Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (bên phải) chúc mừng bệnh nhân Li Ding, sinh năm 1954, người Trung Quốc (bên trái), được xuất viện sau 3 tuần điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy do nhiễm Covid-19. Trong quá trình sinh tồn và phát triển, bên cạnh những điều thuận lợi, con người luôn phải đối diện với những khó khăn, thách thức đến từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Dịch bệnh Covid-19 (nay là SARS-CoV-2) xảy ra vào tháng 12-2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đến nay đã lan ra hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người và sự an toàn, phát triển của mỗi quốc gia. Với tinh thần chủ động, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong phát hiện, khoanh vùng và điều trị tốt những bệnh nhân dương tính và nghi lây nhiễm Covid-19, Việt Nam dần khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Bên cạnh sự căng thẳng, lo âu của toàn xã hội trước mối nguy hại, thì trong “tâm bão” của dịch bệnh, chúng ta vẫn thấy hình ảnh của những y bác sĩ, tình nguyện viên và nhiều người dân đã sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, có những hành động, việc làm ý nghĩa, tốt đẹp để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng. Mỗi hành động nhỏ của họ đều thắp lên niềm tin yêu, hy vọng, vun đắp và tô thêm truyền thống nhân ái của người Việt bao đời. NHỮNG HÀNH ĐỘNG ĐẸP Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trong thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Đây là thời điểm nhiều quốc gia phương Đông, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Trong khi người dân hồ hởi sắm Tết, đón xuân thì những người có trách nhiệm của đất nước dường như không nghỉ ngơi trước tình hình dịch bệnh liên tục có những diễn biến phức tạp từ quốc gia láng giềng. Hàng loạt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ được ban hành kịp thời, nhiều phương án, biện pháp được triển khai nhằm cảnh báo tới mọi người dân mức độ nguy hại của dịch bệnh, đồng thời nâng cao nhận thức và sự đồng thuận, thống nhất giữa các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Với tiêu chí “Chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc, dành mọi ưu tiên tốt nhất để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời, giữ gìn sự ổn định, không để xảy ra những xáo trộn, lo lắng, hoang mang trong xã hội. Các hành động kịp thời của những người đứng đầu đất nước, sự tham gia chủ động, tích cực, quyết liệt, hiệu quả của ban ngành, chính quyền các cấp đã tạo được niềm tin, sự yên tâm trong xã hội và đại đa số người dân, tạo nên tâm thế chủ động trong phòng tránh dịch bệnh. Qua những giải pháp xử lý vấn đề, qua lời nói, hành động của những người có trách nhiệm, cho thấy sự gắn kết bền chặt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, nói lên bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta: Nhà nước của dân, do dân và vì dân, luôn hướng về dân để phục vụ với tinh thần tận tụy; sẵn sàng chấp nhận những thiệt hại trước mắt về kinh tế để đảm bảo sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của nhân dân. Cùng với đó, những ứng xử kịp thời của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình bảo hộ công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập ở tâm dịch Vũ Hán, đã để lại những ấn tượng và cảm xúc tốt đẹp không chỉ đối với du học sinh, người thân của họ mà với cả cộng đồng xã hội. Hình ảnh, hành trình đi và trở về an toàn của phi hành đoàn, đội ngũ y bác sĩ, các tình nguyện viên mặt đất và 30 hành khách trên chuyến bay đặc biệt của hãng hàng không Vietnam Airlines ngày 9 và 10-2-2020 đã gây xúc động đối với nhiều người; thể hiện tinh thần trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, sự dũng cảm và trên hết là tình nghĩa đồng bào của người Việt trong khó khăn họan nạn. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, lây lan nhanh theo cấp số nhân, bên cạnh việc huy động lực lượng, cán bộ chuyên trách còn phải chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế. Trong lúc ngành y tế và đời sống nhân dân còn thiếu thốn nhưng trước khó khăn, thiệt hại nghiêm trọng của Trung Quốc nói chung và người dân Vũ Hán nói riêng, Đảng, Nhà nước ta đã trao tặng nhiều vật tư, trang thiết bị y tế cho nước bạn với tổng trị giá 500.000 USD, đồng thời tổ chức những chuyến bay đưa người Trung Quốc về nước. Những hành động đẹp trong ứng xử ngoại giao thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn của người Việt với cộng đồng quốc tế và các nước láng giềng. Ở trong nước, khi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính khiến cả cộng đồng lo lắng, bất an. Người dân đổ xô đi mua khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, khử trùng. Lợi dụng tình hình đó, nhiều cá nhân, tổ chức đã găm hàng, tăng giá và có những hành xử thiếu tình người. Tuy nhiên, thói “đục nước bèo cò” ấy chỉ rộ lên trong thời gian ngắn rồi nhanh chóng bị dẹp bỏ, được “lập nghiêm” trở lại sau khi có sự vào cuộc kịp thời, kiên quyết của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự xuất hiện của những tấm gương sáng - những người dân bình dị sẵn sàng bỏ tiền của, công sức để sản xuất, chế tạo và phát miễn phí khẩu trang, nước khử trùng cho người dân. Những hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, đầy ắp nghĩa tình của không ít người, từ em nhỏ đến người nổi