Trên mạng xã hội, không phải nhà báo nào cũng đủ năng lực để biết được đâu là thông tin đáng tin cậy và đâu là tin đồn, thông tin giả. Ảnh: TL Làm báo là chế biến những “món ăn” thông tin, nên nhà báo thường được hiểu là người biết chọn lọc nguyên liệu thông tin tốt để bày tiệc cho công chúng. Thế nhưng, thực tiễn đời sống mạng cho thấy, không ít nhà báo đã bộc lộ sự non kém trong công tác thẩm định khi chia sẻ nhiều thông tin sai sự thật, đôi lúc, đôi chỗ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhà báo sử dụng mạng xã hội có ưu thế về năng lực trình bày, truyền tải thông tin (văn bản, hình ảnh, video...); có cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn tin, nên được cộng đồng tin tưởng hơn những thành viên bình thường. Có nhà báo ở Việt Nam được gần 500 nghìn lượt người theo dõi trên Facebook. Những mảng xám trong bức tranh truyền thông Giữa tháng 7/2018, những thông tin chấn động về gian lận điểm thi THPT quốc gia ở một số địa phương thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Khởi đầu là câu chuyện từ Hà Giang và nhân vật “tâm điểm” bấy giờ là ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này. Ông Lương là người trực tiếp nâng điểm hơn 330 bài thi cho 114 thí sinh. Khi báo chí thông tin về vụ việc, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về sinh viên Vũ Đan Lê, vốn là thí sinh dự thi năm trước của tỉnh Hà Giang từng đạt điểm rất cao bị cho là con gái ông Lương và được ông Lương sửa điểm từ năm trước. Khi báo chí chính thống vào cuộc, thực tế là ông Lương có hai con nhưng còn rất nhỏ. Cô Vũ Đan Lê ngẫu nhiên trùng họ và cùng tỉnh chứ không liên quan gì đến ông Lương. Nhưng trong vòng hai tuần lễ, thông tin sai sự thật này đã được chia sẻ hàng trăm nghìn lượt. Có rất nhiều người chia sẻ tin giả này là nhà giáo, nhà báo có uy tín! Trước đó mấy ngày, trong thời gian diễn ra những trận đấu cuối cùng của World Cup 2018, nhiều người sử dụng Facebook đã chia sẻ tấm hình được cho là nữ Tổng thống Kolinda Grabar Kitarovic của Croatia trong trang phục bikini, thông tin xuất phát từ tờ báo ở phía Nam (sau đó đã gỡ xuống). Thực tế đó là tin giả: không phải là ảnh của bà Tổng thống mà là ảnh của Coco Austin - một diễn viên, người mẫu, ngôi sao truyền hình thực tế gợi cảm. Những bức ảnh này được các paparazzi chụp Coco Austin từ một chuyến đi năm 2009 đến Miami cùng với chồng là rapper Ice-T. Một tình huống khác, rạng sáng ngày 14/4/2018, liên quân Mỹ - Pháp và Anh phối hợp tấn công các mục tiêu được cho là cơ sở vũ khí hóa học của chính quyền Syria ở Damascus và Homs. Hành động này được cho là phản ứng trước cáo buộc chính quyền Syria tấn công hóa học vào dân thường trước đó một tuần ở thành phố Douma, ngoại ô Damascus khiến khoảng 70 người chết (dù Syria và Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc về cuộc tấn công này). Áp lực thỏa mãn thông tin cho công chúng về hậu quả của đợt không kích khiến nhiều cơ quan báo chí uy tín rơi vào bẫy tin giả. Các đoạn video xuất phát từ các mạng xã hội như Twitter, Instagram từ cuộc tấn công ở Ukraine hoặc Yemen trước đó khá lâu được những người tạo tin giả “đóng vai” dân vùng chiến sự đưa lên mạng. Báo chí chính thống - trong đó có nhiều báo ở Việt Nam - không có cơ hội thẩm định nên đã bị “việt vị”. Bức ảnh Lê Minh Châu và ngôi sao mang dòng chữ “Chau Beyond The Lines” trên Đại lộ Danh vọng gây hiểu lầm cho các nhà báo. Ảnh: TGCC Chiều 12/11/2018, nhiều website báo chí có uy tín đồng loạt gỡ một thông tin vừa đăng lúc sáng. Có báo ngay sau đó phải đăng lời xin lỗi bạn đọc. Sự cố gỡ bài này không xuất phát từ yêu cầu của cơ quan quản lý mà do chính các báo nhận ra họ bị tin giả từ một bức ảnh trên Facebook cá nhân. Trước đó, họa sĩ Lê Minh Châu đăng