HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN ------------------ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ---------------- Hà Nội, ngày tháng 01 năm 2017 BÁO CÁO TÌNH TRẠNG VIỆC LÀM CỦA SINH VIÊN TỐT NGHIỆP NĂM 2015 Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo Căn cứ theo công văn số 4806/BGDĐT-GDĐH của Bộ Giáo dục và Đào tạo v/v Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tiến hành khảo sát sinh viên tốt nghiệp năm 2015. Báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp trình bày phương pháp và quy trình khảo sát, kết quả khảo sát và những đề xuất, khuyến nghị để cải tiến chất lượng đào tạo. I.Giới thiệu 1. Mục tiêu Khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp, khả năng tham gia vào thị trường lao động, và phản hồi của sinh viên tốt nghiệp về chương trình đào tạo là một kênh đánh giá quan trọng hiệu quả của các chương trình đào tạo của Học viện, là cơ sở để điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, cơ cấu ngành đào tạo; điều chỉnh, bổ sung, cải tiến nội dung chương trình giảng dạy nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm. 2. Phạm vi khảo sát Nghiên cứu tập trung đánh giá tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp, khu vực làm việc, và mức độ đáp ứng của nội dung, mục tiêu, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá và các hoạt động hỗ trợ học tập thông qua khảo sát sinh viên tốt nghiệp. Nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định lượng là chủ đạo, kết hợp với phương pháp nghiên cứu định tính. Nghiên cứu không thu thập thông tin phản hồi từ các nhà tuyển dụng. 3. Đối tượng khảo sát Đối tượng nghiên cứu là sinh viên tốt nghiệp năm 2015 từ các chương trình đào tạo bậc đại học chính quy của Học viện.Tuy trên, trên tổng số 1432 sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2015 được khảo sát, chỉ 181 sinh viên trả lời khảo sát, chiếm 12.6% số phiếu phát ra. 4. Phương pháp khảo sát Nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát định lượng và định tính. Phương pháp định lượng được tiến hành thông qua bảng hỏi khảo sát sinh viên tốt nghiệp. Phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện sử dụng các câu hỏi mở để người tham gia trả lời đưa ra những nhận xét, quan điểm, cung cấp thông tin, v.v. Công cụ nghiên cứu: Bảng hỏi khảo sát sinh viên tốt nghiệp bao gồm 03 nội dung lớn. Thông tin chung về người tham gia trả lời: Phần này cung cấp thông tin cá nhân về người tham gia trả lời, bao gồm giới tính, năm tốt nghiệp, chuyên ngành đào tạo, chương trình đào tạo, trình độ đào tạo, và thông tin liên lạc. Thông tin về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp: Phần này yêu cầu người tham gia trả lời cung cấp thông tin về tình trạng việc làm, cụ thể là có việc hay chưa, khu vực làm việc (nhà nước, tư nhân, liên doanh, v.v.), tính chất công việc, lý do chưa có việc hoặc đang tiếp tục học nâng cao trình độ. Đánh giá của sinh viên tốt nghiệp về chương trình đào tạo, bao gồm: 1.Mức độ đáp ứng của các kiến thức, kỹ năng được đào tạo đối với yêu cầu công việc; 2. Mức độ đáp ứng của nội dung, cấu trúc chương trình 3. Mức độ đáp ứng của phương pháp giảng dạy; 4. Đánh giá về phương pháp, nội dung kiểm tra đánh giá tương thích với CĐR; 5. Đánh giá về công tác hỗ trợ đào tạo. Thang đánh giá: Các nội dung được đánh giá theo thang từ 1 -5 (1 -mức thấp nhất; 5 – mức cao nhất). Mỗi nội dung đều chứa các câu hỏi mở, yêu cầu người tham gia trả lời cung cấp thông tin, đưa ra nhận định và đề xuất để cải tiến chương trình. Các phiếu khảo sát được thiết kế theo nguyên tắc khuyết danh, đảm bảo tính khách quan, chính xác. 5. Phân tích dữ liệu Dữ liệu định lượng được phân tích sử dụng phần mềm SPSS để thống kê tần suất, tỉ lệ trung bình. Dữ liệu định tính từ các câu hỏi mở được phân tích, tổng hợp bằng cách mã hoá. 6. Quy trình tiến hành khảo sát - Trung tâm KT & ĐBCLĐT xây dựng Kế hoạch khảo sát sinh viên tốt nghiệp và thông qua Ban Giám đốc Học viện duyệt. - Ban Giám đốc Học viện giao cho Bộ phận Đảm bảo chất lượng, Trung tâm khảo thí và Đảm bảo Chất lượng Đào tạo KT & ĐBCLĐT) xây dựng đề cương nghiên cứu khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và phản hồi của sinh viên tốt nghiệp về chương trình đào tạo tại Học viện. - Trung tâm KT & ĐBCLĐT xây dựng Bộ công cụ là phiếu khảo sát sinh