1. Quan hệ quốc tế là gì? Quan hệ quốc tế rộng hơn chính trị. Quan hệ quốc tế là khoa học chính trị nhưng là ngành đa lĩnh vực: văn hóa, kinh tế, công nghệ, luật. Quan hệ giữa các quốc gia ngoài diễn ra trên lĩnh vực chính trị - an ninh - quân sự, còn là quá trình giao lưu văn hóa, kinh tế, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin…v.v. Quan hệ quốc tế không chỉ bao hàm giải quyết các mâu thuẫn giữa các quốc gia một cách hòa bình, chiến tranh, quân sự..v.v mà còn giúp giải quyết các vấn đề mà không riêng một quốc gia nào có thể giải quyết một mình, được gọi là “vấn đề toàn cầu” (global issues). Có thể kể tên một số “vấn đề toàn cầu” như biến đổi khí hậu, bệnh dịch, an ninh lương thực, năng lượng, nghèo đói, dân số, di cư, bình đẳng giới…v.v. Quan hệ quốc tế sử dụng nhiều công cụ, phương tiện để đạt được mục đích, trong đó có sử dụng các phương tiện truyền thông bao gồm các phương tiện truyền thống (báo chí, sách, điện ảnh) và các phương tiện truyền thông mới (như Facebook, Youtube, Instagram) để truyền đạt thông điệp trên phạm vi toàn thế giới. 2. Học quan hệ quốc tế sẽ giúp gì cho sinh viên ? Thứ nhất, giao tiếp trong môi trường giao thoa văn hóa Internet đang khiến việc giao tiếp với mọi người trên khắp thế giới với nền văn hóa khác nhau trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, người nước ngoài đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam cả trong môi trường công sở và trong cuộc sống đời thường. Nhưng, bên cạnh rào cản về ngôn ngữ, giữa các quốc gia còn có rào cản văn hóa. Học quan hệ quốc tế sẽ giúp chúng ta hiểu thêm cách thế giới nhìn nhận các vấn đề khác nhau như thế nào, qua đó nâng cao khả năng giao tiếp trong môi trường giao thoa văn hóa. Thứ hai, tư duy có phản biện Tương tự, quan hệ quốc tế sẽ giúp chúng ta cách tư duy hiểu, phân tích vấn đề một cách logic, đa chiều để đưa ra nhận định và cách giải quyết vấn đề hợp lý và sáng tạo. Đây được xem là một kỹ năng quan trọng của bất cứ ngành học và nghề nào trong thế kỷ XXI. Thứ ba, Cơ hội rộng mở Quan hệ quốc tế bao hàm nhiều lĩnh vực (chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, công nghệ) và sử dụng kiến thức của nhiều ngành như: chính trị học, văn hóa, kinh tế, xã hội học, luật học, công nghệ thông tin, truyền thông (trong đó có báo chí, quan hệ công chúng, quảng cáo, marketing)…v.v. Phương pháp của các ngành này đều được ứng dụng trong bối cảnh xuyên biên giới để giải quyết các vấn đề quan hệ quốc tế. Do đó, trên cơ sở cách ứng dụng đa ngành trên nhiều lĩnh vực của quan hệ quốc tế, sinh viên có thể vận dụng và lựa chọn bất cứ ngành nào trong bất cứ nghề và lĩnh vực nào. 3. Các chuyên ngành của Khoa Quan hệ quốc tế đào tạo những nội dung gì? Các chuyên ngành của Khoa Quan hệ quốc tế vừa đảm bảo hướng đến đối tượng chuyên biệt của ngành quan hệ quốc tế vừa đảm bảo tính đặc thù trong môi trường đào tạo truyền thông của Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội. Hiện nay, Khoa đang đào tạo 4 ngành/chuyên ngành: chuyên ngành Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế, chuyên ngành Thông tin đối ngoại, ngành Truyền thông quốc tế (hệ đại trà) và chuyên ngành Quan hệ quốc tế và Truyền thông toàn cầu (hệ chất lượng cao). Một cách khái quát, các chuyên ngành sẽ đào tạo các nội dung sau đây: - Chương trình đào tạo chuyên ngành Thông tin đối ngoại sẽ cung cấp cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về nghiệp vụ đối ngoại, báo chí đối ngoại - quốc tế, sản phẩm truyền thông quốc tế, tiếng Anh chuyên ngành - Chương