Sign In
  • Điểm chuẩn ngành Báo chí cao chót vót, thí sinh ngậm ngùi tiếc nuối                  Học viện Báo chí và Tuyên truyền khai giảng năm học 2022-2023                  Thông báo thu học Học kỳ I năm học 2020 - 2021 các lớp đại học chính quy K38                  Thông báo thu học Học kỳ I năm học 2020 - 2021 các lớp đại học chính quy K39                  Thông báo kết luận cuộc họp Ban Giám đốc ngày 16/8/2019 về việc bồi dưỡng chuẩn hóa giảng viên tiếng Anh                  Thông báo về việc bổ sung người phụ thuộc, cấp mới mã số thuế cho người nộp thuế                  Thông báo Kết luận cuộc họp Ban Tổ chức phong trào "Thi đua dạy tốt, phục vụ tốt" năm học 2018 - 2019                  Thông báo kết luận của Giám đốc tại các buổi làm việc với các khoa, ban, phòng, đơn vị trực thuộc Học viện                  Thông báo về việc ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do mưa lũ và sạt lở đất                  Thông báo về thời gian làm việc và trực cấp cứu của Phòng Y tế thuộc Văn phòng Học viện                  Thông báo kết luận của Giám đốc tại buổi làm việc với các khoa, đơn vị                  Thông báo về việc thay đổi kế hoạch tổ chức Giao ban cán bộ quản lý tháng 6 năm 2018                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 5 năm 2018                  Thông báo kết quả Hội thi Giảng viên giỏi lần III năm 2018                  Thông báo về việc đăng lý đi học Cao cấp lý luận chính trị năm 2018                  Quyết định về việc thành lập Hội đồng giám khảo và Tổ thư ký hội thi giảng viên giỏi lần III năm 2018                  Kế hoạch triển khai phong trào thi đua "Dân chủ - Sáng tạo - Đồng bộ - Chất lượng"                  Kế hoạch thi giảng viên giỏi lần III năm 2018 cấp cơ sở                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 4 năm 2018                  Thông báo về việc đảm bảo an ninh trật tự và PCCN trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5                  Thông báo về việc thay đổi mật khẩu đăng nhập hệ thống wifi Học viện                  Thông báo về việc đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng trung hạn tại Cộng hòa Pháp                  Thông báo về việc đăng ký học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy Lý luận chính trị                  Thông báo về việc đăng ký xét tuyển đào tạo tại Trung Quốc                  Phân công cán bộ trực tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018                  Kế hoạch, quy chế và mẫu Hội thi giảng viên giỏi lần 3 năm 2018                  Thông báo về việc đổi lịch họp giao ban cán bộ quản lý tháng 11 năm 2017                  Thông báo về việc đổi lịch họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 11 năm 2017                  Hướng dẫn đánh giá phân loại đối với cán bộ, công chức và Thông báo thời gian bình xét thi đua                  Thông báo về việc điều chỉnh lịch họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 10 năm 2017                  Thông báo kết luận của Giám đốc tại buổi làm việc với một số đơn vị về việc thống nhất quản lý công nghệ thông tin trong Học viện                  Thông báo về việc ban hành Quy chế Văn thư, lưu trữ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền                  Thông báo về việc điều chỉnh lịch họp Giao ban Quý III/2017                  Thông báo về kế hoạch tổ chức Hội nghị giao ban Quý III/2017 trực tuyến                  Quyết định về việc thành lập Tổ kiểm tra việc thực hiện phong trào thi đua "Nề nếp làm việc, văn minh, văn hóa công sở" năm học 2017 - 2018                  Thông báo Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Thi đua, Khen thưởng năm 2017 và Hội thảo chuyên đề "Nâng cao chất lượng tổ chức Hội thi Giảng viên giảng dạy giỏi"                  Thông báo Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác Thi đua, khen thưởng năm 2017 (trực tuyến)                  Thông báo về việc phân công nhiệm vụ các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện                  Thông báo về việc điều chỉnh lịch họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 6 năm 2017                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 2 năm 2017                  Phân công cán bộ trực tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 01 năm 2017                  Thông báo kết quả họp Hội đồng Thi đua, Khen thưởng                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 12 năm 2016                  Kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện thực hành tiết liệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng                  Thông báo về việc tham dự Hội nghị trực tuyến về Quán triệt Hội nghị Trung Ương 4 - khóa XII                  Thông báo về việc lấy ý kiến vào dự thảo Quy chế công tác thi đua, khen thưởng và Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng                  Thông báo về việc đổi ngày họp Giao ban cán bộ quản lý tháng 11 năm 2016                  Thông báo về việc xây dựng kế hoạch công tác năm 2017                  Thông báo kế hoạch thanh tra năm học 2016 - 2017                  Thông báo nội dung họp Ban chỉ đạo phong trào thi đua "Nề nếp làm việc, văn minh, văn hóa công sở"                  Thông báo về việc nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức, người lao động theo thành tích xuất sắc năm 2016                  Thông báo về việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú lần thứ 14 năm 2017                  Kế hoạch về việc triển khai thực hiện tinh giảm biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20-11-2014 của Chính phủ                  Thông báo về việc đăng ký kế hoạch công tác hàng tháng                  Thông báo về việc đổi ngày họp Gian ban cán bộ quản lý tháng 9 năm 2016                  Kế hoạch phát động và kiểm tra việc thực hiện phong trào thi đua "Nề nếp làm việc, văn minh, văn hóa công sở" năm học 2016 - 2017                  Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua và đăng ký thi đua năm học 2016 - 2017                  Quyết định về việc công nhận các đơn vị và cá nhân đạt danh hiệu thi đua năm học 2015-2016                  Bản tổng hợp kết quả bình xét của Hội đồng thi đua, khen thưởng năm học 2015 - 2016                  Kế hoạch làm việc với Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh                  Kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2015 - 2016 và nghiên cứu thực tế                  Thông báo về việc báo cáo kết quả công tác năm học 2015 - 2016 phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong năm học 2016 - 2017                  Thông báo kết luận của Giám đốc tại buổi làm việc với khoa Tâm lý Giáo dục và Nghiệp vụ sư phạm và đại diện lãnh đạo, cán bộ một số khoa đào tạo giảng viên lý luận chính trị trong Học viện                  Kế hoạch về việc Tổ chức Hội thi giảng viên giảng dạy giỏi lần thứ II năm học 2016 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền                  Thông báo về việc xét tặng Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh năm 2016                  Kế hoạch xây dựng Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý Học viện Báo chí và Tuyên truyền giai đoạn 2016 - 2020                  Phân công cán bộ trực tết nguyên đán Bính Thân 2016                  Quyết định về việc công nhận kết quả đánh giá xếp loại để chi thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2015                  Thông báo (bổ sung) về việc thực hiện nghi thức chào cờ và hát Quốc ca vào sáng thứ Hai hàng tuần                 
  • Nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ để phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ nước nhà và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới*

