Thế giới dùng mạng xã hội truyền thông chính sách như thế nào? Trên thế giới, hiện có nhiều chính khách sử dụng mạng xã hội (MXH) như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump, bà Hillary Clinton, nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Giáo hoàng Francis... Những chính trị gia đang sử dụng MXH không chỉ để xây dựng hình ảnh cá nhân mà MXH đã trở thành một kênh truyền thông chính sách song song với các kênh chính thống. Giáo hoàng Francis đưa ra các dòng trạng thái trên MXH bằng 9 thứ tiếng khác nhau; Thủ tướng Canada Justin Trudeau hỏi đáp trực tuyến với công dân thông qua Snapchat; hay cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng Twitter để thông báo về các quyết sách chính trị. Phải nói rằng, MXH có đóng góp lớn cho chiến thắng của Trump trước đối thủ Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Và trong lịch sử của Twitter, có lẽ chưa một người dùng nào có ảnh hưởng như vậy. Nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới sử dụng trên mạng xã hội như một kênh thông tin hữu hiệu để truyền thông chính sách. (Ảnh: Vietnamnet) Mỗi dòng nhận định của Donal Trump trên Twitter đều khiến giới truyền thông náo động bình luận ngay sau đó. Thậm chí, nhiều người còn đùa rằng đây là thời kỳ mà nước Mỹ được điều hành bằng Twitter, và phần lớn người Mỹ cho biết hiện nay biết đến các quan điểm, chính sách của cựu Tổng thống là thông qua MXH thay vì các kênh truyền thông chính thức. Nếu như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem như ông vua của Twitter, thì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là gương mặt nổi bật của Facebook. Tính đến tháng 10/2019 có gần 44 triệu người theo dõi Facebook của ông. Thủ tướng Modi thường sử dụng Facebook để thông báo về nội dung các chuyến công du nước ngoài và chia sẻ quan điểm về các vấn đề mà ông quan tâm. Ông cũng luôn lắng nghe và coi trọng những ý kiến góp ý của nhân dân trên các trang MXH. Đồng thời ông vận động các bộ trưởng sử dụng MXH trong công tác quản lý. Nhiều bộ trưởng và các cơ quan nhà nước đã hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi này. Sự chủ động trong liên lạc và tương tác với người dân thông qua MXH đã giúp chính quyền Ấn Độ gây dựng được lòng tin trong lòng công chúng và xử lý kịp thời những vấn đề nóng. Có thể nói, MXH mang lại rất nhiều lợi thế cho các chính trị gia. Trong các cuộc vận động tranh cử, MXH được sử dụng như một kênh hiệu quả, chi phí thấp, dễ dàng đo đếm số lượng người ủng hộ/phản đối, và dễ dàng tương tác với công chúng. Vì vậy, MXH đang trở thành một công cụ quản lý chưa từng được chứng kiến trên thế giới trước đây. Tuy nhiên, truyền thông chính sách qua MXH đôi khi cũng giống như việc dùng một con dao 2 lưỡi. Không ít chính trị gia trên thế giới sụp đổ sự nghiệp vì MXH đã vạch trần ra những "mặt tối" của họ. Thủ tướng Canada Justin Trudeau được cho là người có khả năng khai thác siêu hạng vai trò của MXH. Nhưng đầu năm 2019, thông tin về vụ bê bối hối lộ của một công ty xây dựng cũng như những phát ngôn của Bộ trưởng từ chức trên MXH đã khiến cho nội các của Thủ tướng Trudeau lung lay dữ dội. Có nhà lãnh đạo khác phải xin lỗi công chúng vì bức ảnh không phù hợp. Có nguyên thủ quốc gia từng bị bẽ bàng trước công chúng khi những thông tin bí mật cá nhân bị lộ. Hay hàng loạt quan chức Trung Quốc bị phanh phui hành vi tham nhũng qua MXH... Thực tế cho thấy, khi tham gia MXH, chính phủ và lãnh đạo các nước đều phải chấp nhận cả những lợi ích và mặt trái, cả những cơ hội và thách thức nó mang lại. Báo chí đóng vai trò nòng cốt Ở Việt Nam, việc sử dụng MXH như một kênh truyền thông quan trọng đã trở nên quen thuộc ở các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị tư nhân. Nhưng ở các cơ quan công quyền và lãnh đạo cấp cao, điều này còn chưa phổ biến. Một số UBND cấp tỉnh/quận/huyện và phường/xã trên cả nước đã có những trang