trình đào tạo chuyên ngành Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng chuyên sâu bao gồm Quan hệ quốc tế chuyên sâu, nghiệp vụ ngoại giao, sản phẩm truyền thông quốc tế, tiếng Anh chuyên ngành. - Chương trình đào tạo ngành Truyền thông quốc tế sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về truyền thông quốc tế bao gồm nghiệp vụ đối ngoại, báo chí đối ngoại, quản trị truyền thông quốc tế, sản phẩm truyền thông quốc tế, tiếng Anh chuyên ngành. - Chuyên ngành Quan hệ quốc tế và truyền thông toàn cầu (hệ chất lượng cao) sẽ cung cấp cho người học kiến thức và kỹ năng về quan hệ quốc tế chuyên sâu, nghiệp vụ báo chí quốc tế, nghiệp vụ ngoại giao, nghiệp vụ đối ngoại, truyền thông toàn cầu/quốc tế (quản trị truyền thông và sản phẩm truyền thông quốc tế), tiếng Anh chuyên ngành. Đối với hệ chất lượng cao, sinh viên được đảm bảo về chất lượng về: Chương trình đào tạo tiên tiến chuyên sâu với một số môn được học bằng tiếng Anh (20%) (trong đó, sinh viên được học đủ tín chỉ tiếng Anh trong năm đầu để đảm bảo tiếp thu được bài giảng bằng tiếng Anh) Giảng viên được lựa chọn kỹ lưỡng là những người có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm và có trình độ từ Tiến sĩ trở lên, hoặc Thạc sĩ ở nước ngoài. Cơ sở vật chất trong điều kiện tốt nhất (phòng học riêng, kết nối internet tốc độ cao). Chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của hệ chất lượng cao là: B2 khung châu Âu ~ 550 TOEFL pBT; 79 TOEFL iBT; 6.5 IELTS Đối với nghiệp vụ về báo chí đối ngoại và sản phẩm truyền thông quốc tế, sinh viên sẽ được thực hành tại Phòng máy tính, Trường quay với máy móc hiện đại của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Vào năm học thứ ba, sinh viên còn có cơ hội được quan sát, nghiên cứu thực tiễn tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan báo chí - truyền thông quốc tế, các trường đại học có cùng lĩnh vực nghiên cứu ở nước ngoài (hiện tại đang triển khai ở Hàn Quốc, Thái Lan, Lào) (từ năm 2012). Khái quát nội dung đào tạo của 4 chuyên ngành Là các chuyên ngành/ngành thuộc khoa Quan hệ quốc tế, sinh viên sẽ được cung cấp khối kiến thức nền tảng của quan hệ quốc tế và các kiến thức, nghiệp vụ đặc thù của từng chuyên ngành. Toàn bộ kiến thức và nghiệp vụ của 4 chuyên ngành đào tạo (cả chung và riêng) có thể được khái quát như sau: Kiến thức nền tảng của Quan hệ quốc tế Kiến thức nền tảng này bao gồm một số vấn đề chung nhất của quan hệ quốc tế nhằm giúp sinh viên hiểu, phân tích được những gì đang diễn ra ở bên ngoài biên giới quốc gia: bao gồm quan hệ quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa; chính sách đối ngoại, lịch sử ngoại giao của Việt Nam; chính sách đối ngoại của một số quốc gia. Quan hệ quốc tế chuyên sâu Mảng kiến thức này đi sâu vào các vấn đề quan trọng của quan hệ quốc tế: lý luận chuyên sâu, luật pháp quốc tế, quan hệ quốc tế ở các điểm nóng, quan hệ quốc tế trên lĩnh vực quan trọng, 1 số chủ thể quan trọng của quan hệ quốc tế. Tiếng Anh chuyên ngành Mảng kiến thức bổ trợ này giúp người học có các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Anh về các vấn đề thời sự quốc tế, thông tin đối ngoại, truyền thông quốc tế và khả năng phiên dịch, biên dịch 2 chiều Anh - Việt từ mức độ từ cơ bản đến nâng cao. Nghiệp vụ đối ngoại Nhóm lĩnh vực này sẽ không chỉ giúp sinh viên chuẩn bị cho các công việc liên quan đến công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế mà còn giúp nâng cao hiệu quả giao tiếp trong môi trường quốc tế (môi trường giao thoa văn hóa) bao