Báo chí là kênh thông tin thiết yếu, đóng vai trò quan trọng để các chính sách về đa dạng văn hóa phát huy được hiệu lực, hiệu quả (Trong ảnh: Nghệ thuật múa rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn)Đa dạng văn hóa và chính sách về đa dạng văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tếThế giới đang trong kỷ nguyên của sự giao lưu và hội nhập quốc tế sâu rộng. Điều đó tạo động lực để phát triển văn hóa, phát triển xã hội và giúp mỗi cộng đồng nhận ra, mọi sự “khép cửa”, tạo rào chắn hay cản trở giao lưu đều dẫn tới làm mất đi sức mạnh, kéo lùi sự phát triển. Trong sự tôn trọng đa dạng văn hóa, mỗi quốc gia, dân tộc tiếp thu thêm những giá trị, tinh hoa để làm phong phú thêm, đồng thời tìm thấy vẻ đẹp riêng biệt, đặc sắc của nền văn hóa dân tộc mình. Có thể thấy, một trong những yêu cầu quan trọng để hội nhập thành công là mỗi quốc gia, dân tộc phải bảo tồn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đó là cơ sở, điều kiện để giao lưu, đóng góp những giá trị, tinh hoa, bản sắc vào kho tàng chung của văn hóa nhân loại, qua đó làm giàu mạnh thêm nền văn hóa của dân tộc mình. Trải qua quá trình hình thành và phát triển văn hóa của mình, “người Việt đã chủ động tiếp thu những ảnh hưởng văn hóa của các tộc người láng giềng như: Môn - Khmer, Tày - Thái cổ, Nam Đảo, sau này cả văn hóa Hán và văn hóa phương Tây nữa”(2) để làm giàu mạnh nền văn hóa Việt Nam. Đất nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng đồng thời tham gia vào quá trình tiếp biến văn hóa. Đây là “quá trình liên kết, gắn kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của bản thân mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đó và nhằm tạo thành sức mạnh tập thể giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm”(3). Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia - dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia… Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch và các lĩnh vực khác”(4). Trong hoạch định chính sách về văn hóa, đặc biệt là với sự đa dạng văn hóa, nếu quá nhấn mạnh đến tính chất chung, quy luật chung, ít chú ý tới truyền thống riêng, tính đặc thù, bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng sẽ dẫn đến sự rập khuôn, cứng nhắc, áp đặt, không phù hợp với yêu cầu thực tế. Vì vậy, chính sách về đa dạng văn hóa, một mặt, phải chú trọng tính chung, giá trị chung của xu hướng phát triển, mặt khác, từ thực tiễn của mỗi cộng đồng, địa phương, dân tộc, từ tính đặc thù, từ truyền thống riêng, phải tìm kiếm cách thức, phương pháp và các giải pháp cụ thể cho sự phát triển của cộng đồng, địa phương, dân tộc ấy. Nhiều nước trên thế giới, ở châu Á tiêu biểu có Nhật Bản, Hàn Quốc, đã thành công trong việc phát triển văn hóa mang đậm truyền thống riêng, thể hiện rõ tính đặc thù, bản sắc và biến nền văn hóa đó thành đòn bẩy để phát triển đất nước mạnh mẽ. Ở Việt Nam, với sự góp mặt của 54 dân tộc, đường lối của Đảng thể hiện rõ chủ trương phát triển toàn diện mỗi dân tộc, đồng thời coi tính đặc thù và bản sắc văn hóa trong mỗi cộng đồng các dân tộc Việt Nam là điều quan trọng cần gìn giữ, phát huy. Trong quá trình hoạch định các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các cộng đồng, các địa phương, Đảng và Nhà nước ta coi trọng việc nghiên cứu, xác định tính đặc thù và bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi địa phương.Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đem đến nhiều cơ hội cho sự phát triển cho các quốc gia, dân tộc nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ mất đi sự thể hiện đa dạng của văn hóa, xuất hiện tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, “xâm lăng văn hóa”… Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ban hành Công ước “Bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa” nhằm khuyến khích các quốc gia trong quá trình xây dựng, ban hành, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về văn hóa, chú trọng điều tiết tác động trái chiều của quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa, tích cực bảo vệ chủ quyền văn hóa của mỗi quốc gia. Quá trình hội nhập quốc tế tác động tích cực và cả tiêu cực, đòi hỏi Việt Nam vừa phải tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, vừa phải giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhấn mạnh cần thực hiện các giải pháp, như làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới; tiếp thu có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài; phổ biến những kinh nghiệm tốt xây dựng và phát triển văn hóa của các nước; ngăn ngừa sự xâm nhập các sản phẩm phản động, đồi trụy; giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu biết tình hình nước nhà, thu nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước ra, nêu cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước(5). Theo đó, Việt Nam đã sớm ban hành các chính sách vừa tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa, vừa bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa giàu đẹp của dân tộc. Đảng và Nhà nước có chủ trương rõ ràng và nhất quán về hội nhập quốc tế, đặc biệt từ Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 31/NQ-CP, ngày 13-5-2014, của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 210/QĐ-TTg, ngày 8-2-2015, phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định