    11:18 22/01/2025

    Chọn cỡ chữ A a  

    Ngày 15-1-2025, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức thường niên Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề: “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Tạp chí Cộng sản trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư:

     

    Tổng Bí thư Tô Lâm đến dự Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI _Ảnh: TTXVN

    Thưa các trí thức, nhà khoa học, các doanh nhân, bạn bè quốc tế
    Thưa các đại biểu và toàn thể các đồng chí dự hội nghị,

    Hôm nay, trong bầu không khí mừng vui và tràn đầy hy vọng của những ngày đầu năm 2025, chúng ta hân hoan chào đón sự kiện đặc biệt: Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI. Đây không chỉ là một sự kiện quan trọng mà còn là dấu mốc khẳng định mạnh mẽ vai trò tiên phong của doanh nghiệp công nghệ số trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu.

    Với tất cả niềm tin và hy vọng, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi gửi lời chào nồng nhiệt nhất đến các quý vị đại biểu, các đồng chí và toàn thể cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số có mặt hôm nay. Tôi cũng bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến những cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp đã miệt mài sáng tạo, chung tay góp sức để làm rạng danh trí tuệ Việt Nam, công nghệ Việt Nam trên trường quốc tế; đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức diễn đàn ý nghĩa này ngay sau Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Chúng ta hãy cùng nhau biến diễn đàn năm nay thành một “Quốc lễ công nghệ số” đầy cảm hứng, mở ra những cơ hội mới, những hướng đi đột phá cho các trí thức, các nhà khoa học, đặc biệt là cộng đồng công nghệ số Việt Nam.