viên tốt nghiệp. - Thu thập dữ liệu:Trung tâm KT & ĐBCLĐT gửi các phiếu khảo sát (qua email) tới các sinh viên đã tốt nghiệp từ năm 2015; thời hạn trả lời là 2 tuần từ ngày gửi phiếu khảo sát. Phiếu trả lời được gửi tới email của Trung tâm KT & ĐBCL, Học viện Báo chí và tuyên truyền. Việc gửi và nhận phiếu khảo sát đảm bảo tính bảo mật thông tin. - Phân tích dữ liệu và viết báo cáo: Trung tâm KT & ĐBCLĐT tiến hành xử lý kết quả khảo sát, nhập dữ liệu, phân tích và viết báo cáo kết quả khảo sát. - Trung tâm KT & ĐBCLĐT phản hồi kết quả khảo sát tới Ban Giám đốc Học viện và các bên liên quan. - Đăng tải báo cáo khảo sát lên website của Học viện và gửi báo cáo tới Bộ Giáodục và Đào tạo. II.Kết quả khảo sát Báo cáo phân tích kết quả tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp theo 03 tiêu chí: có việc làm, chưa có việc làm, chưa có việc và đang học nâng cao trình độ. Báo cáo phân tích tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp theo 03 khu vực: Nhà nước, tư nhân, liên doanh và nước ngoài. Trên cơ sở tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và những phản hồi của sinh viên về chương trình đào tạo, báo cáo đưa ra đề xuất để điều chỉnh cơ cấu tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy, công tác hỗ trợ đào tạo và kiểm tra đánh giá.Báo cáo kết quả dựa trên tổng số 180 sinh viên tốt nghiệp đại học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2015 trả lời khảo sát. 1. Tình trạng việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp Kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền là 90%. Trong đó, một số ngành đào tạo sinh viên có tỉ lệ việc làm tuyệt đối: Quan hệ quốc tế (100%), Quan hệ công chúng (100%)và Xuất Bản (100%); một số ngành khác sinh viên tốt nghiệp có tỉ lệ việc làm cao trên 90% bao gồm: Báo chí (94, 5 %), Biên dịch tiếng Anh (93,75%). Đối với các ngành còn lại, tỉ lệ việc làm của sinh viên dao động từ 76 % tới 86%, bao gồm: Chính trị học (76,7 %) Triết (80%), Xã hội học (83,3 %), Kinh tế (86,7%). Đối với ngành Lịch sử đảng, số lượng sinh viên trả lời quá ít (2/56) nên tỉ lệ việc làm không mang tính đại diện. Khu vực làm việc: Sinh viên tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền làm chủ yếu trong khu vực tư nhân (60%), cao gấp đôi khu vực nhà nước (30%), và chỉ 10% làm việc trong khu vực liên doanh, nước ngoài. Trong đó, một số ngành có tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trong khu vực nhà nước cao trên 50% như Báo chí (50%), Biên dịch tiếng Anh (78%). Đối với các ngành còn lại, tỉ lệ việc làm ở khu vực tư nhân cao hơn khu vực nhà nước. Cụ thể, Chính trị học (57%), Kinh tế (66%), Xuất bản (72.7%) và đặc biệt là Quan hệ công chúng (90.4%). Sinh viên tốt nghiệp các ngành như Kinh tế, Biên dịch tiếng Anh, Xã hội học, Triết, Quan hệ công chúng và Báo chí cũng tham gia làm việc trong khu vực liên doanh, nước ngoài. 2. Phản hồi về chương trình đào tạo 2.1.Mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình Về mức độ đáp ứng của mục tiêu, chuẩn đầu ra của các chương trình đối với yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường lao động: Đa số cựu sinh viên được khảo sát cho rằng kiến thức, kỹ năng được đào tạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Cụ thể, 8 % cho rằng kiến thức, kỹ năng được đào tạo đáp ứng rất tốt yêu cầu công việc; 60 % sinh viên được khảo sát cho rằng các chuẩn đầu ra về mặt kiến thức& kỹ năng trong chương trình đáp ứng tốt yêu cầu của công việc; 26 % phân vân; 5% cho rằng kiến thức đáp ứng được rất thấp và 1% cho rằng kiến thức & kỹ năng được đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Các chương trình đào tạo của Học viện đã phát triển cho sinh viên thuộc các chuyên ngành rất nhiều kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, giúp sinh viên ra trường có thể tự tin hội nhập vào môi trường làm việc chuyên nghiệp: các kỹ năng tư duy lập luận ngành, kỹ năng tư duy và thực tế nghề nghiệp, kỹ năng nghiên cứu, tự học, kỹ năng ngoại ngữ và tin học. Cựu sinh viên đề xuất tăng cường bổ sung các kỹ năng mềm như kỹ năng phỏng vấn, xin việc, kỹ năng giao tiếp công sở, v.v. Các kỹ năng tư duy, thực hành nghề nghiệp tuy đã được cung cấp tương đối đầy đủ nhưng cần phảithường xuyên cập nhật, bổ sung và tăng cườngđể bám sát với thực tếvà đón đầu nhu cầu của thị trường lao động. 