nhiệm vụ quan trọng là chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Việt Nam chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp biến chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Báo chí truyền thông chính sách về đa dạng văn hóaTrong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa ngày càng trở nên quan trọng. Truyền thông chính sách ở nước ta góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là kênh thông tin hữu hiệu để các cơ quan chức năng kịp thời lắng nghe ý kiến góp ý của các tổ chức doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách. Trong đó, vai trò quan trọng của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa thể hiện ở những nội dung sau:Một là, báo chí đã tích cực quảng bá, giới thiệu văn hóa và truyền thông về chính sách văn hóa. Các kênh đối ngoại của các cơ quan báo chí, như Kênh Phát thanh đối ngoại VOV5 của Đài Tiếng nói Việt Nam, Kênh truyền hình đối ngoại VOV4 của Đài Truyền hình Việt Nam, báo điện tử đối ngoại Thông tấn xã Việt Nam, như Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam, VietnamPlus, Báo ảnh Việt Nam,… đều quan tâm truyền thông về đề tài văn hóa, có các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa, truyền tải những thông điệp nổi bật về thiên nhiên, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam. Thông tin báo chí cho thấy, trong những năm qua, việc thực thi chính sách hội nhập quốc tế về văn hóa ở nước ta đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó có nhiều hoạt động hội nhập quốc tế về văn hóa được tổ chức rộng rãi. Nhiều ngày, tuần, tháng văn hóa Việt Nam, lễ hội văn hóa - du lịch, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tuần phim, triển lãm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, hội thảo, xúc tiến, quảng bá du lịch,... đã được tổ chức ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Qua thông tin về các sự kiện, báo chí khắc đậm ấn tượng về đất nước, con người Việt Nam hiếu khách, thân thiện.Bái chí góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè các nước trên thế giới_Nguồn: nhiepanhdoisong.vnBáo chí thông tin đối ngoại những vấn đề lý luận chính trị về đường lối xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; lý luận về văn hóa của Đảng gắn với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiều tác phẩm báo chí truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên mọi lĩnh vực; những thành tựu trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền con người… Báo chí chú trọng truyền thông về vẻ đẹp đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, di sản, tri thức khoa học Việt Nam, lan tỏa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Thông qua báo chí, quan điểm, lập trường và những đóng góp tích cực, hiệu quả của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực được truyền thông đậm nét.Trong quá trình truyền thông, báo chí đã nhanh chóng phát hiện những điểm còn bất cập, chưa hợp lý, những quy định không phù hợp, lỗi thời, chồng chéo, những vấn đề còn bỏ ngỏ,… để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện. Hai là, báo chí thông tin, phản ánh chân thực, đa dạng về thế giới, giới thiệu những tinh hoa văn hóa nhân loại và tư tưởng tiến bộ của thời đại phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, văn hóa của Việt Nam đến với nhân dân trong nước. Có thể nói, báo chí vừa là kênh truyền tải, chọn lọc các giá trị văn hóa trên thế giới, đồng thời cảnh báo, nhắc nhở về cách thức tiếp nhận. Báo chí đã phân tích, đặt ra tầm quan trọng của bản lĩnh văn hóa trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Ba là, báo chí chú trọng thực hiện nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về văn hóa Việt Nam, qua đó thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh. Bên cạnh vai trò tích cực và những đóng góp quan trọng, hoạt động báo chí cũng còn hạn chế trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa. Trước hết, đó là sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí với cơ quan chủ trì soạn thảo, ban hành chính sách. Chưa có sự chủ động của cơ quan chủ trì soạn thảo, ban hành chính sách trong tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí, dẫn đến việc các cơ quan báo chí gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn thông tin chính thống để giải thích cho người dân hiểu chính sách. Các cơ quan báo chí khó xây dựng được kế hoạch mang tính chất dài hạn, bài bản, thậm chí đôi khi bị động do thiếu thông tin dẫn đến công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, thời gian qua báo chí mới chủ yếu thể hiện tốt vai trò người đưa tin về chính sách đa dạng văn hóa, chưa phát huy vai trò mạnh mẽ trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi chính sách, phản biện chính sách văn hóa. Giải pháp phát huy vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóaBáo chí là kênh thông tin thiết yếu, đóng vai trò quan trọng để các chính sách về đa dạng văn hóa phát huy được hiệu lực, hiệu quả. Trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, quá trình ban hành và thực thi chính sách và quá trình phản biện chính sách đều cần có sự đồng hành tích cực và hiệu quả của báo chí nhằm thu hút trí tuệ, tình cảm của đông đảo công chúng vào xây dựng chính sách, đồng thời phổ biến rộng rãi