Ảnh: PV AJC Lời mở đầu... Cũng như rất nhiều bạn trẻ, được trở thành một tân sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền là mong ước và mục tiêu phấn đấu của tôi trong suốt những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường. Và ước mơ đó cũng đã trở thành hiện thực khi tôi nhận được thông báo trúng tuyển từ Học viện. Đối với tôi, Học viện Báo chí và Tuyên truyền sẽ là “miền đất hứa” để tôi có thể ươm mầm và phát triển ước mơ, hoài bão của tôi. Đối với những bạn sinh viên K41 thì năm 2021 có lẽ là một năm vô cùng đặc biệt. Bởi lẽ ngày tựu trường và tuần sinh hoạt công dân đầu tiên với nhiều cảm xúc được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Song, dù không được trực tiếp có mặt tại hội trường C như các anh chị khóa trước, nhưng tôi vẫn cảm nhận được không khí hào hứng và sôi động mà trường Báo mang lại. Trải qua gần một kỳ học dưới “mái nhà chung” Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bao kỉ niệm với Học viện đã dần hình thành trong kí ức của tôi. Đối với tôi, Học viện không chỉ là nhà, là người bạn mà còn là “nhân chứng” cho mỗi giai đoạn phát triển và trưởng thành của bản thân tôi tại ngôi trường này. Ngay khi biết cuộc thi “Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong tôi” được phát động, tôi đã không chần chừ một giây phút nào tâm trạng muốn tham gia ngay để viết nên những cảm xúc và kỉ niệm thời gian qua cùng ngôi trường mơ ước của tôi. Người ta nói, cuộc đời con người sẽ có nhiều cột mốc sau này sẽ nhớ mãi. Những năm đầu đại học, những năm tháng đầu tiên lập nghiệp và mùa hè năm 18 tuổi. Và sinh viên trường Báo cũng phải tạm khép lại quãng đời còn là học trò, chân ướt chân ráo tập quen với môi trường mới, bạn bè mới, thầy cô mới, khung cảnh mới…. Tôi mất gì khi học trường Báo... “Mất” tuổi 17, khép lại tuổi học trò bồng bột, vô lo vô nghĩ. "Ba năm cấp ba trôi nhanh như cái chớp mắt, một thoáng thanh xuân ngoảnh lại đã đi qua". Chúng mình luôn nghĩ rằng mình có thời gian, nhưng thật ra thời gian lại là thứ bông đùa nhất thế giới này. Chớp mắt một cái – chúng mình đã đứng ở vạch cuối cuộc hành trình tụ tập đông đủ, vạch cuối của một hồi suy nghĩ “chỉ cần học nốt bài này thôi, chương này thôi nhớ” rồi chúng ta lại được thỏa sức cười đùa bên nhau. Chớp mắt một cái nữa, kỉ niệm nông nổi 3 năm lại mở ra, như mơ hồ như hiện hữu. Những buổi trốn học, những ngày thi rồi nín thở họp phụ huynh, những lần cãi nhau ỏm tỏi vì vài ba lý do ngớ ngẩn, những tiếng ồn ào đến náo nhiệt không đáng có trong giờ học... Ôi thôi, nghĩ lại vừa thấy nhớ, lại vừa thấy thương cho thế hệ thầy cô, vì đã dìu dắt chúng mình ở cái tuổi “Nhất quỷ nhì ma” như thế. Tuổi trẻ vẫn mãi lưu giữ những ký ức thoắt ẩn thoắt hiện đó, để rồi thỉnh thoảng nhắc nhở chúng mình phải nhớ, phải biết trân trọng. Tuổi 17, đẹp, lại nuối tiếc, vì lúc này ta như đứng giữa cái ranh giới của chưa lớn và trưởng thành. Những đứa trẻ tập lớn vừa mang trong mình hoài bão, cố “vươn ra biển lớn” vừa muốn tận hưởng những cuộc vui của năm tháng cấp 3, một đi không trở lại. Giờ đây, chúng mình không còn là những cô cậu học trò 17 tuổi với những suy nghĩ ấy nữa. Quãng thời gian chia ly ấy chúng mình cũng đã vượt qua, kì thi quan trọng đặc biệt trong đời ấy, chúng mình cũng đều đỗ đạt như ý nguyện. Rồi dần dà cũng phải tập quen rằng, quãng đường của tuổi trưởng thành không còn là ba điểm đến quen thuộc: nhà- trường- học thêm. Ta phải đi qua hàng tá con đường khó nhớ, hàng ngàn