Khảo sát 40 tác phẩm truyền hình về đề tài biến đổi khí hậu của Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long và Kênh VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) trong 3 tháng 6, 7, 8 năm 2013.Trong đó, Đài Truyền hình Vĩnh Long có 13 tin, 2 chương trình chuyên đề, và 3 chương trình Dự báo thời tiết.VTV1 có 14 Tin, 6 chương trình chuyên đề và 2 chương trình Dự báo thời tiế 40 tác phẩm xoay quanh đề tài Biến đổi khí hậu với các chủ đề: Hội nghị của các cấp ngành về chống Biến đổi khí hậu; Các hoạt động chống Biến đổi khí hậu trong cộng đồng; Các mô hình kinh tế - công nghệ chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; Những kết quả và báo cáo mới nhất về thực trạng biến đổi khí hậu; Những thiệt hại do Biến đổi khí hậu gây nên; Tình hình thời tiết cực đoan tại một số địa phương… Có thể nói, các tác phẩm đã bao quát những vấn đề cơ bản nhất về Biến đổi khí hậu, từ thực trạng – nguyên nhân – giải pháp, 40 tác phẩm đã mang lại một cái nhìn tương đối hoàn chỉnh về Biến đổi khí hậu, cung cấp những kiến thức cơ bản, tác động nhất định đến nhận thức của người dân. Nhiều tác phẩm chọn được những chủ đề đặc sắc, ấn tượng, có khả năng thu hút như: phát minh chiếc tủ lạnh bằng đất sét không dùng điện với giá thành rẻ ở Ấn Độ, phóng sự về dịch hại mới trên cây ăn trái ở các tỉnh phía Nam, hiệu quả và lợi ích của việc áp dụng công nghệ sinh thái trong nông nghiệp, thời trang tuyên truyền chống Biến đổi khí hậu và Bảo vệ môi trường… Hầu hết các tác phẩm đều lựa chọn được những chi tiết sinh động, số liệu cụ thể về Biến đổi khí hậu và những vấn đề liên quan, thể hiện qua các hình ảnh ấn tượng, ngôn ngữ giàu sức biểu cảm…mang lại những tác động nhất định tới nhận thức của công chúng về Biến đổi khí hậu.Tuy nhiên, ở mỗi thể loại chương trình còn tồn tại những hạn chế cả về nội dung và hình thức: thông tin chưa thực sự thiết thực, sâu sắc, ngôn từ còn khô khan, hình ảnh kém phong phú, phân bổ thời lượng chưa hợp lý… 1. Chất lượng tác phẩm 1.1 Về các chương trình thời sự: Các tin tức, bài phản ánh trong chương trình thời sự của Đài Vĩnh Long và VTV1 đã cơ bản bao quát được các sự kiện quan trọng liên quan đến Biến đổi khí hậu, với những số liệu cụ thể.Nhiều tin tức của Đài Vĩnh Long mang tính tuyên truyền cao, nêu gương người tốt việc tốt, các mô hình trong chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường tại chính địa phương như: Phản ánh về việc xây dựng nông thôn mới ở xã Hiếu Phụng, Phản ánh Vĩnh Long nâng cao công tác phòng chống lụt bão tại cơ sở, Tin Trường Tiểu học An Phước A trồng 60 cây sao…Tuy vậy, 13 tin của Đài Phát thanh – Truyền hình Tỉnh Vĩnh Long chủ yếu là tin về các Hội nghị với nội dung khô cứng, mang tính tuyên truyền, giáo điều, theo mô típ “Ngày…, tại…, diễn ra Hội thảo về….. Tham dự Hội thảo có….. Tại hội thảo, ông/bà phát biểu rằng….”. Nếu xét theo tâm lý tiếp nhận của công chúng, thì những tin này ít mang lại hiệu quả thông tin, bởi công chúng thường có xu hướng quan tâm tới những vấn đề gần gũi và liên quan trực tiếp tới mình, ít quan tâm tới các Hội nghị, họp hành của các lãnh đạo… Một số tin của VTV1 cũng nặng nề với những thông tin khô cứng, nặng tính tuyên truyền. Ví dụ như tin: Tổng Bí thư kí Nghị quyết về môi trường ngày 6/6 dài 5phút 40 giây và tin Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ ngày 26/7 dài gần 12 phút, tóm lược, đọc lại nội dung các văn bản nghị quyết, tuyên bố, dài và nặng nề, sẽ khó có khán giả nào đủ kiên nhẫn để nghe hết, xem hết tin. Trong khi đó, thực trạng và những hệ lụy của Biến