    Thưa toàn thể quý vị đại biểu và các đồng chí,

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số đã và đang khẳng định vai trò động lực chủ chốt, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng tất yếu, mà còn là yêu cầu cấp thiết để Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới. Điều này không chỉ mở ra cơ hội cải thiện năng suất lao động, mà còn tạo điều kiện để đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi tầng lớp nhân dân.

    Đồng thời, chuyển đổi số mang tính chiến lược dài hạn, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia và củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật..., chúng ta có thể phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, bền vững, xã hội số toàn diện, tiên tiến, bản sắc. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, cần sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực từ người lao động và toàn thể người dân.

    Qua các báo cáo và đánh giá của các đồng chí, tôi rất vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ số của Việt Nam thời gian qua. Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD vào năm 2024, tăng 35,7% so với năm 2019, minh chứng cho sự tăng trưởng bền vững của ngành và khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ số trong nền kinh tế quốc gia. Sự phát triển này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

    Chúng ta cũng vui mừng khi hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số đang ngày càng lớn mạnh, với gần 74.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó hết năm 2023 có gần 1.900 doanh nghiệp công nghệ số đã vươn ra thị trường quốc tế, với doanh thu 11,5 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2022. Điều này không chỉ cho thấy năng lực và sự sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn chứng minh tiềm năng lớn trong việc mở rộng thị trường, gia tăng giá trị xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý hành chính công và đổi mới sáng tạo; xếp hạng 71/193 quốc gia về mức phát triển của chính phủ điện tử; 44/133 quốc gia về đổi mới sáng tạo toàn cầu.

    Có thể nói, ngành công nghiệp công nghệ số của Việt Nam đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Lực lượng lao động trong ngành ngày càng đông đảo, đạt hơn 1,67 triệu lao động. Hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ đa dạng, bao gồm phần cứng, điện tử, phần mềm và các công nghệ tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và internet vạn vật... Những bước tiến này không chỉ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước mà còn mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền kinh tế số toàn diện.

    Với những thành quả lớn đó, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi ghi nhận, chúc mừng và biểu dương cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam về những nỗ lực không ngừng và những thành tựu đã đạt được. Tôi đánh giá cao sự đóng góp và vai trò của các doanh nghiệp số Việt Nam trong việc tạo ra những sản phẩm, giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, từ sản xuất đến dịch vụ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia, nâng cao chất lượng tăng trưởng và cải thiện đời sống người dân.

    Tôi ghi nhận những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phát huy vai trò cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về công nghiệp công nghệ số; đã phối hợp chặt chẽ với các bộ như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các ngành và địa phương theo dõi, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Những chính sách và chương trình của bộ không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển bền vững và cạnh tranh quốc tế.

    Tuy nhiên, với tất cả sự thẳng thắn, cầu thị và lắng nghe, chúng ta thấy vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để bảo đảm sự phát triển vững mạnh của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số quốc gia. Một trong những điểm yếu lớn là năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), hiện vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lực từ nước ngoài, hạn chế khả năng tự chủ công nghệ của Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng thu hút nhân tài công nghệ cao cũng chưa đủ mạnh, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn thấp, chỉ tham gia ở mức rất khiêm tốn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. (Tôi được báo cáo là Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử. Đây là những con số có vẻ ấn tượng, hoành tráng, đáng tự hào, nhưng thử hỏi chúng ta đã bao giờ nhìn sâu vào bản chất những số liệu này chưa? Chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó? Hay là mình đang ở phân khúc thấp nhất của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công cho nước ngoài. Một cái áo bán ra mà thiết kế, vải, nhuộm, chỉ, cúc đều của người khác thì mình được bao nhiêu? Có chăng chỉ là công lao động và sự ô nhiễm môi trường? Số liệu tôi nêu trên được trích dẫn từ báo cáo của lãnh đạo về thành tích của ngành mình. Tôi cứ tự hỏi đây liệu có phải là “ngộ nhận”, là “tự huyễn hoặc”, là “tự ru mình” không). Nhân đây tôi muốn nói thêm: ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện, khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này. Sam Sung đầu tư vào Việt Nam từ 2008 đến nay, tại Thái Nguyên có 60 doanh nghiệp đối tác cấp I cung ứng cho Sam Sung thì tới 55 doanh nghiệp nước ngoài; tại Bắc Ninh có 176 đối tác cấp I, thì có tới 164 doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu cung cấp dịch vụ an ninh, suất ăn công nghiệp, xử lý rác thải,... Tôi muốn nêu rõ những bất cập này để chúng ta nhìn thẳng vào sự thật rằng doanh nghiệp của chúng ta đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng như trong năng lực cạnh tranh quốc tế để mà cố gắng.

