Đây là địa điểm thực tập thứ 2 trong chuyến đi thực tế nhằm phục vụ cho môn học Tổ chức hoạt động đối ngoại của đoàn sinh viên lớp Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế 41. Tại đây các bạn sinh viên không chỉ được hiểu hơn về công tác bảo tồn di sản văn hóa tại Sa Pa, mà quan trọng hơn các bạn có hội rèn luyện, áp dụng các kỹ năng như lập kế hoạch, điều phối tổ chức các hoạt động đã được học vào thực tiễn chuyến đi này. Các bạn đóng vai trò chủ động trong việc sắp xếp các khâu hậu cần tổ chức chương trình và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với cơ quan, có bạn đảm nhận vai trò MC, có bạn làm lễ tân hỗ trợ đưa mic, rót nước… Qua đó, sinh viên không chỉ ứng dụng các kỹ năng tổ chức sự kiện và giao tiếp đối ngoại đã học trong môn Tổ chức hoạt động đối ngoại, mà còn củng cố khả năng làm việc nhóm, lãnh đạo và phối hợp trong một dự án thực tiễn, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống và thích ứng trong công việc thực tế, phù hợp với yêu cầu của môn học. Bà Hoàng Thị Vượng chia sẻ với các bạn sinh viên tổng quan về Sa Pa và du lịch Sa Pa Chia sẻ sâu hơn tại buổi làm việc, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa đã bày tỏ sự nhiệt tình và gần gũi với Đoàn sinh viên, bà đã giới thiệu với sinh viên những nội dung tổng quan về Sa Pa và ngành du lịch Sa Pa với những thuận lợi và thách thức mà Sa Pa đang phải đối mặt. Đặc biệt, bà nhấn mạnh vào hoạt động phát triển du lịch gắn liền với công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, tái tạo môi trường là cách để vừa phát triển kinh tế - xã hội bản địa, vừa tạo dấu ấn thu hút nhiều khách du lịch đến với Sa Pa. Theo đó, công tác bảo tồn di sản thông qua Lễ hội 5 mùa (gồm Lễ hội mùa xuân, Lễ hội mùa tình yêu, Lễ hội mùa hè, Lễ hội mùa thu và Lễ hội mùa đông) là việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao xuyên suốt mỗi tháng dựa trên các nét truyền thống đặc sắc của các bản làng, các dân tộc bản địa. Lễ hội mùa xuân gồm các hoạt động tổ chức đón Xuân tại các bản làng như Lễ Mở cửa rừng Dân tộc Dao, Lễ hội Xòe dân tộc Tày, Hội Xuân mở cổng trời… Lễ hội mùa tình yêu trong không gian lãng mạn của Sa Pa với phiên Chợ tình, Chương trình văn nghệ “Sa Pa - Nơi gặp gỡ đất trời”... Lễ hội mùa hè với các hoạt động như Ngày hội văn hóa các dân tộc tại thị xã Sa Pa, Lễ hội vó ngựa trên mây, Giải chạy “Sa Pa mùa nước đổ”. Lễ hội mùa thu với các hoạt động như Hội thi Khèn Mông “Giai điệu mây ngàn”, Lễ hội mùa Vàng trên Mây, Giải Marathon vượt núi quốc tế Sa Pa - VMM... Lễ hội mùa đông, du khách sẽ được tận hưởng không gian lãng mạn, tinh khôi của không gian Tuyết Sa Pa, Lễ hội thổ cẩm, Chương trình nghệ thuật “Count Down” chào năm mới… Bằng việc khai thác hiệu quả những chất liệu có sẵn này, Sa Pa đang hướng tới tuyên truyền, quảng bá hiệu quả thương hiệu du lịch Sa Pa, tạo thêm những sản phẩm mới cho du lịch địa phương nhằm cạnh tranh với các thị trường du lịch trong và ngoài nước, thu hút và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Sa Pa. Bà Hoàng Thị Vượng chia sẻ với các bạn sinh viên tổng quan về Sa Pa và du lịch Sa Pa Các bạn sinh viên hào hứng với những chia sẻ của bà Hoàng Thị Vượng Trong khuôn khổ buổi trao đổi, bà có những chia sẻ thực tiễn và giải đáp những câu hỏi, thắc mắc của sinh viên về công tác bảo tồn giá trị văn hóa ở Sa Pa và những vấn đề còn tồn đọng, những góc khuất liên quan đến nhân quyền, lạm dụng trẻ em khi du lịch Sa Pa ngày càng phát triển. Quan phần giao lưu này, các bạn sinh viên không chỉ được hiểu sâu hơn về nét văn hóa, giá trị của các lễ hội mà Sa Pa tổ chức đối với công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn mà còn là cơ hội để các bạn hiểu rõ hơn về thực tế, những thuận lợi đi kèm với khó khăn trong việc phát triển du lịch và tổ chức các hoạt động đối ngoại. Các bạn sinh viên đặt câu hỏi đối với Phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa Về phía đại diện Đoàn sinh viên, Phó Khoa Quan hệ quốc tế, T.S Đỗ Thị Hùng Thúy cũng có đôi lời phát biểu và cảm ơn sâu sắc tới Trưởng phòng Hoàng Thị Vượng đã giúp cho sinh viên hiểu rõ về thực tiễn ở địa phương, những nốt trầm trong công tác phát triển du lịch về việc cân bằng lợi ích kinh tế và phát triển bền vững văn hóa, xã hội, những vấn nạn xung quanh câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng. Với tư cách là một giảng viên của bộ môn Tổ chức hoạt động đối ngoại, cô Thúy cũng bày tỏ hết sức vui mừng vì những chia sẻ của bà Vượng đã biến những kiến thức khô khan thành những câu chuyện gần gũi, sinh động hơn đến với các bạn sinh viên. Những kiến thức, câu chuyện thực tế mà bà chia sẻ sẽ là hành trang quý giá cho các bạn sinh viên có thêm động lực, tự tin vào con đường mình đã chọn. TS. Đỗ Thị Hùng Thúy, Trưởng đoàn sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế phát biểu tại buổi làm việc Kết thúc buổi làm việc, bà Hoàng Thị Vượng đã gửi lời chúc Đoàn sinh viên và giảng viên lớp Quan hệ chính trị K41, mong rằng Đoàn sẽ có thời gian tham quan suôn sẻ và có nhiều kỉ niệm đáng nhớ tại thị xã Sa Pa, cũng như lời mời cho những chuyến thực tế xã hội sau này của các khóa Khoa Quan hệ quốc tế. Sau đó, Đoàn sinh viên và bà Vượng đã cùng lưu giữ những khoảnh khắc đẹp qua các tấm ảnh lưu niệm. Có thể nói buổi trao đổi không chỉ là một chuyến tham quan thực tế mà còn là một trải nghiệm đong đầy kỷ niệm, mở ra những góc nhìn mới, niềm tin và động lực cho các bạn trẻ trên con đường phía trước. Bức ảnh lưu niệm ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong buổigiao lưu học tập thực tế Sinh viên đóng vai trò chủ động trong các khâu chuẩn bị chuyến đi, từ xây dựng kế hoạch, lên lịch trình, phân công nhiệm vụ đến việc sắp xếp các khâu hậu cần. Các bạn đảm nhận vai trò MC, hỗ trợ tổ chức chương trình và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với đối tác địa phương. Qua đó, sinh viên không chỉ ứng dụng các kỹ năng tổ chức sự kiện và giao tiếp đối ngoại đã học mà còn củng cố khả năng làm việc nhóm, lãnh đạo và phối hợp trong một dự án thực tiễn, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống và thích ứng trong công việc thực tế, phù hợp với yêu cầu của môn học.