ngôi nhà xa lạ, hàng vạn con người không biết tên, thậm chí là xa gia đình, xa ngôi nhà, người bạn thân quen, để đến một chân trời mới. Những đứa trẻ rồi cũng phải tự mình bơi ngoài biển “đời” nhiều cám dỗ. Vào Báo chí chúng mình được thỏa sức vẫy vùng nhưng còn ngờ vực, liệu mình có làm tốt không, liệu lúc khó khăn mình sẽ vượt qua được chứ, liệu con đường mình chọn mình sẽ đi được đến cuối con đường hay phải dừng lại vì bị chặn bởi chướng ngại vật nào đó: khó khăn về thầy cô, bạn bè, học hành, nỗi nhớ...? “ Mất” đi sự bị động của bản thân trong học hành. Nếu khoảng trời cấp 3, chúng mình không thể thiếu những lần trốn học ở nhà vì lý do thời tiết nào đó, băn khoăn liệu tiết này có nên “chuồn” về không hay nơm nớp lo sợ bị cô túm lên bảng, sợ cô phát hiện lúc ngủ gật, thót tim khi bị cô gọi lên trả bài. Chúng mình đã từng được bao bọc như thế, đợi cô nhắc nhở chuyện học hành, đợi cô dặn dò chuyện cái sách vở, cái tóc tai, cái giày dép, nết đi đứng, rồi thì là chép bài thế nào, ôn tập ra sao. Không ít người chúng mình đã từng bị động như thế, phải không? Nhưng rồi cái gì cũng phải đi vào quỹ đạo của nó, chúng mình có một Học viện báo chí và tuyên truyền làm đích đến. Nhìn các anh, các chị trải qua một kỳ thi đầy biến động vì chịu sự ảnh hưởng của covid 19, các sĩ tử chúng mình nhiều chút lo sợ rằng sự bị động của bản thân trong học hành khiến khoảng cách giữa chúng mình và Học viện trở nên xa hơn. Vì thế mà dần dà chúng mình đã mạnh mẽ hơn, động lực hơn, bản lĩnh hơn. Quãng thời gian đó, không biết bao nhiêu đề Toán khó đến phát khóc, bao bài văn viết đến chai cả tay, hàng ngàn từ vựng tiếng anh phải học thuộc. Chúng mình đã như con thiêu thân, cứ thế mà lao vào thứ mình yêu thích, như những tên lửa được tiếp bệ phóng bay vút lên trời cao. Bây giờ nhìn lại, lòng thấy tự hào lắm, không nghĩ rằng bản thân đã vượt qua cái thời gian miệt mài bên sách vở thế, có lẽ bây giờ chưa chắc chúng mình đã làm được. Vừa tự hào, vừa thương nhớ. Chúng mình khi có ước mơ, mục tiêu là Báo thật tuyệt nhỉ... Lần chủ động ấy có lẽ là nền tảng để chúng mình trụ vững qua 4 năm gắn bó với Học viện, chúng mình không còn bị kiểm tra vở, sau màn hình máy tính, chúng mình muốn làm gì cũng được, viết thế nào thì viết, vẽ huơu voi gì cũng là tùy chúng mình, không ai quản thúc. Thầy cô ở Báo trao cơ hội cho chúng mình sống trách nhiệm với bản thân, cha mẹ và xã hội. “Mất” khoảng thời gian chí chóe với bạn, thay vì bên nhau nô đùa, kèm cặp nhau cùng tiến thì laptop, điện thoại mới là những người bạn cận kề đồng hành suốt một học kỳ. Sẽ không còn những giờ lên lớp ngáp ngắn ngáp dài nghe giảng bài, cũng sẽ chẳng còn những tiết làm bài tập căng thẳng. Và mãi mãi không còn hình ảnh cả lớp nhao nhao khi trống ra chơi vang lên để đua nhau chạy xuống căn tin ăn sáng. Đến những khoảnh khắc cuối cùng, chúng tôi bên nhau, cùng nhìn ngắm và khắc ghi sâu trong tim hình ảnh cái bàn, cái ghế, cái bảng thân quen, những vị trí ngồi thân thuộc, những khuôn mặt đã cùng gắn bó bên nhau suốt ba năm tươi đẹp nhất thanh xuân. Quãng thanh xuân tươi đẹp năm 17 tuổi ấy sẽ chẳng bao giờ quay lại được, cũng giống như bầu trời trong xanh năm ấy- nơi có chúng mình và những đứa bạn tại mái trường, làng quê, sẽ vĩnh viễn không thể trở lại. Mỗi người sẽ có một bầu trời riêng, một tương lai riêng, một cuộc sống mới để theo đuổi, mỗi đứa sẽ ở một nơi. Bạn bè ấy mà, có khi hôm nay nói một câu “chào tạm biệt”, ôm một cái ôm, kí lên một