Dự Hội nghị còn có các đồng chí Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: PGS,TS. Hoàng Phúc Lâm, PGS,TS. Dương Trung Ý; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Ban Tổ chức Trung ương. Tại điểm cầu của các Học viện trực thuộc, dự Hội nghị có đại diện Ban giám đốc, lãnh đạo Ban quản lý đào tạo các Học viện trực thuộc; lãnh đạo các đơn vị chức năng, viện chuyên ngành trực thuộc Học viện cùng toàn thể cán bộ, công chức Vụ Quản lý đào tạo. PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó giám đốc Học viện dự và chủ trì Hội nghị. Báo cáo tổng kết công tác đào tạo năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 cho biết, bối cảnh, đặc thù năm 2020 có tác động nhiều mặt đến việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng của Học viện. Năm 2020 là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Điều này tác động trực tiếp đến các mặt công tác đào tạo, bồi dưỡng như: sự biến động về đội ngũ cán bộ lãnh đạo trước và sau đại hội ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng, danh sách các ứng viên được cử tham gia đào tạo tất cả các hệ lớp của Học viện; việc tổ chức Đại hội các cấp cũng ảnh hưởng tới thời gian, kế hoạch cử cán bộ tham gia dự tuyển,... gây ra một số khó khăn nhất định đối với công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo của Học viện. Năm 2020 tiếp tục là năm đặt ra nhiều yêu cầu về đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, cụ thể: việc đổi mới phương thức tuyển sinh; những yêu cầu về đảm bảo tỷ lệ giữa đào tạo tập trung và không tập trung của hệ cao cấp lý luận chính tri; việc triển khai sửa đổi các bộ quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2020 cũng là năm chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh Covid-19, đặt ra không ít thách thức về việc thay đổi điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch đào tạo và phương thức tổ chức đào tạo của tất các hệ lớp của Học viện. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc, sự nỗ lực của Vụ Quản lý đào tạo và sự phối hợp của các đơn vị liên quan, năm 2020 công tác đào tạo, bồi dưỡng cơ bản đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, việc thực hiện công tác tuyển sinh đào tạo Cao cấp lý luận chính trị theo hướng tăng cường đào tạo hệ tập trung đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên, thực hiện đúng chủ trương theo Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị. Năm 2020, công tác tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ về cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đăng ký với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong năm, Học viện đăng ký và được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ Quản lý văn hóa. Đến nay, hệ thống Học viện có 23 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ; 17 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Trong xây dựng và hoàn thiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng: Học viện đã thực hiện sửa đổi, bổ sung bộ giáo trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị theo hướng bám sát với dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Hiện nay đang trong giai đoạn hoàn thành việc thẩm định bộ giáo trình lần 1 với mục tiêu, ngay sau khi Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được ban hành, các đơn vị giảng dạy nhanh chóng thực hiện cập nhật, bổ sung bộ giáo trình theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội, để kịp thời xuất bản và phát hành trong cuối tháng 3/2021. Triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, năm 2020, Học viện đã chủ động bổ sung nội dung sinh hoạt chính trị đầu khóa về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và 08 buổi nghe nói chuyện thời sự, 08 buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi bộ được bố trí trong từng tháng vào kế hoạch giảng dạy - học tập của các lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung. Đây là nội dung bổ trợ cho chương trình đào tạo với sự phong phú về nội dung, cập nhật được tình hình thời sự, giáo dục chính trị, lý tưởng cho học viên; hướng tới xây dựng chuẩn đầu ra cho các môn học gắn với thực hiện Nghị quyết 35 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đối với bồi dưỡng chức danh, Học viện đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng các chương trình bồi dưỡng theo chức danh. Theo đó, các khung chương trình bồi dưỡng chức danh Bí thư, Phó Bí thư cấp ủy cấp huyện, Trưởng, phó ban tổ chức, tuyên giáo, dân vận, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban Kiểm tra cấp ủy cấp tỉnh và tương đương được cập nhật sát với đối tượng và mục tiêu của chương trình bồi dưỡng, tăng cường tính thời sự và gắn với thực tiễn công tác của người học. Các Học viện Chính trị khu vực bám sát vào khung chương trình bồi dưỡng do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành, đồng thời chủ động thành lập các tổ soạn thảo, thẩm định tài liệu bài giảng cho các chương trình bồi dưỡng, đảm bảo các chương trình, bài giảng gắn với từng đối tượng và đặc thù tỉnh, thành, khu vực. Nhờ đó trong năm 2020, trong bối cảnh triển khai nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, Học viện đã tổ chức thành công 2 lớp dự nguồn cấp chiến lược và nhiều lớp bồi dưỡng chức danh. PGS,TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Học viện phát biểu tại Hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, các ý kiến tham góp của đều ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tựu đạt được của Học viện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2020. Vượt qua những thách thức lớn trong năm 2020, nhất là đại dịch Covid-19, có thể khẳng định toàn hệ thống Học viện đã nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công chung của công tác cán bộ Đại hội Đảng bộ các cấp. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn những hạn chế nhất định, cần có lộ trình, bước đi phù hợp để khắc phục. Tham luận tại Hội nghị, các ý kiến đề xuất nhiều giải pháp, trong đó đề nghị cần tăng cường quản lý hệ thống đảm bảo sự thống nhất trong triển khai nhiệm vụ; tăng cường sự phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong xây dựng đề án về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong 5 - 10 năm tới với tầm nhìn xa hơn. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để quản lý giảng viên trên lớp chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, trao đổi chuyên sâu để bổ sung, phát triển chương trình đào tạo với phương châm giữ vững bản sắc, đảm bảo tính hiện đại, cập nhật và thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và các vấn đề đặt ra đối với công tác lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc, Phó bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận và biểu dương những thành tựu Học viện đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2020. Năm 2020, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức như đại dịch Covid-19, những thay đổi trong phương thức và quy định tuyển sinh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Học viện đã được triển khai tốt, đảm bảo kế hoạch tổng thể, qua đó góp phần thành công của công tác cán bộ, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp. Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế bất cập hiện nay trong công tác đào tạo, bồi dưỡng như quy chế, quy định chậm ban hành, sự phân công phối hợp giữa các đơn vị thuộc Học viện và giữa Học viện với các địa phương/đơn vị chưa nhịp nhàng; sự phân định về vị trí việc làm chưa rõ (đặc biệt đối với đội ngũ giảng viên)... PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cần đổi mới mạnh mẽ và toàn diện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, kịp thời cập nhập tinh thần của Đại hội XIII vào nội dung chương trình, giáo trình đào tạo. Chủ động triển khai kế hoạch giảng dạy - học tập các lớp đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra kể cả trong tình huống dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý học viên, giảng viên trên lớp. Để thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, PGS,TS. Nguyễn Duy Bắc yêu cầu Vụ Quản lý đào tạo cần chủ trì tham mưu, hoàn thiện các quy chế, quy định về quản lý đào tạo thống nhất trong toàn hệ thống Học viện. Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chế hiện có, xây dựng mới các quy chế/quy định để kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác. Tiếp tục tăng cường quản lý hệ thống và đẩy mạnh phân cấp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo; tăng cường công tác hậu kiểm quá trình tuyển sinh đào tạo của các Học viện trực thuộc và viện chuyên ngành. Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng, v.v.. Theo Hcma.vn