Sign In
  • Điểm chuẩn ngành Báo chí cao chót vót, thí sinh ngậm ngùi tiếc nuối                  Học viện Báo chí và Tuyên truyền khai giảng năm học 2022-2023                  Thông báo thu học Học kỳ I năm học 2020 - 2021 các lớp đại học chính quy K38                  Thông báo thu học Học kỳ I năm học 2020 - 2021 các lớp đại học chính quy K39                  Thông báo kết luận cuộc họp Ban Giám đốc ngày 16/8/2019 về việc bồi dưỡng chuẩn hóa giảng viên tiếng Anh                  Thông báo về việc bổ sung người phụ thuộc, cấp mới mã số thuế cho người nộp thuế                  Thông báo Kết luận cuộc họp Ban Tổ chức phong trào "Thi đua dạy tốt, phục vụ tốt" năm học 2018 - 2019                  Thông báo kết luận của Giám đốc tại các buổi làm việc với các khoa, ban, phòng, đơn vị trực thuộc Học viện                  Thông báo về việc ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do mưa lũ và sạt lở đất                  Thông báo về thời gian làm việc và trực cấp cứu của Phòng Y tế thuộc Văn phòng Học viện                  Thông báo kết luận của Giám đốc tại buổi làm việc với các khoa, đơn vị                  Thông báo về việc thay đổi kế hoạch tổ chức Giao ban cán bộ quản lý tháng 6 năm 2018                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 5 năm 2018                  Thông báo kết quả Hội thi Giảng viên giỏi lần III năm 2018                  Thông báo về việc đăng lý đi học Cao cấp lý luận chính trị năm 2018                  Quyết định về việc thành lập Hội đồng giám khảo và Tổ thư ký hội thi giảng viên giỏi lần III năm 2018                  Kế hoạch triển khai phong trào thi đua "Dân chủ - Sáng tạo - Đồng bộ - Chất lượng"                  Kế hoạch thi giảng viên giỏi lần III năm 2018 cấp cơ sở                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 4 năm 2018                  Thông báo về việc đảm bảo an ninh trật tự và PCCN trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5                  Thông báo về việc thay đổi mật khẩu đăng nhập hệ thống wifi Học viện                  Thông báo về việc đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng trung hạn tại Cộng hòa Pháp                  Thông báo về việc đăng ký học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy Lý luận chính trị                  Thông báo về việc đăng ký xét tuyển đào tạo tại Trung Quốc                  Phân công cán bộ trực tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018                  Kế hoạch, quy chế và mẫu Hội thi giảng viên giỏi lần 3 năm 2018                  Thông báo về việc đổi lịch họp giao ban cán bộ quản lý tháng 11 năm 2017                  Thông báo về việc đổi lịch họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 11 năm 2017                  Hướng dẫn đánh giá phân loại đối với cán bộ, công chức và Thông báo thời gian bình xét thi đua                  Thông báo về việc điều chỉnh lịch họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 10 năm 2017                  Thông báo kết luận của Giám đốc tại buổi làm việc với một số đơn vị về việc thống nhất quản lý công nghệ thông tin trong Học viện                  Thông báo về việc ban hành Quy chế Văn thư, lưu trữ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền                  Thông báo về việc điều chỉnh lịch họp Giao ban Quý III/2017                  Thông báo về kế hoạch tổ chức Hội nghị giao ban Quý III/2017 trực tuyến                  Quyết định về việc thành lập Tổ kiểm tra việc thực hiện phong trào thi đua "Nề nếp làm việc, văn minh, văn hóa công sở" năm học 2017 - 2018                  Thông báo Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Thi đua, Khen thưởng năm 2017 và Hội thảo chuyên đề "Nâng cao chất lượng tổ chức Hội thi Giảng viên giảng dạy