong đó cán bộ giảng dạy, nghiên cứu chiếm hơn 62,7% với 29 phó giáo sư, hơn 100 tiến sĩ và 200 thạc sĩ. - Trong công tác hành chính - hậu cần: Ngày mới thành lập, cơ sở vật chất của Học viện rất thiếu thốn, mặt khác, do phải sơ tán trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, nên cả thời gian dài cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của Nhà trường rất nghèo nàn. Từ năm 1990 đến nay, Học viện đã từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất. Nhờ đó, diện mạo của Học viện ngày càng khang trang, hiện đại. Hiện nay. Học viện có hệ thống giảng đường về cơ bản đạt chuẩn quốc gia, hầu hết các lớp học được trang bị máy tính và máy chiếu đa năng, đủ sức triển khai 190 lượt lớp/ngày. Các phòng thực hành nghiệp vụ: Studio phát thanh, truyền hình, ảnh, phòng sản xuất chương trình, biên tập xuất bản, phòng diễn giảng, phòng LAB học ngoại ngữ, phòng tin học, phòng học trực tuyến phục vụ thực hành nghiệp vụ cho sinh viên. Thư viện đang được hiện đại hóa, có nhiều phòng đọc tự chọn, chủng loại sách in, sách điện tử đa dạng, phong phú, được kết nối với các thư viện trong nước và quốc tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của giảng viên và sinh viên. Khu nhà nhà hành chính trung tâm có đủ các điều kiện của một công sở hiện đại. Cảnh quan, môi trường của Học viện “xanh, sạch, đẹp” văn minh, thân thiện. Ký túc xá sinh viên Học viện gồm 5 dãy nhà cao tầng, được xây dựng thành hệ thống nhà ở khép kín với nhiều tiện nghi phù hợp, có sức chứa hơn 2000 người; có khu thể thao phục vụ giáo dục thể chất, vui chơi giải trí cho cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên. - Công tác xây dựng Đảng: luôn được Đảng bộ Học viện quan tâm. Trong thời gian gần đây, trung bình mỗi năm, Đảng bộ Học viện kết nạp trên 200 đảng viên mới, trong đó chủ yếu là sinh viên. Đảng bộ Học viện liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy - Ban Giám đốc - Hội đồng Trường và các đoàn thể luôn gắn bó, đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, quyết tâm đổi mới. - Công đoàn Nhà trường: đã phát huy tốt chức năng tổ chức, động viên cán bộ viên chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, tham gia tích cực các phong trào thi đua “dạy tốt, phục vụ tốt”, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hoạt động của Công đoàn đã góp phần củng cố khối đoàn kết nhất trí trong Nhà trường, động viên, tạo điều kiện tốt hơn cho cán bộ yên tâm công tác, thêm yêu trường, yêu nghề, tạo động lực mạnh mẽ cho Nhà trường phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. - Đoàn Thanh niên Học viện: đã thường xuyên phát động phong trào học tập, rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường; tổ chức nhiều hoạt động xã hội, từ thiện, thu hút đông đảo đoàn viên sinh viên tích cực học tập và tu dưỡng phấn đấu thành công dân sống có lý tưởng, có hoài bão, có ý chí phấn đấu vươn lên và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những thành tích to lớn trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1982), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 1992), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2001), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2007), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2021) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Kính thưa các quí vị đại biểu, các vị khách quýt Thưa toàn thể các đồng chí! Trong suốt 60 năm qua, từ một trường bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên truyền, báo chí, xuất bản của Đảng, đến nay đã thành một trường Đảng, trường đại học trọng điểm có uy tín, được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm, tin tưởng. Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã thực sự trở thành cái nôi của ngành công tác tư tưởng, lý luận và báo chí, truyền thông của cả nước, đồng thời cũng là trung tâm khoa học có uy tín, từng bước hội nhập khu vực và thế giới. Học viện Báo chí và Tuyên truyền không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là nơi trọng dụng những tài năng, trí tuệ; tạo ra một môi trường làm việc, học tập mà mọi người đều được khuyến khích động viên để phát huy hết năng lực của mình. Thế mạnh của từng thầy cô, từng sinh viên được phát hiện, được thể hiện và được trân trọng. Nhà trường trân trọng với từng trăn trở của mỗi thầy cô để mong có được những sáng kiến, những giải pháp, sáng tạo phục vụ người học ngày tốt hơn. Nhà trường cũng tôn vinh từng thành tích của cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên đạt được trong những lĩnh vực được giao. Tất cả những điều đó là giá trị thiết thực thể hiện tình yêu và sự gắn kết của những cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Học viện. Kỷ niệm 60 năm thành lập cũng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng trong quá trình xây dựng và phát triển, bày tỏ sự tri ân đối với những đóng góp, cống hiến, sự hy sinh của các thế hệ thầy