Các thành tố quyết định chất lượng đào tạo báo chí truyền thông ở Mỹ TS Đỗ Thị Thu Hằng Khoa Báo chí- Học viện Báo chí và Tuyên truyền Truyền thông đại chúng và các chuyên ngành báo chí là một trong những nhóm ngành được đánh giá có chất lượng đào tạo hàng đầu, với những ưu điểm như: đảm bảo tính thực tế trong đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời có những bậc học với những kiến thức mang tính hệ thống và hàn lâm. Trường đại học quốc gia của Mỹ và gần như hầu hết các trưởng đại học của các bang và những thành phố lớn đều đạo tạo báo chí truyền thông. Trên cơ sở nghiên cứu thực tế tại một số trường đại học ở Mỹ đầu năm 2012, tác giả xin đề cập đến một số điểm nổi bật nhất, những thành tố quan trọng nhất trong quá trình đào tạo báo chí truyền thông ở Mỹ ảnh hướng mang tính quyết định đến chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Thứ nhất là: Chương trình đào tạo hệ thống và thực tế Trong bài báo này, chúng tôi không đề cập tới chương trình đào tạo tiến sĩ ngày này tại Mỹ, bởi sự khác biệt rất rõ trong mục đích, hình thức đào tạo ở các Viện nghiên cứu, các trường đại học ở đây. Các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia trong Hội đồng khoa học liên bang và bang, có thể thắng thầu một công trình nghiên cứu mang tính phát minh về lĩnh vực chuyên môn, có thể đăng thông tin tìm nghiên cứu sinh do họ hướng dẫn. Họ tự đánh giá để quyết định chọn ai là nghiên cứu sinh do mình hướng dẫn, với đề tài nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho các gói nghiên cứu đã thắng thầu, và có trách nhiệm trả học bổng cho nghiên cứu sinh của mình (chi từ khoản ngân sách của công trình nghiên cứu đã thắng thầu). Chúng tôi chỉ xin đề cập tới các nhóm chương trình đào tạo báo chí truyền thông ở Mỹ đang được thực hiện là: chương trình hệ cao đẳng, đại học, cao học (master) và các khoá học chuyên sâu gắn với nhu cầu thực tiễn. Gần như các trưởng cao đẳng có đào tạo báo chí truyền thông đều thiết kế chương trình khoá học 2 năm và cấp bằng truyền thông đại chúng (Mass Communication), Báo chí (Journalism), Phát thanh truyền hình (Radio and Television Broadcasting) hay những ngành đạo tạo kỹ năng truyền thông trực tiếp, chẳng hạn như bằng cao đẳng ngành Phát biểu miệng (Speech Communication). Vào năm đầu tiên, các môn học được sắp xếp là: Lý thuyết truyền thông (giới thiệu các lý thuyết truyền thông, cách thức ứng dụng trong tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông trong chính trị, doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và cuộc sống cá nhân) và các môn học về truyền thông đại chúng. Ví dụ, ở trường Cao đẳng Chabot, có cơ sở đạo tạo ở các thành phố thuộc vùng Vịnh phía Đông nước Mỹ, trong chương trình đạo tạo cấp bằng MCOM (truyền thông đại chúng) dành cả năm thứ nhất cho các tín chỉ về các loại hình truyền thông đại chúng gần 90% thời gian học. Cụ thể bao gồm các tín chỉ: Truyền thông đại chúng 40 - Dẫn luận truyền thông đại chúng, Truyền thông đại chúng 41- Dẫn luận về Phát thanh- truyền hình, Truyền thông đại chúng 1- báo chí: tin tức và thu thập thông tin, Truyền thông đại chúng 3- Viết phóng sự cho báo và tạp chí, Truyền thông đại chúng 42 - Viết cho phát