giỏi"                  Thông báo Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Thi đua, khen thưởng năm 2017 (trực tuyến)                  Thông báo về việc phân công nhiệm vụ các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện                  Thông báo về việc điều chỉnh lịch họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 6 năm 2017                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 2 năm 2017                  Phân công cán bộ trực tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 01 năm 2017                  Thông báo kết quả họp Hội đồng Thi đua, Khen thưởng                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 12 năm 2016                  Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện thực hành tiết liệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng                  Thông báo về việc tham dự Hội nghị trực tuyến về Quán triệt Hội nghị Trung Ương 4 - khóa XII                  Thông báo về việc lấy ý kiến vào dự thảo Quy chế công tác thi đua, khen thưởng và Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 11 năm 2016                  Thông báo về việc xây dựng kế hoạch công tác năm 2017                  Thông báo kế hoạch thanh tra năm học 2016 - 2017                  Thông báo nội dung họp Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Nề nếp làm việc, văn minh, văn hóa công sở"                  Thông báo về việc nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức, người lao động theo thành tích xuất sắc năm 2016                  Thông báo về việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 14 năm 2017                  Kế hoạch về việc triển khai thực hiện tinh giảm biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ                  Thông báo về việc đăng ký kế hoạch công tác hàng tháng                  Thông báo về việc đổi ngày họp Gian ban cán bộ quản lý tháng 9 năm 2016                  Kế hoạch phát động và kiểm tra việc thực hiện phong trào thi đua "Nề nếp làm việc, văn minh, văn hóa công sở" năm học 2016 - 2017                  Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua và đăng ký thi đua năm học 2016 - 2017                  Quyết định về việc công nhận các đơn vị và cá nhân đạt danh hiệu thi đua năm học 2015-2016                  Bản tổng hợp kết quả bình xét của Hội đồng thi đua, khen thưởng năm học 2015 - 2016                  Kế hoạch làm việc với Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh                  Kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và nghiên cứu thực tế                  Thông báo về việc báo cáo kết quả công tác năm học 2015 - 2016 phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong năm học 2016 - 2017                  Thông báo kết luận của Giám đốc tại buổi làm việc với khoa Tâm lý Giáo dục và Nghiệp vụ sư phạm và đại diện lãnh đạo, cán bộ một số khoa đào tạo giảng viên lý luận chính trị trong Học viện                  Kế hoạch về việc Tổ chức Hội thi giảng viên giảng dạy giỏi lần thứ II năm học 2016 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền                  Thông báo về việc xét tặng Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh năm 2016                  Kế hoạch xây dựng Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý Học viện Báo chí và Tuyên truyền giai đoạn 2016 - 2020                  Phân công cán bộ trực tết nguyên đán Bính Thân 2016                  Quyết định về việc công nhận kết quả đánh giá xếp loại để chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2015                  Thông báo (bổ sung) về việc thực hiện nghi thức chào cờ và hát Quốc ca vào sáng thứ Hai hàng tuần                 
  • Bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trước những tác động của bối cảnh mới