fanpage để cung cấp thông tin hoạt động của lãnh đạo cấp cao, cũng như hoạt động địa phương; Chính phủ cũng đã có trang thông tin trên MXH. Tuy vậy, các trang fanpage này chủ yếu chia sẻ đường link từ các báo, chưa được đầu tư nội dung riêng phù hợp với nền tảng MXH, lượng theo dõi và tương tác cũng còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Và cơ hội cho các MXH tham gia vào công tác truyền thông chính sách ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với những gì đang diễn ra trên thực tế. Để thực hiện các mục tiêu truyền thông chính sách, các cơ quan chủ quản cần thực hiện theo cơ chế đặt hàng báo chí về truyền thông chính sách. (Ảnh minh hoạ) Theo TS. Lương Ngọc Vĩnh - Trưởng khoa Tuyên Truyền - Học viện Báo chí & Tuyên truyền, trong công tác tuyên truyền chính trị, báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống vẫn là kênh thông tin chính thống, chủ yếu. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông số và internet, MXH đang có bước phát triển nhanh, mạnh và ngày càng chiếm ưu thế, trở thành một phương tiện hữu hiệu trong tuyên truyền tư tưởng, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đông đảo quần chúng nhân dân. TS. Lương Ngọc Vĩnh cho rằng, thách thức đặt ra trong công tác truyền thông chính sách qua MXH ở nước ta là làm thế nào để những chính sách vốn khô khan, trừu tượng, tầm vĩ mô khi được phổ biến đến người dân phải trở nên thiết thực, cụ thể, sinh động và hấp dẫn. "Các nhà hoạch định chính sách cần thay đổi tư duy một cách toàn diện từ tuyên truyền thành truyền thông. Cùng với sự phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông chính sách qua MXH sẽ tạo sự đa chiều trong thông tin, đặc biệt tạo mối quan hệ tương tác giữa lãnh đạo với người dân, TS. Lương Ngọc Vĩnh nói. Là một trong những người đã nghiên cứu nhiều năm về lĩnh vực này, PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng,Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, hoàn toàn có thể sử dụng MXH là công cụ hữu hiệu cho truyền thông chính sách. Đặc biệt phối hợp với dòng thông tin chính thống của các cơ quan báo chí có thể đem đến ảnh hưởng rộng rãi, tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, đấu tranh trên tất cả các mặt trận kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là trong việc làm thương hiệu quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam. "Để công tác truyền thông chính sách qua MXH được triển khai thực hiện và tránh những rủi ro, các cơ quan báo chí, các nhà báo phải là lực lượng tiên phong đồng thời là nòng cốt trong việc xây dựng xã hội thông tin tích cực lành mạnh. Bản thân họ cần có nhận thức đúng đắn trong việc sử dụng MXH như một nền tảng số để đưa những nội dung phục vụ cho truyền thông chính sách. Để thực hiện các mục tiêu truyền thông chính sách, các cơ quan chủ quản cần làm theo cơ chế đặt hàng báo chí về truyền thông chính sách. Nếu làm được việc đó, cơ quan báo chí vừa thực hiện được tôn chỉ mục đích vừa làm tốt công tác truyền thông chính sách. Bên cạnh đó cần quan tâm đến việc đào tạo kiến thức, kỹ năng, ý thức nghề nghiệp của người làm báo trong bối cảnh đưa nội dung thông tin lên môi trường MXH", PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết. Thực tế cho thấy, MXH được coi như một công cụ đắc lực trong hoạt động truyền thông chính sách được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Tại Việt Nam, nếu các cơ quan công quyền, lãnh đạo Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, lấy báo chí làm cốt lõi trong việc sử dụng MXH làm công cụ hữu hiệu cho truyền thông chính sách, sẽ có tác động mạnh mẽ trong công tác định hướng dư luận trước và trong khi triển khai chính sách, thông qua đó tương tác với người dân, theo dõi dư luận. Đây chính là bí quyết để vận động chính sách thành công, tạo liên kết hai chiều giữa người dân và chính phủ. Theo hoinhabaovietnam.vn