    Trong thực tế, sự đóng góp của khu vực FDI đối với việc nâng cao tiến bộ khoa học nội địa còn thấp; trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình; 14% sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng 5% sử dụng công nghệ cao. Sắp tới đây, chúng ta phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn. Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm “lắp ráp - gia công”, là bãi rác về công nghệ của thế giới, trong khi doanh nghiệp trong nước không học hỏi được gì.

    Việc phát triển công nghệ số vẫn còn diễn ra không đồng đều giữa các vùng, miền, với một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng và triển khai công nghệ, tạo ra khoảng cách lớn trong việc tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Hạ tầng số cũng là một thách thức lớn, khi nhiều khu vực vẫn chưa được đầu tư đầy đủ vào công nghệ hiện đại, ảnh hưởng đến khả năng kết nối toàn quốc và sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ số. Đây là những vấn đề cần được giải quyết một cách đồng bộ để Việt Nam có thể tận dụng tốt tiềm năng của công nghệ số và doanh nghiệp công nghệ số.

    Thưa quý vị đại biểu và các đồng chí,

    Trên tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, được ví như với “Khoán 10” trong nông nghiệp, tôi rất muốn sẽ nhận được các báo cáo là trí tuệ Việt Nam, công nghệ số Việt Nam đóng góp bao nhiêu phần trăm đối với các sản phẩm của ngành công nghệ số, đóng góp bao nhiêu phần trăm để giúp các sản phẩm đó thông minh hơn, hiệu năng hơn, thẩm mỹ hơn, được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn, những cái tên Việt Nam nào được vinh danh trong các phát minh, sáng kiến... Vì vậy, tôi gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta trong giai đoạn tới như sau:

    Thứ nhất là, phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Chúng ta phải đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là các công nghệ chiến lược, như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain), công nghệ nano và thông tin di động 5G, 6G... công nghệ vũ trụ, không gian... Tập trung vào việc làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới để tạo ra sự tự chủ về công nghệ và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh.

    Thứ hai là, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ số: Hạ tầng số sẽ đóng vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghiệp công nghệ số. Chính phủ cần đầu tư mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng công nghệ hiện đại, có dung lượng lớn, băng thông rộng, đồng bộ và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối toàn quốc và phát triển kinh tế số.

    Thứ ba là, khơi nguồn nhân tài và thu hút chuyên gia công nghệ cao: Cần tăng cường chính sách thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa và tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu quốc tế.

    Thứ tư là, xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững: Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số với sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức hỗ trợ. Thúc đẩy sáng kiến hợp tác công - tư, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và các tổ chức quốc tế để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

    Thứ năm là, phát triển kinh tế số và xã hội số: Từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực kinh tế số như Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển các giải pháp công nghệ ứng dụng vào quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử và tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ thông tin cho người dân.

    Thứ sáu là, nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu: Chúng ta cần phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới. Đến năm 2030, đưa Việt Nam vào top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển công nghệ số, đồng thời tạo ra ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ số lớn có khả năng cạnh tranh quốc tế. Tôi đề nghị mỗi doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta phải tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển cao, đầy khát vọng và không ngừng nâng cao chất lượng nhân lực cả về số lượng và chất lượng.

    Thứ bảy là, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế: Chúng ta phải biết cách “đứng trên vai của những người khổng lồ", muốn vậy phải tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, thu hút thêm các tổ chức nghiên cứu và sản xuất công nghệ số vào Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa các sản phẩm công nghệ số của mình ra thị trường quốc tế.

    Đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chúng ta cần có sự đồng lòng, quyết tâm và khát vọng mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta cần nhìn thấy đây không chỉ là cơ hội, mà là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW. Hãy biến khát vọng dẫn đầu thành hành động cụ thể. Mỗi doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào những lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới và không ngừng đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp số cần tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

    Hãy hợp tác và liên kết với các đối tác trong và ngoài nước để cùng tạo nên một hệ sinh thái công nghệ bền vững. Đây là thời cơ vàng để chúng ta thực sự khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên trường quốc tế, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp công nghệ số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và thế giới. Hãy không ngừng vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua những thách thức và cùng nhau biến những khó khăn thành động lực để vươn xa. Chúng ta có những điều kiện thuận lợi, nguồn lực sẵn có và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý và bạn bè quốc tế, sự ủng hộ của nhân dân.

    Đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đoàn kết, chung sức xây dựng một tương lai vững bền cho ngành công nghệ số nước nhà. Đây không chỉ là sứ mệnh cao cả, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định mình, đưa các sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” vươn xa. Hãy tận dụng thế mạnh về trí tuệ, nguồn nhân lực và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cùng hào khí Việt Nam để góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

    Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước hàng đầu về công nghiệp công nghệ số, có trách nhiệm dẫn dắt và định hướng phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ số phát triển mạnh mẽ. Cần khắc phục những hạn chế, bất cập, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương để xây dựng chính sách, thúc đẩy ứng dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời hoàn thiện hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghệ số Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nghiên cứu phát triển và xây dựng hệ sinh thái công nghệ bền vững. Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành, địa phương luôn đồng hành với nhau để cùng phát triển.

    Tôi hoan nghênh sáng kiến của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc giao và nhận thực hiện các nhiệm vụ để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ số và nhận các nhiệm vụ lớn của quốc gia. Tôi tin tưởng và hy vọng rằng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao, giúp đất nước phát triển bền vững, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

    Tôi cũng rất cảm ơn những ý kiến phát biểu của ngài Thứ trưởng Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc. Cảm ơn sự hợp tác của Hàn Quốc đối với Việt Nam trên lĩnh vực này. Cảm ơn sự có mặt của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới của Hàn Quốc đã có mặt ở Việt Nam như Samsung, LG... Cách đây 2 ngày, tôi mới đến thăm tập đoàn Amkor Technology, một doanh nghiệp mới đầu tư tại Việt Nam nhưng rất thành công. Đây là tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất chip bán dẫn, dưới sự lãnh đạo nguyên là Chủ tịch quốc hội Hàn Quốc. Rất cảm ơn các kinh nghiệm của Hàn Quốc. Chúng tôi đã chậm về công nghiệp, chậm về công nghệ thông tin nên chúng tôi muốn phát triển nhất, muốn đi đầu về trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi đi sau, chúng tôi có quyền đi tắt đón đầu, tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn như vậy sẽ rất thuận lợi, tránh tốn kém. Chúng tôi có sự đồng tình của hơn 100 triệu dân và có sự hợp tác của bạn bè quốc tế, chúng tôi sẽ thành công.

    Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng đến quý vị đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Chúc các bạn bước sang năm mới với đầy nhiệt huyết, sáng tạo và năng lượng để tiếp tục nỗ lực, vượt qua thử thách và khai thác những cơ hội mới. Hy vọng rằng trong năm mới, các doanh nghiệp công nghệ số sẽ không ngừng đổi mới, vươn xa ra thị trường quốc tế và góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ nước nhà.

    Chúc các bạn một năm mới thành công rực rỡ, gặt hái nhiều thắng lợi mới!

    Xin trân trọng cảm ơn./.

    GS, TS Tô Lâm
    Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

    ---------------------

    * Tiêu đề do Tạp chí Cộng sản điện tử đặt

    Nguồn: tapchicongsan.org.vn

    Ý kiến