Nắm được kiến thức cơ bản của lí luận văn học là một cách giúp người học tập nghiên cứu văn học tự trang bị cho mình một bảo bối, cẩm nang để chủ động, tự tin trong mọi tình huống, có thể giải mã, cắt nghĩa hàng trăm ngàn hiện tượng tác giả tác phẩm văn học từ cổ chí kim, từ đông sang tây... Trong cuốn “Lí luận văn học và đổi mới đọc hiểu tác phẩm” (NXBGDVN, 2012), tác giả Nguyễn Văn Tùng đã nêu hai vấn đề lớn, một là bàn về nội hàm ý nghĩa những thuật ngữ văn học và hai là ứng dụng lí luận văn học vào việc khám phá giá trị nghệ thuật của các tác phẩm văn học đang được giảng dạy trong nhà trường. Thông qua những bài viết cụ thể, tác giả Nguyễn Văn Tùng đã trình bày một cách dễ hiểu các thuật ngữ, khái niệm văn học, qua đó làm nổi bật, tô đậm vai trò của kiến thức lí luận văn học trong việc học tập, nghiên cứu văn học. Tác giả cuốn sách luôn tập trung thể hiện tư tưởng vận dụng tri thức lý luận văn học vào việc đổi mới phương pháp đọc hiểu tác phẩm. Muốn làm được điều đó, trước hết cần khiến cho người học môn Ngữ văn cảm thấy lí luận văn học là một hệ thống kiến thức không hề xa vời, khó hiểu, mà thật sự gần gũi, dễ hiểu. Những bài viết ở đây đã làm rõ nội hàm một số thuật ngữ, khái niệm, vấn đề lý luận văn học, đặc biệt là những khái niệm lí luận văn học được sử dụng trong chương trình sách giáo khoa. Đồng thời, nội dung cơ bản của cuốn sách còn là sự vận dụng lí luận văn học vào việc cắt nghĩa, lí giải các tác phẩm văn học đang được giảng dạy trong nhà trường. Với một tư tưởng rõ ràng, nội dung tập trung, nhất quán, những đơn vị kiến thức lí luận dễ hiểu và sự vận dụng có hiệu quả thể hiện tính lô-gic, khoa học, ấn phẩm này sẽ trở thành một người bạn gần gũi, thân thiết của mỗi người trên con đường tìm hiểu, thưởng thức văn học cũng như nâng cao hiệu quả học tập môn Ngữ văn. Anh Linh