Hiện có rất nhiều hãng thông tấn lớn như BBC, CNN, AP ... sử dụng khá hiệu quả các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube... để tìm kiếm, chia sẻ thông tin và tương tác với công chúng Mạng xã hội với hoạt động báo chí Sự phát triển nhảy vọt của mạng xã hội đã dẫn đến sự thay đổi mối tương quan giữa người viết tin và người nhận tin, thay đổi trong cách thức truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí, cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng. Trên thế giới, hiện có rất nhiều hãng thông tấn lớn như BBC, CNN, AP ... sử dụng khá hiệu quả các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Youtube... để tìm kiếm, chia sẻ thông tin và tương tác với công chúng. Để hoạt động báo chí đạt hiệu quả, bên cạnh nâng cao chất lượng nội dung và hình thức, các cơ quan báo chí ngày càng phải tương tác nhiều hơn với công chúng và ứng dụng công nghệ trong tác nghiệp. Mạng xã hội là một sản phẩm đỉnh cao của web 2.0 đã mang đến một cuộc “cách mạng thông tin” tác động mạnh mẽ đến hoạt động báo chí. Tính đến cuối năm 2016, Facebook có hơn 1,8 tỷ người dùng, do đó, nhiều cơ quan báo chí đã lập các trang Fanpage trên Facebook để nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí. Trong đó, Báo Tuổi trẻ với hơn 1,969 triệu lượt thích, VietNamNet với khoảng 1,131 triệu lượt thích, VTV với 325 nghìn lượt (theo số liệu từ Socialbankers, tính đến tháng 12 năm 2016). Các cơ quan báo chí lập Fanpage nhằm đưa sản phẩm của mình tới công chúng nhiều hơn, khai thác hiệu quả hơn sự tương tác giữa công chúng và cơ quan báo chí, hướng tới nâng cao hiệu quả truyền thông trên báo chí. Tuy nhiên, không phải cơ quan báo chí nào cũng nhận thức và tận dụng được lợi thế và hiệu quả của loại hình truyền thông này trong tác nghiệp báo chí nói chung và việc chia sẻ, tương tác với công chúng nói riêng. Một số vấn đề đặt ra Việc sử dụng mạng xã hội để nâng cao hiệu quả hoạt động vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cho các cơ quan báo chí. Thứ nhất, sự phát triển của mạng xã hội đặt ra vấn đề về việc thẩm định thông tin của báo chí. Mạng xã hội là kho tài nguyên thông tin khổng lồ với báo chí, nhưng trên thực tế có rất nhiều thông tin trên đó mang đậm tính chủ quan cá nhân, phiến diện, thậm chí là bịa đặt. Thứ hai, Fanpage chưa thật sự là một “diễn đàn” hấp dẫn đối với công chúng. Các cơ quan báo chí chưa thực sự tạo ra một diễn đàn trên Fanpage mà chỉ dùng Fanpage để dẫn liên kết các bài báo. Độc giả cũng chưa được khơi gợi, tạo cảm hứng và khuyến khích bình luận, tranh luận trên đó. Thứ ba, các cơ quan báo chí chưa xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp để có thể quản trị hoạt động truyền thông trên mạng xã hội. Chi phí để “nuôi” bộ phận này cũng là một bài toán đối với không ít cơ quan báo chí, đặc biệt trong bối cảnh báo chí Việt Nam đang dần trở nên độc lập trong hoạt động thu chi. Thứ tư, mạng xã hội đang buộc báo chí giữ công chúng và vị trí của mình. Với khả năng đưa tin, chia sẻ, thu hút, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, mạng xã hội đang chiếm ưu thế so với báo chí truyền thống nếu chỉ xét về tính tốc độ. Mạng xã hội không chỉ là những công cụ có quy mô lớn, buộc báo chí phải trực tiếp tham gia và sử dụng. Điều cần chú ý hơn là làm thế nào để báo chí thực hiện vai trò đem lại những giá trị báo chí thực sự vào lãnh thổ rộng lớn của mạng xã hội, không để mạng xã hội lấn lướt báo chí, mà báo chí với những nội dung chuyên biệt, cần thiết cho công chúng tìm cách để có sự trợ giúp từ mạng xã hội để tăng cường sức mạnh cho mình. Thứ năm, vấn đề mà hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay gặp phải khi tham gia Facebook là bị mạo danh và khả năng bị tin tặc tấn công. Đây cũng là một vấn đề không ít cơ quan báo chí bị lạm dụng danh tiếng, hình ảnh. Các cơ quan báo chí sẽ phải mất một thời gian xây dựng hình ảnh, uy tín để công chúng có thể phân biệt giữa Fanpage thật và giả. Với khả năng đưa tin, chia sẻ, thu hút, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, mạng xã hội đang chiếm ưu thế so với báo chí truyền thống nếu chỉ xét về tính tốc độ Cần những giải pháp đồng bộ Việc sử dụng Facebook của các cơ quan báo chí đã trở thành tất yếu. Bản thân các cơ quan báo chí xem trọng mạng xã hội trong tương lai vẫn sẽ tiếp tục duy trì và phát triển điều đó như một kênh truyền thông và giao tiếp hiệu quả với công chúng. Việc các cơ quan có thẩm quyền phải có những quy định về quản lý hoạt động của mạng xã hội hiện nay là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, cần có những quy định, cách xử lý nghiêm đối với những cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật, lấy thông tin trên các trang mạng xã hội mà chưa kiểm chứng. Các cơ quan báo chí cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc sử dụng Facebook trong hoạt động báo chí, phải nhìn nhận sự tồn tại và phát triển của mạng xã hội là tất yếu. Từ đó, đưa ra những quyết sách hợp lý nhằm đẩy mạnh và tận dụng tối đa mọi tiện ích của mạng xã hội trong hoạt động báo chí. Mặt khác cần xây dựng kế hoạch truyền thông, từ đó có định hướng và phác thảo rõ lộ trình xây dựng hình ảnh, uy tín cho các cơ quan báo chí. Từ xây dựng kế hoạch, mục tiêu đạt được sẽ được đặt ra cụ thể và có thể còn được đo đếm bằng những con số thống kê cụ thể (ví dụ: sự thay đổi về cảm nhận của công chúng với độ tin cậy của cơ quan báo chí, sự thay đổi trong phạm vi tiếp cận công chúng...). Để có tiền đề cho việc xây dựng kế hoạch, các cơ quan báo chí cũng phải thực hiện các nghiên cứu để đánh giá về công chúng (như nghiên cứu về nhu cầu, hành vi, thói quen tiếp nhận thông tin...). Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ biên tập viên chuyên xử lý thông tin trên Facebook. Những người thuộc nhóm này phải là những người trẻ với tư duy mới và sáng tạo, vừa am hiểu về truyền thông xã hội vừa am hiểu về lĩnh vực báo chí, đặc biệt với việc quảng bá thông tin qua truyền thông xã hội. Những người đảm trách phải có khả năng viết, biên tập tốt, phán đoán được đâu là vấn đề, sự kiện đang “hot” và sắp “hot” để có kế hoạch truyền thông và phát triển các vấn đề này thông qua các kênh phát trên mạng xã hội. Các cơ quan báo chí cần tăng cường vai trò quản lý trong việc hạn chế “nhiễu thông tin”, kiểm chứng nguồn tin trên Facebook. Để giúp các nhà báo đưa ra quyết định đúng đắn trong việc sử dụng nguồn tin, tránh hiện tượng “nhiễu thông tin”, học viện Báo chí Poynter (Mỹ) đã đưa ra ba tiêu chuẩn đánh giá chất lượng của thông tin trên mạng xã hội là: xem xét lịch sử xã hội của nguồn tin, đánh giá tầm quan trọng của thông tin và đánh giá độ khẩn cấp của thông tin. Các tòa soạn cần tăng cường mối quan hệ tương tác giữa cơ quan báo chí với công chúng bằng cách gợi mở những vấn đề khuyến khích tranh luận và cho ý kiến trên Facebook, thường xuyên cập nhật và trả lời những giải đáp thắc mắc trong phạm vi cho phép của công chúng trên mạng xã hội để cân bằng lượng người tương tác với lượng người theo dõi, yêu thích Fanpage. Ngoài ra, cần xây dựng chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ cộng tác viên, mở các lớp đào tạo ngắn hạn, các khóa bồi dưỡng theo chuyên đề cho các nhà báo trẻ. Nâng cao chất lượng đường truyền là điều cần thiết. Các cơ quan báo chí cần phải nắm rõ và sở hữu về công nghệ, đường truyền Internet để thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất, giúp công chúng được kết nối một cách nhanh nhất với cơ quan báo chí. Vấn đề an ninh mạng cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí cần có biện pháp khắc phục vấn đề về những “lỗ hổng” bảo mật, báo cáo các trang giả mạo và xác nhận với Facebook bằng dấu xanh xác thực. Cần đầu tư chi phí hỗ trợ hoạt động truyền thông qua Facebook. Bên cạnh chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn cần có chi phí cho những người thực hiện, duy trì và phát triển hoạt động truyền thông, cho các cộng tác viên, chi phí quảng bá cho các tài khoản trên Facebook . Ngoài việc thực hiện quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, mỗi nhà báo cần phải không ngừng nâng cao kiến thức và kĩ năng chuyên môn. Các phóng viên, nhà báo cần phải liên tục trau dồi, tích lũy kiến thức văn hóa - xã hội để trở thành người có tầm hiểu biết rộng lớn. Có như vậy, các tác phẩm báo chí mới đủ độ sâu, mới đạt tới các giá trị văn hóa để chinh phục công chúng. Đồng thời phải trang bị cho mình ít nhất một ngoại ngữ để tự tin trong tác nghiệp. Ngoài ra, mỗi nhà báo nên biết cách làm chủ kỹ thuật, tiếp thu nhanh chóng các công cụ làm báo hiện đại như công cụ truyền video trực tiếp (live video streaming), truyền audio trực tiếp (live audio streaming). Với tính năng này, mỗi phóng viên có thể trở thành một “cầu truyền hình” trực tiếp ngay tại thời điểm diễn ra sự việc với một thiết bị di động có cài ứng dụng Facebook mà không cần đến các thiết bị máy móc cồng kềnh như trước./. Theo hoinhabaovietnam.vn