Hội thảo diễn ra tại phòng họp số 204, tầng 2 nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền TS. Trần Văn Thư, Trưởng Ban Quản lý đào tạo và TS. Nguyễn Thị Như Huế, Phó Trưởng ban Quản lý đào tạo chủ trì Hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. TS. Trần Văn Thư, Trưởng Ban Quản lý đào tạo chủ trì Hội thảo Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Văn Thư, Trưởng Ban Quản lý đào tạo nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, thúc đẩy chuyến đổi số trong quản lý dạy và học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền trở thành vấn đề cấp thiết. Đến nay, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến của Nhà trường đã đạt kết quả nhất định, nhưng còn thiếu tính hệ thống, chưa đồng bộ và hiệu quả chưa được như mong đợi. Trao đổi tại Hội thảo, TS. Nguyễn Triều Dương, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, đào tạo trực tuyến sẽ trở thành một kênh dạy - học chính thức tồn tại song hành cùng với dạy - học trực tiếp. Đào tạo trực tuyến sẽ có bước phát triển mới đa dạng và phong phú hơn; nhiều môn học và nội dung dạy học sẽ được số hóa và đưa vào giảng dạy trực tuyến thường xuyên của các cơ sở đào tạo. TS. Nguyễn Triều Dương, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Luật Hà Nội trao đổi tại Hội thảo TS. Lê Thị Thùy Dung, Phó Trưởng khoa Lý luận chính trị, Đại học Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần có một nhận thức rõ ràng về thực trạng và tầm quan trọng của đào tạo trực tuyến. TS. Lê Thị Thùy Dung đã chia sẻ về những học phần, hình thức áp dụng đào tạo trực tuyến, ưu điểm và hạn chế của mỗi hình thức tại Đại học Tài nguyên và Môi trường, trong đó đã nêu lên những thách thức đặt ra về năng lực của sinh viên và giảng viên, về đầu tư về cơ sở vật chất. TS. Nguyễn Thị Khuyên, Phó Trưởng khoa Kinh tế chính trị Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần nâng cao hiệu quả đào tạo kết hợp; đa dạng hóa hình thức đào tạo trực tuyến nhằm phát huy có hiệu quả ưu thế và khắc phục những hạn chế ở cả đào tạo trực tiếp và đào tạo trực tuyến. TS. Nguyễn Thị Khuyên, Phó Trưởng khoa Kinh tế chính trị trao đổi tại Hội thảo Theo PGS, TS. Phạm Hương Trà, Phó Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển, cùng với sự phát triển của công nghệ, việc tạo dựng môi trường học tập trực tuyến với nội dung giảng dạy trực tuyến được phát triển theo hướng ngày càng tiếp cận gần hơn với người học. Hình thức đào tạo này đang trở thành xu thế đào tạo mới với nhiều điểm vượt trội làm thay đổi quá trình học tập, tạo ra các cơ hội cho nhiều đối tượng học tập. PGS, TS. Phạm Hương Trà, Phó Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển trao đổi tại Hội thảo TS. Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Quảng cáo cho rằng, việc kết hợp giữa hình thức giảng dạy lý thuyết trực tiếp và trực tuyến là rất cần thiết giúp người dạy và học linh học trong các phương pháp giảng dạy và học tập, linh hoạt môi trường giao tiếp và linh hoạt hình thức tương tác và bài tập thảo luận cho sinh viên. Tuy nhiên, để việc giảng dạy kết hợp được hiệu quả, giảng viên cần tổ chức bài giảng khoa học, kết hợp nhiều hình thức hiện đại, hướng tới sự chủ động đọc bài, làm bài trước của sinh viên. TS. Lưu Thúy Hồng, Phó Trưởng khoa Quan hệ quốc tế đã chia sẻ về những ưu điểm, khó khăn cũng như yêu cầu về phương pháp giảng dạy, về kỹ năng xử lý tình huống, về công nghệ và các phương tiện trong giảng dạy trực tuyến. Từ đó, đề xuất một số gợi mở để việc đào tạo kết hợp trực tiếp và trực tuyến phát huy hiệu quả trong thời gian tới. TS. Lưu Thúy Hồng, Phó Trưởng khoa Quan hệ quốc tế TS. Nguyễn Thị Như Huế, Phó Trưởng ban Quản lý đào tạo bày tỏ đồng quan điểm với ý kiến tham góp của các đại biểu và cho rằng, đây là những gợi mở cần thiết cho công tác đào tạo kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm hoàn thiện hình thức này trong quá trình dạy - học - quản lý đào tạo thời gian tới. TS. Nguyễn Thị Như Huế, Phó Trưởng ban Quản lý đào tạo phát biểu tại Hội thảo Nhiều ý kiến các đại biểu cho rằng, cần xác định mục tiêu chung của chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng là hướng đến triển khai các hoạt động giáo dục đại học trên môi trường số, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên thông qua nâng cao năng lực số về phương pháp dạy học; phương pháp quản lý; quy trình tổ chức giảng dạy trực tuyến; kỹ năng khai thác và sử dụng các nền tảng; làm việc, giảng dạy, nghiên cứu và học tập trên môi trường internet. Đồng thời, khuyến nghị nhà trường đầu tư giải pháp “Hạ tầng kỹ thuật và phương thức đào tạo trực tuyến”… cùng với sự hỗ trợ, điều tiết vĩ mô của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thông qua các chủ trương, chính sách để biến những thách thức thành cơ hội, thực hiện thành công mục tiêu xây dựng môi trường học tập hiện đại, bắt kịp với xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Các đại biểu, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo Tin, ảnh: Ban Quản lý đào tạo