đổi khí hậu là vấn đề cần được tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức của người dân thì còn ít được chú trọng. Trong 40 tin bài, chỉ có vài tin nói về chủ đề này. Đó là các tin của Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long ngày 20/6, 4/7 và 25/7. Các tin này hầu hết lại là tin dịch từ nguồn tài liệu nước ngoài, và lấy số liệu từ các báo cáo quốc tế, chưa thực sự sát thực với Việt Nam, chưa nêu ra được những ảnh hưởng cụ thể tới nước ta, chưa làm nổi bật được tính cấp thiết của việc chống Biến đổi khí hậu. Ví dụ tin ngày 20/6: “sẽ có 20% diện tích Thái Lan chìm trong bể nước…” vì mực nước biển dâng do Biến đổi khí hậu. Thay vi đưa tin về nước bạn, Đài Vĩnh Long có thể chọn cách thông tin thiết thực hơn khi gắn với những con số của Việt Nam, và của tĩnh Vĩnh Long. Trong khi đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Kông bị ngập chìm nặng nhất. Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. BĐKH thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 3oC và mực nước biển có thể dâng 1 m vào năm 2100. Nếu mực nước biển dâng 1 m, khoảng 40 nghìn km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hầu như hoàn toàn… Đồng thời BĐKH cũng là nguyên nhân liên quan đến các bệnh dịch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, chứ không phải chỉ dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan… Thiết nghĩ, truyền thông trước hết phải giúp cho người dân nhận thức được: Biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những những hậu quả nặng nề, mang lại những nguy cơ hiện hữu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ, chứ không phải vấn đề gì xa xôi, của tương lai, hay chung chung mơ hồ… Từ việc nhận thức được điều này, người dân sẽ tự nguyện tham gia, và hưởng ứng những biện pháp chống Biến đổi khí hậu được đưa ra. Xét về tính thời sự, hầu hết các tin của VTV1 đều là sự kiện trong ngày, hoặc sắp diễn ra, tính thời sự cao. Trong khi các tin của Đài PT-TH Vĩnh Long tính thời sự chưa cao do luôn đưa tin chậm hơn 1 đến 2 ngày so với thời điểm sự kiện diễn ra. Một điểm lưu ý về việc sử dụng, trích dẫn và đăng tải lời nói nhân chứng trong tin tức. Lời nói của nhân chứng là yếu tố tạo ra tính xác thực, tạo ra sự sinh động hấp dẫn cho tác phẩm. Về điểm này, các tin tức và phản ánh của VTV1 thực hiện tương đối tốt. Hầu hết các tin bài của VTV1 đều có sử dụng lời nhân chúng, dù tin đó thời lượng chỉ hơn 1 phút. Lời nhân chứng cũng được sử dụng dưới các hình thức phong phú: chủ yếu là phỏng vấn, hoặc đối với các tin Hội nghị, thì đó có thể trích đăng bài phát biểu, tham luận của một Lãnh đạo, cán bộ tại Hội nghị…tạo nên sự sinh động, hấp dẫn, và xác thực, khách quan cho thông tin. Trong khi đó, trong hầu hết các tin của Đài Vĩnh Long (không nói tới bài phản ánh) đều không có lời nhân chứng. Từ đầu đến cuối tin chỉ là giọng MC, Phát thanh viên, đơn điệu và khô cứng. Các ý kiến đánh giá của nhân vật cũng được tường thuật gián tiếp lại qua ngôn ngữ của biên tập và giọng đọc của MC, ít nhiều mất đi tính khách quan và hấp dẫn của thông tin. Về thời lượng, trong khi Đài Vĩnh Long phân bổ thời lượng cho tin, bài phản ánh tương đối hợp lý (Tin thường từ 1 đến 2 phút, bài phản ánh từ 3 đến 5 phút, thời lượng như vậy là phù hợp với tâm lý tiếp nhận của đông đảo công chúng), thì VTV1 lại thường để những tin rất dài. Một số tin từ 3 đến 5 phút, có tin lên đến gần 12 phút, như tin về Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ ngày 26/7. Đây chủ yếu là các tin liên quan đến nguyên thủ quốc gia, có tính