Sau những đổi thay, sau những khó khăn và thử thách, đã có những niềm vui, đã có những nỗi buồn, có tiếng cười và có cả những giọt nước mắt. Có lẽ bản thân em khi viết ra những dòng này, phần nào đó tuy không nhiều nhưng em luôn tự hào vì mình được là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh 60 năm tuyệt vời ấy. Đối với những thế hệ đi trước, có thể ngồi lại và hồi tưởng về những câu chuyện của 20 năm đầu, 20 năm tiếp nối cạnh bên. Còn đối với những sinh viên của 20 năm sau ấy, thật chẳng đơn giản chút nào. Bởi khi chúng em đến với Học viện, nơi này đã thật đỗi bình yên và tràn ngập những yêu thương mà chúng em được nhận từ những thế hệ đi trước để lại. Giống như cách mà một người con, sau khi đã trưởng thành được quay về tìm lại cội nguồn, tìm lại quê hương của mình. Nơi sinh ra mình một lần nữa với một phiên bản hoàn thiện hơn, rắn rỏi hơn. Học viện Báo Chí và Tuyên Truyền - “Ngôi nhà số 36 Xuân Thủy”, đã trải qua không biết bao năm tháng, biết bao thế hệ thầy cô đã và đang dành cả tuổi xuân tại giảng đường Học viện, biết bao thế hệ sinh viên chọn nơi đây là nơi gửi gắm những ước mơ, những hoài bão tuổi đôi mươi. Sau tất cả, dù có thế nào đi nữa, trời có nắng gắt, có mưa giông thậm chí ngay cả khi dịch bệnh kéo đến khiến mọi thứ bị đảo lộn, ngôi nhà lớn ấy vẫn hiên ngang, vẫn vững vàng và thật bừng sáng. Giống như cầu vồng sau mưa với sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ, với sự dày dặn kinh nghiệm và bản lĩnh của một người trưởng thành. Hơn nửa thế kỷ qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã mang nhiều tên gọi khác nhau và được giao những nhiệm vụ tương ứng với yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử. Nhìn lại chặng đường ấy, thấy thật tự hào về những thành tựu to lớn mà Học viện đã đạt được. Trước sảnh Hội trường C và Hòn non bộ (Ảnh st: Câu lạc bộ Ảnh báo chí: APC - AJC Photography Club) (Ảnh st: Ban Truyền thông - Đối ngoại AJC) Trong suốt chặng đường 60 năm ấy, nhờ chăm chỉ lao động và tích cực sáng tạo, các thế hệ cán bộ, giảng viên của Học viện đã khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lòng tin yêu được nhận. Với những thành tích to lớn đó, Học viện được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương độc lập hạng nhì (1992), Huân chương Độc lập hạng nhất (2001), Huân chương Hồ Chí Minh (2007) cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Đó là những điều mà mọi người vẫn hay kể về trường Báo. Còn đối với riêng em, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là những gì gần gũi, giản dị và thân thương nhất. Chắc chắn trong mỗi chúng ta, ai cũng có một người để thương, để nhớ và một nơi để quay trở về. Và bản thân em cũng vậy… (Ảnh st: Ban Truyền thông - Đối ngoại AJC) Ngoài gia đình, có lẽ nơi đây cũng chính là nơi em muốn được quay trở về. Bởi ở đó có kỉ niệm, có những giấc mơ, những khao khát và mong muốn được lớn. Được trở thành những người tuyệt vời nhất, khi còn là những cô cậu sinh viên vô tư, hồn nhiên và tràn trề nhựa sống. Bởi ở đó có các thầy, cô luôn bên cạnh và đồng hành cùng chúng em. Cả những lần vấp ngã, những trưởng thành mà đến tận bây giờ khi nghĩ lại, em vẫn không thể nào quên. Có một điều thật kỳ lạ, khá nhiều người nói với em rằng lên đại học sẽ có một chút gì đó cô đơn, một chút gì đó xa lạ và một chút gì đó của riêng mình. (Ảnh st: Phút cuối 2018 - Thanh âm rực rỡ) Nhưng ngay từ những ngày đầu tiên và cho đến tận giây phút này đây khi em đã trở thành một cựu sinh viên nhưng chưa bao giờ em cảm thấy cô đơn và xa lạ. Vì bốn năm qua em như được sống trong chính gia đình của mình, một gia đình thứ hai, nơi có vòng tay rộng lớn của Thầy Cô, nơi che nắng che mưa và che cả đại dịch. Không nơi nào khác mà đó chính là “Ngôi nhà lớn số 36 Xuân Thủy” với một cái tên ẩn chứa biết bao câu chuyện thật đáng tự hào: “Trường Tuyên Giáo trung ương” và giờ là “Học viện Báo Chí và Tuyên truyền”. May mắn hơn nữa khi bản thân em được ở trong ký túc xá… Thầy quản sinh ký túc xá nhà E2 là thầy Quang, ngoài ra còn có cả thầy Lộc, cô Huệ và cô Yến nữa. Các thầy cô lúc nào gần gũi, luôn quan tâm và bảo ban chúng em. Vậy mà đã có lần suýt bị thầy Quang cho cả phòng dọn ra ngoài bởi đôi lúc bướng bỉnh không nghe lời thầy dặn. Dù biết, thầy chỉ mắng vậy thôi, chứ chẳng lỡ đuổi. Nhưng sau lần ấy, chẳng còn dám cố chấp ương ngạnh nữa. Có những hôm đi học về, vẫn thấy Thầy ở lại kiểm tra và nhắc nhở từng phòng tới tối muộn vẫn chưa nghỉ. Nhưng có một điều thật kỳ lạ, vẫn câu nhắc ấy, giọng điệu ấy, từ tầng 1 đến tầng 5, phòng nào cũng như phòng nào… Tự nhiên nhắc đến đây lại nhớ! Cổng Ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền ( Ảnh: Quỳnh Mai) Khuôn viên ký túc xá Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: Quỳnh Mai) Sau những giờ kiểm tra, thầy còn dạy chúng em những bài học làm người, bài học trong cuộc sống. Các thầy cô ở KTX cũng đã dành phần lớn thời gian của mình cho chúng em. Bao nhiêu năm tháng trôi qua, cũng biết bao nhiêu thế hệ sinh viên chọn KTX là trạm nghỉ chân. Từ những ngày bình thường vẫn xoay vần cho đến những ngày đại dịch vừa qua, chúng em càng thấy rõ được sự quan tâm và tình cảm mà các thầy cô. Và tất cả những hình ảnh tuyệt vời ấy vẫn luôn ở trong tim chúng em, mãi mãi không bao giờ quên. Dòng thời gian cứ thế trôi qua như chẳng chờ đợi một ai, 60 năm qua, đã có không biết bao nhiêu màu ký ức. Những cái nắm tay, những ánh mắt trìu mến với niềm tin, niềm tự hào vẫn luôn rực cháy trong lòng các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Học viện Báo Chí và Tuyên truyền. Đã cùng nhau chèo lái trên con Thuyền lớn ấy suốt chặng đường dài vừa qua. Có những giọt nước mắt hạnh phúc, bởi những điều đã đạt được và cũng có cả những giọt nước mắt của tiếc nuối, vì những điều mãi mãi chỉ còn là ký ức. Khi những chuyến đi chính là chuỗi kỉ niệm, thật may mắn khi nhìn lại vẫn luôn có những người đồng hạnh cạnh bên, nhưng cũng đã có chuyến đi, chuyến đi mà chẳng trở về. Cố PGS, TS. Lưu Văn An, Phó Bí thư Đảng ủy, Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh sưu tầm trên fanpage của Học viện Báo chí và Tuyên truyền) Đã lâu lắm rồi, chúng em không còn được nhìn thấy bóng hình quen thuộc. Một người lãnh đạo tâm huyết và đầy trách nhiệm, một đồng nghiệp giản dị, một nhà giáo mẫu mực. Và… Một người Thầy lớn kính yêu đối với biết bao thế hệ học viên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hình ảnh người thầy cần mẫn làm việc ở trường cả những ngày nghỉ cuối tuần, vẫn lặng lẽ đến sớm về khuya. Lúc nào cũng tận tụy, say mê nghiên cứu, tâm huyết và đầy trách nhiệm. Suốt 20 năm gắn bó với Ngôi nhà lớn, cho đến ngày hôm nay khi tròn 60 năm thành lập, dù sẽ không còn được thấy Thầy với nụ cười thật tươi, đứng trên bục và đánh những hồi trống khởi động chặng đường mới. Nhưng chắc chắn, thầy vẫn luôn ở đó, ở trong tim những người đồng nghiệp, những thế hệ học sinh và sinh viên của Học viện Báo Chí và Tuyên truyền. Những điều mà các thế hệ đi trước để lại, chúng em hôm nay sẽ luôn gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp ấy mãi mãi. Phòng học AJC mùa Covid-19 (Ảnh: Câu lạc bộ Ảnh báo chí APC - AJC Photography Club) Những ngày cuối cùng của thời sinh viên cũng là những ngày cả nước còn trong tâm dịch. Thật chẳng dám mong chờ về một ngày tốt nghiệp đúng nghĩa, được mặc áo cử nhân, được đứng nhận bằng trên bục. Nhưng vẫn muốn tham lam một chút, mong được quay lại những ngày tháng ấy thêm một lần nữa để ta thực hiện nốt những điều còn dang dở, dù chỉ là trong mơ. Sân trường hôm nay vẫn đang vắng bóng những bước chân nhộn nhịp, những tiếng cười nói của các cô cậu sinh viên. Phòng học vắng vẻ một cách kì lạ, những viên phấn vẫn nằm yên trên bàn mà chẳng được các thầy cô cầm lên viết bảng. Nhớ hình ảnh những giờ học trên lớp, nhớ những nét phấn trắng trên tấm bảng đen. Sẽ chẳng biết đến khi nào các hoạt động học tập đến trường mới được quay trở lại. Chỉ mong ngày ấy đến thật nhanh, chỉ mong những bóng hình quen thuộc lại xuất hiện và chỉ mong được bé lại như ngày hôm qua. Dòng thời gian ấy, chắc chắn sẽ luôn chạy và vang lên những hồi chuông quen thuộc. Một ngày nào ấy thật đẹp, mọi thứ sẽ quay trở lại, để viết tiếp những câu chuyện còn dang dở. Không chỉ là những câu chuyện của 60 năm mà còn là của 80 năm, 100 năm thậm chí mãi mãi về sau nữa. Học viện Báo Chí và Tuyên Truyền mãi là điều đẹp đẽ nhất mà em có được trong tuổi thanh xuân của mình. Còn em vẫn mãi tự hào vì được có mặt trong cuốn sách 60 năm ấy. Quỳnh Mai (Lớp Khoa học Quản lý Nhà nước K37, Khoa Nhà nước Pháp luật)