Một số hoạt động của Khoa Chính trị học Để có một cách nhìn đúng đắn, sát thực khi đánh giá về tư duy chính trị, sự lãnh đạo, định hướng của chính trị với việc phát triển kinh tế, ổn định xã hội là một đòi hỏi tất yếu. Trong thực tế bộ môn khoa học chính trị mà nhiều chục năm bị xao nhãng đến nay đã được phục hồi. Việt Nam là một trong số ít các nước xã hội chủ nghĩa đã nhanh chóng trong việc khắc phục những hạn chế để thoát ra khỏi khủng hoảng. Trong những bài học rút ra từ những bước đầu thành công của công cuộc đổi mới đó là đổi mới tư duy về quan hệ chính trị với kinh tế. Ý thức được vai trò quan trọng của khoa học chính trị trong việc nghiên cứu và đào tạo ra đội ngũ các nhà khoa học, giảng viên, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị mang tính chuyên nghiệp, những trung tâm nghiên cứu và giảng dạy chính trị học được thành lập ở Việt Nam. Trong số các đơn vị không nhiều đó có khoa Chính trị học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền (BC&TT), được thành lập khá sớm, vào năm 1994. Ngày 01 tháng 9 là ngày thành lập Khoa. Tính đến nay Khoa đã trải qua 25 năm xây dựng và phát triển với những bước tiến lớn lao. Những thành tích của Khoa vinh dự được góp phần vào sự phát triển của Học viện BC&TT. Trải qua 25 năm, cùng với những bước phát triển của Học viện BC&TT, Khoa Chính trị học có nhiều đổi mới về tổ chức, nhân sự, nhiệm vụ chính trị nhằm đáp ứng trước những đòi hỏi mới. Trong những năm qua, một số cán bộ, giảng viên của Khoa được đề bạt giữ chức vụ cao hơn ở trong và ngoài Học viện BC&TT. Khoa cũng đã tuyển dụng thêm nhiều cán bộ, giảng viên. Ngoài ra, Khoa đã thu hút và đặt quan hệ với đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, nhà giáo có uy tín từ các cơ sở đào tạo và cơ quan nghiên cứu khác tham gia hoạt động chuyên môn. Chính vì lẽ đó, 25 năm qua, việc nghiên cứu và giảng dạy của Khoa ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số chuyên ngành, hệ đào tạo và số người học ngày càng gia tăng, đáp ứng sự đòi hỏi của nhu cầu xã hội thời kỳ đẩy mạnh đổi mới. Quá trình phát triển của Khoa trải qua các giai đoạn sau: Từ năm 1994-1998, Khoa tập trung nghiên cứu biên soạn giáo trình và giảng dạy môn Chính trị học đại cương cho tất cả các lớp của Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện BC&TT). Trong thời gian này, Khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao nhiệm vụ biên soạn chương trình đào tạo Chính trị học và chương trình này được áp dụng và triển khai cho các trường đại học. Từ năm 1998-2003, Sau khi được bổ sung lực lượng (1 PGS, 2 TS, 2 ThS), Khoa phối hợp với khoa Chủ nghĩa xã hội khoa học của Học viện BC&TT trong việc đào tạo cử nhân khoa học. Ngoài công việc giảng dạy 7 môn cho sinh viên chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học, Khoa còn giảng dạy môn Chính trị học đại cương cho tất cả các ngành học của Học viện BC&TT. Từ năm 2003, Khoa đào tạo khóa đầu tiên cử nhân Chính trị học (Khóa 23 với gần 50 sinh viên). Đây là một dấu mốc quan trọng trong công tác đào tạo của Khoa. Bên cạnh đó, ngoài việc giảng dạy môn Chính trị học đại cương cho tất cả các ngành hệ đại học, Khoa còn tham gia giảng dạy một số môn: Lịch sử tư tưởng chính trị; Thể chế chính trị đương đại; Chính sách công;… cho một số chuyên ngành trong nhóm ngành Chính trị học. Từ năm 2009 đến nay, với sự lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ, giảng viên, Khoa đào tạo cao học ngành Chính trị học, chuyên ngành Chính trị phát triển với hai đợt tuyển sinh mỗi năm. Bên cạnh công việc này, Khoa còn giảng dạy môn Chính trị học nâng cao cho tất cả các ngành đào tạo cao học của Học viện BC&TT (đây là một trong ba môn học chung của chương trình cao học của Học viện BC&TT) và môn Hệ thống chính trị đương đại cho cao học trong nhóm ngành Chính trị học. Từ năm 2010, Khoa đào tạo thêm đại học Chính trị học, chuyên ngành Chính sách công. Năm 2018, Khoa đào tạo thêm ngành đại học mới: Quản lý công. Đến nay, Khoa đào tạo: Hệ đại học (cả hệ chính quy và vừa làm vừa học hệ 4 năm và 2 năm) gồm hai ngành Chính trị học và Quản