tiếng đã không chỉ đóng góp một phần công sức bé nhỏ, chia sẻ cùng đồng bào, đồng loại, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực - nhen lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng, vì mục đích: cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi hình ảnh, hành động đẹp được nhân lên từng ngày, được truyền tải qua các phương tiện truyền thông, gửi đi những thông điệp nhân văn, nghĩa tình, khiến những kẻ lợi dụng lúc khó khăn để trục lợi cá nhân phải tự vấn lương tâm và thấy xấu hổ. Với đại đa số người Việt, tình nghĩa đồng bào là cao quý, là “liều thuốc tinh thần” quan trọng giúp mỗi người có thêm động lực, "sức đề kháng" tốt để vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Đó chính là tâm thức "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ", "máu chảy ruột mềm", "người trong một nước phải thương nhau cùng". Những người ở tuyến đầu chiến đấu với dịch bệnh chính là đội ngũ y bác sĩ. Những "thiên thần áo trắng" trong bộ đồ bảo hộ “kín mít”, nhìn và đối thoại với đồng nghiệp qua ánh mắt, cử chỉ, hành động; tạm gác lại tình thân và những giây phút quây quần bên gia đình trong ngày xuân năm mới để “trực chiến”, tiếp xúc, chăm sóc người nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Đó còn là những nhà khoa học sẵn sàng đối diện với hiểm nguy để nuôi cấy, phát hiện cơ chế hoạt động của virus, điều chế vác-xin phòng dịch. Công việc thầm lặng của “những chiến sĩ trên tuyến đầu” chống dịch đã để lại những cảm xúc yêu thương, trân trọng của mọi người, góp phần lan tỏa tình vị tha, lòng nhân ái trong cộng đồng. Có thể nói, những hình ảnh đẹp, những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, những ứng xử có trách nhiệm cao trong “chiến dịch” phòng chống Covid-12 những ngày qua, đã giúp mỗi chúng ta vững tin hơn vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; gia tăng sức mạnh, niềm tin, tạo động lực lớn để mỗi người vượt qua khó khăn, hiểm họa, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn, bình an và hạnh phúc. NHỮNG BÀI HỌC NHÂN SINH Cho đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh Covid-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều bệnh nhân dương tính với virus đã được điều trị, xuất viện, trở lại cuộc sống bình thường. Những tín hiệu vui mừng đó chính là “liều thuốc tinh thần’ hữu hiệu trấn an tâm lí người dân, giúp họ yên tâm lao động, sản xuất, học tập… Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ở Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia... lại có những biến động bất thường với số ca nhiễm mới và tử vong có chiều hướng gia tăng. Vì thế, chúng ta vẫn luôn xác định không chủ quan, coi thường, luôn giữ tinh thần chủ động để ứng phó kịp thời với những tình huống xấu có thể nảy sinh. Từ những ứng phó, ứng xử kịp thời, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, nhân dân trong “cuộc chiến phòng chống” dịch bệnh đã cho chúng ta những bài học quý mang đậm triết lý nhân sinh. Đó là sự gắn kết, đồng lòng giữa Chính phủ với nhân dân. Mỗi quyết sách của Chính phủ xuất phát từ lợi ích của nhân dân đều được toàn dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng, tạo nên sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Chính sự phối hợp nhịp nhàng cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đã trở thành cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng từng bước nhận diện, khoanh vùng và dập tắt dịch bệnh, tạo môi trường, không gian lành mạnh cho toàn dân. Yêu thương, nhân ái, đoàn kết, đồng lòng là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được thể hiện rõ nhất mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn, thử thách. Trong xã hội thông tin, bên cạnh “dòng” thông tin chính thống, hữu ích, thì những tin giả (fake news) xuất hiện tràn lan trên internet và mạng xã hội thường gây hoang mang, lo lắng, bi quan cho không ít người. Những thông tin xấu, tin giả với mục đích “câu view”, xuyên tạc, bịa đặt cũng được coi là một loại "dịch bệnh xã hội" mà đôi khi tác hại của nó còn nguy hiểm hơn virus. Vì thế, bài học đối với mỗi người dân khi tiếp nhận thông tin là cần bình tĩnh, có bản lĩnh, trình độ để phân biệt, nhận diện đúng - sai. Từ đó lên án, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân. Đi lên từ đất nước nông nghiệp, nhân dân ta luôn hiểu thấu triết lý, ý nghĩa của tình đồng bào, đồng chí, anh em. Trải qua bao khó khăn, hoạn nạn, trong thử thách, hiểm nghèo, người Việt đều có những sáng tạo không ngừng để hướng về tương lai tốt đẹp. Tinh thần cộng đồng, tương thân tương ái, yêu thương san sẻ, đùm bọc lẫn nhau là những đức tính được hun đúc, hình thành xuyên suốt truyền thống lịch sử để tiếp nối, phát huy trong tình hình mới. Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đã và đang là mối đe dọa gây nguy hại to lớn về nhiều mặt đối với xã hội và nhiều người, nhưng nó cũng là một phép thử đối với khả năng ứng phó, điều hành của chính quyền; thái độ, bản lĩnh của mỗi người dân. Khi “sức đề kháng” tinh thần của mỗi cá nhân, rộng ra là cả dân tộc khỏe mạnh, triệu con tim chung nhịp đập quyết tâm, đồng hành vượt khó khăn, lan tỏa giá trị nhân văn, bồi đắp tình nhân ái, thì chắc chắn dịch bệnh sẽ bị đẩy lùi, đất nước sẽ tiếp tục đi lên “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc”./. TS. Nguyễn Huy Phòng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh