Ông bà chúng ta xưa đúc kết và truyền dạy: “Tre già, măng mọc”, “Con hơn cha, nhà có phúc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Đầu năm 1918 Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ nước Anh trở lại nước Pháp và đã tích cực củng cố lại tổ chức Hội những người Việt Nam yêu nước ở Pháp. Năm 1920, tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh xác định rõ con đường cách mạng Việt Nam là chống đế quốc và phong kiến, giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Một vấn đề cơ bản là ai làm cuộc cách mạng này, Hồ Chí Minh đã giải đáp là toàn dân Việt Nam đoàn kết thành một khối có liên minh công nông làm gốc dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng của giai cấp vô sản Việt Nam. Trở thành người cộng sản, Hồ Chí Minh càng có cái nhìn khách quan, khoa học về vai trò, vị trí và khả năng cách mạng to lớn của thanh niên trong lịch sử và cách mạng của dân tộc, người thấu hiểu những khát vọng cao đẹp và tha thiết của họ. Trong quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, Người đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên. Người nhận rõ, trong lực lượng khối đoàn kết toàn dân tộc có lực lượng nòng cốt là thanh niên. Tháng 11/1924, với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) khi những điều kiện cho việc thành lập một tổ chức cách mạng đã chín mùi. Tháng 6.1925, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng minh Hội được thành lập. Từ cuối năm 1925 đến tháng 4/1927, dưới sự sắp xếp và lên kế hoạch của Nguyễn Ái Quốc, 3 đoàn thanh niên gồm 75 người từ khắp nơi trên đất nước Việt Nam đến Quảng Châu, tham gia vào lớp tập huấn chính trị, trong đó có hơn 20 người vào học quân sự tại trường Hoàng Phố. Những thanh niên Việt Nam lần lượt đến Quảng Châu đã nhanh chóng trưởng thành trong học tập và thực tiễn đấu tranh, trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại Quảng Châu những năm 1923-1927 trở thành một trong những sự kiện chính trị quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là nhịp cầu bền vững để truyền tải chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đồng thời đây là một bước chuẩn bị có ý nghĩa quyết định về mặt tổ chức, là nơi đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng trong nước. Ở đây, Người mở nhiều lớp giáo dục, đào tạo những thanh niên Việt Nam yêu nước. Những bài giảng của Hồ Chí Minh đến năm 1927 được tập hợp thành cuốn Đường Kách mệnh, trong đó Người dành riêng một chương viết về Cộng sản thanh niên quốc tế. Trong chương này, Người có nói rõ lịch sử Cộng sản thanh niên quốc tế, cách tổ chức, mục đích, cách làm việc và mối quan hệ giữa cộng sản thanh niên với Đảng Cộng sản; Người nói về phong trào hoạt động của Cộng sản thanh niên ở các nước trên thế giới và kết luận: “Ngày nay nước nào cũng có thanh niên Cộng sản. Chỉ An Nam là chưa có!”. Như vậy, thông qua hoạt động lý luận và thực tiễn, đến giữa những năm 1920, Hồ Chí Minh đã hình thành quan điểm của mình về sự cần thiết phải xây dựng một tổ chức của thanh niên Việt Nam - Tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản. Chính vì vậy, vào mùa xuân năm 1930, khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Điều lệ của Đảng, ở mục “Lệ vào Đảng”. Người viết: “Người dưới 21 tuổi phải vào thanh niên cộng sản Đoàn” và đủ tiêu chuẩn mới được kết nạp vào Đảng. Vậy là, Hồ Chí Minh đã chỉ ra sau khi thành lập Đảng phải tổ chức ra Đoàn Thanh niên Cộng sản, là tổ chức tập hợp và rèn luyện thanh niên, là đội hậu bị giới thiệu những thanh niên ưu tú làm thành viên của Đảng. Cùng với những chặng đường cách mạng vẻ vang của dân tộc, các thế hệ của tuổi trẻ Việt Nam, trong đó tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là lực lượng tiên phong, đã khẳng định bản lĩnh cách mạng, lòng trung thành với Đảng, với dân tộc, là lực lượng xung kích cách mạng, là tổ chức hạt nhân chính trị của thanh niên Việt Nam, đội hậu bị tin cậy của Đảng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên Việt Nam. Qua các phong trào, các cuộc vận động do Đoàn phát động, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã không ngại khó khăn, gian khổ, vượt lên mọi thử thách, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh; tích cực, năng động, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất; xung kích, tình nguyện bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước. Khẳng định, việc giữ gìn, phát huy truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh luôn được các thế hệ cán bộ, đoàn viên, thanh niên xem là nghĩa vụ, trách nhiệm và là mệnh lệnh đặc biệt của trái tim và khối óc. Với những thời cơ và thách thức mới trong hành trình khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, văn minh, hạnh phúc giai đoạn cách mạng hiện nay, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam quyết tâm trở thành những người đi đầu trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, phát triển. Các cấp bộ Đoàn tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, bảo đảm cho phong trào thanh thiếu nhi phát triển đúng hướng, đem lại lợi ích thiết thực cho tuổi trẻ; lựa chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm, việc làm cụ thể, thiết thực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn, phù hợp với tâm lý, nhu cầu của thanh niên; đáp ứng mong mỏi của mỗi gia đình, xã hội, từ đó tạo ảnh hưởng, lan tỏa tích cực trong giới trẻ, khẳng định mạnh mẽ hơn lòng trung thành tuyệt đối, niềm tin của tổ chức Đoàn, thế hệ trẻ hôm nay vào con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên và tổ chức Đoàn thanh niên, hiện nay mọi đoàn viên, thanh niên và các cấp bộ đoàn tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thông qua thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” với nội dung phong phú, sinh động, hình thức đa dạng, lôi cuốn, tập hợp được đông đảo thanh niên tham gia và thu được kết quả to lớn để rèn đức, rèn sức, luyện tài, trau dồi lý tưởng, thực sự là “những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời dạy trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ cách mạng cha anh đi trước. Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng kỳ này giới thiệu đến bạn đọc 3 bài viết. Bài thứ nhất: “Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng ủy cơ quan báo chí Trung ương đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của Đại tá Nguyễn Hồng Hải. Lãnh đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một trong những chức năng, nhiệm vụ trọng yếu của Đảng ủy cơ quan báo chí Trung ương, là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan báo chí Trung ương và chất lượng báo chí Trung ương. Xác định đúng nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng ủy cơ quan báo chí Trung ương đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp thiết trong điều kiện hiện nay. Bài thứ hai: “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân trên môi trường mạng xã hội” của PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang. Trải qua hơn 60 năm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tuyên giáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã cung cấp cho Đảng, Nhà nước hàng chục ngàn cán bộ tuyên giáo các cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành tuyên giáo và công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ làm công tác tuyên giáo, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân trên môi trường mạng xã hội, Học viện đã có những cải tiến, đổi mới nội dung, phương thức trên nhiều phương diện, lĩnh vực, hoạt động công tác và đạt được nhiều thành tựu. Bài thứ ba: “Một số biện pháp phòng chống thông tin xấu độc trên phương tiện truyền thông, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cộng đồng sinh viên” của ThS. Nguyễn Thị Thu Trang. Hiện nay các thế lực thù địch đã và đang sử dụng phương tiện truyền thông như một công cụ tuyên truyền thông tin xấu độc nhằm thực hiện mưu đồ chính trị, mà đối tượng lựa chọn là thế hệ trẻ, nhất là sinh viên đại học. Do vậy, những năm qua lãnh đạo và Ban Giám hiệu các trường đại học đã tiến hành các biện pháp phòng chống thông tin xấu độc trên phương tiện truyền thông, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong cộng đồng sinh viên; tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn không ít tồn tại và bất cập, nên hiệu quả phòng chống chưa cao. Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, để khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả phòng chống thông tin xấu độc trên phương tiện truyền thông trong cộng đồng sinh viên, chủ thể quản lý truyền thông ở trường đại học cần quán triệt và thực hiện một số biện pháp để tạo hiệu quả cao trong phòng chống thông tin xấu độc, xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh trong cộng đồng sinh viên hiện nay. Tiếp đến là chuyên mục Nghiên cứu – Trao đổi giới thiệu đến bạn đọc nhiều bài viết ý nghĩa. Bài viết “Bàn thêm về văn hóa chính trị” của PGS,TS. Nguyễn Hữu Đổng. Văn hoá chính trị là khái niệm được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, khi lý giải, người nghiên cứu chỉ tập trung đi sâu vào tính chất hình thức bên ngoài, bản chất nội dung bên trong, chứ không phân tích cụ thể thực chất nguyên lý toàn diện ở giữa; đồng thời không chỉ ra mối liên hệ theo quy luật, hiện thực phát triển khách quan giữa các mặt này với nhau. Bằng tư duy thật, tác giả bài viết phân tích, làm sáng tỏ thực chất, hạn chế nhận thức khái niệm này và kiến nghị giải pháp khắc phục, xây dựng chính trị có văn hoá ở Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài viết “Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng góp phần xây dựng đạo đức, văn hóa của Đảng” của TS. Vũ Tuấn Hà. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đặt nền móng cho báo chí cách mạng Việt Nam và trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chủ tịch luôn coi báo chí là một bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng. Nhiều lần, Người đã nhấn mạnh báo chí là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của báo chí cách mạng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, đồng thời Đảng ta luôn nhấn mạnh việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò báo chí cách mạng Việt Nam để phát huy tính văn hóa, đạo đức cách mạng của báo chí Việt Nam qua đó góp phần xây dựng đạo đức, văn hóa của Đảng càng có ý nghĩa thiết thực. Bài viết “Quan điểm “chính trị trọng hơn quân sự” của Chủ tịch Hồ Chí Minh – ý nghĩa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay” của TS. Vũ Quang Ánh và ThS. Vũ Văn Kiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện lực lượng vũ trang Nhân dân, đã để lại cho hậu thế di sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá, trong đó có quan điểm “Chính trị trọng hơn quân sự”. Đây chính là đường lối cơ bản xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân, có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Ngoài ra, trong chuyên mục này còn những bài viết khác như: Bài viết “Sứ mệnh thanh niên Việt nam thực hiện hóa khát vọng hùng cường theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng” của ThS. Nguyễn Phương Anh; bài viết “Xây dựng giai cấp nông dân hiện đại, văn minh, hướng đến mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của TS. Nguyễn Thị Hà; bài viết “Pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Nhà nước Việt Nam từ năm 1945 đến nay và định hướng hoàn thiện” của TS. Huỳnh Thị Chuyên; bài viết “Về ý thức tự giáo dục trong việc xây dựng nền tảng lý luận chính trị” của TS. Nguyễn Thị Phương Mai; bài viết “Nhận diện ảnh hưởng của công chúng mạng xã hội đối với sản phẩm của cơ quan báo chí” của ThS. Lê Nguyễn Phương Thảo. Nối tiếp là chuyên mục Thực tiễn – Kinh nghiệm mang đến bạn đọc nhiều bài viết giàu lý luận và thực tiễn. Bài viết “Thông điệp về “khát vọng hòa bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ” của TS. Vũ Thị Kim Hoa. Xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 40 của thế kỷ 20, tranh cổ động gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam và trở thành một phần quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tranh cổ động trở thành thứ vũ khí tinh thần mạnh mẽ trong hành trình giành độc lập dân tộc. Nhiều người cho rằng trong chiến tranh tranh cổ động chủ yếu là loại tranh tuyên truyền vận động, cổ vũ, tinh thần chiến đấu, thúc giục mọi người tham gia chiến đấu, nhưng tìm hiểu nghiên cứu mới thấy dòng tranh này không chỉ mang trong mình sứ mệnh cổ vũ động viên mà còn mang trong đó những giá trị thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật cùng những thông điệp về khát vọng hoà bình. Bài viết này tập trung tìm hiểu về thông điệp “khát vọng hoà bình” trong tranh cổ động Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1954 - 1975). Bài viết “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới” của TS. Hoàng Anh Thao. Đội ngũ trí thức có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình hoạch định chính sách; nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như trong công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn và phát triển nền văn hóa và sáng tạo nghệ thuật. Trí thức là lực lượng có trí tuệ, năng lực, phẩm chất, tư duy sáng tạo cao nhất trong lực lượng lao động. Nhận thức rõ tầm quan trọng của đội ngũ này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau 15 thực hiện Nghị quyết 27, đội ngũ trí thức Việt Nam phát triển ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bối cảnh mới đang đặt ra những yêu cầu, thách thức mới và đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh để đảm đương có hiệu quả sứ mệnh của mình trong tình hình mới. Trong chuyên mục này còn có những bài viết khác như: bài viết “Mối quan hệ giữa Tổng thống và báo chí tại Hoa Kỳ trong thế kỷ 20” của ThS. Dương Quốc Bình; bài viết “Giáo dục về quyền con người ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền: thực trạng và giái pháp” của TS. Vũ Thị Thu Quyên; bài viết “Sử dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông trong dạy học ngoại ngữ của TS. Nguyễn Thị Việt Nga; bài viết “Vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tiếng Anh” của ThS. Nguyễn Hữu Hoàng. Các chuyên mục khác như Chuông làng báo; Sự kiện – Bình luận tiếp tục mang đến bạn đọc những bài viết giá trị. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!