Ảnh minh họa Theo khảo sát của UNESCO vào tháng 5-2020, hiện có 706 triệu học sinh không có máy tính và 56 triệu học sinh đang sống ở các vùng chưa phủ sóng điện thoại di động. Con số này bằng khoảng 50% tổng số học sinh toàn thế giới! Trong tình thế đó, chính phủ một số nước đã "lôi kéo" truyền hình và phát thanh cùng vào cuộc để "phủ sóng" dạy và học từ xa (distance education). Theo CNN, tại Mexico - nơi chỉ có 56% hộ gia đình sử dụng Internet, các đài truyền hình và radio ở 15 bang đã phát 24/7 các chương trình dạy học cho học sinh từ bậc mầm non đến phổ thông. Hoạt động này do chính phủ khởi xướng từ tháng 8 đến tháng 12-2020. Theo UNESCO, nhiều nước châu Phi đã và đang dùng tivi hay radio (70% số nước này) hoặc dùng cả hai (30%) để dạy học trong tình hình phòng chống COVID-19 quyết liệt. Mới nhất, ở xứ giàu có như nước Anh, Đài BBC (đài công lập) từ ngày 4-1-2021 đã phát các chương trình giảng dạy trên tivi cho học sinh tiểu học (3 giờ/ngày) và trung học (2 giờ/ngày), bắt đầu từ 9h sáng. Ngoài giảng dạy khoa học tự nhiên và nhân văn, BBC còn cho diễn các trích đoạn kịch Shakespeare cho các em học văn chương và giải trí. Trông người mà ngẫm đến ta. Đầu năm rồi khi COVID-19 phát khởi, một số đài truyền hình địa phương và sau đó VTV đã có chương trình giảng dạy cho học sinh trong thời gian không đến trường. Nỗ lực này cần được khơi dậy lại mau chóng và không chỉ có truyền hình, mà còn cần thiết bao gồm phát thanh và các phương tiện truyền thông điện tử khác (website, FB, applications...). Các gia đình và nhà trường đang rất cần nhiều "gia sư điện tử" có mặt mọi lúc mọi nơi để trợ giúp việc học hành trực quan và sinh động, sáng tạo và lôi cuốn. Chắc chắn sự tham gia của báo đài điện tử trong sự nghiệp dạy và học từ xa không chỉ nhằm khắc phục tình trạng các gia đình học sinh thiếu thốn phương tiện online. Ngày nay, xem tivi, nghe radio và lướt web, lướt điện thoại không phải chỉ để xem tin tức hay tiêu khiển mà còn để học hỏi không ngừng! Theo Tuoitre.vn