Tặng khẩu trang vải kháng khuẩn cho đại diện hai trường học ở TP.HCM tại buổi tọa đàm - Ảnh: DUYÊN PHAN Hôm 19-3, báo Tuổi Trẻ đã phối hợp với Công ty TNHH Como tổ chức tọa đàm “Làm thế nào để sử dụng khẩu trang hợp lý?”. Vấn đề đeo khẩu trang và chọn loại khẩu trang nào được đặc biệt quan tâm những ngày qua khi Chính phủ yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Hôm 19-3, báo Tuổi Trẻ đã phối hợp với Công ty TNHH Como tổ chức tọa đàm "Làm thế nào để sử dụng khẩu trang hợp lý?". Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng thói quen đeo khẩu trang của người dân Việt Nam đã góp phần phòng chống dịch bệnh COVID-19 tốt hơn. Không đeo khẩu trang sẽ gây ra gánh nặng Nhiều người than phiền về chuyện người phương Tây không chịu đeo khẩu trang trong mùa dịch bệnh, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, đồng nghiệp của ông đang học, công tác ở phương Tây cũng kể lại dù đang trong mùa dịch nhưng ở các nước phương Tây lại rất khó đeo được khẩu trang vì người dân ở đây quan niệm rằng chỉ những người mắc bệnh mới đeo. Bác sĩ Khanh cho rằng đây là "văn hóa" của người phương Tây, chính "văn hóa" không đeo khẩu trang hay hôn má sẽ dễ làm lây lan bệnh như COVID-19. Ở Việt Nam, từ khi chưa có dịch bệnh người dân đã có thói quen đeo khẩu trang khi ra đường để tránh khói bụi. Nên đến khi có dịch bệnh, người dân thấy việc đeo khẩu trang cũng là chuyện bình thường. Hầu hết mọi người đều tuân thủ việc đeo khẩu trang khi ở những nơi công cộng như sân bay, siêu thị... Bác sĩ Khanh cho rằng chính "văn hóa" đeo khẩu trang của người phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng đã giúp Việt Nam phòng chống dịch tốt hơn chứ không chỉ đơn giản là Việt Nam phòng chống dịch từ sớm. Tuy nhiên, thời gian tới khi học sinh đi học trở lại, bác sĩ Khanh cho rằng với những học sinh hiểu về cách đeo khẩu trang thì hãy cho những học sinh này đeo khẩu trang, còn với các bé nhỏ thì không nên bắt các bé phải đeo khẩu trang vì nếu đeo sai sẽ nguy hiểm hơn là không đeo, nếu đeo phải được gia đình và nhà trường hướng dẫn kỹ càng. Với những bé nhỏ này cần phải tìm những cách khác để bảo vệ các bé như kiểm tra những bé nào có dấu hiệu sốt, nhiệt độ cao, cho các bé rửa tay trước khi vào lớp... Nên chọn khẩu trang nào? Tại cuộc tọa đàm, các ý kiến của chuyên gia y tế đều thống nhất hiện nay người dân chỉ cần chọn loại khẩu trang vải ngăn cản được các giọt bắn lớn, văng ra xa vào mặt người tiếp xúc. Loại khẩu trang vải đáp ứng được yêu cầu này cần có một lớp vải bên ngoài không thấm nước, còn sử dụng những loại khẩu trang vải kháng khuẩn đạt những tiêu chuẩn của Bộ Y tế thì càng tốt. Công tác ngay tại khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhưng bác sĩ Khanh chia sẻ ông rất hiếm khi đeo khẩu trang y tế vì ông biết người đối diện với ông là ai. Ông chỉ đeo khẩu trang y tế khi thực hiện thủ thuật chọc dò tủy sống. Những khi cần đeo khẩu trang ông cũng chỉ sử dụng khẩu trang vải. Bác sĩ Khanh nhấn mạnh ông không thiếu khẩu trang y tế nhưng ông phải tiết kiệm vì biết các đồng nghiệp của mình đang cần do các bác sĩ này phải khám bệnh. Là một công ty sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, ông Nguyễn Hữu Phúc, tổng giám đốc Công ty TNHH Como, cho biết hiện nay chỉ có một số công ty sản xuất khẩu trang kháng khuẩn đạt được những tiêu chuẩn của Bộ Y tế về khẩu trang vải kháng khuẩn. Khẩu trang vải kháng khuẩn phải đạt được 3 yêu cầu chính, thứ nhất là ngăn được những giọt bắn của người ho, người nói chuyện khi tiếp xúc gần, thứ hai phải ngăn được virus, vi khuẩn với tính chất là lọc bụi mịn và vi lọc và thứ ba lớp bên trong sẽ kháng được khuẩn, kháng được virus qua nhiều lần giặt. Do vậy những khẩu trang vải chỉ được may bằng hai lớp vải thun thì chưa thể ngăn khuẩn chứ không thể kháng khuẩn như quảng cáo. Khẩu trang vải: lưu ý xuất xứ Thầy thuốc nhân dân, PGS.TS Lê Thị Anh Thư - chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM - cho biết hiện nay bệnh viện đang thiếu khẩu trang y tế. Bệnh viện đang rất cần khẩu trang y tế cho các bác sĩ, các bệnh viện sử dụng. Người dân chỉ cần dùng khẩu trang vải có chức năng tương đương khẩu trang y tế để sử dụng trong cộng đồng. Theo bà Anh Thư, nên dùng khẩu trang vải có mặt ngoài không thấm nước để ngừa các giọt bắn. Khẩu trang vải có chức năng khử khuẩn có thể giặt được nhiều lần cũng có thể sử dụng, nhưng cần lưu ý chất liệu vải, nguồn gốc xuất xứ. Theo tuoitre.vn