Dân tộc Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình, với khát vọng độc lập tự do và cũng là dân tộc phải gánh chịu chiến tranh xâm lược liên miên suốt cả chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Vì lẽ đó trong hành trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, chúng ta đã có đến 3 bản Tuyên ngôn khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc. Đó là những “lời thề giữ nước” là những bản “thiên cổ hùng văn” vang dậy núi sông truyền cảm hứng bao thế hệ người Việt Nam tiếp nối truyền thống anh hùng đó. Lịch sử đã ghi lại, năm 1076 trên trận tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) tướng quân Lý Thường Kiệt đã xuất thần những lời thơ bất hủ “Nam quốc sơn hà nam đế cư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở) khơi dậy lòng yêu nước, tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn cho quân dân Đại Việt, như bản tuyên ngôn thứ nhất khẳng định một ý chí quyết tâm đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc bờ cõi giang sơn tổ quốc. Năm 1428, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Nguyễn Trãi đã viết “Bình Ngô Đại Cáo” như là bản tuyên ngôn thứ hai: “Như nước Đại Việt ta từ trước - Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, tiếp tục khẳng định truyền thống văn hiến và nền độc lập dân tộc. Hơn 5 thế kỷ sau, ngày 2/9/1945 giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, trong nắng thu vàng rực rỡ, giữa biển người với cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập do Người soạn thảo để tuyên bố trước toàn thế giới. Thời gian sẽ lùi xa nhưng Tuyên ngôn Độc lập chứa đựng lời thề thiêng liêng, thể hiện sâu sắc khát vọng độc lập, tự do của toàn thể nhân dân ta, biểu thị quyết tâm và ý chí của dân tộc Việt Nam vẫn luôn vang vọng non sông. Trên hành trình vinh quang của tự do và độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”,… Chính vì thế, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành khát vọng cháy bỏng và là nguồn động lực to lớn để nhân dân Việt Nam, muôn người như một, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tay nắm chặt tay, cùng nhau tiến bước dưới cờ đỏ sao vàng, phấn đấu vì nền độc lập dân tộc, vì sự phát triển thịnh vượng phồn vinh, vì hạnh phúc của muôn nhà và góp phần cho hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, tinh thần của Ngày Quốc khánh 2-9 sẽ đời đời bất diệt. Lời thề độc lập trong nắng Ba Đình mùa thu năm 1945 sẽ sống mãi trong mỗi người dân đất Việt như một bản anh hùng ca bất diệt, là nguồn động viên to lớn khơi dậy nhiệt huyết của thế hệ hôm nay và mai sau quyết giữ vững nền độc lập, tự do, xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là ước mơ của toàn thể dân tộc Việt Nam. Chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giới thiệu cùng bạn đọc 3 bài viết. Bài thứ nhất “Những yêu cầu đặt ra về đào tạo đội ngũ giảng viên lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay” của PGS,TS. Trần Thanh Giang và TS. Nguyễn Thị Như Huế. Một trong những thách thức đặt ra cho Đảng ta trong bối cảnh hiện nay là công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII. Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị thông qua bài giảng, các công trình nghiên cứu sẽ cung cấp những tri thức nhằm hình thành, phát triển thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng, củng cố niềm tin cho người học vào đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng cho người học kỹ năng nhận diện vấn đề, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Vì vậy, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị (LLCT) phải được xây dựng, phát triển cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động giảng dạy có tính đặc thù và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bài thứ hai: “Không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự ra đời của nước Việt Nam mới” của TS. Phan Sỹ Thanh. Những năm gần đây, một trong những thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta bằng chiến dịch quy mô quốc tế, dưới nhiều phương thức khác nhau, nhằm xuyên tạc, bôi nhọ lãnh tụ, hạ thấp uy tín lãnh đạo của Đảng ta và Hồ Chí Minh với sự ra đời của nước Việt Nam mới. Nhưng dẫu tìm mọi cách, lúc trắng trợn, lúc tinh vi, chúng nhất định không lừa dối được nhân dân Việt Nam và những người có lương tri trên toàn thế giới. Bài thứ ba: “Phát huy vai trò của xuất bản sách lý luận chính trị trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” của ThS. Trần Thu Quỳnh. Sách lý luận chính trị thường xuyên được sử dụng trong công tác giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác xuất bản sách lý luận chính trị thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, song cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục để tiếp tục đóng góp vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch thời gian tới. Tiếp đến là chuyên mục Nghiên cứu - Trao đổi giới thiệu đến bạn đọc những bài viết bổ ích. Bài viết “Tìm hiểu cách lãnh đạo dân chủ trong quan niệm của Hồ Chí Minh” của PGS,TS. Nguyễn Hữu Đổng. Cách lãnh đạo dân chủ được nhiều người quan tâm nghiên cứu ở các khía cạnh lãnh đạo và dân chủ. Tuy nhiên, khi lý giải, người nghiên cứu chỉ tập trung đi sâu vào tính chất hình thức bên ngoài, bản chất nội dung bên trong, chứ không phân tích cụ thể thực chất nguyên lý toàn diện ở giữa nội dung và hình thức; đồng thời không chỉ ra mối liên hệ theo quy luật, hiện thực phát triển khách quan giữa các mặt này với nhau. Bằng tư duy sáng tạo, tác giả bài viết làm rõ thực trạng và kiến nghị giải pháp xây dựng cách lãnh đạo dân chủ trong các tổ chức chính trị và xã hội. Bài viết “Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kết hợp đúng đắn nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến trong những năm 1930 - 1945” của TS. Vũ Thị Duyên. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1930 -1945), trên cơ sở vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm của Quốc tế Cộng sản và thực tiễn Việt Nam, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành được độc lập cho dân tộc. Để có được thắng lợi vẻ vang đó chính là nhờ Đảng ta đã luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giải quyết đúng đắn nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Bài viết “Quá trình hình thành và phát triển của pháp luật tố tụng hành chính Việt Nam với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân hiện nay” của TS. Nguyễn Thị Thuỷ. Bài viết trình bày quá trình hình thành và phát triển của pháp luật Tố tụng hành chính dưới cách tiếp cận bảo vệ; bảo đảm quyền con người, quyền công dân đáp ứng yêu cầu Hiến pháp năm 2013. Nội dung bài viết chỉ lựa chọn những vấn đề quan trọng của mỗi giai đoạn để trình bày; từ đó khẳng định sự phát triển của pháp luật Tố tụng hành chính theo xu hướng ngày càng bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân triệt để, thực chất hơn. Trong chuyên mục này còn có những bài viết khác như: Bài viết “Vấn đề an ninh mạng tại các cơ quan báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay” của PGS,TS. Phạm Thị Thanh Tịnh; bài viết “Kỹ năng dẫn chương trình hội thoại truyền hình” của TS. Nguyễn Nga Huyền; bài viết “Đa nguyên chính trị, đa đảng “đối lập” và “giấc mơ dân chủ” của phương Tây của TS. Nguyễn Vân Hạnh; bài viết “Giải mã quan niệm của Amartya Sen về căn tính” của TS. Vũ Thanh Vân. Kế tiếp là chuyên mục Thực tiễn - Kinh nghiệm cũng sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều bài viết giàu giá trị khoa học, thực tiễn. Bài viết “Đấu tranh chống lợi dụng cơ chế hợp tác nhân dân ASEAN thông tin sai sự thật về Việt Nam” của ThS. Ngô thị Thuý Hiền. Bài nghiên cứu nhằm mục đích thảo luận về thực trạng đấu tranh với các tổ chức, cá nhân lợi dụng Diễn đàn nhân dân ASEAN (APF) thông tin sai lệch về Việt Nam trên các khía cạnh: cơ sở của hoạt động đấu tranh phản bác thông tin sai sự thật trên APF; APF và việc đấu tranh bác bỏ thông tin sai lệch về Việt Nam tại diễn đàn; một số nhận xét, khuyến nghị. Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp tiếp cận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin, quan điểm về đoàn kết nhân dân, hợp tác và hội nhập và vai trò của các chủ thể phi quốc gia trong quan hệ quốc tế (QHQT). Các phương pháp cụ thể được sử dụng: thu thập dữ liệu, thống kê, phân tích - tổng hợp, lôgíc - lịch sử, đối chiếu so sánh nhằm tìm ra đáp án cho câu hỏi nghiên cứu. Bài viết “Hoạt động thông tin đối ngoại cho người nước ngoài ở Việt Nam hiện nay” của TS. Lưu Trần Toàn. Thông tin đối ngoại cho người nước ngoài ở Việt Nam là một bộ phận nằm trong tổng thể hoạt động thông tin đối ngoại Việt Nam, hướng đến riêng người nước ngoài trong lãnh thổ Việt Nam nhằm làm cho họ có nhận thức, thái độ, hành vi tích cực đối với Việt Nam. Với lợi thế về phạm vi tiếp cận gần, hoạt động thông tin đối ngoại hướng tới người nước ngoài ở Việt Nam có nhiều đóng góp quan trọng trong nâng cao hình ảnh Việt Nam trong nhiều mặt, vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư hiệu quả, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam với nhiều phản hồi tốt đẹp. Bài viết làm rõ đặc điểm của các nhóm đối tượng trọng tâm, và các phương thức, chủ thể thực hiện thông tin đối ngoại hướng tới nhóm đối tượng này trong thực tiễn hiện nay. Bài viết “Hoạt động xuất bản sách tinh gọn của một số đơn vị xuất bản ở Việt Nam hiện nay” của TS Vũ Thuỳ Dương. Trong thời gian qua, thị trường kinh doanh sách ở Việt Nam đã xuất hiện những đầu sách tinh gọn dưới dạng sách điện tử. Sự phát triển của sách tinh gọn sẽ là một cú hích mạnh mẽ cho văn hóa đọc sách truyền thống phát triển hơn theo hướng tích cực, bắt nhịp với xu thế thời đại. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích hoạt động xuất bản sách tinh gọn của một số đơn vị xuất bản ở Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, cũng trong chuyên mục này còn có các bài viết khác như: Bài viết “Hình ảnh Tổng thống Hoa Kỳ qua ảnh (Tham chiếu trường hợp Tổng thống Obama và Tổng thống Trump)” của ThS. Dương Quốc Bình; bài viết “Chính sách xã hội đối với công nhân của Singapore và bài học tham khảo cho việc xây dựng chính sách với công nhân Việt Nam hiện nay” của PGS,TS. Bùi Thị Kim Hậu và ThS. Nguyễn Phương Anh; bài viết “Những giá trị gia đình truyền thống và hiện đại được thanh niên hướng đến trong bối cảnh hiện nay (Nghiên cứu trường hợp sinh viên Hà Nội)” của TS. Dương Thị Thu Hương; bài viết “Phong cách dẫn chương trình trong các Game show trên VTV – nhìn từ góc độ ngôn ngữ” của ThS. Phạm Thị Hà. Các chuyên mục khác như Chuông làng báo; Sự kiện – Bình luận tiếp tục mang đến cho bạn đọc những bài viết sâu sắc, cuốn hút. Xin trân trọng giới thiệu!