chính trị cao, nên việc dành thời lượng lớn có thể được chấp nhận. Nhưng điều đáng nói là đa số các tin này hình ảnh đều đơn điệu, thông tin khô khan (Trong hầu hết 12 phút của tin, hình ảnh là bảng chữ nội dung Tuyên bố, kèm theo âm thanh là lời đọc của MC, không sinh động và khó tiếp nhận). Về vị trí các tin, bài trong chương trình thời sự. Thường các tin Hội thảo, có sự tham gia của Lãnh đạo cấp cao, hoặc các Bộ ngành thường được đặt ở phần đầu chương trình. Các tin về cơn bão khẩn cấp cũng được đặt ở đầu chương trình – một thời điểm thuận lợi. Một số tin về Khoa học – công nghệ liên quan đến Biến đổi khí hậu và môi trường thường đặt ở cuối chương trình… Nhưng dù đứng đầu hay cuối hay bất kì vị trí nào, khi được đặt trong chương trình Thời sự chính, phát sóng vào khung giờ vàng của các Đài truyền hình (chương trình với số lượng khán giả lớn), thì hiệu quả tác động của các tác phẩm này tương đối cao. Về ngôn ngữ sử dụng: Ngôn ngữ trong chương trình thời sự của Đài Vĩnh Long mang tính khuôn mẫu cao, ảnh hưởng bởi tính chất tuyên truyền của báo Đảng địa phương. Ngôn ngữ hình ảnh còn hạn chế, chưa ấn tượng. Một số tin hình ảnh đơn điệu: Ví dụ như tin Huyện Chợ Ôm đưa vào sử dụng 7 trên 8 công trình thủy lợi, ngày 7/8, từ đầu đến cuối tin chỉ là hình ảnh chiếc máy xúc đang thi công… Trong khi một số tin tức thời sự của VTV1 có sử dụng ngôn ngữ giàu tính biểu cảm hơn. Cách viết lời dẫn (tương đương với phần sapo trên báo chí) của VTV1 cũng sáng tạo và hấp dẫn hơn. Ví dụ: cùng là tin Hội nghị, Đài Vĩnh Long thường đưa theo lối mòn, công thức “nêu lý do,ý nghĩa, giới thiệu thành phần tham dự…” (như đã phân tích ở trên), nặng tính giáo điều… thì một số tin của VTV1 đã không đi theo lối mòn này, mà sử dụng cách rút ra thông điệp hoặc thông tin quan trọng, có liên quan trực tiếp tới lợi ích của người dân…đưa lên đầu, khiến thông tin mềm mại và hấp dẫn hơn. Ví dụ: Khi đưa tin về Lễ mít tinh hưởng ứng ngày môi trường thế giới, thay vì viết theo công thức “Sáng nay, tại thành phố Huế, Bộ Tài nguyên và môi trường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6. Tham dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân…”, thì tin của VTV1 có lời dẫn như thế này: “Với chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm”, hôm nay, cùng với 150 quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6. Mít tinh quốc gia hưởng ứng sự kiện này được Bộ Tài nguyên và môi trường. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhân dân Tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tham dự buổi lễ. Phóng viên Mạnh Cường đưa tin từ thành phố Huế…” Một hình thức thông tin tương đối hấp dẫn hay được VTV1 sử dụng trong các tin bài thời sự đó là sự xuất hiện của phóng viên hiện trường (cả trực tiếp và gián tiếp), trong trường hợp trực tiếp thì kèm theo sự kết nối với trường quay. Sự xuất hiện của phóng viên tại nơi xảy ra sự kiện, với tất cả hậu cảnh đằng sau người phóng viên đứng và âm thanh hiện trường đã tạo nên một tầng thông tin thứ 2 từ thông tin được cung cấp bởi phóng viên, tạo nên sự sinh động, xác thực, đầy hơi thở của sự kiện. Và khi thực hiện hình thức kết nối giữa trường quay và hiện trường, thì thông tin càng sống động hơn bao giờ hết, bởi nó trực tiếp, nóng hổi tính thời sự. Có thể nói, trong các tin về bão lụt, VTV1 thường áp dụng hình thức này và tương đối thành công. Trong các tin bài được khảo sát ở đây, có thể lấy ví dụ tin về cơn bão số 6 trong chương trình Thời sự 19h của VTV1 ngày 7/8. Đây là một chùm tin dài gần 15 phút, bao gồm các set: tin dự