lý công, trong đó ngành Chính trị học có hai chuyên ngành: Chính trị phát triển và Chính sách công; Hệ cao học ngành Chính trị học, chuyên ngành Chính trị phát triển. Cơ cấu tổ chức và nhân lực: * Các tổ bộ môn: Hiện nay Khoa xây dựng 3 tổ bộ môn: Lịch sử tư tưởng chính trị có nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu các môn học: Lịch sử tư tưởng chính trị; Chủ nghĩa Mác - Lênin về chính trị; Tư tưởng Hồ Chí Minh và văn kiện Đảng ta về chính trị; Các tác phẩm ngoài mácxít về chính trị; Các lý thuyết chính trị hiện đại; Chính trị học so sánh; Thể chính trị thế giới đương đại; Thể chế chính trị Việt Nam;… Quyền lực chính trị và cầm quyền có nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu các môn học: Quyền lực chính trị và cầm quyền; Chính trị học phát triển; Chính trị học Việt Nam; Chính trị với quản lý xã hội; Xã hội học chính trị; Dân chủ và thực thi quyền lực chính trị của nhân dân; Hệ thống tổ chức quyền lực chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay; Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam; Công nghệ chính trị; Quan hệ chính trị quốc tế; Chính trị học phát triển; Chính trị trong xu thế toàn cầu hóa; Xung đột quốc tế;… Chính sách công, Quản lý công, kỹ năng và phương pháp: Có nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu các môn học: Khoa học chính sách công; Quản lý công; Phân tích chính sách công; Hoạch định chính sách công; Thực thi chính sách công; Hệ thống chính trị và quá trình chính sách; Tham nhũng và phòng chống tham nhũng chính sách; Chính sách phát triển đô thị; Chính sách kinh tế; Chính sách xã hội; Chính sách giáo dục; Kỹ năng lãnh đạo, quản lý; Phương pháp tiếp cận và xử lý tình huống chính trị; Quản lý nguồn nhân lực; Quản lý công sở; Quản lý rủi ro;… * Về đội ngũ cán bộ, giảng viên: Hiện nay, Khoa có 12 cán bộ giảng viên cơ hữu, trong đó có: 1 GS, TS; 1 PGS, TS; 3 TS; 6 thạc sĩ (trong đó 3 người đang làm NCS). Ngoài ra, Khoa cộng tác với đội ngũ các nhà khoa học làm nghiên cứu và giảng dạy ở các cơ sở khác như: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I, Học viện Hành chính, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Chính sách và Phát triển,… Bộ máy lãnh đạo Khoa gồm 1 Trưởng khoa và 2 Phó Trưởng khoa. Khoa dưới sự lãnh đạo của Chi bộ về các nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn và sinh viên. Kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học: * Công tác đào tạo + Đào tạo đại học - Số khóa đào tạo đại học chính quy tập trung đến nay: 16 khóa bắt đầu từ năm 2003; trong đó 11 khóa (trên 800 sinh viên) đã tốt nghiệp, 4 khóa với hai ngành (10 lớp với gần 1.000 sinh viên) đang học. - Số khóa đào tạo đại học chính quy không tập trung: 19 khóa, trong đó 14 khóa (gần 1.500 học viên) đã tốt nghiệp, 5 khóa (trên 500 học viên) đang học. - Số khóa đào tạo đại học chính quy phối hợp với chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội khoa học: 6 khoá (245 sinh viên) đã tốt nghiệp. - Tham gia đào tạo đại học cho các chuyên ngành: Quản lý hoạt động tư tưởng - văn hóa; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Văn hóa phát triển. Ngoài ra, Khoa giảng dạy môn Chính trị học đại cương cho tất cả các chuyên ngành đào tạo của Học viện BC&TT. - Đặc biệt, Khoa đã và đang đào tạo gần 100 sinh viên Lào hệ đại học (chuyên ngành Chính trị phát triển và Chính sách công). * Đào tạo sau đại học: - Khoa đã và đang đào tạo cao học, đến nay được trên 200 học viên chuyên ngành Chính trị phát triển. - Khoa tham gia giảng dạy môn Chính trị học nâng cao cho tất cả các chuyên ngành đào tạo cao học của Học viện BC&TT. - Hướng dẫn thành công trên 30 nghiên cứu sinh và nhiều học viên cao học. - Tham gia hàng trăm Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ. Ngoài ra, Khoa tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng về chính trị cho các hệ bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ về chính trị, tuyên giáo, báo chí, về phương pháp giảng dạy mới do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện BC&TT và các cơ quan khác tổ chức. * Nghiên