thanh – truyền hình và Nhiếp ảnh 50. Các con số đứng sau tên tín chỉ chính là mã bằng số của tín chỉ để từ đó người học có thể tìm hiểu rõ mục đích, nội dung cụ thể trong danh sách các tín chỉ chung của môn học. Năm thứ hai, nội dung chương trình tập trung vào các kỹ năng chuyên sâu với cả báo in, phát thanh, truyền hình và báo chí trực tuyến và các chuyên ngành truyền thông trong doanh nghiệp bao gồm: Tổ chức sản xuất và biên tập xuất bản phẩm, Kinh doanh, Truyền thông đại chúng 61,63- Kỹ thuật studio truyền hình, Dẫn luận quảng cáo, Đưa tin và làm chương trình truyền hình, Kinh doanh quảng cáo và quản lý truyền thông... Trong khi đó, cũng 2 năm học, trường này cấp bằng Báo chí với các môn học khác, chẳng hạn môn học Truyền thông đại chúng 14- Viết và ảnh cho tuần báo, Nguyên lý phản biện trong tư duy và ngôn ngữ, Kỹ thuật đồ hoạ trong nhiếp ảnh. Bất cứ một ngành học nào cũng có những đầu ra bắt buộc là sản phẩm thực hành cá nhân được xã hội hoá. Ví dụ, các sinh viên của Học viện nghệ thuật San Francisco ngành Mỹ thuật công nghiệp phải trình cho nhà trường một sản phẩm thiết kế cho một doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất, chẳng hạn như: mô hình mô phỏng một khu vui chơi giải trí, gói nhận dạng thương hiệu cho sản phẩm rượu ở Napa, hay thậm chí là bao bì bằng giấy treo trên cổ chai dấm làm từ nguyên liệu trái cây của một doanh nghiệp địa phương thuộc bang Califonia. Nếu sinh viên trình được cho bộ phận quản lý học thuật tờ đơn đặt hàng của khách hàng kèm theo hoá đơn hoặc chứng từ thanh toán để chứng tỏ có thu nhập từ sản phẩm thực hành thì sinh viên được đánh giá cao trong kết quả của môn học, khoá học đó. Như vậy là: những hiểu biết cơ bản và kỹ năng tiền đề được chú trọng trong chương trình hệ cao đẳng và đại học. Các khoá đào tạo cao học đặc biệt đề cao cả kiến thức chuyên sâu và kỹ năng nghề nghiệp. Việc khái quát hoá và tự nghiên cứu để phát hiện ra các khung lý thuyết khoa học được nhấn mạnh trong yêu cầu của chương trình cao học. Song song với phần học lý thuyết một cách tích cực và sáng tạo, là yêu cầu về tính chuyên sâu và độc đáo trong kỹ năng và kỹ xảo nghề. Yêu cầu đó được thể hiện không chỉ bằng điểm thực hành mà quan trọng hơn là đánh giá thông qua kết quả thực hành cụ thể đã được ứng dụng trong thực tế. Thứ hai là: Đa dạng hoá các hình thức tổ chức đào tạo đáp ứng nhu cầu học bất cứ khi nào trong đời của người học Với những người làm việc trong ngành truyền thông ở Mỹ, mọi trường đại học và cao đẳng, luôn được thiết kế sẵn, cập nhật hàng năm, với mô tả chỉ dẫn rõ ràng và công khi các khoá đào tạo theo các chương trình khác nhau, ngắn hạn hoặc dài hạn, trực tiếp hay trực tuyến đáp ứng đúng nhu cầu của người học và làm việc. Chẳng hạn, một người đã từng có bằng tốt nghiệp ngành đạo diễn, để có thể xin việc được hoặc tự mình làm một dự án nào đó đòi hỏi trình độ cao hơn, sẽ tự bỏ tiền ra (đôi khi đó là tiền của ông chủ dự án) học những kiến thức và kỹ năng về thiết kế truyền thông, về thiết kế thời trang, phim hoạt hình, nghệ thuật kịch và múa, hội hoạ, ngành thiết kế cho trò chơi trực tuyến (Game online) hay truyền thông đa phương tiện... Anh ta có thể vào website của các trường nghệ thuật