báo, tin họp Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, Thông báo Công điện phòng chống bão, Phản ánh công tác phòng chống bão ở các địa phương, và kết nối trực tiếp với phóng viên tại 2 tỉnh Nam Định và Hải Phòng. Tất cả các nội dung trên được kết nối lại với nhau qua lời dẫn của MC tại trường quay. Đáng chú ý là 2 set dẫn hiện trường trực tiếp: khán giả thu nhận được thông tin về độ mạnh của cơn bão, cảm nhận sức gió không chỉ qua những miêu tả, những lời nói của phóng viên, mà còn qua việc quan sát thấy hoàn cảnh, điều kiện tại nơi phóng viên đó đang tác nghiệp, cảm nhận thấy qua âm thanh tín hiệu bị ngắt quãng do mất sóng… Tính trực tiếp còn thể hiện qua những câu hỏi giao lưu giữa MC trường quay và phóng viên hiện trường…tạo nên sự sống động cho tác phẩm. Bên cạnh đó, VTV1 cũng cố gắng sử dụng phương thức thông tin đa phương tiện, để truyền tải thông tin hiệu quả nhất tới công chúng. Biểu hiện: bên cạnh hình ảnh, âm thanh (lời nói, tiếng động), thì chữ viết cũng được sử dụng dưới nhiều hình thức (hiển thị nội dung các công văn, thông báo trên màn hình song song với lời đọc của MC; hiển thị tít, nội dung chính của tin phía dưới màn hình. Và một số tin (đặc biệt các tin về bão lũ) còn có sử dụng các hình đồ họa… Trong đó, hình thức hiển thị tít tin dưới mỗi tin có thể nói là một cách làm thông minh, thu hút sự chú ý của khán giả tới nội dung tin, và giúp cho khán giả nắm được chủ đề tư tưởng của thông tin, nắm bắt thông tin dễ dàng và trọn vẹn hơn. Các tít này cũng thường được viết ngắn gọn, trúng nội dung, và hấp dẫn. 1.2 Về các chương trình chuyên đề 2 chương trình chuyên đề của Đài Vĩnh Long và 6 chương trình chuyên đề của VTV1 có chủ đề hấp dẫn, nội dung thông tin tương đối sâu sắc, mang tính khoa học, thiết thực, hữu ích: cách đối phó với loài sâu bệnh mới hại cây trồng; lợi ích của giải pháp công nghệ sinh thái trong nông nghiệp; nguyên nhân – giải pháp cho các hiện tượng thời tiết cực đoan như sương mù quang hóa, sa mạc hóa… Chương trình “24h Sống xanh” của VTV1 được xây dựng theo hình thức truyền hình thực tế. Mỗi tập phim có thời lượng 5 phút, hàm chứa một câu chuyện giản dị: tác phẩm nghệ thuật trừu tượng làm từ phế liệu ở Đảo Khỉ, bảo tồn sinh thái ở sân chim Vàm Hồ - Bến Tre... Các thông tin, kiến thức, kinh nghiệm về bảo vệ thiên nhiên, môi trường Việt Nam được soi rọi qua cái nhìn và sự trải nghiệm rất riêng của những nhân vật rất đỗi gần gũi và đời thường. Những thông điệp về bảo vệ môi trường được lồng ghép khéo léo trong từng câu chuyện tạo nên sự tự nhiên, nhẹ nhàng mà vẫn không kém phần hấp dẫn. Việc lựa chọn Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân là gương mặt làm đại sứ cho "24h Sống xanh", trong vai trò dẫn chuyện cũng tạo ra được sức thu hút của chương trình này, giúp nâng cao hiệu quả tác động tới công chúng. Một số tác phẩm đã lựa chọn được những chi tiết có sức nặng, có tính thuyết phục cao. Ví dụ trong phóng sự về việc sử dụng công nghệ lạc hậu tác động xấu đến môi trường, trong chương trình “Công nghệ và đời sống” ngày 25/8 của VTV1 đã đưa ra được những chi tiết, con số báo động từ nguồn xác thực: theo báo cáo của UB phòng chống lụt bão trung ương, thiệt hại do thiên tai về tài sản trong 5 năm qua ước tính gần 74 nghìn tỉ đồng; cơn bão số 2 làm hư hại nhiều héc-ta hoa màu, thủy sản; hơn 60% rác thải ở nông thôn, 16% rác thải ở thành thị, hơn 60% rác thải ở các khu công nghiệp đang xả ra môi trường mỗi ngày không qua xử lý… Với những hình ảnh rất ấn tượng về bão lũ, hạn hán. Ngoài ra, dù chỉ là điểm qua, nhưng phóng