Là kết hợp giữa sự tiện lợi, linh động của dòng máy compact và các tính năng kèm với chất lượng hình ảnh chuyên nghiệp của DSLR, sự ra đời của dòng máy ảnh CSC đang tạo nên một khuynh hướng mới của máy ảnh số. Làm quen với khái niệm “CSC” Về cơ bản, Compact system camera (CSC - hay còn gọi là dòng máy ảnh không gương lật) cũng giống như dòng máy DSLR với cảm biến lớn cùng khả năng thay các loại ống kính phù hợp với nhu cầu người chụp. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với một máy ảnh SLR là nó không có hệ thống gương để phản chiếu ánh sáng vào kính ngắm quang học. Thay vào đó, máy ảnh CSC sử dụng chế độ xem trực tiếp trên màn hình LCD. Việc không dùng hệ thống gương lật phản chiếu có thể thu hẹp đáng kể độ dày và trọng lượng máy, nhưng như vậy không có nghĩa là không thể có một kính ngắm, vì khi ánh sáng được dẫn vào cảm biến, máy ảnh có thể tái tạo nguồn sáng đó trên một màn hình LCD thứ hai, được biết đến như một kính ngắm điện tử (EVF). Một số mẫu có đi kèm với một kính ngắm điện tử EVF, một số mẫu không có, và một số có một cổng cho phép tùy chọn kết nối với một EVF gắn ngoài. Các ống kính dành cho các dòng máy này ngày càng được các hãng sản xuất đa dạng hóa nên người dùng có thể tự lựa chọn các ống kính phù hợp nhu cầu để cho ra các tấm ảnh như ý. Ưu và nhược điểm của máy ảnh CSC Máy ảnh CSC có những ưu điểm không thể không công nhận. Trọng lượng cũng như kích thước của cả thân máy và ống kính đều được giảm khiến cho các máy ảnh dạng này mang đi mang lại dễ dàng hơn những máy DSLR truyền thống. Kích cỡ và trọng lượng giảm được phần lớn do loại bỏ được hệ thống gương lật phản chiếu, thu nhỏ đường kính ống kính, đồng thời tăng số điểm tiếp xúc từ 9 lên 11 điểm. Việc không có hộp gương cũng giúp loại bỏ các chuyển động cơ học, giúp tốc độ tín hiệu nhanh hơn thông thường. Nhược điểm chính của máy ảnh CSC là kính ngắm điện tử (EVFs) vẫn chưa thật sự tuyệt vời. Ánh sáng yếu gây ra tình trạng lag hình ảnh và độ bụi của hình ảnh cao hơn ở chế độ xem trước, thêm vào đó là kích thước của EVF thường nhỏ hơn nhiều so với ống kính quang tương đương. Một nhược điểm nữa cần xem xét, đó là ống kính chưa có gì đặc biệt để tôn lên được giá trị của một máy ảnh CSC, mặc dù các nhà sản xuất đang nỗ lực cho ra đời một loạt các ống kính trong những năm tới. Nên chọn máy ảnh CSC nào? Thời gian vừa qua, các hãng sản xuất máy ảnh đã cho ra mắt nhiều dòng máy ảnh CSC với kiểu dáng và các tính năng ngày càng hiện đại hơn. Hãy cùng TTVH & Đàn Ông điểm qua 5 sản phẩm nổi bật sau để có sự lựa chọn đúng đắn khi bạn muốn mua cho mình một máy ảnh CSC. Samsung NX100 Samsung đã trang bị cho NX100 một màn hình AMOLED có kích thước 3 inch mang lại chất lượng ảnh tốt và giúp việc xem ảnh ngoài ánh sáng tự nhiên được dễ dàng hơn. Với kích thước nhỏ gọn chỉ 120 x 71 x 35 mm, NX100 hoàn toàn phù hợp để có thể luôn mang bên mình. Độ nhạy sáng ISO chạy từ 100 đến 6.400 kết hợp cùng ống kính có độ mở lớn giúp máy chụp tốt trong điều kiện ánh sáng yếu. Một điều lý thú của NX100 là máy có chế độ “Lens priority” giúp dễ dàng sử dụng ngay sau khi thay ống kính. NX100 còn có tính năng “Smart Filter” mang lại nhiều lựa chọn về các hiệu ứng cho người dùng. Tính năng quay phim với độ phân giải HD 720p là một điều không thể thiếu. Bên cạnh đó, Samsung còn tích hợp chế độ “Sound mode” cho phép ghi âm lồng lên một bức ảnh. Panasonic GF3 Lumix DMC-GF3 sở hữu cảm biến Live MOS sensor độ phân giải 12 Megapixel