Bối cảnh dự án Dự án MOTIVE phù hợp với mục tiêu của Liên minh châu Âu là nâng cao chất lượng và hiệu quả của giáo dục và đào tạo và thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Dự án cũng phù hợp với chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam trong việc khảo sát việc làm của sinh viên tốt nghiệp và tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục với xã hội. Khảo sát việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Quy chế Tuyển sinh đại học hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định “Cơ sở đào tạo không báo cáo, báo cáo không đạt yêu cầu, không công khai thông tin theo quy định thì không được xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh, không được thông báo tuyển sinh”. Tháng 12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 3943/BGDĐT-GDĐH về việc khảo sát, công khai và báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp đối với các cơ sở giáo dục đại học. Việc nghiên cứu, hệ thống hóa và phân tích dữ liệu về sinh viên tốt nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoạch định chính sách giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo. Dữ liệu việc làm của sinh viên tốt nghiệp bao gồm: tỷ lệ sinh viên có việc làm một năm sau khi tốt nghiệp; tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo; loại hình tổ chức tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp… Trong bối cảnh đó, dự án “Khảo sát xu hướng việc làm của sinh viên Việt Nam sau tốt nghiệp” là nỗ lực nhằm thu thập, hệ thống hóa và phân tích dữ liệu sinh viên tốt nghiệp nhằm phục vụ cho việc đổi mới chính sách đào tạo đồng thời giúp cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung vào những ngành nghề xã hội có nhu cầu và có những giải pháp để nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên. Biểu tượng của Dự án Khảo sát xu hướng việc làm của sinh viên Việt Nam sau tốt nghiệp Mục đích của dự án Nghiên cứu thực trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp tại Việt Nam; theo dõi, khảo sát xu hướng và quá trình thích ứng của sinh viên trong thị trường lao động thông qua nền tảng trực tuyến và đưa ra khuyến nghị để đổi mới chính sách đào tạo đại học tại Việt Nam. Các hoạt động chính của dự án Chuyển giao và tăng cường năng lực sử dụng công cụ công nghệ thông tin: Việc khảo sát xu hướng sinh viên tốt nghiệp được thực hiện trên nền tảng trực tuyến https://voyage.hanu.vn. Thu thập và phân tích dữ liệu sinh viên tốt nghiệp: Thông qua nền tảng trực tuyến và liên hệ tương tác với sinh viên, sử dụng một bảng hỏi phù hợp, nhóm dự án sẽ tiến hành thu thập, xử lý các dữ liệu thu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Sử dụng dữ liệu thu được tham vấn chính sách và chất lượng giáo dục đại học: Trên cơ sở các nghiên cứu, hội thảo và hội nghị với sự tham gia của các đối tác EU và Việt Nam, dự án sẽ đề xuất các kiến nghị nhằm đổi mới quản trị đại học và cải cách các chính sách trong giáo dục đại học. Các thành viên của dự án tham gia buổi tập huấn triển khai các hoạt động Ý nghĩa thực tiễn của dự án Dự án là sự cụ thể hóa quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đối với các cơ sở giáo dục đại học trong việc công khai tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và có việc làm đúng ngành đào tạo là cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng của cơ sở giáo dục đại học đồng thời là một trong những căn cứ để Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép hoặc ngừng cấp phép chương trình đào tạo. Đối với cơ sở giáo dục đại học, dữ liệu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp khi được tập hợp, xử lý và phân tích có thể đem lại những thông tin quan trọng giúp cơ sở điều chỉnh cách tiếp cận tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo và tái cơ cấu các chương trình đào tạo theo hướng tập trung vào những ngành sinh viên có nhiều cơ hội việc làm và giảm bớt chỉ tiêu các ngành sinh viên có ít cơ hội việc làm. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu về việc làm của sinh viên tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục đại học là căn cứ để hoạch định chính sách nguồn nhân lực, phê duyệt hoặc ngừng cấp phép các chương trình đào tạo không bảo đảm việc làm của sinh viên và không đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đây cũng là cơ sở để xây dựng chiến lược đào tạo quốc gia và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dự án sẽ có những tác động dự kiến sau. Thứ nhất, dự án góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu và hội nhập quốc tế của cán bộ, giảng viên. Thứ hai, dự án nâng cao nhận thức và năng lực bảo đảm chất lượng của các bộ phận liên quan như Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Ban Quản lý đào tạo, Phòng Công tác chính trị và Hỗ trợ sinh viên. Thứ ba, dự án giúp Học viện mở rộng mạng lưới hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế. Đối với sinh viên, dự án sẽ giúp sinh viên có cơ hội kết nối với các nhà tuyển dụng trên hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến để tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực, nhu cầu và đặc điểm của bản thân. Sự tham gia của các nhà tuyển dụng trong các lĩnh vực khác nhau trong cơ sở dữ liệu sẽ giúp tăng cường kết nối giữa sinh viên tốt nghiệp và nhà tuyển dụng.