sự này cũng chỉ ra 3 hành động của con người đang là nguyên nhân tàn phá môi trường, dẫn đến biến đổi khí hậu: chặt phá rừng, xả rác, và khai thác khoáng sản bừa bãi; đồng thời khẳng định được Biến đổi khí hậu là hiện tượng do con người gây ra. Một số phóng sự sử dụng ngôn ngữ có tính biểu cảm cao. Các bài phỏng vấn trong “24h sống xanh” với hệ thống câu hỏi rõ ràng, đầy đủ nội dung. Tuy nhiên, trong các phóng sự, một số đoạn phỏng vấn còn dài dòng, ít thông tin: VD như trong chương trình Công nghệ sinh thái ngày 13/7 của Đài Vĩnh Long có sử dụng 2 đoạn phỏng vấn ông Nguyễn Văn Sáu - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật Vũng Liêm trong, dài tới hơn 1 phút và gần 2 phút, thông tin lặp lại, dễ gây nên sự nhàm chán cho khán giả. Thông thường, các trích đoạn phỏng vấn nên dưới 1 phút, ngắn gọn, súc tích. Hoặc đối với phỏng vấn dài thì nên chèn các đoạn hình ảnh cung cấp thông tin bổ sung. Còn những chương trình thiếu tính sinh động như chương trình “24h Sống xanh” ngày 19/7 về Hiện tượng sương mù quang hóa chỉ vẻn vẹn một bài phỏng vấn chuyên gia tại trường quay. Mặc dù nội dung thông tin rất bổ ích và đầy đủ, nhưng nếu như chương trình có thêm một clip minh họa về hiện tượng sương mù quang hóa ở Hà Nội, với những hình ảnh thật, thời gian cụ thể…thì khán giả sẽ tưởng tượng rõ ràng hơn về hiện tượng này. Nội dung phóng sự của Đài Vĩnh Long: chưa nêu được mối liên hệ giữa các loại dịch hại mới với biến đổi khí hậu. Chỉ dừng lại ở việc chỉ ra các biện pháp đối phó một cách bị động với dịch hại mới cho bà con nông dân, chưa chỉ ra được phương pháp chủ động phòng chống với dịch hại cây trồng mà nguyên nhân sâu xa là từ Biến đổi khí hậu. Một số hạn chế về sử dụng hình ảnh và âm nhạc: chương trình chuyên đề ngày 6/7 của Đài Vĩnh Long về dịch hại cây trồng sử dụng nhạc nền chưa phù hợp với nội dung (nhạc khá tươi vui trên nội dung về dịch bệnh mới gây thiệt hại cho cây ăn trái ở các tỉnh Nam Bộ), chương trình chuyên đề 13/7 của Đài này về Công nghệ sinh thái sử dụng một số hình đồ họa chưa đẹp... Có chương trình sử dụng dạng thức truyền hình thực tế như chương trình 24h sống xanh ngày 25/6 về Bảo tồn sinh thái ở sân chim Vàm Hồ, nhưng còn gượng ép, các chi tiết chào hỏi giữa MC và nhân vật lộ rõ sự sắp đặt. 1.3 Về các chương trình thời tiết: Các chương trình thời tiết của VTV1 gồm 2 phần: Phần 1: Dự báo tổng quan: MC cung cấp thông tin về tình hình thời tiết nổi bật trên cả nước (tin nắng nóng, bão lũ, áp thấp nhiệt đới…), Phần 2: Dự báo chi tiết cho các vùng trên cả nước. Nhìn chung, các chương trình Thời tiết của VTV1 có nội dung tương đối thiết thực, hình ảnh đẹp, hấp dẫn. Sự xuất hiện của người dẫn chương trình khiến những thông tin dễ tiếp nhận hơn. Giúp khán giả dễ chịu hơn nhiều so với việc đối diện với màn hình đầy những bản đồ và con số vô cảm . Ví dụ, thay vì giới thiệu thời tiết của từng tỉnh hay từng vùng mà nhiều khi khán giả không biết vùng hay tỉnh đó nằm ở đâu, thì nay người dẫn chương trình sẽ chỉ vào vị trí cụ thể trên bản đồ để người xem dễ hình dung. Những phần giải thích cũng được thêm vào sau những thuật ngữ chuyên môn, ví dụ "sức gió mạnh cấp..., tức là từ... km đến... km một giờ", giúp cho thông tin dự báo thời tiết dễ hiểu, gần gũi với đại chúng. Những vấn đề có thể phát sinh cũng được đưa vào, ví dụ với điều kiện thời tiết này thì người dân nhớ mang theo khăn, mũ…khi đi ra đường, điều kiện thời tiết kia rất thích hợp cho các chuyến dã ngoại. Khán giả không nghĩ mình đang nghe dự báo khô khan mà như đang đón nhận lời khuyên chân tình. Tuy