chính sách, tạo lập đồng thuận xã hội nhằm thực hiện những mục tiêu chung. Sự phát triển của internet và phương tiện truyền thông xã hội mang lại nhiều lợi thế trong tiếp cận giới trẻ. Tuy nhiên, đây cũng chính là những kênh truyền thông dễ bị nhiễu loạn bởi các bình luận thiếu tính xây dựng, thậm chí cực đoan, chống phá, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của đối tượng tiếp nhận. Trước thực tế đó, báo chí phải là người đồng hành, phát huy vai trò trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa, vừa giúp công chúng biết, hiểu chính sách, vừa làm điểm tựa tin cậy về thông tin chính sách cho công chúng. Do đó, cần chú ý một số vấn đề sau: Một là, cần có sự chủ động phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách và các cơ quan báo chí, để giúp các tòa soạn báo nắm bắt các kế hoạch, chương trình xây dựng chính sách văn hóa của cơ quan chủ trì soạn thảo theo từng lộ trình, từ đó xây dựng kế hoạch truyền thông chính sách văn hóa một cách phù hợp. Nhà nước có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để tăng thêm nguồn lực tài chính, bảo đảm duy trì nguồn kinh phí ổn định cho công tác truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa. Hai là, chú trọng đầu tư về công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số theo chiều sâu để cơ quan báo chí mở rộng phạm vi tác động, từ đó làm chủ dòng chảy thông tin, dẫn dắt, định hướng dư luận. Cần xây dựng bộ chỉ số công cụ đo lường để đánh giá hiệu quả công tác truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa cho các cơ quan báo chí.Ba là, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp, am hiểu về lĩnh vực văn hóa và truyền thông chính sách. Do văn hóa là một lĩnh vực đặc thù, có phạm vi rộng, vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa đòi hỏi nhà báo cần có phông kiến thức dày dặn về văn hóa, từ đó có cái nhìn sâu sắc về từng lĩnh vực, có vốn tài liệu, tư liệu để khái quát, so sánh, đối chiếu, xây dựng tác phẩm báo chí truyền thông về đa dạng văn hóa một cách sâu sắc, mang cá tính riêng. Tổ chức các lớp tập huấn về văn hóa và truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa cho đội ngũ phóng viên chuyên trách. Thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam cần phối hợp với các ban, bộ, ngành, các cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông, các cơ quan báo chí… để tổ chức các lớp tập huấn cho phóng viên, biên tập viên chuyên về lĩnh vực văn hóa. Bốn là, đẩy mạnh truyền thông chính sách văn hóa và đa dạng văn hóa cũng chính là lan tỏa những giá trị cốt lõi của văn hóa, để văn hóa trở thành động lực của sự phát triển, là sức mạnh nội sinh, như lời Bác Hồ căn dặn: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” “Tư tưởng của Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của văn hóa, đề cao ý nghĩa cách mạng của văn hóa trong việc cải biến xã hội, đánh thức tiềm năng và khát vọng vươn tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong nhân dân, để ánh sáng của trí tuệ, của tình yêu thương, các giá trị nhân bản sâu sắc trong nhân dân được phát huy cao độ”(6). Thông tin báo chí trong truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa cần trở thành dòng chủ lưu để dẫn dắt thông tin, định hướng dư luận, đạt hiệu quả trong truyền thông chính sách. Thực hiện tốt công tác truyền thông sẽ mang lại nguồn lực, sức mạnh to lớn để tạo hiệu quả cho việc xây dựng, ban hành và thực thi chính sách về văn hóa. Báo chí cách mạng Việt Nam với tư cách là công cụ tuyên truyền của Đảng, là diễn đàn của quần chúng nhân dân cần giữ vững và phát huy vị trí là kênh thông tin chủ lực, truyền nguồn sinh lực mạnh mẽ để chính sách về đa dạng văn hóa đi sâu vào đời sống, góp phần chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới./.---------------------------(1) Xem: Bùi Hoài Sơn: Báo chí góp phần quan trọng trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, Báo Điện tử Tổ quốc, ngày 21-6-2024, https://toquoc.vn/bao-chi-gop-phan-quan-trong-trong-giu-gin-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc-20240621095639355.htm(2) Ngô Đức Thịnh: Đa dạng văn hóa và sự phát triển xã hội, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 10-01-2013, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/19676/da-dang-van-hoa-va-su-phat-trien-xa-hoi.aspx(3) Lê Thành Long, Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Anh Tuấn: Tác động của hội nhập quốc tế đến hệ thống pháp luật Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 9 - 10(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 164(5) Xem: Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16-7-1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-03-nqtw-ngay-1671998-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-tai-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-viii-ve-xay-dung-va-phat-1692(6) Xem: Nguyễn Nhĩ Hà: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” từ quan điểm Hồ Chí Minh đến sự vận dụng của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tạp chí Lịch sử Đảng điện tử, ngày 30-8-2023, https://tapchilichsudang.vn/van-hoa-soi-duong-cho-quoc-dan-di-tu-quan-diem-ho-chi-minh-den-su-van-dung-cua-dang-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii.htmlPGS, TS Đinh Thị Thu HằngHọc viện Báo chí và Tuyên truyền