lên trang của mình bức ảnh anh đứng trước ngôi sao trên Đại lộ Danh Vọng có dòng chữ “Chau Beyond The Lines” (Châu, chàng trai vượt qua giới hạn) - tên bộ phim tài liệu ngắn của đạo diễn Courtney Marsh nói về cuộc đời anh. Bức ảnh này thành đề tài báo chí “Nghệ sĩ Việt đầu tiên có tên trên Đại lộ danh vọng Hollywood”. Thao tác thẩm định chưa tốt khiến nhiều tờ báo ở Việt Nam cũng vô tình thành nạn nhân của tin giả chia sẻ trên mạng. Thực ra, cho đến nay, tuy Đại lộ Danh Vọng Hollywood đã vinh danh hơn 2.600 nghệ sĩ trên toàn thế giới bằng những ngôi sao được gắn tên trải dài trên đại lộ Hollywood và phố Vine tại Hollywood, California nhưng chưa hề có tên một nghệ sĩ Việt Nam nào. Bức hình của họa sĩ Lê Minh Châu đăng trên Facebook cá nhân thực ra do anh chụp khi đi du lịch đến đây. Tại Đại lộ Danh Vọng ở Hollywood, để thu hút du khách, người ta tổ chức một dịch vụ rất thú vị: gắn tên tạm thời lên ngôi sao còn trống để chụp hình. Chỉ cần bỏ ra khoảng 500 nghìn đồng là ta có một bức ảnh như thế để làm kỷ niệm vui. Những ví dụ như thế rất nhiều. Trong cái biển thông tin xô bồ, phức tạp trên mạng xã hội hôm nay, tin giả lẫn lộn trong những món ăn tinh thần của cộng đồng và không phải ai cũng đủ năng lực để biết được đâu là thông tin đáng tin cậy và đâu là tin đồn, thông tin giả. Liệu các nhà báo có hay chia sẻ những thông tin thiếu trách nhiệm? Ảnh: TL Cần ứng xử chuyên nghiệp Những thông tin không dựa trên sự thật khách quan, hoặc chỉ dựa trên một phần sự thật, dẫn dụ cộng đồng nhìn nhận vấn đề một cách sai lệch hoặc hoàn toàn trái với sự thật lúc nào cũng có, nhưng trong kỷ nguyên số, nó trở nên cực kỳ nguy hiểm, khó lường. Có nhiều thông tin giả được cố ý đưa ra nhằm phục vụ một nhóm lợi ích, hoặc bị vô ý lan tỏa từ các kênh truyền thông (kể cả chính thống và mạng xã hội) do thiếu kiểm chứng thông tin hoặc phù hợp niềm tin mù quáng của người đưa tin. Trong khi đó, các thành viên mạng xã hội không chỉ thụ động đọc, nghe, xem mà còn có cơ hội chia sẻ, phát tán, bình luận. Một người bình thường chia sẻ thông tin sai sự thật cũng gây ảnh hưởng xấu, huống chi là nhà báo. Công chúng bình thường tin vào năng lực thẩm định thông tin của các thành viên mạng là nhà báo như những người dẫn dắt dư luận (influencer, KOL). Vì thế, ứng xử của nhà báo trên mạng xã hội phải là ứng xử có trách nhiệm, có tính chuyên nghiệp. Nhà báo phải có đôi mắt tinh tường để nhận rõ một thông tin: Nó phục vụ ai? Phương thức thu thập và xử lý thông tin đó như thế nào: có xác minh độc lập, có công bằng, khách quan không? Ai là người cung cấp thông tin ấy? Nguồn tin là ai, cơ quan, tổ chức nào? Tác động, kết quả của thông tin ấy ra sao? Nhà báo cần tự đặt câu hỏi trước khi chia sẻ những thông tin trên mạng: Thông tin này có đúng sự thật không? Có cần thiết không? Có tử tế, có nhân văn không? Ảnh: TL Ở một cấp độ khác, nhà báo phải góp phần cùng cộng đồng để đấu tranh với tin tức sai sự thật, bởi đây là cuộc đấu tranh cam go không chỉ bằng các giải pháp pháp lý, kỹ thuật, không chỉ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà là của từng người dân, không chỉ bằng việc thông tin đúng sự thật mà còn phải vạch trần thông tin xấu... Nhà báo là người hoạt động báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng có đủ năng lực phân tích, đủ năng lực làm người tiêu dùng tin tức thông minh. Vì sao? Vì tin giả ngày nay được thực hiện cực kỳ tinh vi với sự hỗ trợ của công nghệ, phần mềm. Nếu chưa đủ năng lực thẩm định một bức ảnh, đoạn video hay bài báo nào đó, chúng ta cũng không làm một việc sai trái: chia sẻ thiếu trách nhiệm. Và đó cũng là một trong những nội dung mà Bộ quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam quy định./. Phan Văn Tú (Theo nguoilambao.vn)