Học theo các mạng xã hội khác, Pinterest cũng đang tìm cách kiếm tiền dựa trên lượng người dùng đông đảo. Nhưng những ưu thế vượt trội có giúp Pinterest kiếm tiền tốt hơn/ hợp pháp hơn không? Với hàng triệu lượt truy cập, Pinterest không ngu dại gì mà bỏ qua cơ hội làm giàu trên những cú click của user. Hoàn toàn bỏ qua cách kiếm tiền “nông dân” như đặt banner quảng cáo, nhưng những gì Pinterest làm còn can thiệp sâu hơn đến hành vi người dùng: họ đã thêm những mã theo dõi (tracking code) vào những “pin” xuất phát từ các trang bán hàng trực tuyến. Dịch vụ tracking code này được cung cấp bởi một công ty tên Skimlinks. Khi hình ảnh những sản phẩm này được pin/repin, đồng nghĩa với việc phát tán rộng hơn, thì cũng là lúc Pinterest được chia lợi nhuận quảng cáo. Vậy, vấn đề về đạo đức và bảo mật người dùng được đặt ra ở đây là gì? Luật bất thành văn đối với việc đăng link có tính thương mại (link quảng cáo) trên website là phải cho người dùng biết rõ điều này. Bỏ qua việc thông báo trực tiếp từng trường hợp cụ thể, Pinterest đã khôn khéo lồng những thông báo này vào các điều khoản buộc user phải chấp nhận khi đăng kí thành viên, nhằm tránh hệ lụy về sau. Trong điều khoản sử dụng, Pinterest có nêu rõ rằng người dùng hoàn toàn cấp quyền cho Pinterest làm mọi điều với nội dung đăng tải, bao gồm cả quyền sử dụng, copy, thay đổi,... Lợi dụng tâm lý lười đọc và dễ dãi của user, Pinterest đã ngoạn mục lách khỏi lưới pháp luật. Ngoài ra, trong luật có ghi rõ: chỉ khi trang web chủ động ủng hộ, giới thiệu sản phẩm thì mới cần thông báo. Pinterest không làm quảng cáo, mà chỉ là môi trường xúc tác để tăng traffic và views đến các trang web bán hàng, từ những gì người dùng đã pin. Có thể nói, chính người dùng đã đi quảng cáo chứ không phải Pinterest. Nói tóm lại, Vấn đề ở đây chỉ là ở sự khó chịu của người dùng khi phát hiện ra Pinterest đang kiếm lợi từ nội dung mà mình post lên, chứ thực ra, theo những quy định của luật pháp, Pinterest hoàn toàn vô tội trong việc kiếm tiền.