nhiên, việc sử dụng người dẫn chương trình được đánh giá như là "con dao hai lưỡi". Dự báo thời tiết chỉ xoay quanh mưa nắng, nhiệt độ, còn người dẫn luôn ăn mặc rất đẹp, và ngoại hình rất bắt mắt. Họ mang lại cho chương trình sự sinh động và thu hút, nhất là khi đa số người dẫn chương trình là nữ, nhưng sự chú ý của khán giả đôi khi lại tập trung vào họ nhiều hơn là vào các thông tin. Chương trình Thời tiết của Đài Vĩnh Long cũng bao gồm 2 phần: Phần 1 Dự báo tổng quan: phân tích, cảnh báo về hiện tượng thời tiết đặc biệt đang hoặc sắp tác động đến nước ta. Phần 2 là “Thời tiết trong ngày” của các Tỉnh thành, khu vực trên cả nước và các thành phố lớn trên thế giới. Nội dung thông tin trong chương trình thời tiết của Đài Vĩnh Long khá rõ ràng, có ích, nhưng còn khô khan, thuật ngữ máy móc. Hình ảnh đồ họa được sử dụng đẹp mắt, dễ hiểu. Âm nhạc phù hợp. Tuy nhiên, với phạm vi và chức năng là Đài Phát thanh – Truyền hình của Tỉnh, thiết nghĩ Đài Vĩnh Long nên cung cấp thông tin thời tiết cụ thể về các khu vực, vùng miền, Huyện thị trong tỉnh, thì thông tin sẽ hữu ích hơn. Bởi, thông tin thời tiết từ của các tỉnh trong cả nước, hay các thành phố lớn nước ngoài, khán giả đã tiếp nhận được qua kênh truyền hình trung ương. Khi khán giả tìm đến đài địa phương, là lúc họ mong muốn được biết những tin tức gần gũi, liên quan trực tiếp, sát sườn với lợi ích của họ. Vì vậy, không chỉ tin thời sự, mà ngay cả thông tin thời tiết cũng cần được thiết kế cụ thể, phù hợp với nhu cầu thông tin của công chúng. Đây chính là biểu hiện của xu hướng “phi đại chúng” trong báo chí. Một điểm cần lưu ý: Các chương trình thời tiết là nơi thường xuyên đưa tin về các hiện tượng thời tiết cực đoan: lũ lụt, hạn hán, sương mù quang hóa, nắng nóng cục bộ… cho nên chương trình này cũng là địa chỉ rất hữu ích để tuyên truyền về Biến đổi khí hậu. Nhưng hầu hết các chương trình đều cho chỉ ra được mối liên hệ giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan và Biến đổi khí hậu, chưa cho thấy chính Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra các hiện tượng trên, mà mới chỉ dừng lại ở đưa tin như thể đó là các hiện tượng hoàn toàn tự nhiên của trời đất, không liên quan đến con người và con người không thể can thiệp… 2. Hiệu quả tác động Có thể nói, 40 tác phẩm truyền hình về Biến đổi khí hậu phong phú về chủ đề, nội dung, được thể hiện dưới các thể loại, hình thức khác nhau, đã cung cấp những kiến thức cơ bản nhất về Biến đổi khí hậu: thực trạng, nguyên nhân, giải pháp; có những tác động nhất định tới nhận thức của đối tượng tiếp nhận. Đặc biệt những tác phẩm mang tính tuyên truyền điển hình như: “chương trình 24h sống xanh” về bảo tồn sinh thái ở vườn chim Vàm Hồ, thời trang tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phóng sự “Giải pháp phát triển xanh” ở Thành phố Hội An, đảo Cù Lao Chàm trong chương trình “Công nghệ và đời sống” VTV1, hay các tin, phản ánh về Trường Tiểu học An Phước trồng 60 cây sao, xã Hiếu Phụng xây dựng nông thôn mới với tiêu chí bảo vệ môi trường đặt lên hàng đầu…của Truyền hình Vĩnh Long… đã có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện, phát triển các điển hình tiên tiến này, ít nhiều cổ vũ và tạo ra phong trào thi đua, noi gương các điển hình, góp phần nhân rộng các điển hình này trong toàn xã hội. Theo một báo cáo tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả truyền thông biến đổi khí hậu” tổ chức ngày 7/11 vừa qua: Kết quả khảo sát hơn 33.500 người tại Việt Nam và 6 nước khác trong khu vực (Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nepal, Pakistan) của dự án Climate Asia đã cho thấy, Việt Nam dẫn đầu khu vực về thông tin tới cộng đồng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ở Việt Nam, chỉ có 41% số người được hỏi cho biết, họ thiếu thông tin về ứng phó biến đổi khí hậu, trong khi tỉ lệ này tại Nepal là 80%, ở Ấn Độ và Trung Quốc là hơn 60%, ở Bangladesh là 57%... Ở khu vực duyên hải Trung Bộ, nơi thường xuyên xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, có đến 70% số người được hỏi cho biết, họ có đủ thông tin về cách ứng phó, trong khi tỉ lệ trung bình của các vùng khắp cả nước là 47%. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thế nào là “đủ” và “thiếu”. Khái niệm “đủ”, “thiếu” lệ thuộc vào nhu cầu thông tin của công chúng. Vì vậy, đôi khi xảy ra tình trạng: công chúng ít có nhu cầu thông tin về lĩnh vực này, thì dù thông tin ít, họ vẫn thấy thỏa mãn. Và ngược lại, khi nhu cầu thông tin của họ lớn, thì dù thông tin nhiều, họ vẫn thấy “thiếu”. Qua khảo sát các tác phẩm về Biến đổi khí hậu của VTV1 và Đài Vĩnh Long, tôi cho rằng mật độ và liều lượng thông tin về Biến đổi khí hậu như vậy còn thấp. Các thông tin thời sự thì chủ yếu là tin về các Hội thảo, hoặc hoạt động của các tổ chức. Chương trình chuyên đề còn thưa thớt, thời lượng hạn chế, thông tin còn chưa đủ chuyên sâu. Về nội dung thông tin, hầu hết các tác phẩm chỉ đưa tin về biến đổi khí hậu ở bề rộng ở mức độ quốc gia và toàn cầu, ít có mối liên quan với các vấn đề và hiện trạng ở địa phương. Mặc dù có rất nhiều bài báo đề cập đến các thảm họa thiên nhiên và hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra như lũ lụt, bão, sương mù quang hóa, hạn hán… nhưng chưa có nhà báo nào chỉ ra mối liên hệ giữa các hiện tượng trên và biến đổi khí hậu, chưa chỉ ra cho công chúng thấy: Biến đổi khí hậu đã và đang trực tiếp gây ra những thiệt hại, tác động xấu đến đời sống con người, chứ không phải một nguy cơ xa xôi nào. Về hình thức, bên cạnh những tác phẩm được trình bày, kết nối sáng tạo, hấp dẫn, ngôn ngữ sinh động, thì còn những tác phẩm khô khan, cứng nhắc, chủ yếu mang tính chất “PR Chính phủ”, hình ảnh chưa phong phú, thiếu tính thuyết phục, các tin dịch chưa sát thực với Việt Nam. Thực trạng biến đổi khí hậu và những hậu quả của nó đối với nước ta chưa được phân tích kĩ càng. Các chương trình thời tiết – chưa nói đến phần nội dung thông tin đã nhiều lần bị chỉ trích là dự báo sai, gây thiệt hại về người và của, việc VTV sử dụng MC dẫn các chương trình Dự báo thời tiết như một cách thu hút sự chú ý của công chúng khi công chúng đang giảm niềm tin ở chương trình này, và cách làm này cũng đã mang lại hiệu quả nhất định. Tuy vậy, các thông tin thời tiết chưa được gắn với vấn đề biến đổi khí hậu, chưa khiến con người nhận thức được những hiện tượng thời tiết cực đoan mà họ đang hứng chịu được gây ra từ chính những hành động của con người. 3. Một số bài học kinh nghiệm Những hạn chế trong thông tin về Biến đổi khí hậu có thể nói do các nguyên nhân chủ quan và khách quan: Thứ nhất, Biến đổi khí hậu là một đề tài rất khó và không phải nhà báo nào cũng có thể hiểu hết khi mới tiếp cận. Đồng thời, ở Việt Nam hiện nay không có nhiều nhà báo chuyên viết về môi trường. Các nhà báo thường phải viết về nhiều chủ đề khác nhau, nhất là nhà báo làm việc tại các ấn phẩm xuất bản hàng ngày. Họ thường chỉ đưa tin về biến đổi khí hậu khi có các hội nghị hay sự kiện lớn liên quan đến vấn đề này. Thêm vào đó, những nhà báo phụ trách các chuyên mục hay tờ báo không hiểu hoặc không quan tâm đến biến đổi khí