gồm kiến thức và kỹ năng về phát ngôn, giao tiếp đàm phán quốc tế, tổ chức các sự kiện tiêu biểu của hoạt động đối ngoại, văn phòng đối ngoại. Nghiệp vụ ngoại giao Nhóm lĩnh vực này sẽ giúp sinh viên chuẩn bị cho môi trường giao tiếp với các nguyên thủ quốc gia, các bộ ngoại giao, các đại sứ quán và viên chức ngoài giao như lễ tân ngoại giao, tiếp xúc, đàm phán ngoại giao, văn kiện ngoại giao. Lễ tân ngoại giao - một trong những nội dung của nghiệp vụ ngoại giao Báo chí đối ngoại Nhóm lĩnh vực này sẽ giúp sinh viên chuẩn bị cho các công việc liên quan đến hoạt động tác nghiệp và quản lý báo chí đối ngoại. Sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức, kỹ năng về báo chí quốc tế, về thao tác nghề nghiệp của nhà báo đối ngoại, nhà báo quốc tế để sản xuất các tác phẩm báo chí đối ngoại - quốc tế phù hợp với xu thế báo chí hiện đại ngày nay; và các kiến thức, kỹ năng quản lý báo chí đối ngoại trong hoạt động thực tiễn. Truyền thông quốc tế: Nhóm kiến thức và kỹ năng này sẽ giúp người học đảm nhiệm các công việc liên quan đến quản trị truyền thông giúp lập kế hoạch truyền thông và sản xuất các sản phẩm báo chí - truyền thông quốc tế bao gồm: chương trình, dự án về truyền thông quốc tế, các sản phẩm truyền thông quốc tế; Mảng kiến thức và kỹ năng truyền thông quốc tế bao gồm 2 mảng nhỏ: Quản trị truyền thông quốc tế: các kiến thức và kĩ năng chuyên sâu về quản trị truyền thông quốc tế để nghiên cứu thị hiếu công chúng, dựa trên các nguồn lực hiện có nhằm lập kế hoạch truyền thông và triển khai kế hoạch có hiệu quả. Sản xuất sản phẩm truyền thông quốc tế: các kiến thức và kỹ năng để sản xuất ra các kế hoạch truyền thông thương hiệu quốc tế, sản phẩm truyền thông quốc tế (tạp chí, báo mạng điện tử đa phương tiện, bộ nhận diện thương hiệu, video clip, tờ gấp…v.v.); Tạp chí truyền thông quốc tế - Bài tập hết Môn Tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông quốc tế Bài tập sản phẩm báo mạng điện tử đa phương tiện của lớp Thông tin đối ngoại 36: Nhóm1; Nhóm 2 So sánh nội dung kiến thức giữa các chuyên ngành Mỗi chuyên ngành sẽ có khối lượng kiến thức, kỹ năng chung và riêng. Cụ thể: Ngành Quan hệ quốc tế Truyền thông quốc tế Chuyên ngành Kiến thức, nghiệp vụ Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế Thông tin đối ngoại QHQT và truyền thông toàn cầu (CLC) Cơ sở ngành QHQT x x x x Tiếng Anh chuyên ngành x x x x QHQT chuyên sâu x x Nghiệp vụ đối ngoại 1 phần nhỏ x x x Nghiệp vụ ngoại giao x x Báo chí đối ngoại x x x Quản trị truyền thông quốc tế x x Sản phẩm truyền thông quốc tế x x x x Chú giải: QHQT: Quan hệ quốc tế; CLC: chất lượng cao 4. Sinh viên sau tốt nghiệp có thể làm gì ? Trên cơ sở các khối kiến thức, kĩ năng như trên, văn bằng của khoa Quan hệ quốc tế phù hợp với sinh viên muốn theo đuổi sự nghiệp trong các công việc nghiên cứu và hoạt động thực tiễn liên quan đến đối ngoại, hợp tác quốc tế, báo chí đối ngoại, truyền thông quốc tế tại nhiều khu vực: công, tư nhân, phi lợi nhuận cũng như khu vực: chính phủ, phi chính phủ, tổ chức quốc tế thuộc Việt Nam và nước ngoài như: Công việc của chính phủ, đảng, tổ chức đoàn thể liên quan đến đối ngoại, hợp tác quốc tế Báo chí đối ngoại, báo chí quốc tế Truyền thông Công tác ngoại giao Giáo dục Tổ chức quốc tế Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận Chức danh nghề nghiệp (Job title) Các chức danh nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành của Khoa Quan hệ quốc tế có thể kể đến như: Chuyên viên đối ngoại, hợp tác quốc tế Chuyên viên đại sứ quán, lãnh sự quán Điều phối viên dự án với nước ngoài Phóng viên, biên tập viên báo chí đối ngoại Phóng viên, biên tập viên quốc tế Chuyên viên truyền thông Chuyên viên trong bộ phận quản lý báo chí Biên, phiên dịch quan hệ quốc tế, truyền thông quốc tế Nghiên cứu viên về quan hệ quốc tế, thông tin đối ngoại, truyền thông quốc tế Mô tả công việc (Job description) Tùy vào kiến thức, kĩ năng được đào tạo theo từng chuyên ngành và chức danh, các công việc có thể bao gồm các nhiệm vụ như: Sản xuất tin, bài quốc tế; sản xuất tin, bài đối ngoại Xây dựng kế hoạch truyền thông quốc tế; Xây dựng nội dung cho chiến dịch truyền thông quốc tế; Sản xuất nội dung phát ngôn đối ngoại; Sản xuất/thiết kế sản phẩm truyền thông quốc tế; Dịch thuật tài liệu, phiên dịch bài nói ngoại giao, đối ngoại; Quản lý báo chí nước ngoài; Quan hệ với giới báo chí; Công tác thư ký đối ngoại (văn bản, thủ tục hành chính…v.v); Tổ chức các sự kiện, buổi họp báo đối ngoại…v.v. Nghiên cứu học thuật các vấn đề về quan hệ quốc tế, thông tin đối ngoại, truyền thông quốc tế Ngoài các nhiệm vụ kể trên, có rất nhiều các công việc khác có sử dụng kiến thức, kỹ năng liên quan đến quan hệ quốc tế, thông tin đối ngoại, truyền thông quốc tế. 5. Khoa quan hệ quốc tế có những hoạt động thực tế, ngoại khóa nào nổi bật ? Hoạt động thực tế môn học Sinh viên được thực hành, đi thực tế trong nhiều môn học nhằm tăng trải nghiệm thực tiễn. Một số môn học nổi bật: Môn Tổ chức hoạt động đối ngoại: Sinh viên sẽ xây dựng kế hoạch tổ chức một chuyến đi thực tế, và sẽ được thực hiện chuyến đi đó vào cuối môn học với địa điểm do giáo viên lựa chọn. Ngoài ra, các hình thức khác của hoạt động đối ngoại cũng được mô phỏng như bữa tiệc đối ngoại, ngày lễ văn hóa. Ảnh: Sinh viên lớp Quan hệ chính trị và truyền thông quốc tế K35 A1 tổ chức chuyến đi đến Tam Đảo - Vĩnh Phúc Môn Lịch sử ngoại giao Việt Nam: Sinh viên được đi thực tế tại các địa điểm gắn với môn học như làng sen Kim Liên, Nghệ An, ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Ảnh: Sinh viên lớp Quan hệ quốc tế K37 tại làng Sen, Nghệ An Môn Cơ sở truyền thông quốc tế : Sinh viên được đến thăm quan mộc Bản triều Nguyễn ở chùa Bổ Đà (Bắc Giang), nhà in báo Bắc Giang, đài truyền hình Bắc Ninh để lần lượt tìm hiểu về nghệ thuật in sách thời xưa, công nghệ in báo và hoạt động truyền thông của một cơ quan báo chí. Ảnh: SV lớp Quan hệ quốc tế và truyền thông toàn cầu K38 và thầy cô Khoa Quan hệ quốc tế tại chùa Bổ Đà (Bắc Giang) Ảnh: Đại diện SV lớp Quan hệ quốc tế và truyền thông toàn cầu K38 và thầy cô Khoa Quan hệ quốc tế, lãnh đạo đài truyền hình Bắc Ninh tại trường quay Đài truyền hình Bắc Ninh Hoạt động kiến tập nghề nghiệp tại nước ngoài Sinh viên được quan sát, nghiên cứu các cơ quan ở nước ngoài liên quan đến đối ngoại, hợp tác quốc tế, cơ quan báo chí, truyền thông quốc tế như: Toà soạn báo Thairath, Đài NBT (Thái Lan), Đài truyền hình MBC (Hàn Quốc), Cơ quan hợp tác phát triển Hàn Quốc (KOICA), Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, Quốc hội Thái Lan, trường Đại học Thammasat (Thái Lan), Đài Tiếng nói Việt Nam tại Thái Lan...v.v Ngoài ra, sinh viên còn được ghé thăm các địa điểm tham quan nổi tiếng ở nước bạn như Cung điện Gyeongbokgung, đảo Naomi, công viên Everland (Hàn Quốc), Đảo san hô, Phố Tàu Bangkok (Thái Lan)...v.v Ảnh: Đoàn sinh viên K34 và thầy cô Khoa Quan hệ quốc tế tại đài truyền hình NBT Thái Lan Ảnh: Đoàn sinh viên K36 và thầy cô Khoa Quan hệ quốc tế tại ĐH Hàn Quốc Ảnh: Đoàn sinh viên K36 và thầy cô Khoa Quan hệ quốc