Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên của Đảng được thành lập theo Quyết nghị số 29-QN/TW, ngày 16/10/1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I), do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh ký. Quyết nghị có đoạn ghi: “...Trung ương quyết định thành lập Ban kiểm tra đi xuống các khu xét xem chủ trương của Đảng có được thi hành và có sát, đúng không, đồng thời xem xét sự thi hành kỷ luật trong Đảng để thu thập kinh nghiệm giúp Trung ương bổ khuyết chính sách của Đảng...”. Lãnh đạo Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên gồm 3 đồng chí: Trần Đăng Ninh, Nguyễn Thanh Bình, Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc) do đồng chí Trần Đăng Ninh làm Trưởng ban. Ban Kiểm tra Trung ương làm việc tại đồi Pụ Miếu, xóm Phụng Hiển, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên ngày nay. Sau đó, các ban kiểm tra của khu ủy, liên khu ủy lần lượt được thành lập, như: Ban Kiểm tra Khu ủy Khu X thành lập tháng 10/1948, Ban Kiểm tra Liên Khu ủy Khu V thành lập tháng 4/1949, Ban Kiểm tra Khu ủy Khu I thành lập tháng 7/1949, Ban Kiểm tra Liên Khu ủy Việt Bắc thành lập tháng 12/1949… Sự ra đời của Ban Kiểm tra Trung ương - Cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng là một tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đây là căn cứ để Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII đồng ý lấy ngày 16/10/1948 là Ngày truyền thống Ngành Kiểm tra của Đảng. Suốt chặng đường lịch sử 75 năm qua, UBKT Trung ương và UBKT các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, tích cực và chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đã giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; việc giữ gìn bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác, lề lối sinh hoạt của cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, giúp các cấp ủy đảng là hạt nhân lãnh đạo và đoàn kết toàn dân, toàn quân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc. Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng số này giới thiệu đến bạn đọc hai bài viết. Bài thứ nhất: “Phát huy vai trò của giảng viên lý luận chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng” của ThS. Nguyễn Phạm Lệ Hằng. Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Giảng viên lý luận được đào tạo chuyên sâu về lý luận, tư tưởng; trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy; trực tiếp truyền tải đến các tầng lớp nhân dân về nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng… do vậy đây là đội ngũ nắm lý luận từ gốc rễ, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ gốc rễ. Phát huy vai trò đó, giảng viên lý luận phải gương mẫu trong học tập, rèn luyện; bản lĩnh; kiên trì, kiên định; không ngừng cập nhật, tiếp thu khoa học kỹ thuật để gắn lý luận với thực tiễn, tạo sức mạnh, hiệu quả trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bài thứ hai: “Bác bỏ luận điệu phủ nhận kết quả thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Thu Thủy. Tiến bộ và công bằng xã hội là khát vọng của bất kỳ quốc gia nào trong quá trình phát triển. Tại Việt Nam, việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng trong suốt tiến trình lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước luôn tìm cách chống phá, xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước cũng như những thành tựu đã đạt được của đất nước ta về tiến bộ, công bằng xã hội. Trong bài viết này, tác giả làm rõ các luận điệu phủ nhận kết quả thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt Nam, đưa ra những luận cứ đấu tranh phản bác và đề xuất một số giải pháp giúp nâng cao hiệu quả thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tiếp đến là chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi. Bài viết: “Bảo đảm dân chủ trong điều kiện Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền – một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của GS,TS. Mạch Quang Thắng. Dân chủ luôn luôn là khát vọng của con người. Nó phụ thuộc vào cơ chế vận hành của xã hội, nhất là phụ thuộc vào chất lượng của đảng lãnh đạo, cầm quyền chứ không phụ thuộc vào số lượng của chính đảng. Hiện nay, Việt Nam không chấp nhận chế độ đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập. Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất trong xã hội và đang đóng vai trò lãnh đạo, cầm quyền. Làm thế nào để bảo đảm dân chủ trong xã hội trong chế độ một Đảng là một vấn đề quan trọng, cần có những giải pháp thực sự phù hợp với lý luận và thực tiễn. Bài viết: “Về công tác phát triển đảng viên trong sinh viên của Đảng bộ trường đại học công lập ở nước ta hiện nay” của PGS,TS. Mai Đức Ngọc. Công tác phát triển đảng viên trong sinh viên các trường đại học công lập ở nước ta góp phần trẻ hóa đội ngũ đảng viên, bổ sung nguồn lực trí tuệ cho Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Trách nhiệm của đảng bộ trường đại học công lập là làm tốt công tác phát triển đảng viên trong sinh viên, bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý, phát huy sức mạnh của đảng viên trẻ từ sinh