cứu khoa học Trong 25 năm qua, Khoa đã đạt được nhiều kết quả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học: - Chủ trì trên 50 đề tài khoa học cấp cơ sở, cơ sở trọng điểm và tham gia nhiều đề tài cơ sở khác. - Chủ trì 9 đề tài cấp bộ và tham gia nhiều đề tài cấp bộ khác. - Chủ nhiệm 1 đề tài cấp nhà nước và tham gia 5 đề tài cấp nhà nước khác. - Chủ trì xây dựng Chương trình quốc gia bậc đại học chuyên ngành Chính trị học cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình đã được nghiệm thu và công bố lên mạng cho các trường đại học tham khảo và sử dụng. - Viết hơn 100 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành; gần 100 bài tham gia Hội thảo cấp Khoa, Học viện, quốc gia và quốc tế. - Xuất bản trên 20 giáo trình và tài liệu tham khảo. Tham gia viết hàng chục cuốn sách khác. Thành tích của Khoa được ghi nhận: Trong 25 năm qua, tập thể, cán bộ, giảng viên trong Khoa đã đạt được nhiều thành tích và đã được cấp trên ghi nhận: - Chi bộ Khoa liên tục đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh. Từ năm 2010-2018, Chi bộ Khoa luôn đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu và được Giấy khen Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu liên tục 3 năm liền, và 5 năm liền. - Từ năm 1998 đến nay, Khoa thường xuyên đạt danh hiệu Đơn vị lao động giỏi, Đơn vị lao động tiên tiến, được Giám đốc Học viện BC&TT tặng giấy khen; - Khoa 4 lần được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng bằng khen vì thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có những thành tích xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong các năm học: 2000-2001; 2003-2004; 2009-2010 (nhân dịp 15 năm thành lập và phát triển); 2012-2013,… - Khoa 5 lần được tặng Cờ thi đua và bằng khen cấp Bộ năm 2008-2009, 2011-2012, 2013-2014, 2015-2016 và 2018 vì có thành tích xuất sắc trong công tác và là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua. - Năm 2013, Khoa được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh công nhận: Là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc. - Năm 2013, Khoa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác từ năm học 2010-2011 đến năm học 2012-2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. - Năm 2015, Khoa được Giám đốc Học viện BC&TT tặng Giấy khen Điển hình phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2010-2015). - Một số cán bộ của Khoa được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh như GS,TS Dương Xuân Ngọc; PGS,TS Lưu Văn An; PGS,TS Nguyễn Xuân Phong. - Tập thể Khoa và cá nhân cán bộ của Khoa được Giám đốc Học viện BC&TT tặng giải thưởng vì đạt được thành tích cao trong nghiên cứu khoa học: + Năm 2000-2001: Khoa đạt giải nhất, một cá nhân giải nhất, một cá nhân giải nhì; + Năm 2002-2003: Khoa đạt giải nhì, một cá nhân đạt giải nhất. + Năm 2004-2005: Khoa đạt giải ba, một cá nhân đạt giải khuyến khích. + Năm 2006-2007: Khoa đạt giải nhì, một cá nhân đạt giải nhì, một cá nhân đạt giải ba. Nhiều cán bộ, giảng viên của Khoa được Giám đốc Học viện BC&TT tặng giấy khen vì đạt thành tích trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, như TS Võ Thị Hoa, TS Dương Thị Thục Anh, TS Phạm Thị Hoa,… Nguyên nhân thành công và bài học kinh nghiệm: Những thành tích cơ bản Khoa đạt được là tổng hợp và hội tụ của nhiều nguyên nhân quan trọng: - Khoa nhận được quan tâm và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện BC&TT. Những sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên đã giúp Khoa trong việc định hướng những nhiệm vụ chiến lược và chủ động trong hoạt động. Cùng với đó, sự giúp đỡ về cơ chế, chính sách của Ban Giám đốc Học viện BC&TT đã tạo mọi thuận lợi cho Khoa trong việc phát huy các nguồn lực, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. - Khoa chủ trương Biến áp lực thành động lực để hoàn thành nhiệm vụ. Trên cơ sở khối lượng công việc của Khoa, Ban lãnh đạo Khoa phân công cho các giảng viên phụ trách các môn học. Mỗi môn có hai giảng viên (chính và phụ), các giảng viên phải có nhiệm vụ tiếp cận môn học, từng bước chủ động