tế tại Cung điện Gyeongbokgung Cơ hội tham gia khóa học, các dự án với nước ngoài Sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế có nhiều cơ hội tham gia các khóa học, các dự án liên kết với các đối tác nước ngoài. Trong đó có lớp học trực tuyến do giáo sư tại các trường đại học Hàn Quốc giảng dạy bằng tiếng Anh với chứng chỉ cuối khóa và có cơ hội nhận học bổng học tập, tham quan 3 tuần tại Hàn Quốc. Ảnh: Sinh viên Bùi Tùng Lâm (giữa) lớp Quan hệ Chình trị và Truyền thông quốc tế K35 tham dự khóa học mùa hè 3 tuần tại Hàn Quốc Đặc biệt, Dự án “Giảng đường tươi đẹp” (School is beautiful) của thầy - trò khoa Quan hệ quốc tế liên tiếp 4 lần thắng giải cuộc thi sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức từ năm 2011 đến 2016. Mô hình dự án được nhân rộng đến các trường đến các đại học Bắc - Trung - Nam. Mục tiêu của dự án là phổ biến những giá trị đạo đức trong mối quan hệ thầy trò, tiến tới thực hiện bộ quy tắc ứng xử chuẩn mực giữa thầy và trò trong giảng đường đại học để tiếp tục thay đổi nhận thức và hành động của các thế hệ sinh viên trong phạm vi rộng hơn Hoạt động ngoại khóa nổi bật Khoa Quan hệ quốc tế có nhiều hoạt động ngoại khóa đặc sắc do sinh viên tổ chức vừa là món ăn tinh thần, vui chơi vừa giúp nâng cao tinh thần đoàn kết và thực hành kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp liên quan đến báo chí, truyền thông Đại nhạc hội Halloween Lễ hội Halloween là sự kiện đặc sắc thường niên của khoa Quan hệ quốc tế từ năm 2004. Lễ hội Halloween có sự kiện trung tâm là vở nhạc kịch với chủ đề thay đổi hàng năm được dàn dựng công phu vừa thể hiện thông điệp nhân văn sâu sắc vừa mang tính giải trí và nghệ thuật. Đây là cơ hội để sinh viên khoa Quan hệ quốc tế thỏa sức sáng tạo và thực hành kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong rất nhiều hoạt động: tổ chức sự kiện, xây dựng kế hoạch truyền thông, sáng tạo nội dung, kịch bản, tác nghiệp báo chí, chụp ảnh, thiết kế, lễ tân, hậu cần, an ninh…v.v Ảnh: Poster Halloween từ năm 2014-2019 Xem trailer các kì Halloween tại kênh Youtube của Khoa Quan hệ quốc tế FIA Days FIA Days (Faculty of International Affairs Day) là hoạt động gắn kết nội bộ giữa các thầy cô và các bạn sinh viên khoa Quan hệ quốc tế. Đây là ngày mà cả thầy và trò được vui chơi thoải mái và chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống, tâm tư, tình cảm của mình. Đặc biệt, FIA Days là ngày để chọn ra “gương mặt đại diện” của khoa với những cuộc thi Miss FIA, King & Queen…v.v Ảnh: FIA Days 2019 Các câu lạc bộ ngoại khóa nổi bật Đội Lễ Tân (Reception Team) Là nơi thực hành nghiệp vụ lễ tân ngoại giao tại các sự kiện, hoạt động trong và ngoài Học viện. Đặc biệt, Đội còn được Cục Lễ tân – Bộ Ngoại giao thường xuyên lựa chọn tham gia đón đoàn nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia đến thăm Việt Nam. Ảnh: Đội Lễ tân tại sự kiện của Học viện Ảnh: thành viên Đội Lễ tân của Khoa Quan hệ quốc tế tiễn tổng thống Myanmar Đội truyền thông Khoa Quan hệ quốc tế (FIA Media Club) Là nơi rèn luyện và thực hành kỹ năng nghiệp vụ quản lý các hoạt động truyền thông và sản xuất các sản phẩm truyền thông cho Khoa. Đội Bóng đá (FIA Football Club) Gồm 02 đội nam, nữ, là sân chơi thể dục thể thao, giúp nâng cao tinh thần đồng đội, đoàn kết và rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Đội Bóng đá Khoa Quan hệ quốc tế giao hữu với Đội Bóng đá Khoa Quan hệ công chúng & Quảng cáo Bài: TS LưuTrần Toàn Ảnh: Fanpage Khoa Quan hệ quốc tế Fanpage Đội Lễ tân Fanpage Đội Bóng đá