dòng chữ xong, rồi cũng không thể ngờ rằng, những năm tháng sau này không còn cơ hội được nói câu “tạm biệt” ấy nữa. Tình bạn không hết hạn sử dụng, nhưng có lẽ thời gian và khoảng cách sẽ khiến tình bạn chầm chậm trở thành chiếc hộp cũ kỹ mà chúng mình phải tạm cất vào một góc nhỏ nào đó. Không biết những ngôi trường khác thế nào, nhưng tại Báo, chúng mình phải tạm chia xa những khoảnh khắc vui đùa vô lo vô nghĩ cùng mấy đám bạn, vì sao? Vì chúng mình bận “hò hẹn” và mải nghĩ cùng tiểu luận ấy mà. Những trang tiểu luận, vừa là thách thức vừa là cơ hội để chúng mình thể hiện tài năng, rèn luyện kĩ năng với những con chữ trên trang giấy. Học với trường được một học kì, nhưng chúng mình vẫn chưa được nhìn thấy trường ra sao, cái bàn cái ghế như thế nào. Mấy đứa bạn trong lớp mới, chúng mình cũng chưa có cơ hội làm quen hết, chỉ vội chào, ngắm nhau qua chiếc màn hình nhỏ xinh. Nếu được ngồi trong lớp học, ánh mặt trời chiếu vào mặt, những khuôn mặt quen thuộc của bạn bè, mùi giấy mới hay tiếng lạo xạo của nét bút có lẽ sẽ khơi dậy trong chúng mình nhiều cảm xúc hơn. Tất cả những gì chúng ta nghe, nhìn, ngửi, chạm đều được mã hóa vào tâm trí và xử lý qua hệ thống nhận thức thần kinh rằng chúng ta đang ở trong thế giới của học tập, từ đó thúc đẩy động cơ và các hành vi học tập. Học trực tuyến làm mất đi những cảm giác này. Học trực tuyến không phải chúng mình chưa trải qua, nhưng với những con người xa lạ thì đúng là lần đầu, chúng mình không tránh khỏi những bỡ ngỡ, hiểu lầm. Chưa gặp được nhau, chúng mình sợ những cãi vã. Nhưng cũng không thể trách Báo, vì thực sự qua những thông tin đăng tải trên mạng xã hội (fanpage của trường, của các khoa, câu lạc bộ,..), qua những lời chia sẻ của thầy cô giảng dạy, chúng mình biết Báo và thầy cô ở Báo cũng nhớ da diết cái khung cảnh tụi học sinh chúng mình ăn vội cái bánh mì chị Mến để vào học lúc 7 giờ sáng hay đi rửa mặt cho tỉnh ngủ lúc 1 giờ chiều. Chúng mình có thể buồn vì khó kết nối với bạn bè thì không khí tại Báo cũng ảm đạm vì thiếu bóng dáng chúng mình đó. Trường Báo cho tôi những gì... Nhưng không phải tự nhiên mà nói Học viện Báo chí và Tuyên truyền là ngôi trường mơ ước của biết bao nhiêu thế hệ học sinh, minh chứng rõ nét nhất đó là điểm đầu vào của trường luôn nằm ở top đầu trong những trường đào tạo về mảng báo chí và truyền thông. Ở trường Báo, thứ phải kể đến đầu tiên đó là những sự kiện hoành tráng khiến nhiều người trầm trồ và ghen tị, đó cũng là những sự kiện lâu năm, nổi tiếng mà sinh viên trường Báo cùng các giảng viên đã đứng ra tổ chức, thực hiện, cái tên mà chắc hẳn nhiều người đã nghe qua để ví von về hàng loạt sự kiện quanh năm, được tổ chức không ngừng nghỉ tại Học viện đó là “Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quận Cầu Giấy”. Ở trường Báo, chúng tôi thường bông đùa với nhau rằng giảng viên có khi còn “bắt trend” trước cả sinh viên, bởi lẽ đội ngũ giảng viên của trường từ lâu đã luôn được biết tới với sự trẻ trung, có chuyên môn giỏivà tâm lý với với sinh viên.Đối với một tân sinh viên Khóa 41 chập chững bước những bước chân đầu tiên vào cánh cổng trường đại học trong tình hình chỉ được học online mà không được được tới trường gặp thầy cô và các bạn, điều này có lẽ không chỉ khiến tôi, mà nhiều bạn sinh viên khác cũng cảm thấy lạc lõng không biết nên bắt đầu từ đâu. Nhưng với sự giúp đỡ tận tình của đội ngũ giảng viên nhà trường, những tân sinh viên như tôi đã rất nhanh chóng bắt kịp với nhịp sinh hoạt ở một bậc học lạ lẫm với hàng tá kiến thức khó nhằn và tốc độ nhanh tới chóng mặt. Đã là sinh viên trường Báo thì chắc hẳn ai cũng tự hào về khuôn viên trường rộng rãi, thoáng mát và rất nhiều cây xanh, một khuôn viên hoàn hảo cho môi trường sư phạm lành mạnh. Chẳng lấy làm lạ khi Học viện Báo chí còn có cái tên nổi tiếng khác đó là “Học viện Cây cảnh” - một cái tên đáng yêu mà sinh viên nhiều khóa đã “ưu ái” gọi trường để ngầm miêu tả sự bao phủ của những bóng cây tại sân trường. Cứ nhắc đến sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hình ảnh đầu tiên hiện lên trong tâm trí nhiều người đó là những sinh viên năng động, nhiệt huyết và có khả năng nắm bắt thông tin nhanh hơn cả tốc độ của những chiếc tàu du hành vũ trụ. Có lẽ điều này là của sinh viên trường Báo qua nhiều thế hệ, khi không chỉ các thầy cô giảng viên mà các anh chị tiền bối của những sinh viên đi trước cũng luôn sẵn sàng giúp đỡ những những hậu bối khóa sau trong việc chia sẻ kinh nghiệm học tập, kĩ năng sống và cả những lời khuyên cho cuộc sống thường nhật qua những buổi talkshows, workshops hay các nhóm trao đổi của trường và các khoa chuyên ngành. Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mỗi cá nhân đều được tôn trọng tài năng và tự tin thể hiện cá tính, với sự ủng hộ nhiệt tình này từ nhà trường, thầy cô và sinh viên mà đã và đang có rất nhiều những lớp sinh viên tài năng, dám thể hiện cá tính và theo đuổi đam mê đã được sản sinh ra từ Học viện. Từ MC, diễn viên, người mẫu hay ca sĩ, Học viện đều có đủ, vì từ lâu, những sinh viên tiềm năng ấy đã được rèn luyện, trau dồi kinh nghiệm trong các câu lạc bộ, đội nhóm trong trường. Học tập tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một bàn đạp, một bệ phóng hoàn hảo cho những bạn trẻ có niềm đam mê với lĩnh vực báo chí và truyền thông bởi bề dày và kinh nghiệm giảng dạy của nhà trường. Tại Học viện Báo chí tuyên truyền , mỗi sinh viên đều tự hào và biết ơn với những trải nghiệm tuyệt vời và những cơ hội rộng mở như cơ hội kiến tập nước ngoài, những cơ hội thực tập từ năm hai, năm ba, những bài học gắn liền với thực tế và những buổi chia sẻ kinh nghiệm quý báu mà chỉ có sinh viên đang theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới có được. Kết lại Học viện Báo chí và Tuyên truyền trong tôi chính là như vậy đấy. Có lẽ chúng tôi chỉ vừa mới làm quen với nhau được một thời gian thôi nhưng cũng đủ để tạo nên tôi của ngày hôm nay. Tôi không thể biết được tương lai tôi sẽ làm được những gì, càng không biết được ngày mai tôi sẽ ra sao. Nhưng thứ tôi chắc chắn là ở thời điểm hiện tại tôi sẽ cố gắng hết sức, đầu tiên là vì bản thân, sau là để không tiếc nuối. Giảng đường AJC không đơn giản chỉ là nơi để tiếp thu kiến thức, với tôi nơi đây sẽ là nơi có thể giúp tôi tự tin hơn và trưởng thành hơn. Là một tân sinh viên còn nhiều bỡ ngỡ, chính ngôi nhà AJC đã mở rộng cánh cửa để chào đón tôi. Ở đây tôi đã được làm quen và gặp gỡ được những người bạn mới, được tham gia những buổi học online cùng các bạn, những lần họp team câu lạc bộ hay chỉ đơn giản là những đêm thức khuya chạy deadline Học viện X đã mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm đầu đời đầy cung bậc cảm xúc. Nếu bây giờ, có ai đó hỏi tôi rằng tôi có hối hận vì đã chọn anh X không thì tôi có thể tự tin dõng dạc đáp “Không” ngay tức khắc, vì với tôi, “Báo chí và Tuyên truyền is all my life”. Tác giả: Đặng Mai Trang - Lê Vĩnh Xuân - Vũ Thuỳ Linh Ly