2.2.Cấu trúc nội dung chương trình đào tạo 70 % cựu sinh viên được khảo sát cơ bản đồng ý rằng cấu trúc các chương trình đào tạo là hợp lý, tỉ trọng giữa khối lượng kiến thức đại cương, ngành, chuyên ngành và thực tế, thực tập là phù hợp. Tuy nhiên, 26 % số sinh viên được khảo sát vẫn còn phân vân giữa tính hợp lý và chưa hợp lý của cấu trúc chương trình đào tạo và 4% số sinh viên được khảo sát cho rằng cấu trúc chương trình đào tạo cần được điều chỉnh. Cựu sinh viên nhận định chương trình đào tạo đã bao gồm các nội dung lý thuyết và thực hành tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, cựu sinh viên có đề xuất giảm khối lượng kiến thức các môn đại cương để tăng thời lượng cho các môn chuyên ngành, nhằm trang bị tốt hơn các kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên. Thời lượng dành cho các hoạt động thực tế, thực tập cũng cần được tăng cường. 2.3. Phương pháp giảng dạy Trong những năm gần đây, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực người học, lấy người học làm trung tâm. Trên 50% sinh viên đồng ý với nhận định phương pháp giảng dạy mang tính tương tác cao, khuyến khích sự tham gia tích cực của người học vào quá trình học; các hoạt động học tập đa dạng, phát triển các kỹ năng tư duy và thực tế nghề nghiệp. Tuy nhiên, cựu sinh viên cũng đề xuất một số môn lý luận cần giảm lý thuyết, các môn học cần tăng cường tổ chức các hoạt động học tập phát triển tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo. 2.4.Kiểm tra đánh giá Công tác kiểm tra đánh giá của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng được cựu sinh viên đánh giá tương đối tốt. 66% cựu sinh viên nhận định hoạt động kiểm tra đánh giá được đánh giá được các kỹ năng Chuẩn đầu ra. Các hình thức kiểm tra đánh giá đa dạng bao gồm kiểm tra đánh giá quá trình học tập và kết quả học tập của sinh viên. Tuy nhiên, một số cựu sinh viên đề xuất cần tăng cường thêm đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập của sinh viên nhằm tạo động lực kích thích tính tích cực của sinh viên trong học tập. Đồng thời, cựu sinh viên cũng đề xuất tăng cường kiểm tra đánh giá sản phẩm thực tế, kỹ năng thực hành cho sinh viên. 2.5.Công tác hỗ trợ đào tạo Đa số cựu sinh viên hài lòng với công tác hỗ trợ đào tạo, bao gồm cơ sở vật chất (giảng đường, phòng học, hệ thống chiếu sáng, v.v.), trang thiết bị, CNTT và thư viện. Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã quan tâm đầu tư đến cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ dạy học: phần lớn các phòng học, giảng đường đã được trang bị máy chiếu, hệ thống loa đài phục vụ giảng dạy; wifi miễn phí; có studio cho sinh viên thực hành; thư viện thường xuyên được sổ sung các đầu sách mới. Cựu sinh viên đề xuất xây dựng thư viện trực tuyến, kết nối với các thư viện trong và ngoài nước nhằm mở rộng nguồn tài liệu tham khảo trong nước và quốc tế cho các chuyên ngành, phục vụ học tập và nghiên cứu. III. Kết luận Khảo sát sinh viên tốt nghiệp về tình trạng việc làm và phản hồi của sinh viên tốt nghiệp về chương trình đào tạo là một kênh quan trọng giúp nhà trường xem xét hiệu quả đào tạo, làm căn cứ để điều chỉnh quá trình đào tạo. Tuy nhiên, do số lượng sinh viên trả lời khảo sát chiếm tỉ lệ thấp, kết quả khảo sát chưa mang tính đại diện. Việc điều chỉnh chỉ tiêu, cơ cấu đào tạo cần phải dựa trên dữ liệu khảo sát qua nhiều năm, chứ không chỉ dựa trên kết quả khảo sát của 1 năm. Kết quả khảo sát cho thấy, sinh viên tốt nghiệp các ngành đào tạo bậc đại học ở Học viện Báo chí và tuyên truyền có tỉ lệ việc làm cao, làm việc phân bổ ở cả ba khu vực: nhà nước, tư nhân và liên doanh, nước ngoài. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cần tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo, giảm khối lượng lý thuyết, đưa các nội dung thực hành sát với yêu cầu của nhà tuyển dụng và thị trường lao động, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát triển các kỹ năng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và sáng tạo, kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ và tin học. Hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng cần được điều chỉnh để tăng cường đánh giá quá trình và đánh giá năng lực người học. Nơi nhận: + Như kính gửi + Ban Giám đốc (để báo cáo) + Lưu TT KT& ĐBCLĐT. GIÁM ĐỐC (Đã ký và đóng dấu) PGS.TS Trương Ngọc Nam