để nắm bắt toàn bộ chương trình. Đồng thời, các giảng viên hằng năm phải tham gia thực hiện các đề tài khoa học (có thể chủ nhiệm hoặc tham gia). Các đề tài này tập trung vào việc biên soạn bài giảng hướng đến việc xây dựng giáo trình và những nội dung phục vụ việc giảng dạy. Khoa quan niệm: Giảng viên phải coi giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai công việc quan trọng ngang nhau. Một giảng viên toàn diện phải làm tốt cả hai công việc này. Chính việc tạo áp lực đó đã giúp cho các giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập nâng cao trình độ. - Sự đoàn kết, nhất trí của cán bộ, giảng viên trong tập thể Khoa là một trong những nguyên nhân quan trọng mang lại sự thành công. Hạt nhân của sự đoàn kết tập thể được xác định đầu tiên từ Ban lãnh đạo Khoa. Tinh thần đoàn kết đã trở thành truyền thống, được các thế hệ đi trước tạo dựng và các thế hệ sau này gìn giữ. Trong Khoa xây dựng được thói quen mọi cán bộ, giảng viên xem Khoa như nhà của mình để cùng chăm lo, gìn giữ với tinh thần trách nhiệm cao. Ban lãnh đạo Khoa có sự đoàn kết, gương mẫu và ứng xử công bằng với cán bộ, giảng viên trong Khoa, đây chính là yếu tố quan trọng để duy trì tinh thần đoàn kết. Khi Khoa gặp những công việc khó khăn, bận rộn, mọi người trong Khoa cùng nhau gánh vác nên công việc phức tạp tới mấy đều có thể vượt qua. - Phát huy dân chủ trong Khoa nhằm tạo sự chủ động và thực hiện sáng tạo công việc. Đây là một nội dung vô cùng quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ nặng nề ở điều kiện đội ngũ Khoa còn đang rất mỏng về số lượng, hạn chế về chất lượng. Việc phát huy dân chủ trong mỗi cán bộ, giảng viên trong Khoa để tạo điều kiện cho mọi người phát huy tối đa khả năng, điều kiện của mình trong công việc. Chính điều này đã tạo cho cán bộ trong Khoa chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ. Trước khi phân công công việc cho các cán bộ, giảng viên, Ban chủ nhiệm Khoa bàn bạc và đưa ra cuộc họp toàn Khoa, trên cơ sở bàn bạc một lần nữa để đi đến quyết định. - Đặt quan hệ và gắn kết thường xuyên, lâu dài với đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài Học viện. Nhiệm vụ giảng dạy rất nặng nề, trong khi đó, năng lực tại chỗ đáp ứng có hạn. Cho nên, để hoàn thành tốt được nhiệm vụ, Khoa phải thu hút các nguồn lực giảng dạy và nghiên cứu từ các khoa khác và các đơn vị ngoài Học viện. Chính điều này, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ còn mang lại lợi ích cho người học trong việc tiếp thu những kiến thức phong phú và phương pháp tư duy từ đội ngũ các nhà khoa học. Đây là kinh nghiệm của Khoa trong việc tận dụng các nguồn lực từ bên ngoài trên cơ sở tạo sự thống nhất về lợi ích. - Ban Chủ nhiệm Khoa phải có tinh thần gương mẫu, chủ động trong công việc, điều hành Khoa phải cương quyết, nghiêm khắc, kết hợp với việc động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên bằng các hình thức đa dạng. Ban Chủ nhiệm Khoa phải gương mẫu và tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào. Phải đề cao tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của các thành viên trong Khoa. Khi phân công nhiệm vụ phải cụ thể, rõ ràng, kết hợp phân công nhiệm vụ với tăng cường nhắc nhở, kiểm tra. Hình thức kiểm tra phải đa dạng, thường xuyên và tế nhị. Với sự nỗ lực phấn đấu trong suốt 25 năm qua, Khoa Chính trị học đã đạt được nhiều thành tích, những thành tích đó đã được sự ghi nhận của lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, lãnh đạo Học viện BC&TT bằng những phần thưởng cao quý. Những thành tích đó là nguồn cổ vũ, động viên để cho tập thể Khoa tiếp thêm những động lực mới khi bước vào giai đoạn tiếp theo. Trong giai đoạn tới, hàng loạt những thách thức về đào tạo, hoàn thiện giáo trình, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng đào tạo,… đòi hỏi Khoa phải nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn nữa thì mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ cao cả đó./. PGS,TS. Nguyễn Xuân Phong - Trưởng khoa Chính trị học (Theo Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông)