Sau Cách mạng tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Niềm vui độc lập chưa được bao lâu, thì cả nước đã phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách, mà thử thách lớn nhất là âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn nền độc lập với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, toàn quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng ở những nơi có thực dân Pháp chiếm đóng. Trong cuộc chiến đấu này, rất nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Trong bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã căn dặn Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quan tâm đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình vì Tổ quốc. Bác viết: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể “dần dần tự lực cánh sinh”, và: “Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Thực hiện Di chúc cũng là tâm nguyện của Người, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi đối với NCC đã được ban hành, thực hiện đồng bộ, toàn diện và đa dạng. Hệ thống pháp luật, chính sách về NCC từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi NCC với cách mạng từng bước được mở rộng. Trong suốt hành trình sự nghiệp đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập, thống nhất, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước để giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC với đất nước ngày càng đi vào cuộc sống, tạo nên sự đồng thuận giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, trở thành động lực của phong trào cách mạng rộng lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp, các ngành, địa phương đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực chăm sóc người có công. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, đến từng ngõ xóm, làng xã, từng gia đình. Ngày 27/7 hằng năm, là dịp để mỗi người Việt Nam được sống trong hòa bình tri ân hàng triệu con người đã hy sinh, đã để lại nơi chiến trường một phần xương máu và một phần cuộc sống của mình vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhân dân. Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong số này giới thiệu đến bạn đọc hai bài viết: Bài thứ nhất: “Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng” của TS. Phan Huy Trường và TS. Phùng Danh Cường. Bài viết nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó, tác giả phân tích rõ, nhận diện và đấu tranh với những luận điểm sai trái và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Từ đó, tác giả đề xuất giải pháp mang tính kiến nghị để góp phần đấu tranh chống quan điểm sai trái, tư tưởng thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài thứ hai: “Giải pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ở Việt Nam trong tình hình mới” của ThS. Tạ Đức Tuấn. Hiện nay Việt Nam đang trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng với khu vực và thế giới. Trong tiến trình đó, các thế lực thù địch, phản động trong nước và quốc tế ngày càng đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” với cấp độ ngày càng gay gắt, quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt, hòng gây hỗn loạn, nhằm mục đích xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường, chúng tìm đủ mọi cách, mọi phương thức nhằm truyền bá các quan điểm sai trái, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Chúng bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ hình ảnh đội ngũ lãnh đạo Việt Nam với mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Do vậy, chúng ta luôn phải tỉnh táo, nhận diện đúng, nhìn nhận tinh tường nhằm vạch trần bản chất và có biện pháp phòng chống hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn đó. Đồng thời, không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong cuộc chiến “không khói súng” đầy cam go và thách thức này. Tiếp đến là chuyên mục Nghiên cứu – Trao đổi mang đến cho bạn đọc nhiều bài viết giá trị. Bài viết: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân và giá trị đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay” của TS. Nguyễn Thị Minh Thùy. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân là một nội dung quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người. Hồ Chí Minh lựa chọn độc lập dân tộc gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân theo con đường cách mạng vô sản có ý nghĩa sâu sắc đối với tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Đó là sự lựa chọn vô cùng đúng đắn, phù hợp với dân tộc và xu thế của thời đại. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về một nền độc lập dân tộc gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân vẫn còn nguyên giá trị, được Đảng ta tiếp tục khẳng định và hiện thực hóa trong thực tiễn xây dựng đất nước. Bài viết: “Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và vận dụng vào thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng ta hiện nay” của ThS. Phạm Văn Bằng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta, vị “cha già” của dân tộc, người dẫn lối, chỉ đường, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ độc lập. Bác đã đi xa, nhưng di sản về lý luận Người để lại vẫn còn nguyên giá trị. Trong kho tàng di sản quý báu đó, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ có giá trị soi đường trong hoạt động thực tiễn xây dựng đảng, tạo đà cho đất nước phát triển theo hướng bền vững. Trong phạm vi bài viết, tác giả không có tham vọng sẽ hệ thống hoá được toàn bộ các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ mà chỉ trình bày khái quát những quan điểm cơ bản của Người, qua đó làm rõ thêm giá trị khi vận dụng vào thực tiễn công tác cán bộ của Đảng ta hiện nay. Bài viết: “Tư tưởng, tấm gương và phong cách báo chí Hồ Chí Minh” của TS. Nguyễn Thùy Vân Anh. Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà báo vĩ đại, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người để lại cho chúng ta khối lượng đồ sộ, nhiều thể loại các tác phẩm báo chí; hệ thống quan điểm tư tưởng, lý luận toàn diện và sâu sắc về báo chí cách mạng Việt Nam và phong cách nghề nghiệp của người làm báo. Bài viết sau khái quát những cống hiến chủ yếu của Người trên lĩnh vực báo chí nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” hiện nay, góp phần xây dựng nền báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại theo chủ trương của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Ngoài ra, trong chuyên mục này, còn có các bài viết giá trị khác như, bài viết: “Công chúng trả phí tiếp nhận tin tức - xu hướng thế giới và sự phát triển bền vững của kinh tế báo chí ở Việt Nam” của PGS,TS. Nguyễn Thị Trường Giang; bài viết: “Sửa đổi Luật Báo chí 2016 để bảo đảm tối đa quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân” của TS. Nguyễn Thị Hằng Thu; bài viết: “Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại trong đường lối đối ngoại của Việt Nam hiện nay” của PGS,TS. Trần Hải Minh và TS. Lưu Thúy Hồng; bài viết: “Nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy triết học Mác – Lênin ở Việt Nam hiện nay” của TS. Vũ Thị Hồng Nhung. Chuyên mục Thực tiễn – Kinh nghiệm mang đến bạn đọc những bài viết bổ ích. Bài viết: “Sinh viên tích cực học tập lý luận góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của TS. Cao Thị Dung. Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện phát triển và hội nhập của Việt Nam giai đoạn hiện nay. Là lực lượng tiên phong trong mọi hoạt động, xung kích trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, có rất nhiều cách thức để sinh viên góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó không thể không kể tới việc tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị. Bài viết: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho viên ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay” của TS. Nguyễn Thị Hải Yến. Các thế lực thù địch, phản động luôn tìm cách bóp méo các quan điểm, tư tưởng của Đảng, lợi dụng sơ hở trong chính sách, pháp luật để kích động, lôi kéo quần chúng gây mất trật tự an toàn xã hội, làm giảm niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Một trong những đối tượng mà các thế lực thù địch hướng tới là sinh viên. Do hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên không ít sinh viên chưa nhận diện được âm mưu, thủ đoạn chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam, dễ bị mua chuộc, lôi kéo. Vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PB, GDPL) sẽ giúp sinh viên hiểu biết pháp luật, nắm chắc tư tưởng của Đảng, chính sách của Nhà nước, từ đó phát hiện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả. Vừa qua, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PB, GDPL. Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm, công tác này cần tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và phương thức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và tương xứng với vị thế của Học viện trong thời kỳ mới. Cũng trong chuyên mục này, còn có những bài viết giá trị khác như, bài viết: “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn – một số nội dung mới trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII” của TS. Nguyễn Thị Ngọ; bài viết: “Vấn đề dân chủ và thực hiện dân chủ trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay” của TS. Trần Thị Minh Ngọc; bài viết: “Xây dựng công dân số - nền tảng của chuyển đổi số quốc gia” của ThS. Tô Thị Oanh; bài viết: “Tuyển mộ công chức tại Hàn Quốc và một số kinh nghiệm có giá trị tham khảo” của TS. Phạm Thị Hoa; bài viết: “Phương pháp dịch giao tiếp tiêu đề và sapo bài báo từ tiếng Anh sang tiếng Việt của TS. Nguyễn Thị Hương; bài viết: “Giải pháp đổi mới hình thức tuyên truyền khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội” của ThS. Lê Thị Ninh Thuận. Các chuyên mục khác như Chuông làng báo; Sự kiện – Bình luận tiếp tục mang đến nhiều bài viết hay, bổ ích cho bạn đọc. Xin trân trọng giới thiệu!