để tìm các khoá học thích hợp, thậm chí có thể chọn khoá đào tạo với các giảng viên được giới thiệu trên website. Riêng ngành truyền thông đa phương tiện ở Học viện Nghệ thuật San Francisco, ngoài chương trình cấp bằng cử nhân và cao học còn giới thiệu 38 khoá học ngắn hạn cho mọi đối tượng lựa chọn theo nhu cầu. Các khoá học ngắn hạn 3 đơn vị học trình này có lịch tại Website, và có giá mỗi khoá học dưới 250 USD, học viên có thể đăng ký, trả tiền qua thẻ visa và học online. Những khoá học này được mô tả cụ thể về nội dung, yêu cầu cho việc có chứng chỉ khoá học hặc bằng cấp như bằng cao đẳng, đại học. Có những khoá học đòi hỏi phải có một chứng chỉ điều kiện nào đó, ví dụ muốn tham gia khoá học online về đồ hoạ truyền thông (COM 230) thì phải đã có chứng chỉ đã hoàn thành khoá học về sản phẩm truyền thông số và phát thanh truyền hình (COM 110) và một khoá học về công nghệ kỹ thuật số dành cho phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông hiện đại (COM 115). Nếu người đó trong trong quá trình học và và làm việc trước đó đã có chứng chỉ của một môn có trong danh sách yêu cầu, hoặc nếu chứng minh được bằng thành phẩm là đã làm tốt và có kiến thức của môn học đó, trường đồng ý cho miễn không phải học và trả tiền cho việc học các môn đó. Hoặc nếu người đó chỉ cần và đủ thời gian học một khoá ngắn trong vòng một tuần, với những nội dung trong chương trình được phân bổ trong 2 khoá học khác nhau, với hai giảng viên khác nhau, có thể liên lạc trực tiếp để được tư vấn về lịch học, phương thức học và sắp xếp giảng viên thích hợp. Tất nhiên, chi phí cho khoá học này có giá tương đương với chi phí cho 2 khoá học. Nhưng người học cần tiết kiệm thời gian thì vẫn lựa chọn nó. Điểm quan trọng nhất trong việc phân tích và kích thích nhu cầu học tập về báo chí truyền thông của các trường đại học ở Mỹ là cách làm truyền thông cho các ngành học và các khoá học. Chỉ riêng giới thiệu chương trình các khoá học, Học viện Nghệ thuật San Francisco đã làm bộ sách giới thiệu 5 cuốn sách phát miễn phí cho bất cứ ai đến thăm Học viện, có những cuốn hơn 600 trang, trong đó mô tả chi tiết những kiến thức, kỹ năng được dạy, chỉ dẫn con đường dẫn tới có một nghề sáng giá với những kiến thức và kỹ năng thu được ở trường, các giáo sư nổi tiếng và thành tích trong lĩnh vực chuyên môn cũng như ngành nghề mà họ nghiên cứu, hướng dẫn. Đặc biệt là những trang phỏng vấn sinh viên đang theo học về lý do chọn chuyên ngành và cách họ tạo nên thành công với các khoá học tại trường. Ví dụ: Ngành truyền thông đa phương tiện chọn hai nhân vật phỏng vấn đăng tải trong 2 trang. Nhân vật thứ nhất là Kristy Siefkin, sinh viên hệ đại học, một người đã tốt nghiệp một bằng đại học, đang làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận. Nhân vật thứ hai là cô Eboni Jones đang học chương trình cao học về truyền thông đa phương tiện, người trước đó làm việc ở Trung tâm tài chính lớn nhất nước Mỹ tại phố Wall, New York. Bằng cách này, chân dung đối tượng mục tiêu của cơ sở đào tạo được xác định, và người học nhận ra nhu cầu học tập của họ, thắp sáng đam mê nghề nghiệp và thúc đẩy động cơ đến với những khoá đào tạo để có khả năng cao hơn trong việc làm và khẳng