    15:55 11/05/2023

    Chọn cỡ chữ A a  

    Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trước những tác động của bối cảnh mới không chỉ nhằm khẳng định đặc trưng, thuộc tính thể hiện sự ưu việt của nó so với các học thuyết lý luận khác trong lịch sử, mà còn là mệnh lệnh, yêu cầu sống còn đối với những người cộng sản chân chính.

    Chủ nghĩa Mác - Lênin là thành tựu nổi bật và vĩ đại của trí tuệ loài người về lý luận phát triển xã hội trong lịch sử thế giới cận đại và hiện đại. Sức sống và ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được chứng minh bằng các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống áp bức bóc lột, vì một xã hội công bằng, tiến bộ, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Đối với cách mạng Việt Nam, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định chủ nghĩa Mác - Lênin là cốt, là gốc, là nền tảng tư tưởng. “Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(1).

    Bước sang thế kỷ XXI, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cách mạng khoa học - công nghệ (KHCN); sự bùng nổ và kết nối của thông tin; kinh tế tri thức, kinh tế số phát triển mạnh mẽ;… đã và đang là những yếu tố tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, đòi hỏi các quốc gia phải quan tâm đổi mới, hội nhập, tìm kiếm cho mình học thuyết và mô hình phát triển phù hợp. Vì vậy, sự đấu tranh về ý thức hệ không những không mất đi mà còn gay gắt và phức tạp hơn bao giờ hết. Đặc biệt, cuộc cách mạng KHCN hiện đại đã làm biến đổi sâu sắc và toàn diện nền kinh tế thế giới, nhất là ở các nước tư bản phát triển. Sự phát triển về kinh tế dựa trên nền tảng tri thức đã tác động đến các giai tầng xã hội, đặc biệt là giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân hiện nay đã có những biến đổi cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Theo đó, tỷ lệ công nhân trong các ngành dịch vụ và các ngành công nghiệp có ứng dụng KHCN có chiều hướng tăng lên; trình độ người công nhân đang tăng lên đáng kể và có sự xuất hiện “công nhân toàn cầu”,... Trước những biến đổi ấy, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ cho rằng: giai cấp công nhân hiện nay đang dần “teo đi” và “bị hòa tan” vào các giai cấp khác; vai trò, sứ mệnh lịch sử hiện nay không còn là của giai cấp công nhân mà thay vào đó là tầng lớp trí thức... Đây là những luận điệu biện hộ cho địa vị thống trị, bóc lột và sự tồn tại “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản (CNTB).

    Để xem xét vai trò lịch sử của một giai cấp, phải dựa trên cơ sở địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp đó, chứ không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân hoặc lực lượng xã hội nào. Trong lịch sử, chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN) đã từng chiến thắng chế độ phong kiến, vì chính họ đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, cho phương thức sản xuất mới dựa trên nền đại công nghiệp, tiến bộ hơn hẳn phương thức sản xuất lạc hậu của chế độ phong kiến. Trong các cuộc cách mạng ấy, giai cấp tư sản luôn là những người lãnh đạo. Vì thế, như một quá trình lịch sử tự nhiên, sự sụp đổ của chế độ TBCN và sự thắng lợi của xã hội cộng sản chủ nghĩa đều tất yếu như nhau. Trong xã hội tư bản, giai cấp công nhân là con đẻ của nền đại công nghiệp, là lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến - phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Và vì thế, lịch sử lựa chọn và quy định họ là giai cấp duy nhất có sứ mệnh xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH), chủ nghĩa cộng sản.

    Sau gần 500 năm phát triển, CNTB đã tạo ra lực lượng sản xuất không lồ. Song thực chất, đó là thành tựu chung của nhân loại chứ không phải sản phẩm riêng có của giai cấp tư sản, của CNTB. Sự phát triển đó đã tạo cơ sở vật chất giúp cho CNTB có thể tận dụng những thành tựu KHCN mới để kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, trong lòng thế giới tư bản hiện đại, mâu thuẫn vốn có giữa lực lượng sản xuất hiện đại với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất không những không mất đi mà có mặt còn sâu sắc hơn và lan rộng hơn. Dù có biến đổi, thích nghi thế nào, CNTB hiện đại vẫn không thể che đậy được bản chất bóc lột và phản động, trong đó có sự mở rộng đến các nước đang phát triển bằng các hình thức nô dịch kinh tế và chủ nghĩa cường quyền mới về chính trị, kinh tế và quân sự. Mâu thuẫn xã hội cơ bản giữa tư bản và lao động; giữa những người nghèo và những người giàu không chỉ trong phạm vi một quốc gia mà đã phát triển ở tầm quốc tế - đó là mâu thuẫn giữa các nước nghèo và các nước giàu, giữa các nhóm nước kinh tế phát triển với nhóm nước kinh tế đang phát triển, giữa Nam với Bắc, Đông với Tây.

    Bên cạnh đó, cách mạng KHCN hiện đại cùng với sự điều chỉnh thích nghi của CNTB tác động đến quan hệ sản xuất làm thay đổi về mặt hình thức địa vị của giai cấp công nhân, một bộ phận khá đông công nhân có cổ phần, cổ phiếu trong các nhà máy, xí nghiệp,... Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch rêu rao rằng: “Giai cấp công nhân không còn bản chất cách mạng nữa”; CNTB đã phát triển thành “chủ nghĩa tư bản nhân dân”,... Thực chất đây là những luận điệu xuyên tạc, thiếu căn cứ. Bởi lẽ, đây là sự phản ánh mức sống trong điều kiện mới (do tiến bộ chung của sự phát triển xã hội); đồng thời, là kết quả đấu tranh liên tục, bền bỉ của chính giai cấp công nhân suốt nhiều thế kỷ qua. Bản thân giai cấp công nhân vẫn chỉ là những lao động làm thuê cho nhà tư bản, dù đảm nhiệm cương vị nào.

    Sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội, cũng như sự biến đổi cơ cấu xã hội của giai cấp công nhân đã làm cho diện mạo của giai cấp công nhân hiện đại trong xã hội tư bản không giống như những mô tả của C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin trong thế kỷ XIX, XX. Thế nhưng, dựa vào những biến đổi đó để đi đến kết luận chủ quan rằng: giai cấp công nhân không còn bản chất cách mạng nữa là sai lầm cả về chính trị và khoa học. Công nhân hiện nay dù có cổ phiếu cũng chẳng làm thay đổi được địa vị làm thuê và bị bóc lột trong xã hội tư bản. Việc mua bán cổ phiếu ở các nước tư bản đã tạo nên cái gọi là hiệu ứng của cải, làm cho “tư bản giả” ngày càng tăng lên so với thực tế. Điều này càng nói lên tính chất ăn bám của CNTB độc quyền, chứ chẳng phải CNTB đã là “CNTB nhân dân” như các học giả tư sản đã cố tình tô vẽ. “Chúng ta thừa nhận rằng, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ... Tuy nhiên, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó”(2). Dù trong lòng xã hội tư bản, đời sống của người lao động đã có sự cải thiện đáng kể, song số người nghèo khổ vẫn ngày càng tăng. Sự phát triển của các tập đoàn tư bản, các công ty tư bản xuyên quốc gia cùng sự bòn rút tài nguyên và bóc lột nhân dân nhiều nước thuộc thế giới thứ ba; các cuộc chiến tranh đẫm máu chống các quốc gia có chủ quyền do chủ nghĩa đế quốc phát động... là nguyên nhân chủ yếu khiến cho hàng trăm triệu người bị đe dọa chết đói, hàng tỷ người sống trong cảnh khốn cùng, thất nghiệp,... Những thống kê về tình trạng thất nghiệp, đói nghèo, lạm phát sau đại dịch COVID-19 vừa qua là minh chứng rõ nét nhất cho tình trạng bất bình đẳng trong xã hội hiện nay...

    Cách mạng KHCN hiện đại là quá trình làm cho thế giới ngày càng mang tính chỉnh thể hơn, cho nên càng làm tăng tính phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia - dân tộc. Các quốc gia - dân tộc để hội nhập đều phải đẩy mạnh tăng cường hợp tác, giao lưu, hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế của mình. Điều này khiến nhiều người dường như đã lãng quên vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp; một số học giả cho rằng chúng ta đang sống trong “mái nhà chung”, “thế giới phẳng” nên không còn và cũng không cần phải đấu tranh giai cấp, theo đó, lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã thực sự lỗi thời (!). Chúng ta cần phải tiếp tục khẳng định rằng, vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp luôn tồn tại trong suốt quá trình tiến lên CNXH, thể hiện trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, chừng nào xã hội không còn giai cấp đối kháng về lợi ích kinh tế, lập trường chính trị thì chừng đó vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp mới mất đi.

    Trước sự tác động của cách mạng KHCN, giai cấp tư sản luôn dùng mọi thủ đoạn tinh vi hòng phủ nhận lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về giai cấp và đấu tranh giai cấp. Song, thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn tiếp tục diễn ra theo quy luật phát triển của xã hội loài người, vẫn là cuộc đấu tranh “ai thắng ai” trên bình diện quốc tế cũng như trong điều kiện cụ thể của từng quốc gia - dân tộc. Bài học về sự sụp đổ chế độ XHCN ở các nước Liên Xô và Đông Âu trước đây vẫn luôn mới mẻ đối với người cách mạng. Bất kỳ ở đâu, thời điểm nào, nếu coi nhẹ hoặc không đếm xỉa đến tính phức tạp của cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận tư tưởng, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội,... thì cách mạng sẽ phải trả giá đắt. Học thuyết về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