và trò trong Nhà trường qua các thời kỳ, trong đó có những đồng chí nay không còn nữa. Chúng ta mãi khắc sâu trong lòng và nghiêng mình tưởng nhớ về những thầy cô, những anh chị học viên, sinh viên đã cống hiến, hy sinh vì sự phát triển của Nhà trường, và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Những ngày qua, được gặp lại các thầy cô nguyên là lãnh đạo, cán bộ quản lý, nhân viên và các cựu học viên, sinh viên, được chứng kiến giây phút hạnh phúc của ngày trở về, được nghe kể lại về những câu chuyện cảm động từ quá khứ, chúng tôi thế hệ của hiện tại như được sống cùng với những thời khắc lịch sử trên từng chặng đường phát triển của nhà trường, tiếp thêm cho chúng tôi lòng nhiệt huyết để tiếp tục cống hiến, chăm lo cho Ngôi nhà chung Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tất cả bởi vì chúng ta đã luôn tâm niệm rằng “Trường là nhà, chúng ta là một gia đình”. Từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, giá trị truyền thống luôn là nền móng vững chắc cho Nhà trường thực hiện các ước mơ bay cao, bay xa. Những cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên ngày hôm nay với khát khao được cống hiến, với tinh thần đoàn kết và khả năng sáng tạo, dám làm dám chịu trách nhiệm, sẽ tiếp nối truyền thống, thực hiện thành công chiến lược phát triển nhà trường trong giai đoạn mới. Niềm tự hào nhất của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, làm nên uy tín và thương hiệu của Nhà trường đó chính là các cựu học viên, sinh viên. Nhà trường luôn tự hào về các thế hệ học viên, sinh viên của mình. Rất nhiều cựu học viên, sinh viên đã và đang giữ các trọng trách tại các cơ quan trung ương, địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế. Những thành tựu của mỗi cựu học viên, sinh viên là niềm tự hào, một phần quan trọng trong thành tựu chung của nhà trường. Nhà trường ghi nhận sự đồng hành, góp sức của nhiều cựu học viên, sinh viên trong nhiều hoạt động của nhà trường với tư cách nhà sư phạm, nhà tuyển dụng, các chuyên gia, cố vấn trong nhiều hoạt động của học viên, sinh viên, góp phần tạo nên hệ sinh thái giáo dục của Nhà trường. Ngày hôm nay, có nhiều cựu học viên, sinh viên đã trở về tham dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường, nhiều cựu học viên, sinh viên ở xa, do hoàn cảnh khác nhau không về được nhưng chúng tôi tin rằng Lễ kỷ niệm và ngày hội trường sẽ đong đầy cảm xúc, sẽ lan tỏa và khơi lại trong chúng ta những kỷ niệm thật đẹp trong những năm tháng gắn bó cùng Học viện Báo chí và Tuyên truyền dù ở bất kỳ nơi đâu. Kính thưa các quí vị đại biểu, các vị khách quý! Sự phát triển mạnh mẽ cùng những thành tựu đạt được về mọi mặt của Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong suốt chiều dài lịch sử 60 năm qua trước hết là kết quả của sự quan tâm, động viên, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương Đảng, của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự hợp tác chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương. Tại buổi Lễ trọng thể này, thay mặt các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viện và sinh viên nhà trường, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, động viên, chỉ đạo sâu sát để Nhà trường không ngừng đổi mới và phát triển. Chúng tôi xin bày tỏ tình cảm, sự tri ân của cán bộ, giảng viên Nhà trường đối với đồng chí Tô Huy Rứa, đồng chí Phạm Quang Nghị, đồng chí Hà Thị Khiết, đồng chí Mai Ái Trực, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, đồng chí Tạ Ngọc Tấn và nhiều đồng chí khác - những người đã từng học tập, công tác tại nhà trường, dù ở cương vị nào các đồng chí cũng luôn hướng về Nhà trường, luôn dành những tình cảm thân thiết nhất, cổ vũ, động viên, giúp đỡ, tạo điều kiện để Nhà trường phát triển. Chúng tôi trân trọng cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm và hiệu quả của các ban, bộ, ngành, ở Trung ương, ở Hà Nội và các đại phương, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các nhà trường, học viện, các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo đã tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học cùng với nhà trường. Chúng tôi bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến các thế hệ lãnh đạo, các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên đã gắn bó với sự nghiệp phát triển nhà trường, bằng tâm huyết, nghị lực, tận tụy trong giảng dạy và phục vụ, với sự kiên trì, bền bỉ, đã đóng góp thầm lặng, tạo nên tầm vóc của Học viện Báo chí và Tuyên truyền hôm nay. Xin trân trọng cảm ơn cán bộ và nhân dân các địa phương: phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, huyện Mỹ Đức (Thành phố Hà Nội), Huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) và nhiều nơi khác đã cưu mang, đùm bọc Nhà trường trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và thời kỳ khó khăn, gian khổ mà tình nghĩa còn sâu đậm mãi với thời gian. Xin bày tỏ tình cảm trân trọng, niềm tin yêu đối với các thế hệ học viên, sinh viên đã và đang nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, những người đã làm cho uy tín và danh dự của nhà trường ngày càng được tỏa sáng. Kính thưa các quí vị đại biểu, các vị khách quý. Thưa toàn thể các đồng chí! Với truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng và phát triển, trong những năm tiếp theo, Học viện tiếp tục phát huy bản sắc của trường Đảng, của một cơ sở đào tạo đại học trọng điểm trong hệ thống giáo dục quốc dân, giữ vững khối đoàn kết thống nhất, tăng cường trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương trong Nhà trường, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, đổi mới thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đáp ứng tốt yêu cầu về công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ mới. Vượt qua những khó khăn thách thức của tình hình trong nước và quốc tế, Học viện tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ các mặt hoạt động, tập trung vào những nhiệm vụ then chốt của công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; phối hợp chặt chẽ các mặt hoạt động, lấy nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy quá trình hội nhập làm nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng ngày càng cao để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao. Tăng cường công tác quản lý - điều hành, đổi mới các thủ tục hành chính trên cơ sở ứng dụng tiện ích của công nghệ thông tin. Tăng cường chuyển đổi số các mặt công tác. Đẩy mạnh hiện đại hóa, đồng bộ hóa cơ sở vật chất phục vụ nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng công sở, môi trường thân thiện văn minh phục vụ các hoạt động và đời sống của cán bộ, giảng viên, sinh viên. Mục tiêu phát triển của Nhà trường đến năm 2030 trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực lý luận chính trị, tư tưởng - văn hoá, báo chí, tuyên truyền và truyền thông tại Việt Nam; trung tâm nghiên cứu có tầm ảnh hưởng về lý luận chính trị, tuyên truyền, báo chí và truyền thông tại khu vực. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành trường đại học hàng đầu tại Đông Nam Á và châu Á. Nhà trường quyết tâm xây dựng được môi trường giáo dục thân thiện, thực sự là điểm đến để gửi gắm các ước mơ và hoài bão của người học; ở đó học viên, sinh viên được nuôi dưỡng sự đam mê, tinh thần sáng tạo; ở đó học viên, sinh viên biết tự chủ, chịu trách nhiệm cho mỗi quyết định của mình và khả năng dễ dàng thích nghi với sự thay đổi không ngừng của xã hội và môi trường toàn cầu. Kính thưa quí vị đại biểu, các vị khách quý! Thưa toàn thể các đồng chí. Chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, tầm vóc và thương hiệu của Học viện Báo chí và Tuyên truyền - một cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học có uy tín đã được thực tiễn kiểm nghiệm và thừa nhận. Trong thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và chuyển đổi số, Học viện được tiếp thêm nghị lực mới với một tâm thế mới và một quyết tâm mới. Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ kế thừa, phát huy những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy được, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, quyết tâm đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới tiếp tục phát triển toàn diện, đưa Nhà trường lên tầm cao mới, xứng đáng với truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng và phát triển. Với một tinh thần năng động, sáng tạo, đoàn kết, gắn bó cùng chung sức vượt qua khó khăn, gian khổ, những thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên hiện nay đang thừa hưởng những thành quả do các thế hệ xây dựng, trong đó có truyền thống với những giá trị được đúc kết. Tất cả các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên Nhà trường sẽ luôn trân trọng những giá trị cốt lõi, những tình cảm tốt đẹp tích lũy trong suốt 60 năm qua, để dù có đi bốn phương trời, tất cả các thế hệ thầy và trò vẫn nhớ về Nhà trường, để từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người lúc nào cũng dành tình cảm sâu sắc nhất cho Nhà trường. Chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, kế thừa những kết quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục đào tạo nói riêng, vào công cuộc đổi mới đất nước nói chung. Trong không khí tràn đầy niềm vui, niềm tự hào của buổi Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, phần thưởng cáo quý của Đảng và Nhà nước, một lần nữa thay mặt Đảng ủy - Hội đồng Trường - Ban Giám đốc, các đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên nhà trường, xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, đoàn thể ở Trung ương và địa phương; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên nhà trường qua các thời kỳ; các quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể các đồng chí! Xin kính chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và nhiều thành công! Xin trân trọng cảm ơn!