Sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang dẫn đến sự hình thành xã hội thông tin mà một trong những biểu hiện của sự hình thành xã hội thông tin đó chính là sự phát triển vô cùng nhanh chóng của mạng xã hội trên phạm vi toàn cầu. Các trang mạng xã hội phổ biến nhất thế giới hiện nay là Facebook, Twitter,… Theo thống kê của Hootsuite[1], tính đến tháng 1/2019, ở Việt Nam có khoảng 62 triệu tài khoản trên mạng xã hội (trong tổng số hơn 95 triệu dân), phần lớn trong số đó đều nằm trong độ tuổi vị thành niên và trong độ tuổi vàng của lực lượng lao động. Điều này cho thấy mạng xã hội đã trở thành một trong những kênh cung cấp và chia sẻ thông tin quan trọng của xã hội hiện đại. Khi tham gia vào mạng xã hội, chúng ta dường như “ngập chìm” trong thông tin từ rất nhiều nguồn, rất nhiều mục đích khác nhau. Bên cạnh những thông tin đúng đắn, tích cực, có không ít những thông tin sai trái, bịa đặt, xuyên tạc sự thật, thù địch, phản động, kích động bạo lực,… được gọi chung là thông tin xấu, độc. Vì vậy, nếu người tiếp cận thông tin không tỉnh táo, sáng suốt, thì có thể bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực bởi những thông tin xấu, độc đó. Để tích cực phòng, chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, giới trẻ cần tự trang bị cho mình vốn hiểu biết và những kỹ năng cần thiết: Thứ nhất, kỹ năng chọn lọc thông tin để nhận diện các thông tin xấu, độc. Khi tham gia vào mạng xã hội, các bạn trẻ thường tiếp xúc với vô số những thông tin được chia sẻ bởi bạn bè, người thân, những người nổi tiếng,… vì vậy các bạn cần có khả năng chọn lọc thông tin để xác định đâu là thông tin đúng đắn, khách quan, đâu là thông tin xấu, độc. Thông tin xấu, độc có thể được nhận diện thông qua: - Mục đích: chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, thái độ, lối sống của người tiếp xúc với thông tin; gây hoang mang, dao động, hoài nghi sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nếu nhận diện được mục đích ẩn sau những thông tin, chúng ta có thể nhận diện được thông tin xấu, độc, từ đó có biện pháp phòng chống. - Nội dung: thông tin xấu, độc thường lẫn lộn giữa thật và giả, thường là trà trộn một phần thông tin đúng với thông tin sai lầm, bịa đặt, xuyên tạc,… Để phân biệt được, chúng ta cần nắm vững những thông tin chính thống, hiểu biết toàn diện, đầy đủ vấn đề được phản ánh. - Chủ thể chia sẻ, tạo ra thông tin xấu, độc: các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, các thế lực phản động,… (thường không đứng chính danh trên mạng xã hội). Khi xác định được chủ thể chia sẻ, tạo ra thông tin, có thể phần nào thấy được động cơ, mục đích, từ đó đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là thông tin xấu, độc hay không. Thứ hai, các bạn trẻ cần có kỹ năng công nghệ - thông tin ở mức cơ bản để chặn, lọc, xóa, “report” (báo xấu),… các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội để không cho các thông tin đó lan tràn dễ dàng trên mạng xã hội. Khi nhận lời mời kết bạn với ai, các bạn cần xác định được danh tính của người đó hoặc xác định đó là những trang, nhóm tin cậy trước khi chấp nhận tham gia. Các bạn cũng nên phân nhóm bạn để xác định những nội dung người khác có thể xem được trên trang cá nhân của mình hoặc những nội dung thông tin người khác có thể chia sẻ với bạn. Khi thấy những đường dẫn (link) hoặc thông tin chưa được kiểm chứng các bạn cần bình tĩnh xem xét, không nên like hoặc share hoặc “click” vào các đường link, có thể gây mất an toàn thông tin hoặc dẫn bạn đến những trang mạng chứa thông tin xấu, độc. Thứ ba, các bạn trẻ cần nắm vững các quy định của pháp luật cũng như những quy tắc ứng xử văn hóa trên mạng xã hội của từng mạng xã hội để tránh vô tình vi phạm các quy định này. Tiêu biểu đó là các quy định của Luật An ninh mạng. Nếu tất cả các bạn trẻ tuân thủ các quy định an ninh mạng cần thiết chúng ta sẽ an toàn hơn khi tham gia vào mạng xã hội và các chủ thể phát tán thông tin xấu, độc sẽ ít có cơ hội ảnh hưởng đến chúng ta. Thứ tư, các bạn cần rèn luyện cho mình một tư duy biện chứng, tư duy phản biện khi tiếp xúc với các thông tin trên mạng xã hội. Một tư duy biện chứng với cách xem xét sự vật, hiện tượng một cách khách quan, đa chiều, lịch sử - cụ thể, phát triển, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn,… sẽ giúp các bạn trẻ nhìn thấu được bản chất ẩn giấu sau những hiện tượng bề ngoài, thấy được mục đích sâu sa ẩn đằng sau những câu chữ, hình ảnh, từ đó dễ dàng phát hiện ra những thông tin xấu, độc để có biện pháp phòng, chống. Thứ năm, các bạn trẻ cần trang bị cho mình kỹ năng tự học, tự nghiên cứu để không ngừng cập nhật kiến thức, nâng cao “sức đề kháng” trước những thông tin xấu, độc. Những kẻ reo rắc thông tin xấu, độc có thể tạo ra những tin giả hoặc những ngụy biện ở trình độ cao khiến chúng ta rất dễ bị mắc lừa. Nếu chúng ta có một trình độ chuyên môn, lý luận vững vàng, am hiểu thực tiễn chính trị - xã hội đất nước và thế giới, chúng ta sẽ vững vàng, tự tin để phản biện, chống lại các thông tin xấu, độc, bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ Mạng xã hội là một thành tựu khoa học - công nghệ của nhân loại, một kênh truyền thông mới quan trọng giúp con người có thêm không gian để giao lưu, chia sẻ, trao đổi thông tin và kết nối, hợp tác với nhau trên phạm vi toàn cầu. Rèn luyện kỹ năng cần thiết để chống thông tin xấu, độc trên mạng xã hội sẽ góp phần phát huy những tác động tích cực, hạn chế, ngăn ngừa những tác động tiêu cực của mạng xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta. Thái Bình (sưu tầm)