    Hiện nay, cuộc đấu tranh giai cấp vẫn diễn ra ở tất cả các chế độ xã hội với những biểu hiện và mức độ khác nhau. Ở các nước TBCN, cuộc đấu tranh này vẫn tiềm ẩn với sự bất công, phân cực giàu - nghèo ngày càng sâu sắc; thất nghiệp ngày càng đông, tính mạng con người, an ninh và trật tự xã hội luôn bị đe dọa; sự phá hủy và suy đồi đạo đức xã hội ngày càng gia tăng vì lợi nhuận. Ngay trong lòng các nước TBCN giàu có nhất, luôn tồn tại một nghịch lý là người giàu thì càng giàu hơn, người nghèo càng nghèo hơn. Mặc dù giai cấp tư sản đã có sự mềm dẻo trong quản lý, điều hành, phân phối để xoa dịu mâu thuẫn giữa tư bản và lao động, nhưng vẫn chỉ là từng nơi, từng lúc, còn về cơ bản, mâu thuẫn giữa tư bản và lao động vẫn ngày càng gay gắt; thuế khóa, thất nghiệp, các tệ nạn xã hội luôn đeo đẳng người nghèo. Có một sự thật là ở các nước tư bản phát triển hiện nay, hầu hết đời lãnh đạo này đến đời lãnh đạo khác, chính sách đối ngoại đều có một điểm chung: đối phó với cuộc đấu tranh giai cấp ở các nước thế giới thứ ba. Và trên phạm vi toàn cầu, các lực lượng phản cách mạng vẫn tiếp tục tiến công bằng mọi vũ khí có thể sử dụng như: kinh tế, tư tưởng, văn hóa, truyền thông... Điều đó càng khẳng định, lý luận về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị.

    Đại hội XIII của Đảng xác định “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”

    Đại hội XIII của Đảng xác định “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”

    Ở Việt Nam, dưới tác động của KHCN hiện đại, việc bảo vệ và phát triển lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ tư tưởng của giai cấp công nhân trở nên cấp thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, những ứng dụng của KHCN hiện đại đã có mặt hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là sự lan truyền rộng rãi của internet, mạng xã hội… làm cho sự giao tiếp không còn bị giới hạn về không gian, thời gian. Lợi dụng sự phát triển này, các thế lực thù địch tập trung phủ nhận lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó, có quan điểm công khai trắng trợn, thể hiện rõ sự thù địch, hằn học; có quan điểm thừa nhận giá trị lịch sử nhưng lại phủ nhận giá trị thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin; một số quan điểm khác đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng lại phủ nhận học thuyết Mác -Lênin khi cho rằng: hiện nay chủ nghĩa Mác -Lênin đã “lỗi thời”, chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là đáng giá và phù hợp với dân tộc Việt Nam. Vì thế, chỉ cần dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh thậm chí đề cao thành “Chủ nghĩa Hồ Chí Minh” để thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin.

    Thực tế đã và đang khẳng định, những quan điểm trên là hoàn toàn phi lý và phiến diện. Bởi lẽ, chủ nghĩa Mác - Lênin là một hệ thống lý luận khoa học và cách mạng. Đặc điểm lớn nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin là sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thời đại, giải quyết những vấn đề cấp bách do thời đại đặt ra. Nó có mặt ở tất cả các bước ngoặt của thế kỷ nhằm chứng minh và làm sáng tỏ những vấn đề có tính quy luật của đời sống xã hội; cung cấp cho loài người những nhận thức đúng đắn, cách nhìn thấu đáo, khách quan, trải qua kinh nghiệm thực tiễn. Rõ ràng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã đem lại cho chúng ta nền tảng tư tưởng vững chắc, những điểm tựa lý luận, phương pháp luận phong phú và sâu sắc, giúp chúng ta nâng cao tầm tư tưởng, trí tuệ, tư duy độc lập sáng tạo, tìm ra con đường và giải pháp đúng để xử lý các vấn đề do thực tiễn đặt ra. Chính vì thế, từ khi ra đời đến nay chủ nghĩa Mác - Lênin đã thể hiện rõ bản chất khoa học và cách mạng, giá trị và sức sống bền vững. Nhiều chính khách, nhà khoa học cả trong và ngoài nước có những bài nói, bài viết, công trình khoa học nghiên cứu khẳng định sức sống, ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay; mặc nhiên thừa nhận, tinh thần của học thuyết Mác vẫn tỏa sáng và dù muốn hay không người ta vẫn phải dựa vào đó mới phân tích đúng CNTB đương đại và CNXH.

    Tư tưởng Hồ Chí Minh có nguồn gốc và là sự vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam trong từng thời kỳ cách mạng; là nhân tố làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ kết tinh những giá trị của văn hóa Việt Nam và nhân loại, mà về bản chất còn là học thuyết của sự phát triển, là cái cần có trong hành trang của những chặng đường tiếp theo. Vì, bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học và cách mạng, là thế giới quan, phương pháp luận mở ra con đường tiếp tục phát triển của trí tuệ, do đó Đảng ta luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam. Nếu coi tư tưởng Hồ Chí Minh không hề liên quan đến chủ nghĩa Mác - Lênin thì thực chất những người nhân danh các nhà tư tưởng “cấp tiến” đã không hiểu một chút gì về Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người; việc “mượn gió bẻ măng” như vậy chỉ càng làm cho bản thân họ bé đi trước những giá trị khoa học, cách mạng, nhân văn lớn lao của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, bất luận trong mọi điều kiện, hoàn cảnh phải luôn: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”(3). Những quan điểm phủ nhận lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều sai trái, thù địch, với dụng ý, rắp tâm xấu hòng làm suy yếu rồi đi đến xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đi ngược ý chí và nguyện vọng của cả dân tộc.

    Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, là nguyên tắc bảo đảm cho Đảng ta tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước và xã hội, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trước sự tác động của cách mạng KHCN hiện đại. Để làm được điều đó, đòi hỏi những người xung kích trên mặt trận tư tưởng, lý luận cần phải giữ vững sự lãnh đạo của Đảng; bảo vệ và phát triển không ngừng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vận dụng những thành tựu KHCN hiện đại để đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền nhằm kết nối, chia sẻ những thông tin hữu ích, đấu tranh với những nhận thức sai trái; phát huy hiệu quả các trang thiết bị, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch; tăng cường tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận nhằm không ngừng lý luận hóa thực tiễn gắn chặt với thực tiễn hóa lý luận; xây dựng đội ngũ những nhà lý luận chính trị kiên định lập trường gắn chặt với kiến tạo đội ngũ những nhà khoa học chuyên ngành và liên ngành nhằm xây dựng một đội ngũ những nhà lý luận xuất sắc, trong đó những nhà lý luận chính trị đóng vai trò nòng cốt; xây dựng một cơ chế nghiên cứu khoa học lý luận chính trị một cách cơ bản, thực sự dân chủ và minh bạch; chú trọng sơ kết, tổng kết công tác nghiên cứu lý luận chính trị. Đó chính là con đường C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đã đi và chúng ta tiếp tục đi trên con đường ấy, vì sự phát triển của CNXH, sự tiến bộ và văn minh của dân tộc và nhân loại.

    Tóm lại, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ nhằm khẳng định những đặc trưng, thuộc tính thể hiện sự ưu việt của nó so với các học thuyết lý luận khác trong lịch sử, mà còn là mệnh lệnh, yêu cầu sống còn đối với những người cộng sản chân chính. Đúng như Đảng ta đã xác định: Bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực chất là bảo vệ lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân, toàn thể nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam được thể hiện dưới hình thức lý luận; là bảo vệ linh hồn, mạch sống của Đảng, bảo vệ công cụ nhận thức vĩ đại, vũ khí tư tưởng lý luận sắc bén của cách mạng Việt Nam nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

    _____________________

    (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Sự thật, H, 1991. tr.21

    (2) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự Thật, H, 2022, tr.20.

    (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021 t.I, tr.180.

    Theo tuyengiao.vn

    Ý kiến