hậu. Do đó, họ không dành ưu tiên cho những bài báo thuộc đề tài trên. Ngoài ra, các nhà quản lý, khi tiếp xúc với báo chí, chưa đề cập đến mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực tại Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả truyền thông chống Biến đổi khí hậu, thiết nghĩ giải pháp hữu hiệu nhất là nâng cao chính nhận thức và trình độ kiến thức của các nhà báo viết về đề tài này. Vấn đề này thuộc về các cơ quan quản lý. Ở đây chỉ xin đề xuất một vài thay đổi trong nội dung và hình thức các tin bài để các tác phẩm có hiệu quả cao hơn: Thứ nhất, về nội dung: Khi đưa tin về các hiện tượng thời tiết cực đoan, các dịch bệnh hại sức khỏe…luôn gắn với việc chỉ ra nguyên nhân là biến đổi khí hậu. Đặc biệt trong các chương trình thời tiết, có lẽ đã đến lúc nên hạn chế dùng từ “thiên tai” để chỉ các hiện tượng: lũ quét, sạt lở đất…Thay vì đó, hãy chỉ ra nguyên nhân của hiện tượng này là do con người chặt phá rừng bừa bãi… Thông tin này có thể được đưa ra dưới hình thức là lời nói của MC, hoặc có thể chạy chữ phía dưới màn hình, song song với các hình ảnh về lũ lụt… Nội dung thông tin cần sâu sắc, sát thực hơn. VTV1 cần đưa nhiều hơn thông tin về thực trạng biến đổi khí hậu và những tác hại của nó tới nước ta, luôn gắn liền với nguyên nhân và giải pháp. Đồng thời, Đài Vĩnh Long cũng như các Đài địa phương khác cần tăng cường mức độ thông tin về Biến đổi khí hậu tại chính địa phương mình. Tăng cường thông tin từ hiện trường, với sự xuất hiện của nhân chứng, để làm tăng thêm tính khách quan, thuyết phục và tạo sự sống động cho thông tin. Thứ hai, về hình thức: Tăng cường các yếu tố đa phương tiện cho các tác phẩm truyền hình để hỗ trợ, mang lại hiệu quả tác động cao nhất. Như cách làm tin thời sự của VTV1 hiện nay tương đối tốt: bên cạnh hình ảnh, lời nói, còn có chữ viết (tít), đồ họa… Tuy nhiên, trong một số tin (đặc biệt các tin về tuyên bố, nghị quyết…) thì cách làm hiện nay của VTV1 chủ yếu là hiện chữ toàn màn hình, và MC đọc nội dung, khá khô khan, khó tiếp nhận. Thay vào đó, có thể chia màn hình tivi thành 2 phần, 1 bên chạy hình ảnh, và một bên là chữ viết, có lẽ nội dung sẽ trở nên sinh động và hấp dẫn hơn nhiều. Về ngôn ngữ: ngôn ngữ lời nói sử dụng trong vấn đề biến đổi khí hậu bên cạnh tính khoa học, chính xác, thì còn cần nâng cao tính biểu cảm. Nâng cao chất lương ngôn ngữ hình ảnh: phong phú, đa dạng và ấn tượng. Sử dụng hình thức truyền hình thực tế tích cực, hiệu quả. Hình thức sản xuất chương trình này tương đối phù hợp với đề tài Biến đổi khí hậu, bởi nó tạo ra tính sinh động, xác thực qua chính trải nghiệm của các nhân vật. Những cảnh quay ngoài trời cũng dễ để lại ấn tượng (như chương trình 24h sống xanh). Tuy vậy, cần tránh sự sắp đặt lộ liễu, khiên cưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng thông tin. Tóm lại, Biến đổi khí hậu đang là vấn đề cấp bách trên toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Truyền thông cần được xem là một công cụ quan trọng, cơ bản tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thái độ, hành vi của con người trong cộng đồng từ đó thúc đẩy họ tự nguyện tham gia vào các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ BĐKH. Do đó, đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch truyền thông về biến đổi khí hậu cho cộng đồng cũng như trang bị các kiến thức liên quan cho các phóng viên, nhà báo là một vấn đề hết sức quan trọng. TS. Đỗ Chí Nghĩa - Khoa Phát thanh Truyền hình(Tham luận tại Hội thảo quốc tế: “Truyền thông đại chúng Việt Nam với biến đổi khí hậu”)