viên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ lãnh đạo nhà trường trong bối cảnh tự chủ giáo dục đại học và hội nhập quốc tế. Bài viết đề cập một số khái niệm, tập trung làm rõ phương châm, nội dung, phương thức công tác phát triển đảng viên trong sinh viên của đảng bộ trường đại học công lập ở nước ta hiện nay. Bài viết: “Các mối quan hệ trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” ở nước ta hiện nay” của TS. Đinh Văn Thụy. Trên cơ sở phân tích vị trí, vai trò của các chủ thể và các mối quan hệ trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, bài viết đánh giá thực trạng các chủ thể, các mối quan hệ đó trong bối cảnh hiện nay, từ đó đề ra giải pháp phát huy đúng vai trò của các chủ thể và giải pháp giải quyết tốt các mối quan hệ trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” ở Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, trong chuyên mục này, còn có những bài viết khác như: Bài viết “Giữ vững độc lập dân tộc trong giai đoạn hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh” của TS. Lê Văn Thuật; bài viết “Vai trò của báo chí trong phòng, chống tiêu cực - nhìn từ góc độ văn hóa báo chí” của PGS,TS. Trương Thị Kiên; bài viết “Tác động của chuyển đổi số và một số yêu cầu đối với truyền thông đối ngoại bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam hiện nay” của TS. Đỗ Thị Hùng Thúy; bài viết “Quảng bá hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế” của TS. Bùi Thị Vân; bài viết “Phương pháp phân tích chính sách đối ngoại trong nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện nay - tiếp cận từ lý thuyết” của TS. Lưu Thúy Hồng; bài viết “Nhân cách và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách sinh viên hiện nay” của TS. Trần Thị Minh Ngọc. Kế tiếp là chuyên mục Thực tiễn - Kinh nghiệm. Bài viết “Vai trò của chính sách đối với sự phát triển đất nước - từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Nhật Bản và bài học cho Việt Nam” của TS. Cao Quốc Hoàng. Chính sách có vai trò rất quan trọng đối vói quá trình vận động đến thịnh trị hay suy vong của các triều đình trong xã hội phong kiến. Hiện nay, chính sách ngày càng đóng vai trò thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa của một quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế. Tìm hiểu, phân tích vai trò của các chính sách quan trọng có vai trò đem lại thành công hay thất bại của một quốc gia trong quá trình vận động và phát triển làm bài học cho các nước chậm phát triển có thể tham khảo, đối chiếu để nghiên cứu, đề xuất chính sách góp phần thúc đẩy xã hội phát triển là rất ý nghĩa và thiết thực. Nghiên cứu này bước đầu phân tích một số chính sách có tầm ảnh hưởng đến sự thịnh, suy của các quốc gia dân tộc làm bài học kinh nghiệm tham khảo cho các nhà nghiên cứu và tư vấn chính sách hiện nay ở nước ta. Bài viết “Giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ - kinh nghiệm Nhật Bản” của ThS. Vương Đoàn Đức. Giáo dục thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược vô cùng quan trọng mà mọi quốc gia đều phải quan tâm, có ý nghĩa vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trong quá trình đó, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ thực tiễn các quốc gia điển hình là một yêu cầu khách quan và Nhật Bản là một trong số những quốc gia đáng để học tập, những kinh nghiệm của Nhật bản cũng có giá trị tham khảo cao với Việt Nam. Bài viết này tập trung vào năm kinh nghiệm lớn của Nhật Bản trong giáo dục thế hệ trẻ, từ đó giúp tìm ra những điểm nhìn tham chiếu và bài học kinh nghiệm trong giáo dục thế hệ trẻ ở Việt Nam hiện nay. Bài viết “Chính sách pháp luật trong lĩnh vực xuất bản ở nước ta hiện nay” của TS. Huỳnh Thị Chuyên. Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật về xuất bản đã cơ bản đồng bộ, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động xuất bản thời gian qua. Tuy nhiên, hoạt động xuất bản vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức do cơ chế, chính sách pháp luật về lĩnh vực xuất bản chưa hoàn thiện. Để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động xuất bản phát triển và hội nhập trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản (Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông) cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất bản để phù hợp với thực tiễn, đáp ứng mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Cũng trong chuyên mục này, còn nhiều bài viết khác như: Bài viết “Sự đúng đắn của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua chặng đường đổi mới ở Việt Nam” của ThS. Trần Xuân Ban; bài viết “Một số vấn đề về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay” của TS. Nguyễn Thanh Nga; bài viết “Vụ việc ở Cư Kuin, Đắk Lắk và sự vào cuộc không khoan nhượng của báo chí” của PGS,TS. Đinh Thị Thu Hằng và ThS. Nguyễn Thị Thu; bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thương hiệu điểm đến du lịch” của ThS. Đỗ Thị Hải Đăng. Các chuyên mục khác như Chuông làng báo; Sự kiện – Bình luận tiếp tục ra mắt bạn đọc với nhiều bài viết giá trị. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!