định giá trị bản thân. Một trang phỏng vấn chân dung trong cuốn sách giới thiệu chi tiết các khoá học 626 trang của Học viện Nghệ thuật San Francisco, California, Mỹ. Thứ ba là: Thư viện, giáo trình, tài liệu Một trong những nguyên nhân quan trọng tạo nên chất lượng về đào tạo ở Mỹ nói chung và với đào tạo báo chí, truyền thông nói riêng là hệ thống thư viện hiện đại, với số lượng sách lớn, đầy đủ giáo trình, tài liệu nghiên cứu chuyên sâu và tham khảo, bao gồm cả các tài liệu được số hoá và các băng đĩa, với phần mềm quản lý thư việc hỗ trợ chức năng tìm kiếm hiệu quả. Tất cả các trường đại học từ công lập đến tư nhân đều phải đảm bảo các tiêu chuẩn về sách, tài liệu trước khi mở một chuyên ngành mới. Thư viện được coi là tiền đề cho bất cứ một trường đạ học nào. Ngay trên tường bên phải của sảnh tầng một thư viện Đại học Berkeley, một trong mười trường công lập danh tiếng nhất thế giới, trích dẫn lời của Benjamin Ide Wheeler, vị chủ tịch thứ chín của trường này:“Hãy cho tôi một thư viện, tôi sẽ xây dựng một trường đại học từ nó”. Sinh viên có thể học ở thư viện 24/24 trong ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ. Trong các danh mục sách về báo chí- truyền thông của Đại học Berkely, có hai tập sách lịch sử báo chí Mỹ xuất bản từ thế kỷ 18, mỗi cuốn dày chừng 8-10 cm, in bằng thứ giấy cực đen và rất cũ. Bên cạnh đó là những tài liệu và giáo trình hiện đại được cập nhật hàng ngày, hàng giờ – chẳng hạn như cuốn cơ sở lý luận quan hệ công chúng cuốn mới nhất hay cuốn sách dạy thiết kế đồ họa dựa trên phương pháp não công. Thư viện Đại học Berkely (California, Mỹ), khu vực tài liệu báo chí và truyền thông. Có đủ sách và tài liệu đọc tại thư viện là yêu cầu bắt buộc, sinh viên có thể lên đọc và nghiên cứu bất cứ lúc nào giúp sinh viên tiếp cận tài liệu dễ dàng, tiết kiệm thời gian cho học tập. Trong trường hợp sinh viên cần mua tài liệu và giáo trình, nhà sách của trường luôn sẵn sàng. Vì luật bản quyền tại Mỹ rất chặt chẽ, nên sinh viên khi muốn có tài liệu và giáo trình cho riêng mình phải tự bỏ tiền ra mua. Theo lời giới thiệu của nhân viên nhà sách trường Đại học Houston (Bang Texas, Mỹ), thì gần như những giáo trình quan trọng nhất được bán ở đây, giá trung bình trên dưới 100 USD cho một giáo trình chuyên môn về báo chí, truyền thông. Nhưng cũng tại đây, sinh viên thường mua sách đã qua sử dụng, vì đã được giảm giá. Họ cũng có thể mua tài liệu trên các trang mua bán trực tuyến ( dưới dạng bản mềm có bản quyền dưới dạng file PDF). Sinh viên người Mỹ gốc Việt của đại học Houston Trung Tran cho biết: sinh viên là người nước ngoài, nhất là sinh viên Việt Nam du học tại đây thường đến học tại thư viện, nhưng khi về nước bao giờ cũng tìm cách mua sách chuyên môn ở các hiệu sách cũ, vì khi về nước khó kiếm, và tìm mua trên mạng không phải cũng có đầy đủ. Thứ tư là: Về yếu tố thầy và trò trong đào tạo: Người thầy phải đáp ứng những đòi hỏi cao về trình độ, bao gồm cả lý thuyết và thực hành, dù việc học thực hành trong chương trình nhìn chung chiếm một tỷ lệ cao hơn về thời gian. Nếu người thầy không đáp ứng được những yêu cầu này, họ sẽ không nhận được các hoá đơn đăng ký khoá học, vì thế họ bị thua trong môi trường