giống như GF2 nhưng có bộ xử lý nhanh hơn giúp lấy nét tự động 120Hz. Model này cũng có thể quay video chuẩn Full HD 1080i AVCHD, độ nhạy sáng ISO từ 160 đến 6.400, tính năng bắt nét đối tượng và chọn điểm lấy nét theo 23 vùng. Người dùng có thể tinh chỉnh các thông số hoặc chọn điểm bắt nét ngay trên màn hình cảm ứng phía sau với kích thước 3 inch độ phân giải 460.000 pixel. GF3 có kích thước 107,7 x 67,1 x 32,5 mm, cân nặng 225 gram nguyên thân máy hoặc 264 gram đã bao gồm cả thẻ nhớ và pin. Model này có cân nặng ít hơn người tiền nhiệm GF2 là 15% và nhỏ hơn tới 17%. Toàn bộ lớp vỏ máy là sự kết hợp giữa kim loại và nhựa chắc chắn. Vỏ máy được làm bằng nhôm và nhựa. Trên thân máy chỉ tích hợp mic với âm thanh mono cho chế độ quay video. Lumix DMC-GF3 có flash gắn kèm và bật lên dạng pop-up. Sony NEX-C3 Sony NEX-C3 được trang bị bộ cảm biến ảnh Exmor APH HD CMOS 16,2 Megapixel, chip xử lý ảnh BIONZ không chỉ cho chất lượng ảnh đẹp không thua kém dòng máy ảnh DSLR mà còn có khả năng quay được phim Full HD. Đi kèm với máy là ống kính E-mount có tiêu cự 18 - 55mm cùng khẩu độ f/3.5 - 5.6. Ngoài ra, một điểm đáng chú ý khác của chiếc máy này là màn hình Xtra Fine 3 inch có thể lật lên 80 độ và lật xuống 45 độ. Về tính năng, ngoài các tính năng phổ thông, Sony NEX-C3 còn có thêm hai tính năng chụp hình độc quyền là Panorama và 3D Sweep Panorama. Cả hai tính năng này đều cho phép máy chụp liên tục 10 tấm và ghép thành 1 tấm duy nhất để cho ra một bức hình siêu rộng hoặc bức hình 3D đầy thú vị. Bên cạnh đó, hai tính năng Anti Motion Blur cũng như tính năng chụp hình Effect cũng mang đến cho người dùng những bức hình với các hiệu ứng thú vị. Pentax Q Được xem là chiếc máy ảnh ngắm và chụp với ống kính thay đổi nhỏ nhất thế giới hiện nay, Pentax Q trang bị cảm biến CMOS kích thước 1/2,3 inch độ phân giải 12,1 Megapixel, khả năng quay video Full HD 1080p tốc độ 30 khung hình/giây với chuẩn nén H.264. Điểm đặc biệt ở model này là Pentax tích hợp khá nhiều các bộ lọc hiệu ứng cho hình ảnh hay các chế độ chụp tương tự máy DSLR với vòng chỉnh phía trên tiện dụng. Pentax Q sử dụng hệ thống lấy nét 25 điểm, hỗ trợ ISO từ 125 đến 6.400. Màn hình phía sau Pentax Q có kích thước 3 inch độ phân giải 460.000 điểm ảnh. Máy hỗ trợ thẻ nhớ SD/ SDHC/SDXC, cổng kết nối USB 2.0 và HDMI. Máy có lớp vỏ bằng hợp kim magiê chắc chắn và kích thước rất nhỏ gọn là 98 x 57 x 31 m và cân nặng 180 gram, hoặc 200 gram bao gồm cả pin và thẻ nhớ. Loại pin kèm theo máy là D-LI68 Lithium-Ion có thể chụp 230 kiểu sau mỗi lần sạc. Olympus Pen Mini PEN Mini là máy ảnh nhỏ nhất trong dòng PEN của Olympus nhưng cũng là chiếc máy gợi cảm nhất. Ống kính có tiêu cự từ 14 đến 42 mm, chỉ số zoom quang là 3X. Màn hình LCD 3inch hiển thị sắc nét lên tới 460 nghìn điểm ảnh. Khi chọn chế độ chụp ảnh liên tục, máy có thể chụp 12 ảnh với thời gian 0.25s lấy hình ảnh và 0.45 giây để hiển thị tất cả hình ảnh được chụp lên màn hình điều khiển. Máy có thể quay được video chuẩn HD 1080i60 và 720p30 dưới dạng AVI. Hệ thống tùy chỉnh trên Olympus PEN E-PM1 được làm khác đi khá nhiều so với sản phẩm cùng dòng như Olympus PEN E-P3. Giao diện Menu khi được kích hoạt sẽ có 6 cột hiện ra: Art, iAuto, Scence, Movie, P/A/S/M và Set Up. Phần Art sẽ cho bạn 6 lựa chọn về hiệu ứng. Nếu bạn là dân không chuyên về nhiếp ảnh thì iAuto là sự lựa chọn hoàn hảo. Máy còn có một danh sách những hướng dẫn được trình bày vô cùng đơn giản, dễ hiểu. Thục Nhi