Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc dự kiến tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Quản lý thông tin trên mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin" trong tháng 11 năm 2020. Hội thảo là một trong những hạng mục hợp tác hiệu quả của hai cơ quan trong những năm vừa qua. Ban Tổ chức sẽ xem xét khả năng xuất bản quốc tế với các tham luận chất lượng cao được dựa trên nghiên cứu sơ cấp. Tổng quan Với mục tiêu nâng cao năng lực truyền thông chính sách tại Việt Nam, từ năm 2016 đến năm 2019, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã phối hợp tổ chức thành công 04 hội thảo khoa học quốc tế: “Truyền thông chính sách - Kinh nghiệm Việt Nam và Hàn Quốc” năm 2016; “Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội” năm 2017, “Truyền thông chính sách và năng lực tiếp nhận của công chúng” năm 2018 và “Công nghệ truyền thông chính sách trong kỷ nguyên 4.0” năm 2019. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội với những ưu điểm và lợi ích không thể phủ nhận. Truyền thông xã hội là một trong những kênh trao đổi thông tin, kết nối quan hệ và chia sẻ cảm xúc quan trọng. Tuy nhiên, truyền thông xã hội cũng trở thành môi trường phát tán tin giả, thông tin xuyên tạc, xấu độc… Truyền thông ảo đã mang đến những hậu quả thật, nhất là khi người dùng mạng xã hội hiện nay đa số là giới trẻ. Chính vì vậy, quản lý thông tin trên mạng xã hội trở thành một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài nhằm tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh, tích cực, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội. Hội thảo khoa học quốc tế Quản lý thông tin trên mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin là diễn đàn cho các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục trao đổi về kinh nghiệm, phương thức, giải pháp quản lý thông tin nhằm phát huy mặt tích cực đồng thời hạn chế mặt tiêu cực của truyền thông xã hội hiện nay. Gợi ý chủ đề tham luận Những vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý thông tin trong bối cảnh truyền thông số Thực trạng quản lý thông tin trên mạng xã hội tại Việt Nam và Hàn Quốc hiện nay: Chủ thể, đối tượng, phương thức, công nghệ và nội dung quản lý thông tin Kinh nghiệm, phương thức, giải pháp và hợp tác quốc tế trong quản lý thông tin trên mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin Nhận diện, đấu tranh, xử lý tin giả, tin xấu độc trên môi trường truyền thông xã hội Hướng dẫn chung Ban Tổ chức khuyến khích các bài tham luận dựa trên các nghiên cứu sơ cấp, nghiên cứu trường hợp; có kết quả nghiên cứu mới, được công bố lần đầu Các tham luận chất lượng sẽ được chọn in trong Kỷ yếu và mời phát biểu tại Hội thảo. Ban Tổ chức nghiên cứu khả năng phối hợp với đối tác Hàn Quốc công bố quốc tế những bài tham luận chất lượng cao, dựa trên kết quả nghiên cứu mới, đáng tin cậy. Bài nghiên cứu có khả năng công bố quốc tế thường gồm có các phần theo trật tự sau đây: Tiêu đề, Tên tác giả và thông tin liên hệ; Tóm tắt; Từ khóa; Đặt vấn đề (Tổng quan); Phương pháp nghiên cứu; Kết quả nghiên cứu; Thảo luận kết quả nghiên cứu; Kết luận và Tài liệu tham khảo. Hướng dẫn cụ thể Độ dài: Bài viết có độ dài từ 3.000 - 5.000 từ sử dụng phông chữ Times New Roman. Thông tin tác giả: Bài viết cần ghi rõ Họ tên, học hàm, học vị, chức vụ, cơ quan công tác, điện thoại và email của tác giả. Tóm tắt (Abstract): bằng tiếng Việt và tiếng Anh, không quá 200 từ. Trích dẫn: Bài viết cần thể hiện rõ những nội dung trích dẫn trực tiếp và gián tiếp. Nguồn của trích dẫn cần được đánh số thứ tự theo sự xuất hiện trong bài. Tài liệu tham khảo: Chỉ ghi những tài liệu tham khảo được trích dẫn trong bài. Tài liệu tham khảo đặt cuối bài viết và ghi theo cú pháp “Tên tác giả (Năm xuất bản), Tên tài liệu, Nhà xuất bản, Số của trang được trích dẫn”. Vd: Học viện Báo chí và Tuyên truyền (2017), Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 8 Tài liệu tiếng nước ngoài: Tác giả ghi tài liệu tiếng nước ngoài theo cấu trúc như sau Tên dịch ra tiếng Việt (Tên gốc). Ví dụ, Năng lực truyền thông và thách thức đối với thông tin mới và công nghệ truyền thông (Media Literacy and the Challenge of New Information and Communication Technologies) Hình ảnh minh họa: Các hình ảnh minh họa cần có chú thích và nguồn gốc rõ ràng, chính xác. Đối với các bài viết có hình ảnh minh họa, tác giả cần gửi các file hình ảnh kèm theo file bài viết. Địa chỉ nhận bài: Tham luận gửi về địa chỉ truyenthongchinhsach@gmail.com. Thời hạn nhận bài: Đến hết ngày 1/9/2020. Đại biểu, diễn giả và Ban Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế năm 2019 chụp ảnh lưu niệm