đào tạo cạnh tranh. Để tạo danh tiếng và kiếm tiền từ bản quyền, người thầy buộc phải viết giáo trình, sách chuyên môn và tài liệu. Khi giảng dạy ở trường đại học, họ phải chịu sự quản lý về học thuật của các nhà quản lý đào tạo, đặc biệt là Giám đốc học thuật của chuyên ngành đào tạo ấy- người thường xuyên kiểm duyệt, giám sát việc giảng dạy theo khung chương trình, tính chính xác và cập nhật của lý thuyết cũng như các vấn đề học thuật khác. Bộ phận quản lý đào tạo và học thuật cũng đồng thời giám sát kỷ luật của thầy và trò. Ví dụ: giảng viên nếu có những lý do về giao thông hay thời tiết xấu (chẳng hạn quá nhiều sương mù nên phà khó di chuyển dẫn đến chậm giờ lên lớp) phải liên lạc ngay với giám đốc học thuật về việc liệu thầy có thể chậm bao nhiêu phút. Nếu chậm 5 phút, giám đốc học thuật sẽ cử giảng viên thay thế hoặc chính giám đốc sẽ là người thay thế giảng viên vắng mặt. Về phía học trò: Học trò có lịch và chương trình được mô tả chi tiết, nên nắm vững từng hoạt động trong từng môn học, từng kỳ học và các năm học khác nhau. Với hệ thống phòng thiết bị thực hành và trung tâm nghiên cứu đa dạng, hiện đại, sinh viên được hướng dẫn và buộc phải làm việc với mức độ độc lập tăng dần trong các khoá học. Mọi ý tưởng và đề xuất sáng tạo dều được ghi nhận, thảo luận và thông báo rộng rãi trong môi trường đại học. Chẳng hạn một sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện khi đề xuất một dự án cá nhân trình giảng viên có thể được nhận xét, tư vấn, được đăng ký thuê máy quay camera (với giá ưu đãi dành riêng cho sinh viên, có thể đăng ký để được sử dụng studio, các thiết bị dựng và biên tập phim, chủ động mời người cộng tác với mình để hoàn thành dự án). Ở Học viện Nghệ thuật San Francisco có cả một phòng triển lãm diện tích rộng, 3 mặt tiền dành cho việc trưng bày các sản phẩm với các dự án của sinh viên. Sinh viên được ghi tên cạnh sản phẩm, thông qua đó có thể truyền thông hình ảnh của trường, đồng thời khuyến khích năng lực sáng tạo của sinh viên. Đó cũng là một lời giới thiệu giá trị cho sinh viên khi tiếp cận nhà tuyền dụng. Song song với việc tạo môi trường cho sinh viên phát huy hết năng lực học tập, rèn nghề và phát triển ý tưởng sáng tạo, vấn đề kỷ luật học tập cũng được coi trọng. Điểm chuyên cần được tính một cách nghiêm túc, và sinh viên chưa hoàn thành yêu cầu môn học cả về chuyên cần và chất lượng sản phẩm phải nộp đều không được cấp bằng. Vì vậy, có những sinh viên học nhiều năm mà cũng không có bằng tốt nghiệp. Tựu trung lại, có rất nhiều yếu tố và thành tố tạo nên chất lượng của đào tạo báo chí truyền thông ở Mỹ trong giai đoạn hiện nay. Nhưng các thành tố mấu chốt luôn bao gồm: chất lượng của chương trình và quản lý chương trình, chất lượng của thầy, phương pháp đào tạo tiếp cận nhu cầu và kích thích đam mê nghề nghiệp, tính sáng tạo và duy trì kỷ luật của trò, đồng thời coi trọng công tác thông tin thư viện, xây dựng tài liệu, giáo trình, phương tiện và môi trường thúc đẩy sáng tạo. Thiết nghĩ, đây là một kinh nghiệm quý cho mọi cơ sở đào tạo báo chí nói chung và ở nước ta nói riêng nhằm tạo ra sự đột phá trong phương thức tổ chức và thực hiện lĩnh vực này. Hà Nội ngày 1/8/2012 Đỗ Thị Thu Hằng